Hoa Khế

Chương 3.1

Cuộc sống nông thôn những năm chín mươi quả thật không dễ dàng gì. Hồi đó, nói tăng gia sản xuất là thế chứ hiếm nhà nào đủ ăn đủ mặc, nhất là nhà đông con như nhà tôi. Tiền trợ cấp của mẹ tiêu hết vào mấy bịch thuốc Đông y rồi thuốc Tây y; tiền công của cha thì để trang trải ăn uống chi tiêu cho cả nhà, không đủ. Nhưng mà nhìn xuống vẫn thấy nhà tôi còn hơn chán. Tính ra thì vẫn hơn khối người.

Có một đợt mất mùa, đồ ăn chỉ đủ mỗi người một phần nhỏ, tôi nhường cơm trắng cho bọn nhỏ, còn mình thì trốn mấy đứa nhỏ đi đào cây chuối của nhà trồng, chặt gốc chuối ra, luộc lên ăn như thuồng luồng. Tôi đang tuổi lớn, trước đó có khi nhà hết khoai sắn, thỉnh thoảng phải nhịn đói đến hoa cả mắt thì không sao nhưng giờ nhiều lúc không nhịn được. Đến khi bọn nhỏ thấy cây chuối “héo”, cũng chẳng biết lí do tại sao.

Cũng có những lúc nhường ít cơm trắng cho con Huyên xong, bát cơm của tôi chỉ mấy củ khoai hà đắng ngắt, nhưng nhìn con Huyên được thêm thìa cơm mà cười như con khùng, tôi cũng không xót nữa. Cho dù mỗi ngày đều ăn rau má rau đắng qua ngày cũng không sao.

Tôi nghĩ, chí ít thì cả nhà vẫn bình an là được.

Nhưng số phận ngang trái, nhà tôi lại đột ngột trải qua một trận “bể dâu”. Bò bị thằng thất đức nào đó trộm mất, thằng Cần với thằng Nhậm khóc như nhà có tang. Cái thứ quý giá nhất xếp sau người nhà đã không còn, tôi không khóc nhưng cũng âm thầm lôi ông bà tổ tiên của thằng cha mất dạy ấy ra mà chửi... Bò đi rồi, nhà tôi cũng tàn.

Sau đợt ấy, nhà tôi sập hẳn, từ chỗ vét vừa đủ ăn trở thành tiêu cơ. Cha tôi lại nói số trời, đành chịu vậy. Tôi biết bao nhiêu nỗi xót của, hoang mang và sợ hãi trong tương lai cha đều cất hết, một mình gặm nhấm. Nhà tôi đông con lại tấn ăn, tấn học, gánh nặng trên vai cha càng ngày càng nặng trĩu. Tôi không thể làm như không thấy được.

Trước khi mùa đông tới, tôi và các em tranh thủ chất đống rơm lại thành một đống lớn, hoàn thành một chiếc giường êm ái, chuẩn bị chiến đấu với cái lạnh miền Trung. Nhưng mà đông chưa kịp thấy đâu đã thấy thằng Nhậm nghịch lửa đốt cháy cả đống rơm đầy công sức của cả lũ. Rơm cháy hết còn mỗi tro tàn bay bay trong gió, mà tôi còn phải cảm tạ Trời Phật may mà lửa không bén sang góc tranh nhà người ta.

Dù vậy, kể cả khi có thằng Tài tận mắt chứng kiến nhưng không ngăn cản, thằng Nhậm vẫn chối đây đẩy. Nó một hai không nhận, còn nói dối. Tôi bẻ đám mùng ngứa lên, chất nước nhầy nhụa mà chỉ cần động vào da là khiến người ta ngứa điên ngứa đảo cuối cùng cũng khiến nó nhận tội.

Mùa đông năm ấy, gió lạnh ùa về, lạnh cắt da cắt thịt, xuyên qua lớp áo mỏng mà chui vào trong người, lạnh đến xương tuỷ, củi tre trong kho đều bị thằng Nhậm ném vào lò để chống rét rồi mà vẫn chẳng thấm vào đâu. Ai bảo thằng Nhậm nghịch ngu làm gì, chạn rơm ấm áp xem như cũng đi tong.

Mùa đông lạnh lẽo, cha trở về nhà, tôi lại rời nhà. Việc nhà đều để lại cho mấy đứa em, tôi đi làm thuê cho nhà ông Vạc – ông không vợ không con nhưng nhà ông có tiền, ông thường mướn mấy đứa tầm tuổi tôi để giúp ông làm công, dù rằng ít đứa nào có thể chịu đựng được cái tính bới móc của ông.

Tôi cứ nghĩ mình đi làm công cho ông tầm vài ba bữa không khéo lại bị đuổi về ấy chứ, thế mà không hiểu sao lại kéo dài sang năm thứ hai. Mấy đứa nhỏ bị ông Vạc ghét đuổi về từ lâu, riêng tôi vẫn bám trụ được ở đấy, thỉnh thoảng còn được ông cho phép lại nhà với mấy đứa nhỏ. Người ta bảo tôi cứng đấy, hợp tính ông Vạc. Mà có lẽ cũng đúng thật. Nhiều lúc tôi nhớ nhà điên cuồng, khóc tu tu, ông Vạc là người đã mua kẹo trấn an tôi. Ông ấy già rồi, da tay nhăn nheo, càng nhìn tôi càng cảm thấy giống cha tôi. Thôi lại thế, tôi lại nhớ đến ông cha già nhà mình rồi. Mà nhớ đến cha, lại nhớ mấy đứa nhỏ khôn nguôi.

Bước sang năm thứ hai ở nhà ông Vạc, tôi cũng gần như trở thành con trai của ông, ý tôi là về mặt tình cảm. Tiếp xúc lâu dài với ông mới biết ông cũng không khó ở như thế. Có lẽ già cả và cô đơn đã lâu, ông không có giỏi thể hiện cảm xúc và cũng không dễ kiềm chế cảm xúc. Nhưng năm thứ hai chúng tôi chỉ ở với nhau được hết tháng Giêng. Qua tháng Giêng, ông Vạc đi.

Ông không nói tiếng nào mà lặng lẽ đi. Cả đời cô quạnh như thế, đến lúc mất lại có một đoàn người tự xưng là con cháu đến viếng ông. Khi đó đã là giỗ ba ngày của ông rồi. Trong số đó, có một người đàn ông khoác măng tô đen khiến tôi rất ấn tượng. Ông ta quần áo phẳng phiu, cả người toát ra mùi vị của người có tiền, nghe đâu là đứa con trai du học mấy mươi năm của ông Vạc. Hồi còn trẻ ông cụ gom nhặt hết tiền cho con trai sang nước ngoài (nước ngoài ở đâu tôi nào biết, chỉ nghe nói là rất xa rất xa), cuối cùng biệt tăm luôn. Có lẽ đứa con nghe tin mới quay về. Lúc đó tôi mới ngớ người ra, hoá ra ông Vạc cũng có con trai đấy chứ, thế mà tôi cứ tưởng ông không vợ không con.

Nghĩ cũng lạ, tôi làm thuê cho ông ba năm rồi, ngày thường cũng không nghe ông nhắc đến đứa con trai này. Có lẽ là vì ông chẳng còn “mặn mà” gì với đứa con bỏ cha già mấy chục năm không liên lạc. Tôi bật hiểu, hoá ra ông Vạc vừa ghét đám nhỏ lại vừa muốn thuê đám nhỏ là vì thế. Trong lòng ông, vẫn còn day dứt giữa thương nhớ và giận hờn.

Sau này chính tai tôi nghe được người ta bàn tán nhau chuyện “măng tô” bán hết ruộng vườn và đất đai của ông Vạc, kể cả ngôi nhà thờ tự ông rồi lại lần nữa biệt tăm biệt tích, lòng tôi lúc ấy vừa đau nhói vừa chua xót, hận không thể cho ông măng tô một cuốc vào đầu, cuốc đến khi nào bõ tức mới thôi.

- Cuốc gì cơ? – Con Huyên hai mắt sáng như sao nhìn tôi.

- Cuốc cái đầu mi ấy, không thấy anh đang cuốc đất hay sao mà hỏi mãi.

Tôi đang cuốc đất trồng cây, con Huyên cứ lượn lờ bên cạnh vướng cả cái chân. Tôi quát nó, nó không nghe, vẫn cứ đòi sấn lại bên người tôi mới chịu, làm tôi chưa giơ được cuốc lên đã sợ cuốc luôn vào cái mặt lì lợm của nó. Phải đến khi tôi hét cả lít nước miếng vào mặt thì con bé mới chịu ấm ức quay trở lại ngồi gốc cây chuối nhìn tôi chăm chú. Tôi cuốc được hai nhát, quay đầu sang nhìn nó:

- Ngồi đó dính mét chuối thì chết với anh.

Con Huyên mỗi lần giận lẫy đều như thế, nó chỉ khiến người làm anh như tôi phiền não thêm mới được thôi. Tôi chẳng thèm để tâm đến nó, tiếp tục bổ từng nhát cuốc một xuống đất. Sau khi ông Vạc mất, tôi cũng chuyển về nhà. Thỉnh thoảng tôi nhớ ông Vạc da diết như lúc tôi ở nhà ông rồi nhớ cha vậy. Nhưng dù sao, ở đây mới là nhà tôi.

Về lại nhà, tôi được đám nhỏ bám đuôi suốt ngày, chúng dường như sợ tôi đi xa tiếp, nhất là con Huyên. Bình thường tôi cũng chỉ ra đồng với ở nhà, ở nhà thì làm mấy thứ vặt vãnh thôi, chưa kiếm được việc nào ra hồn. Nhà không có bò nữa, nhiều lúc nhìn mấy đứa trẻ con bằng tuổi con Huyên chăn trâu, chăn bò qua là tôi lại thấy khoé mắt cay cay.

Thời gian qua nhờ có ông Vạc trả thù lao hậu hĩnh, quan trọng nhất là tiền công của cha, nhà tôi cũng đỡ xập xệ đi phần nào. Cha tôi giờ lại theo các chú trong công trường ra phía Bắc tính sổ công rồi, chẳng biết ngày tháng nào mới về. Tôi ở nhà, thay cha làm chủ, đốc thúc mấy đứa nhỏ học hành và chăm sóc gia đình, sau này việc này sẽ đến tay thằng Nhậm và thằng Cầm khi tôi đi làm thuê.

Bây giờ đã vào mùa, tôi xin được ít hạt giống mướp đắng của nhà bà Ban, dự định trồng một vườn mướp đắng xanh tốt trĩu quả. Cả nhà tôi ai cũng thích ăn mướp đắng, nhất là mướp đắng xào trứng, bữa cơm mà có món này là ai cũng tít mắt cả lên.