Hoa Khế

Chương 1.2

Hội chăn trâu có nhiều người, tổ chức rất nhiều trò chơi vui nhộn, hơn nữa tôi ở đây cũng có tiếng nói. Tôi tham gia sớm nhất nhì, tính vai vế chỉ sau mỗi anh Lâm và con Ánh điêu ngoa xóm bên, vì con Ánh là em họ của anh Lâm, tôi không thể nào không nể mặt được.

Chúng tôi thường lùa trâu vào chung một chỗ, bọn trâu thì mải ăn, chúng tôi thì mải chơi. Lắm lúc chơi vui đến tối muộn quên giờ về. Nào thì đánh khăm, đánh đáo, nào thì xin vặt hết đầu tiên nhà ông Lệ; ngày gió lên thì đua diều, ngày gió lặng thì cùng nhau đuổi mắt bắt dê... Trò chơi nhiều đáo để, đã thế còn chơi rất vui, rất sảng khoái, tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ như tôi vang nơi nơi, vang khắp mọi ngõ ngách xóm Phúc Lịnh không bỏ sót chỗ nào.

Nhiều lúc, nướng khoai chán thì lại chơi ô ăn quan, ô ăn quan mà chán quá thì chơi trò vật nhau. Tôi mê mể mề mê cái trò này, vì chỉ cần tôi đề nghị chơi vật, con Ánh sẽ tức điên lên, mà dù có tức thế nào nó cũng không thể ngăn bọn con trai lại. Nó không thể chơi cũng không thể cấm đoán hết mấy đứa con trai hừng hực khí thế không được chơi.

Tôi rất thích cảnh tượng này, bọn con trai một bên vật nhau, hô hào ầm ĩ, chỉ có nó một bên buồn thiu ngồi cắt cỏ, một bên lôi tên tôi ra mà chửi cho hả lòng hả dạ. Nhiều lúc tôi sẽ còn thêm dầu vào lửa, chọc nó cho vui:

- Chửi chi, đồ điêu ngoa?!

- Lượn! - Con Ánh trợn mắt lên mà gào, bắn nước bọt trong mồm phun tứ phía.

Tôi dùng chân trần đá cục đất nhỏ đi, chuẩn xác nhắm trúng bên chân con bé. Địa vị trong hội là một chuyện, tôi là con trai sao có thể thua đứa con gái được chứ, cho dù là cãi nhau không. Bọn con trai đều hỏi tôi vì sao hay trêu con Ánh, tôi ngơ ra, chẳng lẽ không ghét thì không trêu được sao, huống hồ rõ ràng tôi còn ghi nợ với con bé đó một chuyện.

Thực ra thì, tôi thù con Ánh cũng khá lâu rồi, dù thù đã vào dĩ vãng, tôi vẫn cứng rắn không chịu xuống nước trước. Mối thù của chúng tôi vừa nông cũng vừa sâu, một ngày nọ lúc cả hội đang mải chơi, đột nhiên con trâu nhà tôi và con trâu nhà con Ánh chọi nhau, không phải là kiểu chọi nhau xã giao mà là sừng trâu nhà con bé xuyên qua lớp da dày làm trâu nhà tôi chảy máu, từ đó tôi liền thù con Ánh. Con bé cũng bất đắc dĩ không thể nào làm khác hơn đành kết thù với tôi. Không ai trong hai chịu xuống nước làm hoà, lâu dần chúng tôi một mặt chơi với nhau một mặt trêu chọc nhau.

Con Ánh cầm liềm giơ ra phía trước, ánh mắt quắc đầy dữ tợn, điệu bộ hung dữ của nó y như sắp lao vào một cuộc chiến sống còn. Tôi không bị doạ sợ tí nào, thỉnh thoảng còn dám chạy lại giật bím tóc xơ xác vàng hoe của con bé, đến khi nó hai mắt đỏ hoe như sắp khóc mới vội vàng chạy toé khói. Con Ánh lại thế rồi, mồm thì to chửi người ta như tát nước vào mặt, thế mà lúc bị trêu lại thì lại giả đò, giả vờ để thằng Hùng nhìn thấy nó “nước mắt cá sấu” thì hiệp nghĩa trừng trị tôi đó. Tôi không sợ thằng Hùng chút nào, chỉ là có hơi sợ thấy con gái khóc, dù tôi biết con Ánh sẽ không khóc.

Đồ điêu ngoa thực sự không có khóc, thắt lại bím tóc rồi tiếp tục cầm liềm cắt cỏ. Dưới ánh nắng chói chang, da dẻ của nó màu nâu đất cháy nắng còn sạm hơn tôi vài phần, hai má nó đỏ hây hây, tôi ở xa nhìn thấy hơi chột dạ liền quay đầu đi, chạy lại chơi vật nhau với bọn con trai. Chúng nó cười, trêu chọc cái gì đó, tôi không để tâm, lao vào vật ngã thằng nhóc nào đó trong chớp mắt.

Tiếng la hét, reo hò ầm ĩ mãi không ngớt. Trái tim tôi khi đó cứ đập thình thịch thình thịch như muốn nhảy ra khỏi l*иg ngực, nhịp tim tôi như hoà vào nhịp tim của những đứa trẻ xung quanh, tạo thành bản đồng ca đồng quê rộn ràng. Tràn trề nhựa sống. Tôi hít một hơi thật sâu, sau đó vui vẻ cười lớn, hai mắt híp lại bé ti hí dưới ánh nắng mặt trời.

Người ta nói người nghèo thì khổ, đúng là khổ thật, nhưng mà cũng vui. Vui vẻ chân thật từ trong cái nghèo bước ra đó. Sinh ra ở nông thôn thì sao, sinh ra trong đói nghèo thì có hề gì, tôi của những ngày đó được trưởng thành dưới bầu trời trong vắt, hưởng thụ niềm vui to nhỏ với những người bạn đồng quê, được thảnh thơi giữa cánh đồng rồi nắm lấy vào tay những bông lúa thơm hương sữa. Có lẽ con người càng nghèo khổ thì càng không dám đòi hỏi nhiều, giống như những đứa trẻ như chúng tôi vậy, không dám đòi hỏi lớn lao, an phận, hiểu chuyện, chỉ một chút điều thú vị xảy ra cũng khiến tâm trí vui vẻ đến mất ngủ.

Thế mà cuộc vui cũng đến ngày tàn, hội chăn trâu giải tán, lí do là vì anh Lâm bị “ma nhập”. Ngày hôm đó tôi to gan trèo lên bức tường đầy mẻ chai vụn, nhìn vào thẳng giữa sân, trông thấy anh Lâm đang cởi trần như nhộng bị cha anh quất vào mông những trận roi dâu đau điếng, những người xung quanh còn xúm lại chỉ trò, bàn tán gì đó, náo nhiệt như phiên chợ.

Sau đó những đứa trẻ đều chạy đến xem, anh Lâm không còn mặt mũi nữa, bắt giải tán hội luôn. Tôi biết thực chất là anh cũng không muốn chơi bời nữa, sang năm anh ấy lên tỉnh học rồi, lí do kia cũng chỉ là cái cớ thôi. Vì tò mò, tôi vẫn có hỏi qua anh Lâm về thực hư chuyện bị nhập, anh thế mà lại không nể mặt, kể chuyện, doạ tôi đến hết hồn, tim gan phèo phổi đều muốn chui ra ngoài luôn. Anh kể lại lúc dắt trâu về nhà, đi tắt qua nghĩa địa, chắc là dẫm lên mồ mả người ta nên bị bắt lại, bị đánh roi dâu mới tỉnh táo lại.

Nghe vậy, tôi nhớ lại, đếm trên đầu ngón tay mấy lần mình cũng đi tắt như anh Lâm, cuối cùng phát hiện đếm hết cả đầu ngón chân cũng không đủ.

Tôi hồi bé nào có sợ ma đâu, thế mà khi đó bị anh Lâm doạ đến mức suýt tè ra cả quần, về nhà liền khóc lóc ỉ ôi với cha không muốn chăn trâu nữa. Cũng thật thần kì, thế mà cha lại gật đầu chiều tôi. Cho đến khi tôi nhìn thấy cặp bò vàng thì mới ngơ ra. Hoá ra không phải vì tôi mà là vì khi ấy giá bò đột nhiên lên, cha cũng không muốn nuôi trâu nữa, cái nào lãi hơn thì nuôi thôi. Sau khi nói với ông lái, đổi con trâu thành một cặp bò theo đúng giá tiền của con trâu, cha đưa việc chăm bò mẹ cho thằng Nhậm, còn me con thì để thằng Cần trông.

Vào cái ngày tôi tránh thoát được kiếp thằng chăn trâu cũng là lúc chính thức “chuyển nghề”, cha để tôi theo họ hàng bên nội học mấy việc lặt vặt trên cánh đồng. Năm nữa nhà tôi mới được chia lại ruộng, còn bấy giờ thì vẫn phải làm chung với mấy chú, mấy o (1) bên nhà cha, thế nên tôi chỉ có thể đau khổ xách mông lên mà nghe theo thôi, cho dù trong thâm tâm tôi vẫn luôn không thích ứng được với mấy người bên nhà ấy. Tôi từ trước đến nay vẫn luôn bài xích, ghét bỏ những con người ồn ào, hay xỉa xói và thích bới móc, bắt bẻ và rêu rao chuyện xấu của người khác. Ở bên kia suốt một năm, cha mạ ơi, tôi sợ đến mức nửa đêm đột nhiên ngồi dậy khóc, cầm túi quần áo mà cha gói ghém khóc không ra hơi. Chỉ có mỗi thằng Nhậm, thằng Cần với con Huyên vẫn ngủ say như lợn.

“Chúng có thương gì anh chúng đâu”, tôi chua xót nghĩ thầm, chỉ muốn giơ chân đạp mấy đứa nhỏ rớt xuống chõng cho đỡ tức. Đêm đó tôi mất ngủ, lặng nhìn màn đêm tối tăm ngoài cửa sổ, chỉ mong trời đừng có sáng nữa, vì trời sáng rồi thì tôi lấy cớ gì để được ở nhà nữa.

Dù lưu luyến thế nào đi nữa, năm đó tôi vẫn phải rời nhà đi. Khoảng thời gian hơn mười hai tháng mà bị tôi xem là dài đằng đẵng ấy thực sự là khoảng thời gian u ám nhất mà hồi nhỏ tôi đã phải trải qua, nghĩ đến giờ quả thực là vẫn thấy khổ đến cùng cực.

Song cũng bởi được học tập vốn kinh nghiệm nhà nông từ người đi trước, tôi sau đó đã học được cách tự lập như một nhà nông thực sự: không cần ai bảo ban đã tự giác sáng sớm tinh mơ liền ra đồng, tối muộn mới về; chưa đến ngày mùa thì đốt rạ, cắt cỏ bờ, bón phân, bẫy chuột... việc nào trong khâu trồng trọt lương thực cũng từng động qua. Đến ngày mùa tôi sẽ lẽo đẽo sau mông người ta đi mót lúa (2). Ruộng lúa mới gặt dù sạch sẽ đến mấy cũng sẽ làm rơi một ít hạt lúa vàng, chưa kịp đợi người ta gắt xong, bàn tay tôi đã vươn ra phía trước trực sẵn. Để đề phòng một đống trẻ em mặt mũi lấm lem phía sau và cũng đề phòng người ta keo kiệt quay đầu lại nhặt.

Vừa mót lúa, tôi vừa mơ mộng đến việc năm sau có thể đứng trên mảnh ruộng của riêng mình để cày cấy, thu hoạch. Lúc đó, tôi sẽ không còn phải giành giật từng hạt thóc với bọn con nít khổ hơn mình, càng không bị ngã sõng soài trên bùn rồi vẫn phải đứng lên. Có ruộng riêng rồi, tôi sẽ là người chủ đích thực, ngày mùa qua sẽ để con Huyên và thằng Cần lấy thoả thích thóc đi rang rồi nhai tanh tách; còn cho thằng Nhậm ít tiền mua mấy viên bi xanh đỏ mà nó vẫn luôn thòm thèm.

Ước sao được vậy – tôi cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm vì không phải lon ton chạy sau mông người chú hay cáu kỉnh hở tí là cốc đầu nữa, càng không cần phải cố che che giấu giấu mấy vụn khoai dưới ánh mắt hẹp hòi của o Đan. Một năm sau tôi về nhà, không còn liên quan đến bên nội nữa. Năm nhà tôi được phân đất làm ruộng, tôi không kìm nổi sung sướиɠ mà chạy quanh bãi cát lớn trong xóm rồi lộn nhào mấy vòng lớn, cười như thằng điên.

Lớn hơn một chút nữa, tầm tám, chín tuổi gì đó thì tôi vác cày ra đồng. Chuyện khi đó tôi vẫn nhớ rõ lắm, nhớ rõ cây cày rất nặng, mà nó đặt lên lưng tôi, gánh nặng cả con đường đất dài không điểm cuối. Đau đớn năm đó thì đã qua rồi nhưng chuyện hề tôi vác cày ngược ở giữa đồng vẫn luôn là câu chuyện cười không bao giờ ngớt.

Tôi thường bao biện rằng là do không có ai dạy tôi vác cày sao cho đúng. Tôi ở bên nội một năm, chú Dần có dạy cho mấy cái lặt vặt này đâu, tôi hỏi nhiều còn bị ăn đánh chứ chả đùa. Giờ tôi chỉ có thể tự mình nhìn, tự mình học, tự mình làm thôi. Tôi khi đó, vác cày ngược, một mình làm ruộng, dáng vẻ ấy sau này được em trai khắc họa lại trong bài văn: “...Anh trai em làm ruộng, mồ hôi chảy như mưa. Em muốn lớn nhanh để kiếm tiền cho anh không khổ nữa...”.

Tôi lúc ấy cũng đã nghĩ sao mà số mình khổ, cho đến khi nhìn dòng chữ của em trai viết cho lại dường như cảm thấy mình cũng không khổ đến thế. Nhiều lần tôi thường lục tìm đọc lại bài văn dài lê thê như bài tế của đứa em, giống như để tiếp thêm sức mạnh, cũng là để bản thân không thể không ngừng nỗ lực cùng cha gồng gánh gia đình. Mỗi lần đọc xong tôi đều cảm động rớt nước mắt, hoài niệm lại quãng thời gian từng trải qua, tựa như trong một giây phút mơ màng đã nhìn thấy hình dáng chiếc lưng cong cong của đứa trẻ năm nào.

Năm tháng trôi qua, cái cày vác trên vai cũng nhẹ dần đi. Tôi trở thành cậu nhóc to xác vai u thịt bắp có thể chạy băng băng trên cánh đồng cả ngày mà không thấy rát, bó lúa trên vai cũng từ một biến thành hai. Tôi đang lớn, tôi biết một điều rằng hạt giống gieo trên mảnh đất không cần người chăm bẵm đang từ từ lớn lên, một sức sống nguyên thuỷ.

(1) Em gái của bố, có thể gọi là cô

(2) Nhặt lúa còn sót lại trên ruộng sau khi đã được gặt