Hóa ra, kết cục của Phù thủy là Happy Ending...
Kết cục của Phù thủy là... Happy Ending ư?
Có thật thế không? Kết thúc như vậy sao? Không, câu chuyện làm sao có thể dừng lại ở đây. Tôi đã nói rồi, đây không phải là chuyện cổ tích mà chúng ta quen thuộc. Mô-típ “từ đó về sau Hoàng tử và Công chúa hạnh phúc bên nhau mãi mãi” đã không còn thịnh hành ở cái thời đại mà mọi thứ đều có khả năng có thể diễn ra rồi.
Lúc câu chuyện chắp bút đến đây tôi đã ly thân được hai tháng hơn. Trước đó, chồng tôi đề xuất ly hôn nhưng tôi nói hay cứ thử ly thân trước xem sao. Vì mấy năm bình yên bên chồng khiến tôi cảm thấy mình hình như đã có một cuộc sống mới, một khởi đầu mới. Tôi đã không còn nhớ về hắn hay hối tiếc vì quyết định không đi tìm hắn. Giờ đây, bộ não tôi lắp đầy hình bóng chồng tôi nấu ăn, giúp tôi in tài liệu, nhắc nhở tôi đi tiếp khách đừng uống nhiều rượu. Tôi vẫn không yêu anh, nhưng tôi đã quen ở bên anh. Anh không đồng ý nhưng sau cùng vẫn chấp nhận ly thân trước. Tôi biết mình chỉ đang cố kéo dài thời gian, mong chút ít cảm tình của anh đối với tôi có thể giữ chân anh lại.
Nhưng có một ngày hứng lên, đưa bản thảo này cho anh đọc, nhìn thấy sự gượng gạo của anh, tôi lại dứt khoát chọn làm thủ tục nhanh một chút. Buông tha anh sớm chút - Đây là sự tôn trọng của tôi dành cho anh và cho mọi quyết định của anh, giống như sự tôn trọng của anh dành cho tôi mấy năm nay.
Sau ly hôn, dù tôi và anh tách ra, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng hỏi han giống như một người bạn đã gắn bó nhiều năm vậy. Mà hiện thực cũng quả thật vậy, cuộc hôn nhân của chúng tôi kéo dài sáu năm, lâu hơn tưởng tượng của bất cứ ai. Ngày con trai anh đầy tháng, tôi tặng đứa bé một chiếc lắc chân bạc. Anh ngượng ngùng không dám nhìn tôi, bộ dạng như người làm sai và sợ bị chỉ trích. Tôi thì lại rất bình thường. Tôi chẳng thấy sao cả, tôi không trách anh, ngược lại lại còn rất cảm kích anh: dù không phải lúc nào chúng tôi cũng êm đềm nhưng anh vẫn luôn tôn trọng và yêu quý tôi, anh không nɠɵạı ŧìиɧ trong cuộc hôn nhân của chúng tôi, chí ít đã cho tôi cảm nhận được một cuộc hôn nhân vợ chồng tương kính như thân, yên bình bình đạm trôi qua như thế nào. Ly hôn rồi anh mới tìm một mảnh ghép khác, kết hôn rồi sinh con, để đứa bé lớn lên trong một môi trường vừa có tình cha tình mẹ lại ấm áp sung túc. Tôi chúc phúc cho anh, cũng chúc anh và vợ con cuộc sống sung túc bền lâu.
Cũng trong năm đó, tôi nghỉ việc ở văn phòng, vì tôi muốn thư giãn một năm, hoặc hơn. Cuộc sống luôn có những điều vô xác định, tôi đã tập quen với điều đó. Trước mắt tôi vẫn một mình, thỉnh thoảng sẽ về nhà thăm bố mẹ. Rảnh rỗi, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian cho việc viết lách, đôi khi đăng tải lên mạng những mẩu chuyện nhỏ do mình viết. Một trong số đó có câu chuyện “Kết cục của Phù thủy là...” - câu chuyện mà tôi cuối cùng cũng biên tập xong:
Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ, Phù thủy và Hoàng tử là đôi bạn thân. Dẫu biết Hoàng tử không có tình cảm gì với mình, Phù thủy vẫn hết lòng yêu Hoàng tử say đắm. Tình yêu ấy điên rồ đến mức Phù thủy đã phá hủy hôn lễ đẹp như mơ của Hoàng tử và Công chúa nước láng giềng dưới sự chứng kiến của toàn thể mọi người trong vương quốc. Sau cùng, vì sợ phải đối mặt với Hoàng tử, Phù thủy đã tự mình phế bỏ quyền năng rồi chạy trốn vào rừng xanh.
Rất nhiều năm trôi qua, khi toàn vương quốc đều đinh ninh rằng Phù thủy đã gặp nạn trước thú dữ thì đột nhiên có tin tức từ rừng xanh truyền đến: hóa ra Phù thủy đã gặp gỡ và kết hôn với Hoàng tử nước láng giềng. Trong hôn lễ của họ, một nàng công chúa tự xưng là “tình yêu của Hoàng tử láng giềng” xuất hiện và sử dụng phép thuật khiến Phù thủy thương tích đầy mình. Hoàng tử nước láng giềng vì để bảo vệ Phù thủy mà làm trái ý Quốc vương Quốc hậu, kiên quyết đưa Phù thủy tìm đến Lâu đài thủy tinh - nơi có thể chữa lành tất cả mọi căn bệnh trên cuộc đời này và là nơi có thể khiến người ta quên đi đau khổ, được chìm đắm vào hạnh phúc vĩnh cữu.
Trong những năm sinh sống ở Lâu đài, Phù thủy quả thực đã vui vẻ trở lại, cùng Hoàng tử láng giềng trải qua những ngày tháng bình yên. Cho đến khi Hoàng tử tìm đến Lâu đài thủy tinh, ra lệnh Phù thủy phải quay trở lại vương quốc, dùng quyền năng và phép thuật của mình để bảo vệ vương quốc. Phù thủy không chút do dự mà lựa chọn Hoàng tử láng giềng, lựa chọn ở lại Lâu đài, không quay về vương quốc nữa. Vì Phù thủy đã không còn quyền năng, cũng không còn yêu Hoàng tử nữa.
Từ đó về sau, Phù thủy và Hoàng tử láng giềng ở bên nhau... nhưng không phải là bên nhau mãi. Lâu đài thủy tinh vốn không thể tồn tại vĩnh cữu. Một ngày nọ, khi Lâu đài sụp đổ, Phù thủy và Hoàng tử láng giềng thất lạc nhau. Cuối cùng, trước khi màn đêm buông xuống và thú dữ bủa vây, Phù thủy buộc phải rời khỏi nơi này, mang theo trái tim vụn vỡ như thủy tinh kia đi tìm chốn bình yên.
Sau khi tôi đăng tải câu chuyện này, đa phần mọi người đều chọn hình thức “ném đá”, mọi người nói văn phong của tôi không hay, giống cổ tích hắc ám, tôi đều không giận. Nếu đứng dưới góc độ nhận xét của họ thì cũng đúng đấy nên tôi làm cách nào để phản bác đây. Cho đến một ngày, em họ đọc hết câu chuyện, em hỏi tôi:
- Vậy đằng sau dấu “...” kia là gì chị? Là HE, BE hay OE?
Tôi nghiền ngẫm rất lâu rất lâu, sau đó mới trả lời em:
- ...
Kết cục của Phù thủy là HE, BE hay OE (*)?
Đều không chính xác. Không phải kết thúc hạnh phúc hay đau buồn, cũng không phải là cái kết mở. Kết cục của Phù thủy là... lựa chọn của Phù Thủy.
(*) HE: Happy Ending (Kết thúc hạnh phúc); BE: Bad Ending (Kết thúc buồn); OE: Open Ending (Kết thúc mở). Chỉ các kết thúc mà tác giả thường được lựa chọn để kết thúc câu chuyện.