Mặc dù phù thủy là từ nữ giới loài người thức tỉnh, nhưng tư tưởng và quan niệm của họ hoàn toàn khác với loài người.
Những phẩm chất như cống hiến và hy sinh của con người không hề phổ biến trong thế giới phù thủy.
Phù thủy tôn sùng độc lập và tự do cá nhân.
Miễn là không gây tổn hại đến lợi ích của các phù thủy khác, ý chí cá nhân của mỗi phù thủy được đặt lên hàng đầu.
Điều này có thể thấy rõ từ quan niệm về sinh sản của họ.
Mỗi phù thủy chỉ có một đứa con trong suốt cuộc đời, và bất kể sinh con với giống loài nào, con cái sinh ra đều là phù thủy.
Không phải phù thủy nào cũng kịp để lại hậu duệ của mình.
Do đó, số lượng phù thủy chưa từng có đợi bùng nổ nào.
Nếu không có thêm nữ nhân loại thức tỉnh, tộc phù thủy có lẽ đã tuyệt chủng từ lâu.
Trước tình huống này, tộc phù thủy cũng chỉ ban hành các phúc lợi sinh sản nhằm nâng cao tỷ lệ sinh con. Họ chưa bao giờ bắt buộc phù thủy phải sinh chỉ vì vấn đề dân số.
Từ khi Ma Nữ đại nhân giáng thế, cắt Vùng Hoang Dã thành lãnh địa, chỉ có những ngoại tộc đã ký kết khế ước, thề suốt đời không phản bội phù thủy và Vùng Hoang Dã, mới có thể vào được vùng đất này.
Khế ước Hoang Dã nếu vi phạm thì chắc chắn sẽ chết, nên số lượng ngoại tộc chấp nhận ký kết không nhiều.
Vì vậy, hầu hết các phù thủy mang thai thường chọn trở về Vùng Hoang Dã để nuôi con một mình.
Như Moran, tiểu phù thủy chỉ có mẹ mà không có cha, là điều rất phổ biến trong Vùng Hoang Dã.
Ít có tiểu phù thủy nào được nuôi dưỡng dưới sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.
Dù chỉ có một mình mẹ, cộng thêm khoản trợ cấp sinh sản từ tộc phù thủy, tỷ lệ tử vong của tiểu phù thủy cũng gần như bằng không.
Vậy mà số lượng phù thủy cũng chỉ duy trì được khoảng ba vạn (30.000).
Phù thủy yêu thương con gái mình, nhưng họ cũng không xem con là trách nhiệm mãi mãi.
Phù thủy chỉ chịu trách nhiệm cho bản thân.
Thường chỉ có các tiểu phù thủy dưới mười ba tuổi mới có mẹ phù thủy luôn bên cạnh.
Tộc phù thủy còn định kỳ phát trợ cấp cho những bà mẹ phù thủy chăm sóc tiểu phù thủy, hỗ trợ nuôi con.
Những quyển sách như Phù thủy nhi đồng cũng là do tộc phù thủy tặng.
Mười ba tuổi nhập học tại Học viện Phù Thủy, là khởi đầu cho sự độc lập của tiểu phù thủy.
Mẹ phù thủy sẽ để tiểu phù thủy rời khỏi nhà vào thời điểm này.
Trong năm năm sau đó, tiểu phù thủy sẽ học ma pháp và kiến thức sinh tồn tại Học viện.
Chi phí học tập cũng do tộc phù thủy chi trả.
Sau khi tiểu phù thủy nhập học, mẹ phù thủy còn được tộc phù thủy trao thưởng một khoản thưởng nuôi dưỡng, để tiếp tục khởi đầu cuộc sống mới.
Sau khi tốt nghiệp năm mười tám tuổi, phù thủy trưởng thành phải tự lo cho cuộc sống của mình.
Mọi thứ cần thiết đều phải tự mình nghĩ cách.
Có thể nói, dù có hay không một người cha ngoại tộc chịu ký kết khế ước Hoang Dã, tiểu phù thủy đều có chung một “người cha” — tộc phù thủy.
Chính “người cha” tộc phù thủy đã gánh vác toàn bộ chi phí từ khi tiểu phù thủy sinh ra cho đến khi trưởng thành.
(Lưu ý: Ở đây “người cha” chỉ là một phép ẩn dụ, nhấn mạnh vai trò của tộc phù thủy trong quá trình trưởng thành của tiểu phù thủy, tương tự như vai trò của người cha trong gia đình thông thường và tương ứng với mẹ phù thủy, không có ý nghĩa nào khác. Bài viết này đề cao nữ giới nhưng không hạ thấp nam giới, xin đừng đẩy thành đối lập nam nữ hay diễn giải quá đà – chú thích của tác giả.)
Sau khi tốt nghiệp từ Học viện, phù thủy phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Không có nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ phù thủy, cũng không có trách nhiệm phải trả ơn cho tộc phù thủy, càng không cần phải hy sinh cả cuộc đời cho con gái tương lai.
Họ luôn tự do bình đẳng, không bị ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ nào.
Dù tộc phù thủy có diệt vong, phù thủy cũng sẽ không để bất kỳ thứ gì vượt lên trên ý chí của bản thân.
Đó chính là phù thủy — thức tỉnh từ nghịch cảnh và đau khổ, lấy tự do và độc lập làm mục tiêu suốt đời!
Tất cả điều này được giải thích rõ ràng ngay từ chương đầu tiên của Bộ sách Phù thủy nhi đồng.
Do đó, Moran cũng hiểu rằng mẹ Shanna sẽ không mãi mãi chờ cô ở căn nhà gỗ nhỏ ở Thúy Khê Nguyên.
Cô không chỉ là một người mẹ, cô còn là chính bản thân mình.
Huống hồ, căn nhà ở Thúy Khê Nguyên vốn chỉ là nơi ở tạm mẹ Shanna chuẩn bị để nuôi dưỡng cô, không phải là ngôi nhà thực sự.
Căn nhà gỗ đã bỏ hoang không biết bao nhiêu năm, chỉ sửa chữa qua loa bằng ma pháp là có thể ở được.
Mỗi năm đều phải nhờ phù thủy đến gia cố thêm bằng ma pháp để không bị sụp đổ.
Ngay cả tiền gia cố nhà cũng là từ “trợ cấp nuôi dưỡng tiểu phù thủy” của tộc phù thủy.
Khi cô nhập học, khoản trợ cấp này sẽ không còn nữa, mẹ Shanna không biết ma pháp xây dựng, căn nhà này cũng không thể duy trì lâu được.
Mẹ Shanna vẫn còn rất trẻ.
Đối với một nữ phù thủy tuổi thọ trung bình tới năm trăm năm, thì mười ba năm nuôi dạy con chỉ là một đoạn nhạc nhỏ trong cuộc đời.
Sau đó, cuộc sống của mẹ Shanna sẽ trở lại quỹ đạo.
Giờ ngôi nhà này tuy hơi cũ, nhưng nhiều đồ đạc là những món mà trước đây mẹ Shanna đã sưu tầm từng chút một khi chu du khắp nơi, để trang trí cho ngôi nhà tương lai của chính cô.
Cô đã giữ gìn rất tốt, dùng nhiều năm nhưng vẫn còn rất mới.
Mẹ Shanna định mang tất cả đi.
Những thứ vẫn còn yêu thích cô đều sẽ mang theo để tiếp tục dùng, còn những thứ không thích lắm nhưng vẫn có giá trị thì cô sẽ tìm chợ đồ cũ bán lấy vàng.
Rồi cô sẽ tiếp tục hành trình của mình, tích lũy tài sản, đợi đến khi muốn ổn định, sẽ tìm một nơi hợp ý để xây dựng một ngôi nhà đích thực của riêng mình…
Căn nhà gỗ nhỏ ở Thúy Khê Nguyên cũng sẽ lại bị bỏ hoang.
Trong nhà dần trở nên trống trải, chỉ còn lại vài bộ bàn ghế cũ kỹ, bầu không khí chia ly càng ngày càng đậm.
Tuy Moran biết mẹ Shanna nên có cuộc sống của riêng mình, cô vẫn cảm thấy buồn bã trong lòng.
Dù sao, đây là lần đầu tiên trong hai kiếp sống cô mới có một ngôi nhà, có một người mẹ.
Có lẽ đây chính là điều bất lợi khi xuyên không mà vẫn giữ được ký ức, trong thâm tâm, cô vẫn là con người, không hề có chút tự do và phóng khoáng như một nữ phù thủy.
Không muốn để cảm xúc của mình ảnh hưởng đến mẹ Shanna, Moran quyết định ra ngoài.
Cô nằm dưới bóng cây trên bãi cỏ, nhắm mắt dưỡng thần.
Shanna trong nhà nhìn thấy cảnh đó, nhẹ nhàng vung cây đũa phép.
Hơi thở của Moran dần trở nên đều đặn.
…
"Tiểu Moran! Tỉnh dậy nào!"
Không biết ngủ từ lúc nào, Moran giật mình mở mắt, trời đã ngả về tây:
"Chết rồi! Mẹ, mấy giờ rồi?"
"Bảy giờ. Mẹ đã làm ấm nước cho con rồi, mau đi tắm đi! Nghi thức sắp bắt đầu." Shanna chậm rãi nói.
Moran vội vàng lao vào phòng tắm.
Nhiệt độ nước vừa đủ ấm, còn chiếc áo choàng học viện thì đã treo sẵn trên giá.
Cô nhanh chóng tắm rửa, thay áo choàng.
Lúc bước ra, tóc vẫn còn ướt.
Nhìn đồng hồ, chỉ còn mười phút nữa là tám giờ.
"Để mẹ giúp con!" Shana dùng phép thuật giúp cô sấy khô tóc.
Sau đó, không biết từ đâu, bà lấy ra một chiếc dây cột tóc màu đen đính đá tím, đặt lên đầu cô:
"Hmm... Kiểu tóc số hai nhé!"
Hai đầu của sợi dây mở ra, giống như hai bàn tay nhỏ, nhẹ nhàng chải tóc dài của Moran. Chưa đầy ba phút, sợi dây đã giúp cô tạo một kiểu tóc nửa buộc gọn gàng, dây cũng cột chặt vào mái tóc.
"Đây là...?" Moran tò mò chạm vào tua rua của sợi dây.
"Dây cột tóc phép thuật cổ điển của nữ phù thủy, có thể tạo ra mười tám kiểu tóc cổ điển, vừa tiện lợi vừa đẹp mắt.
Tiểu Moran, chúc mừng con nhập học!" Shanna mỉm cười nói.
Trong lòng Moran cay cay: "Cảm ơn mẹ!"
Mẹ Shanna không dư dả, luôn sống tiết kiệm, mà đồ vật ma pháp lại không hề rẻ.
Trong nhà, chỉ còn chiếc đồng hồ phép thuật là chưa được thu dọn.
"Keng keng keng!"
Tám giờ rồi.
Moran ngay lập tức cảm thấy tay mình hơi nóng lên, cô nhìn xuống, ấn ký của giấy báo nhập học đã bắt đầu phát sáng.
Cô chỉ kịp nhắc mẹ Shanna nhớ gửi thư cho mình, rồi ấn ký đưa cô biến mất.
Shanna cố tình dùng phép thuật để con gái ngủ đến bây giờ, chính là không muốn cô chìm đắm quá lâu trong bầu không khí chia ly.
Con gái đã đi rồi, cô cũng nên tiếp tục hành trình của mình.
----
Vì mẹ Shanna rất trẻ tuổi nên mình không xưng bằng "bà" mà xưng bằng "cô" nhé.