“Tiểu thư, đừng thêu nữa, trời tối rồi.” Nha hoàn vừa thắp đèn vừa nhỏ giọng nhắc nhở.
Khẽ liếc nhìn dĩa điểm tâm trên bàn vơi đi rất nhiều thì lấy làm lạ, bình thường tiểu thư không thích ăn ngọt cơ mà.
“Ừm, ta biết rồi. Sai người dọn cơm tối đi.” Nàng tiếp tục thêu, miệng sai nha hoàn ra ngoài.
Đợi người vừa đi thì cẩn thận lấy thêm một vụn đường nhỏ đặt trên các khung vải, tỉ mỉ dùng các đường thêu che giấu kỹ.
Chỉ người trong nghề kiểm tra cẩn thận mới có thể phát hiện.
Mấy ngày trước tỷ tỷ bỗng nhiên đề nghị nàng thêu khăn tay tặng cho các tỷ muội và di nương trong nhà nhân dịp trung thu,.
Còn dặn dò nên thêu thêm đám cỏ xanh, biểu tượng riêng nàng mới càng ý nghĩa.
Vì nàng tên Trần Thanh Thanh, nên mỗi khi thêu gì nàng đều thêu một nhúm cỏ xanh nho nhỏ tự mình vẽ ra, xem như đánh dấu riêng.
Nàng không tin chỉ đơn giản là một món quà.
Nàng vừa qua tuổi cập kê vài ngày, lại sắp là Tết trung thu, dịp nam nữ gặp gỡ, hẹn hò.
Thử nghĩ nếu một chiếc khăn tay nàng thêu nằm trong tay một nam nhân nào đó thì nàng chỉ có thể gả cho hắn, làm thϊếp cho hắn hoặc bị người phụ thân coi trọng mặt mũi kia đưa đến thôn trang ngay lập tức.
Nhưng đại tỷ đã lên tiếng, lúc ấy chủ mẫu cũng ở đấy, làm sao nàng từ chối.
Nàng chỉ đành dùng chút mánh khóe nho nhỏ bản thân nghĩ ra này.
Thêu những vụn đường nhỏ khắp khăn tay, nếu thật sự các tỷ muội và di nương giữ lại để dùng, chắc chắn sẽ mang đi giặt qua, ướp hương liệu… thì đám đường này cũng biến mất.
Cùng lắm thì đường chỉ hơi lỏng lẻo, mọi người chê cười tay nghề nàng không tốt.
Nhưng nữ quyến quan tri phủ làm gì thiếu khăn tay đến mức dùng cái khăn tay bình thường của nàng, họ đều thích dùng khăn lụa mà.
Còn nếu có người cố ý hại nàng, đem khăn này giao cho người xấu, những viên đường này không chỉ có thể thu hút kiến đến cắn hắn mà có lẽ, còn là con đường để nàng cầu sinh.
Nàng chỉ là thứ nữ nho nhỏ, mờ nhạt trong đám tỷ muội.
Từ nhỏ di nương luôn dạy phải ngoan ngoãn. Nghe lời di nương, nghe lời chủ mẫu, nghe lời phụ thân, nghe lời ca ca tỷ tỷ. Đến cả nha hoàn bên cạnh chủ mẫu cũng phải tôn trọng.
Chỉ có con của chủ mẫu mới được học cầm kỳ thi họa, còn con thứ chỉ tùy tiện học một thứ gì đó để sau này có thể phục vụ chồng, tự kiếm cơm ăn. Vì vậy di nương cho nàng học thêu.
Nàng thêu từ năm 6 tuổi đến nay, lại thêu đi thêu lại những mẫu có sẵn được các ca ca vẽ cho nên rất thành thục.
Bản thân cũng chỉ vẽ được nhúm cỏ xanh nho nhỏ làm ký hiệu cho bản thân.
Nàng không muốn hại ai nhưng vẫn phải giữ tâm phòng người.
Cả đời khắc ghi cái ch/ế/t của di nương.