Nhà họ Nguyên nằm ở ngay trung tâm khu nhà giàu, phía nam Bích Thành Loan, gần vườn bách thảo của thành phố Sùng Bắc, xung quanh hầu như không có tòa nhà cao tầng, vì vậy Phó Nhuận Nghi mới có thể nhìn thấy bầu trời mênh mông bất tận.
Mây đen ẩm ướt lại len lỏi sắc xanh, tựa như rêu phong phủ kín mặt nước.
Hôm nay Phó Nhuận Nghi đến lớp đàn mà tâm trạng không được tốt lắm, cô Minh nhận ra cô không tập trung nên không dạy bài mới nữa, chỉ sửa vài chỗ rồi bảo cô tự tập lại vài lần. Trước khi cho tan lớp sớm, bà ấy còn dặn cô phải điều chỉnh lại tâm trạng rồi mới rời đi.
Phó Nhuận Nghi lặng lẽ cất cây đàn đi, lại chẳng biết phải điều chỉnh trạng thái của mình ra sao.
Phó Nhuận Nghi không tin ‘thời gian có thể chữa lành nỗi đau’ lắm, nhưng cô cảm nhận được thời gian có sức mạnh khiến nỗi đau phải im lặng.
Học kỳ hai năm lớp Tám, buổi chiều thứ Sáu tan học, Phó Nhuận Nghi chờ đến tối nhưng vẫn không thấy ai trong nhà đến đón.
Điều này rất bất thường.
Bởi vì bố mẹ của Phó Nhuận Nghi luôn bảo vệ cô rất kỹ. Sau khi cô đến tuổi dậy thì, vì lo con gái bị kẻ xấu dụ dỗ, họ thậm chí còn chẳng yên tâm để Phó Nhuận Nghi đi về một mình, trong nhà luôn có người đưa đón, sợ cô con gái cành vàng lá ngọc này phải chịu sương chịu gió.
Phó Nhuận Nghi cũng cảm thấy rất lạ, cuộc sống của mẹ gần như xoay quanh cô, không thể nào quên việc đến trường đón cô được, vả lại buổi tối cô còn có lớp học violin, nên cô không thể chờ đợi lâu hơn nữa.
Chẳng kịp ăn tối, Phó Nhuận Nghi vác đàn tự mình tới nhà cô giáo.
Vị giáo viên này không dịu dàng và thân thiện như bà Nguyên sau này, cô ấy dạy rất nghiêm khắc, không nở nụ cười, yêu cầu đối với học sinh cũng rất cao. Phó Nhuận Nghi chỉ trễ mấy phút mà bị cô ấy nhắc nhở “Không có lần sau!”, khiến suốt cả buổi học bầu không khí rất căng thẳng.
Mang theo chiếc bụng đói meo ấm ức về nhà, Phó Nhuận Nghi vừa muốn kể cho mẹ nghe những việc xảy ra ở nhà giáo viên hôm nay, vừa muốn ăn món sủi cảo mẹ nấu.
Vừa bước vào cửa đã ngửi thấy mùi thức ăn nóng hổi, thoáng chốc cũng an ủi tâm trạng uể oải của Phó Nhuận Nghi, nhưng mùi hương cay nồng lại nhanh chóng khiến cô cảm thấy hoài nghi.
Cô ăn cay không được, ăn nhiều đồ kí©ɧ ŧɧí©ɧ sẽ dễ bị nổi mẩn ngứa, thường ngày kể cả khi cô muốn ăn thì mẹ cũng sẽ khuyên cô không đυ.ng vào.
Đây là lần đầu tiên Phó Nhuận Nghi nhìn thấy mẹ ôm cái lọ ớt, ánh mắt tràn đầy yêu thương hỏi: “Ăn được không con? Không đủ cay mẹ cho thêm nhé, ăn từ từ thôi, mẹ không biết bao năm nay con ở ngoài đã chịu nhiều khổ cực như thế nào.”
Trong nhà cô bỗng nhiên xuất hiện một thiếu nữ lạ mặt, trạc tuổi cô, sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với Phó Nhuận Nghi, kèm theo đó là một câu chuyện cẩu huyết rằng mười mấy năm trước có người cố tình đánh tráo con nít trong bệnh viện, đánh tráo giàu nghèo, chim sẻ vào tổ phượng hoàng.
Phó Nhuận Nghi chính là con chim sẻ mang tội lỗi kia.
Cũng may là hai cô gái dường như đều rất may mắn.
Thiên kim thật trong lúc dọn dẹp di vật cho người bố nuôi đã vô tình phát hiện ra bí mật thân thế của mình, bèn quyết định báo cảnh sát tìm người thân; còn thiên kim giả thì được nuôi nấng trong sự giàu sang phú quý, dù bố mẹ ruột đã qua đời nhưng cũng không phải chịu cảnh bị gia đình giàu có ruồng bỏ, vẫn được hưởng thụ cuộc sống xa hoa.
Mẹ Phó ôm hai đứa con gái vào lòng, nói: “Mẹ yêu các con, hai đứa đều là con gái cưng của mẹ.”
Câu chuyện kể đến đây, dường như chỉ còn thiếu một câu kết: Kể từ đó gia đình bốn người sống hạnh phúc bên nhau.
Nhưng đời người đâu phải chỉ dùng một vài câu nói là có thể khởi đầu và kết thúc như trong truyện cổ tích. Cuộc sống bề bộn rối ren, yên bình qua ngày đôi khi cũng là điều xa xỉ.
Phó Học Lâm thấy cái tên Trình Bình không hay, giống như bèo dạt mây trôi, mang ý nghĩa cô độc.
Có câu nói: “Quân cảnh nhược diệp, văn hoa nhược cẩm”.
“Văn” tức là mây, ý nghĩa rất hay, lại thêm việc Phó Học Lâm luôn quan niệm con gái nên dịu dàng mới đẹp, thế là lại thêm chữ “Ninh”, đặt tên con gái là Phó Văn Ninh lên sổ hộ khẩu.
Có vẻ như ông muốn dùng cái tên mình dày công nghĩ ra để biến đá thành vàng. Chỉ cần đổi tên, đứa con gái kia cũng sẽ lập tức trở thành một thiên kim tài sắc vẹn toàn.
Đáng tiếc là sự đời luôn trớ trêu, khoảng cách mười mấy năm cuộc đời và hố sâu ngăn cách về giáo dục là một vực thẳm khó có thể vượt qua, khiến ông luôn so sánh cô ta với người con gái không cùng huyết thống, sau đó lại thấy thất vọng. Còn Phó Nhuận Nghi – cô con gái không mang gen di truyền của ông thì dù sau này có tỏa sáng đến đâu cũng khó mà mang lại cho ông cảm giác thành tựu như xưa.
Ông chán nản không thôi, như thể đã đầu tư nhầm vào một cổ phiếu chẳng còn sinh lời. Thế nhưng đã vào cái tuổi trung niên, ông cũng không còn kiên nhẫn để gầy dựng lại một mã cổ phiếu mới từ đầu, bèn quay sang trách móc vợ rằng tại sao năm đó không chịu nghe lời, cứ một hai muốn về quê ngoại ở Tân Loan sinh nở, nếu không làm sao có tình cảnh éo le như ngày hôm nay.
Phó Văn Ninh sinh ra sớm vài phút nên trở thành chị gái, lúc cô ta mới đến Sùng Bắc, Phó Nhuận Nghi luôn cảm thấy áy náy vì chuyện năm xưa nên rất sẵn lòng gọi cô ta là chị, muốn gần gũi cô ta, giúp cô ta hòa nhập với môi trường mới.
Nhưng đối phương chẳng cần.
Sự nhiệt tình của Phó Nhuận Nghi ngược lại còn bị hiểu lầm.
“Cướp đồ của người khác rồi còn quay lại hớn hở giới thiệu cho người ta, mày hào phóng thật đó Phó Nhuận Nghi ạ! Đồ dùng hơn mười mấy năm rồi cũng sẵn sàng đem ra chia sẻ, nếu tao mà là mày thì tao chẳng làm thế đâu, vì đây là đồ của tao, còn mày căn bản không có tư cách chia sẻ với tao!”
“Đừng giả vờ tốt bụng nữa, mày đã cướp của tao chưa đủ sao? Tao học kém hơn mày, năng khiếu kém hơn mày, nhan sắc cũng không bằng mày, lúc mày sống an nhàn sung sướиɠ trong căn nhà to thế này thì tao đang phải sống cùng với ông bố tốt của mày, cơm còn không có mà ăn. Khoảng cách mười mấy năm, cho dù bây giờ tao có thức đêm vắt óc cũng không đuổi kịp mày được, mày vui lắm đúng không? Cả đời này tao sẽ không bằng mày được, mày còn lo sợ gì nữa, cần gì phải ra cái vẻ nhường nhịn tội nghiệp để cho người ta khen mày tốt tính chứ!”
“Giữa chúng ta, thật giả thì có gì khác biệt? Tốt xấu chẳng phải đã rõ ràng rồi sao?”
Lên cấp ba, mối quan hệ của họ càng xấu đi.
Mẹ Phó từng nói lòng bàn tay hay mu bàn tay đều là thịt, nhưng bà cũng dần bất lực, hiện thực luôn phá vỡ những ảo tưởng tốt đẹp, trên một cán cân mất cân bằng mười mấy năm căn bản không có cách nào công bằng lại được.
Cô con gái ruột vào nhà trễ vừa nhạy cảm lại đề phòng, càng cần hơi ấm tình thân và sự quan tâm của mẹ, bà đành phải giảm bớt sự quan tâm dành cho cô con gái kia.
Trước đây bà chưa từng bỏ lỡ một buổi nào đưa đón Phó Nhuận Nghi đi học thêm, nhưng dần dần cũng không thể làm được nữa.
Phó Nhuận Nghi hiểu nỗi khó xử của mẹ, mẹ vẫn luôn cố gắng làm một người mẹ tốt, thậm chí khi biết cô không phải con ruột nhưng bà vẫn yêu thương cô như con gái.
Nhưng hiểu là hiểu.
Hiểu cũng không thể nào khiến cho cảm giác buồn bã biến mất hoàn toàn.
Nhìn cơn mưa ngoài hiên nhà họ Nguyên, Phó Nhuận Nghi không nhếch môi lên nổi.
Cô nghĩ, đã lâu rồi cô chưa được vui vẻ và hạnh phúc.
Nếu trên thế giới có một danh sách hạnh phúc an ủi lòng người, tác dụng giống như một trạm phát sóng, xếp hạng theo công đức vô lượng trong Phật giáo, ai không vui thì sẽ phát cho họ một chút hạnh phúc dựa theo công đức tích lũy được. Vậy thì, người đã chiếm đoạt mười mấy năm cuộc đời của người khác và khiến cho rất nhiều người không vui như Phó Nhuận Nghi e rằng ngay cả tư cách xếp hàng chờ cũng không có.
Cô không xứng đáng có được hạnh phúc.
Không có tư cách oán trách, cũng chẳng có ai thấu hiểu.
Ngoài trời vẫn đang mưa, Phó Nhuận Nghi không mang theo ô.
Cô Minh đã gọi điện cho mẹ Phó Nhuận Nghi, nói rằng buổi học hôm nay sẽ kết thúc sớm, bảo phụ huynh sắp xếp thời gian đến đón.
Nhưng chờ mãi không thấy mẹ tới, Phó Nhuận Nghi đứng dưới mái hiên thử gọi điện thoại. Mẹ cô ở đầu dây bên kia hiện tại đang cùng Phó Văn Ninh đi phỏng vấn ở đơn vị nên không thể đến đón, tài xế ở nhà lại đi công tác cùng bố Phó, mọi chuyện thật trùng hợp.
Phó Nhuận Nghi có thể nhận ra mẹ đang lo lắng, hình như rất sợ cô sẽ vì chuyện này mà buồn phiền suy nghĩ.
Phó Nhuận Nghi không muốn mẹ phân tâm, cũng không muốn mẹ tự trách, cảm thấy để cô tự bắt xe về nhà sẽ khiến bà áy náy, cô nhanh trí bịa ra một lời nói dối để an ủi mẹ, nói rằng mặc dù buổi học hôm nay của cô đã kết thúc, nhưng lúc này cô không vội về nhà.
“Con trai của cô giáo mời con ở lại chơi, lát nữa sẽ đưa con về nhà, mẹ yên tâm đi.”
Mẹ cô ở đầu dây bên kia điện thoại đã yên tâm.
Nhưng vừa mới cúp máy, cô lại thấy con trai của cô Minh đang cầm một chiếc ô màu đen đi từ con đường lát đá trong sân về phía này, đôi chân dài khiến cho khoảng cách giữa các phiến đá có vẻ không hợp lý lắm, nhưng dáng đi của anh lại rất thoải mái tự nhiên.
Phó Nhuận Nghi nhớ tên Nguyên Duy, bởi vì cô giáo thỉnh thoảng sẽ nhắc đến con trai mình. Đôi khi nghỉ giải lao giữa giờ, bà ấy cũng tìm kiếm ở Phó Nhuận Nghi những điểm chung của người cùng tuổi, thở dài hỏi cô: “Bọn trẻ tầm tuổi các em có phải đều không thích nói chuyện với bố mẹ không?”
Ngay cả mẹ anh cũng phải phiền não vì thường ngày giao tiếp với anh gặp trở ngại. Học ở nhà họ Nguyên nửa năm, số lần Phó Nhuận Nghi gặp anh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, càng chưa từng nói với anh một câu nào.
Phó Nhuận Nghi hoảng sợ, phải chăng lời nói dối vừa rồi của cô đã bị anh nghe thấy.
Nhưng Nguyên Duy không để ý đến cô, hình như anh đã nghe thấy, khẽ nhếch môi để lộ ra nụ cười nhạt rồi đi thẳng qua.
Phó Nhuận Nghi cảm thấy bối rối.
Nghe thấy tiếng Nguyên Duy cất ô bước vào nhà, cô ngây người đứng dưới mái hiên không dám nhìn anh, nhưng lại gần như dựng thẳng tai để ý đến mọi động tĩnh liên quan đến anh.
Mưa dường như càng lúc càng lớn hơn, mái hiên hẹp không che được hết.
Vạt váy bị gió thổi bay, bị những hạt mưa bay vào làm ướt.
Cô lùi về sau một chút để tránh mưa, gót giày thể thao màu trắng chạm vào chậu cây cảnh bên tường, nhắc nhở cô đã đạt tới giới hạn.
Trong đầu Phó Nhuận Nghi luống cuống suy nghĩ, cô nên giả ngốc mà nhanh chóng rời khỏi nhà anh, hay là nên nói rõ với anh nguyên nhân vừa rồi lấy anh làm cái cớ, sau đó thành khẩn nói một câu xin lỗi đây?
Cả hai đều không phải chuyện dễ.
Đang do dự chưa quyết được, bỗng nhiên trong căn phòng sáng sủa phía sau vang lên giọng nói.
“Không phải tôi hẹn cậu cùng chơi sao? Cậu không vào nhà thì chơi thế nào được?”
Phó Nhuận Nghi chậm chạp xoay đầu lại, đôi mắt trong veo nhìn xuyên qua lớp kính trong suốt, chạm vào ánh mắt của Nguyên Duy.
Trong mấy bước chân đi về phía anh dường như đã đánh mất sự thuần thục vốn có của tay chân, chậm chạp mà không được tự nhiên.
Phó Nhuận Nghi di chuyển đến cửa, Nguyên Duy đứng ở lối ra vào đang dặn dò người giúp việc, bảo tài xế lát nữa đưa cô về nhà.
Quá làm phiền người khác rồi.
Cô muốn nói không cần đâu, trong cặp sách của cô có tiền lẻ, có thể tự bắt xe về nhà được. Nhưng Phó Nhuận Nghi không biết lời từ chối lịch sự như vậy có phải cũng rất hèn mọn, cũng sẽ khiến người thuận tay giúp đỡ rơi vào cảnh lôi kéo không cần thiết không.
Nguyên Duy thay dép lê, đã chuẩn bị đi rồi, bỗng nhiên quay đầu lại, hỏi cô: “Cậu tên gì?”
Cô sững người, chậm rãi nói: “Phó Nhuận Nghi.”
“[Phó] có bộ ‘nhân’ đứng và nhiều nét, [Nhuận] trong ‘thấp nhuận’(ẩm ướt), [Nghi] trong ‘tương nghi’ (thích hợp).”
Nguyên Duy nhìn ra ngoài, cái tên này làm người ta liên tưởng đến câu ‘thời tiết vừa phải’.