*"Hội luận kiếm" mà ông ngoại Trần Tư Diễm nhắc tới thực ra là một nhóm các ông cụ bà cụ đã nghỉ hưu, không có việc gì làm nên cùng nhau lập thành một nhóm tập thể dục buổi sáng. Những thành viên trong nhóm đều là những nhân vật có tiếng trong ngành đồ cổ, ngọc thạch, và trang sức. Người nào người nấy tuy già nhưng vẫn rất nhanh nhạy, tinh ranh hơn cả khỉ. Họ đặc biệt thích trêu đùa thế hệ sau.
Nghĩ đến những ông bà vừa gặp đã đυ.ng chạm, xoa đầu, cấu má mình, Trình Dư lắc đầu từ chối: “Con không muốn đâu.”
Trần Tư Diễm thấy vậy cũng không ép buộc, cười hiền từ đưa khăn lông cho Trình Dư: “Lau mồ hôi đi.”
Trình Dư nhận lấy khăn rồi treo lên cổ. Tính cậu vốn ưa sạch sẽ, dù rất thích các môn thể thao mạo hiểm nhưng lại ghét cảm giác dính dớp sau khi đổ mồ hôi. Cậu khó chịu kéo kéo chiếc áo thun: “Cháu đi tắm đã.”
Trần Tư Diễm vỗ nhẹ lên vai Trình Dư, cẩn thận nhắc nhở: “Khi tắm nhớ đừng dùng nước lạnh nhé. Trời dạo này đã lạnh rồi, dễ bị cảm lắm.”
Trình Dư gật đầu. Khi cậu tắm xong và xuống nhà thì cả nhà đã ngồi vào bàn ăn.
Trần Linh Vận, với gương mặt nghiêm nghị, nhìn đứa con trai út sạch sẽ tinh tươm, không nhịn được lại càm ràm: “Hôm nay đúng là mặt trời mọc đằng Tây, con lại dậy sớm thế này.”
Trình Dư lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh ông ngoại, không để tâm đến sự kɧıêυ ҡɧí©ɧ của mẹ.
Thấy Trình Dư không đáp lại, Trần Linh Vận tiếp tục lẩm bẩm: “Đáng lẽ ra phải như thế từ lâu rồi. Trẻ còn nhỏ mà sáng nào cũng ngủ nướng. Con nên học theo anh con, mỗi ngày đều dậy lúc 5 giờ sáng học từ vựng. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chơi bời. Kỳ tới con lên lớp 11 rồi, nếu không tập trung học hành, con định thi đại học thế nào đây?”
Trình Dư lẳng lặng ăn cháo, vẫn không lên tiếng. Trình Thao thấy vậy, không nhịn được khuyên nhủ: “Thực ra A Dư thông minh lắm, học gì cũng rất nhanh mà—”
“Đúng là học gì cũng nhanh. Nhưng vấn đề là nó không chịu học đàng hoàng.” Trần Linh Vận hừ lạnh, rồi chuyển sang chỉ trích Trình Thao: “Con cũng đừng có mà cứ bênh nó. Con lần này thi cuối kỳ mới được 698 điểm, chưa lên nổi 700. Xếp hạng học kỳ rớt xuống hạng hai, thấp hơn thằng bé Bùi Diên những 7 điểm. Con nói xem, dạo này con đang nghĩ cái gì vậy? Năm học tới là lên lớp 12 rồi, đừng tưởng trước có nền tảng tốt mà lơ là. Con là con trai của Trần Linh Vận, làm gì cũng phải đạt đến mức tốt nhất.”
“Con cũng đừng chơi game nữa. Mẹ sẽ bảo người tháo máy tính trong phòng con ra, đợi thi đại học xong rồi tính.”
“Mẹ!” Trình Thao nhíu mày, định nói gì đó thì bị Trần Linh Vận thô bạo ngắt lời: “Được rồi. Vấn đề này mẹ đã quyết định rồi.”
Trình Thao buồn bã mím môi. Anh rất muốn giải thích với Trần Linh Vận rằng mình không phải đang chơi game, mà đang học tư duy và kỹ thuật phát triển game, tiện thể học về lập trình và Internet. Anh rất hứng thú với lĩnh vực này và cho rằng nó sẽ có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Nhưng những lời này mà nói với Trần Linh Vận thì chẳng có tác dụng gì, vì trong mắt bà, chơi máy tính chỉ là không chuyên tâm vào việc chính, dù đó là học lập trình hay chơi game cũng vậy thôi.
Trình Dư lạnh lùng quan sát bộ dạng thất vọng của Trình Thao, tự nhiên thấy buồn cười. Cậu vẫn nhớ hồi Trình Thao bị cậu đá ra khỏi C&C Jewelry, sau đó cùng vài người bạn lập một studio phát triển game. Nhờ một trò chơi mà họ kiếm được hàng trăm tỷ, giá trị công ty tăng gần ngàn tỷ, và có được vốn để đấu với cậu. Nhưng lúc đó, Trình Thao đã trưởng thành, biết giấu cảm xúc. Cảnh tượng Trình Thao lộ rõ vẻ thất vọng thế này, Trình Dư đã lâu rồi không thấy.
Thực ra có chút nhớ.
Khi Trình Dư đang cười nhìn Trình Thao, Trần Linh Vận cũng đang quan sát Trình Dư. Thấy cậu cười một cách khó hiểu, bà không nhịn được hỏi: “Con cười gì đấy?”
Trình Dư không kiên nhẫn nhíu mày. Mặc dù cậu rất thích nhìn thấy Trần Linh Vận trong ảo giác của mình, nhưng những lời mắng mỏ liên tục của bà cũng khiến cậu không thoải mái. Nghĩ lại mà thấy buồn cười, đã là ảo giác rồi, sao Trần Linh Vận không thể đối xử với cậu tốt hơn một chút? Sao cứ phải khắc nghiệt và gây sự như vậy?
“Giờ con cười cũng không được à?” Trình Dư đặt bát đũa xuống, nhìn thẳng vào mắt Trần Linh Vận và đáp trả từng câu: “Mẹ nhìn thấy con cười thì khó chịu, phải đợi đến khi con khóc mẹ mới vui lòng sao?”
“Trình Dư, con đang nói chuyện với mẹ kiểu gì đấy? Dù sao mẹ cũng là mẹ con, con có thể tỏ ra tôn trọng mẹ một chút được không?” Trần Linh Vận cảm thấy mình đang nói chuyện rất đàng hoàng với Trình Dư, nhưng biểu hiện của cậu rõ ràng là không muốn tiếp chuyện với bà.
Trình Khai Vận nắm chặt tay Trần Linh Vận đang tức giận, vỗ về an ủi. Hôm qua sau khi Trình Dư rời bệnh viện, hai vợ chồng họ rất lo lắng về tình trạng của cậu, nên đã ở lại bệnh viện nói chuyện với bác sĩ thêm một lúc lâu. Cuối cùng họ cũng xác nhận được rằng Trình Dư thực sự đã mắc chứng rối loạn lưỡng cực mức độ trung bình. Lý do mắc bệnh thì không rõ, nhưng bác sĩ khuyên rằng ngoài việc uống thuốc đúng giờ và kiểm tra định kỳ, căn bệnh này còn cần sự thấu hiểu và quan tâm từ gia đình và bạn bè.
Và bước đầu tiên để thấu hiểu là giao tiếp. Mặc dù Trần Linh Vận luôn khẳng định rằng bà không có vấn đề gì trong việc giao tiếp với con, mà chính Trình Dư mới là người nghĩ quẩn, luôn giữ định kiến với mẹ. Nhưng theo gợi ý của bác sĩ, bà quyết định cố gắng kiên nhẫn hơn, cố gắng giao tiếp với Trình Dư.
Đáng tiếc là không thành công. Hai mẹ con này quả thật là chỉ cần mở miệng là cãi nhau.
Trình Khai Vận, đầu đau như búa bổ, xoa xoa giữa hai hàng lông mày, lên tiếng cắt ngang: “A Dư, hôm qua bố mẹ cũng đã nói chuyện với bác sĩ rồi.”
Trình Khai Vận dừng lại một chút, như thể đang tìm từ ngữ, chậm rãi nói: “Việc con kịp thời phát hiện ra trạng thái của mình không ổn và đi khám là một hành động rất chín chắn. Bố rất tự hào về con. Bố cũng thừa nhận rằng bao năm nay, bố mẹ bận rộn làm ăn nên đã có phần bỏ bê con. Nhưng trong lòng bố mẹ, luôn yêu thương con. Nếu con có điều gì không vui, cứ nói ra, đừng giữ trong lòng được không?”
“Con không có gì không vui.” Trình Dư đẩy bát ra, không còn hứng thú ăn uống: “Con no rồi, mọi người cứ ăn tiếp đi.”
Trần Linh Vận nhìn bóng lưng Trình Dư bước lên lầu, tức tối cấu vào tay Trình Khai Vận: “Anh nhìn con trai anh kìa, cái thái độ gì thế? Giờ là tôi không muốn nói chuyện với nó sao? Nó rõ ràng là không muốn nói chuyện với tôi.”
“Tôi thật sự nợ nó từ kiếp trước hay sao. Vì sinh nó mà tôi đã phải chịu bao nhiêu khổ cực. Công việc cũng mất, tôi, một người tốt nghiệp đại học, lại phải ra ngoài bươn chải kiếm sống, mỗi ngày đều dậy sớm thức khuya, không có bữa cơm nào được ăn tử tế. Tôi đã thiếu nó đồng nào chưa? Nó ăn gì, mặc gì, chơi gì, dùng gì, cái nào mà không phải tốt nhất? Suốt ngày không chịu học, hết nhảy nhót đấm đá rồi lại đánh nhau với người khác, tôi nói nó thì làm sao? Tôi là mẹ nó, chẳng lẽ không có quyền nói nó? Nói vài câu mà nó mắc bệnh rối loạn lưỡng cực à? Chỉ vì lúc sinh nó tôi nói mấy lời nặng nề, cả đời này tôi không thể được tha thứ sao?”