Mùi hương quen thuộc mà nhiều năm rồi Trình Dư không ngửi thấy bỗng lại lảng vảng bên mũi, khiến trái tim đang ngâm trong băng của cậu bỗng ấm áp hơn. Đôi chân đứng ở ngưỡng cửa khựng lại một chút, lưỡng lự không biết nên bước tiếp hay không. Mãi cho đến khi cậu nhìn thấy Trần Tư Diễm bước ra từ phòng khách. Hình bóng thân thuộc ấy khiến mắt Trình Dư bỗng nhiên cay xè.
Nhìn cháu ngoại nhỏ đứng ngẩn ngơ ở cửa như một chú mèo con lạc đường, Trần Tư Diễm không khỏi mềm lòng: "A Dư về rồi à? Đói chưa, vào ăn cơm nhanh đi. Ngoại nấu món sườn xào chua ngọt mà cháu thích nhất đó."
Trình Dư gật đầu. Cậu chớp chớp đôi mắt cay nồng, lặng lẽ đi rửa tay mà không nói lời nào. Khi quay lại phòng ăn, bà Lâm Tố Phân đã dọn sẵn bát cơm cho cậu.
Hai ông bà nhìn Trình Dư im lặng ngồi ăn, liếc nhau rồi cuối cùng Lâm Tố Phân lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng, hỏi thăm cậu: "Ban nãy ba cháu có gọi nói cháu đi bệnh viện khám, bác sĩ bảo cháu bị rối loạn lưỡng cực mức độ trung bình, đúng không?"
Trình Dư đang bưng bát cơm, đôi đũa khựng lại trong giây lát, nhưng cậu nhanh chóng gật đầu, không nói gì, mặt vẫn cúi gằm vào bát cơm.
Hai ông bà nhìn nhau, rồi Trần Tư Diễm dò hỏi: "Bệnh này có nặng không? Bác sĩ có nói vì sao cháu lại mắc bệnh này không?"
Trình Dư lắc đầu: "Không nặng đâu ạ. Ông bà yên tâm, chỉ cần cháu uống thuốc đúng giờ là không sao."
Cậu không muốn ông bà ngoại lo lắng. Nhưng chuyện này đâu dễ dàng như cậu nói, mấy lời an ủi của Trình Dư không thể khiến hai ông bà ngừng lo nghĩ.
Lâm Tố Phân hỏi tiếp: "Rối loạn lưỡng cực mức độ trung bình là gì? Lúc bệnh phát sẽ có triệu chứng gì? Bình thường phải chú ý những gì?"
Trình Dư kiên nhẫn giải thích: "Thật ra cũng không có gì nghiêm trọng. Khi phát bệnh, cảm xúc sẽ trở nên hưng phấn, suy nghĩ nhanh hơn, thích đùa giỡn và làm mấy trò nghịch ngợm, dễ cáu gắt, không thích nghe ai phản bác hay chỉ trích mình. Tinh thần thì rất hưng phấn, đầu óc linh hoạt nhưng lại không kiên trì được lâu. Trong trường hợp đặc biệt có thể cực kỳ hưng phấn."
Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực thường bao gồm cảm xúc phấn khởi, suy nghĩ nhanh và hành vi quyết liệt. Trình Dư cố tình chọn những triệu chứng nhẹ nhàng, không đáng sợ để không khiến ông bà ngoại lo lắng.
Nghe cậu nói, hai ông bà gật gù đồng tình: "Thật ra cũng giống tính cách thường ngày của cháu. Nhưng nhiều người cũng như thế mà, đâu phải ai cũng bị coi là bệnh tinh thần? Bác sĩ này đúng là làm quá, thích dọa người ta."
Trần Tư Diễm dặn dò thêm: "Nếu muốn tu dưỡng bản thân, học cách kiềm chế cơn giận thì cũng không cần phải uống thuốc. Thuốc gì cũng có tác dụng phụ, còn trẻ đừng nên uống nhiều kẻo hại người. Giống như hồi nhỏ, dậy từ 5 giờ sáng tập kiếm với ông là tốt rồi."
Lâm Tố Phân cũng đồng ý: "Đúng vậy. Nghe bố cháu gọi điện làm bà cứ tưởng có chuyện gì nghiêm trọng. Bà nói rồi mà, A Dư nhà mình thông minh, lanh lợi thế làm sao mà bị bệnh tinh thần được."
"Nhưng quá lanh lợi cũng chẳng tốt lành gì," Trần Tư Diễm cười, gõ nhẹ lên trán Trình Dư. "Ông nghe nói cháu lại đánh nhau với thằng nhỏ nhà họ Bùi à? Cháu tập kiếm, tập quyền từ nhỏ, ra tay không biết nương lực. Lần sau nhớ cẩn thận, nếu lỡ làm ai bị thương thật, chúng ta chẳng biết ăn nói thế nào với gia đình người ta."
Trình Dư mỉm cười gật đầu, hứa: "Sau này cháu sẽ không đánh nhau nữa."
Lúc 5 giờ sáng, Trình Dư từ từ mở mắt trong tiếng chuông báo thức inh ỏi. Cậu ngây người nhìn trần nhà, nhìn quanh căn phòng quen thuộc mà đã lâu không thấy. Phải mất một lúc lâu, cậu mới nhận ra mình vẫn đang trong giấc mơ, chưa tỉnh lại.
"Chẳng lẽ bệnh của mình lại nặng hơn rồi?" Trình Dư nhíu mày, gãi gãi má. Cậu biết có không ít bệnh nhân ở viện dưỡng sinh sẽ gặp ảo giác, nhưng cậu thì chưa từng.
Tuy nhiên, nếu bệnh nặng hơn mà cậu có thể thấy ông bà ngoại, bố mẹ đã qua đời, thì cậu cũng chẳng bận lòng gì lắm – mặc dù ngay cả trong mơ, mẹ cậu, Trần Linh Vận, vẫn luôn tỏ ra khó chịu với cậu.
Nhận ra điều này, Trình Dư cảm thấy vui vui. Cậu vội vàng bật dậy, thay đồ thể thao rồi xuống lầu. Trần Tư Diễm đang luyện kiếm trong vườn, thấy Trình Dư hớn hở chạy đến, ông bật cười: "Cháu thật sự dậy sớm rồi à."
Trình Dư cười toe toét: "Cháu đã hứa với ông là sẽ tập thể dục buổi sáng mà."
Trần Tư Diễm gật gù: "A Dư của chúng ta luôn giữ lời, là một người đàn ông nhỏ rồi. Cháu cũng đừng quên, tối qua cháu còn hứa với ông và bà ngoại là sau này sẽ không đánh nhau với ai nữa."
Trình Dư nghĩ bụng mình bị đưa vào viện dưỡng sinh rồi, còn đâu cơ hội để đánh nhau nữa. Hơn nữa, giờ cậu đã 28 tuổi, đã quản lý công ty trang sức C&C bao nhiêu năm, không còn là cậu trai trẻ sẵn sàng động tay động chân như trước nữa.
Nghĩ đến đây, Trình Dư nghiêm túc hứa: "Ông yên tâm, cháu lớn rồi, không còn là thằng nhóc nóng nảy nữa, bây giờ cháu chỉ dùng trí óc thôi."
Trần Tư Diễm nhìn cháu ngoại nghiêm túc nói mà suýt bật cười.
"Được rồi, A Dư của chúng ta trưởng thành, chững chạc rồi, từ giờ không còn đánh nhau nữa." Trần Tư Diễm cười nói, ném cho cậu một thanh kiếm Thái Ất để trên bàn đá, cười bảo: "Thế thì cậu Trình chững chạc đây có thể tập kiếm với ông không?"
Trình Dư gật đầu đầy kiên quyết. Tay trái cậu giữ vỏ kiếm, tay phải rút kiếm và xoay một vòng kiếm hoa. Kiếm chỉ từ bên phải cơ thể lên trên, tay trái chắp lại đặt lên đầu, chân phải bước về phía trước, xoay người sang trái, sau đó xoay kiếm sang phải, nâng gối trái, dồn trọng tâm xuống khi bước cung và đứng vững, chân phải vững vàng, gót chân trái chạm nhẹ xuống đất. Động tác khai kiếm đẹp mắt và chuẩn xác khiến Trần Tư Diễm sáng bừng đôi mắt, không kiềm được mà vỗ tay khen ngợi.
Khoé miệng Trình Dư hơi cong lên. Bước chân của cậu hơi thay đổi, kiếm trong tay lúc thì chém, lúc thì đâm, như rồng lượn gió, đường kiếm uyển chuyển, trời thu trong trẻo, nắng sớm dịu dàng chiếu xuống người thiếu niên, khiến cậu như được phủ một lớp ánh sáng vàng mỏng manh. Cậu múa kiếm như gió nhẹ thổi qua, đẹp hơn cả những buổi biểu diễn chuyên nghiệp.
Trần Tư Diễm đứng bên cạnh, vừa vỗ tay vừa tán thưởng. Khi thấy Trình Dư múa xong một bộ kiếm pháp hoàn hảo, ông bông đùa: "Cháu ngoan của ông, lần tới khi ông Tông tổ chức hội luận kiếm, cháu cùng ông lên biểu diễn được không?"