Ta Ở Dân Quốc Viết Tiểu Thuyết

Chương 1: Xuyên Qua

Tang Cảnh Vân đứng trước cửa nhà mình, nhìn sang khu ổ chuột Thượng Hải cũ chỉ cách đó một con sông.

Nơi đó chen chúc, xây không ít “Cổn Địa Long.”

Cái gọi là Cổn Địa Long, là dùng tre làm khung, cỏ tranh làm mái nhà. Loại lều ổ chuột này chỉ cao hơn một mét, người ở trong nhà căn bản không thể đứng thẳng, chỉ có thể trải chiếu ngủ.

Môi trường ở của những lều ổ chuột rất tệ, còn không có tính an toàn, không thể chống trộm.

Nhưng những người ở lều ổ chuột, ban ngày hoặc là làm cu li hoặc là kéo xe kéo, từ sáng sớm làm đến tối mịt cũng chỉ đủ no bụng, bọn họ không có gì để người ta trộm, cũng không có khí lực xoi mói hoàn cảnh sinh hoạt.

Đây là khu ổ chuột của thời đại này, môi trường ở đây còn tồi tệ hơn so với khu ổ chuột của những vùng kém phát triển mà Tang Cảnh Vân xem trong video ở kiếp trước.

Những ngôi nhà ở khu ổ chuột đời sau ít nhất cũng có mái tôn, còn những túp lều ổ chuột bên kia bờ sông, mái nhà đều là cỏ tranh.

Nhìn thấy tất cả những thứ này, nghĩ tới hoàn cảnh hiện tại của mình, ngực Tang Cảnh Vân như có một tảng đá lớn đè nặng.

Lòng cô nặng trĩu, phổi cũng bị đè ép khiến cô thở không nổi. Cô may mắn không xuyên không đến khu ổ chuột, nhưng hoàn cảnh phải đối mặt cũng tệ không kém.

*

Đây là vùng ngoại ô huyện Thượng Hải năm 1916, còn Tang Cảnh Vân lại không phải người sinh ra và lớn lên ở thời đại này, cô đến từ thế kỷ 21.

Cô là người sinh sau năm 1990, vì sinh ra ở nông thôn, khi còn bé gia cảnh không tốt, nhưng cha mẹ cô đều là những người liều lĩnh dám làm, đến khi cô lên tiểu học trong nhà đã không còn thiếu tiền.

Cha mẹ bận rộn làm ăn không có thời gian quản cô, chỉ một mực đưa tiền cho cô.

Đến khi cô học cấp 2 thì công việc kinh doanh của cha mẹ ngày càng tốt hơn, sau đó lại ly hôn rồi mỗi người lập gia đình mới, tiền cho cô càng nhiều, nhưng lại không quan tâm đến việc học của cô.

Cũng may cô không hư hỏng, chỉ thích đọc đủ loại tiểu thuyết truyện tranh.

Thời tiểu học cô đã đọc rất nhiều sách, đến khi học cấp 2 thì càng không thể kiềm chế, ngoài việc đọc sách còn bắt đầu sáng tác tiểu thuyết của riêng mình.

Tiểu thuyết đầu tiên cô viết may mắn được xuất bản, sau đó, con đường sáng tác của cô cũng tiếp tục được duy trì.

Cha mẹ vì áy náy với cô nên khi trưởng thành họ đã lần lượt mua nhà cho cô, còn đưa cho cô một khoản tiền, sau khi tốt nghiệp, không có áp lực kinh tế nên cô đã trở thành một tác giả toàn thời gian.

Trước khi xuyên không cô đã ngoài 30 tuổi, là một tiểu thuyết gia mạng có chút danh tiếng.

Cô rất hài lòng với cuộc sống vừa có tiền vừa nhàn rỗi của mình, không ngờ rằng kỳ nghỉ hè đi du lịch tránh nóng lại gặp tai nạn xe hơi.

Khi tỉnh lại, cô đã trở thành tiểu thư của một gia đình thương nhân sa sút vào đầu thời Dân quốc.

Nghèo túng cũng không đủ để hình dung gia đình cô, hiện tại gia đình cô không còn gì cả, còn nợ nần bên ngoài, xét cho cùng đều là vì cô có một người cha nghiện hút thuốc phiện.

*

Tang Cảnh Vân xuyên không đã được hai ngày, tiếp nhận ký ức của nguyên chủ nên đã hiểu rõ tình hình của nguyên chủ và nhà họ Tang.

Nhà họ Tang nguyên quán Gia Hưng, ban đầu cũng coi như là gia đình giàu có, chuyên thu mua tơ sống ở nông thôn để vận chuyển đến Thượng Hải bán.

Năm 1860, quân Thái Bình đánh đến Gia Hưng, tổ trạch và cửa hàng tơ lụa của nhà họ Tang bị đốt cháy hầu như không còn, người nhà họ Tang cũng chết không ít.

Năm đó, ông nội của Tang Cảnh Vân là Tang Nguyên Thiện 24 tuổi, đã cưới cô em họ làm vợ, có một người con gái.

Cha mẹ, anh em của Tang Nguyên Thiện, còn có đứa con gái nhỏ đều qua đời trong tai họa đó, chỉ có ông và vợ là thoát chết, đến Thượng Hải kiếm sống.

Hai năm sau, quân Thái Bình ở gần Thượng Hải đã giao chiến với quân Thanh và các cường quốc chiếm đóng Thượng Hải nhiều lần, khiến người dân xung quanh khổ không thể tả, cũng khiến Tang Nguyên Thiện chịu nhiều đau khổ.

-

Năm 28 tuổi, cuộc sống của Tang Nguyên Thiện mới có bước chuyển.

Năm đó, Thái Bình Thiên Quốc bị đánh bại, chú của Tang Nguyên Thiện phái người tìm được Tang Nguyên Thiện đang làm việc tại một cửa hàng tơ lụa ở Thượng Hải.

Đưa Tang Nguyên Thiện và những người còn lại trong nhà họ Tang đến tổ trạch họ Tang đào lên mấy vò bạc rồi chia nhau.

Sau khi chia bạc, phần lớn người nhà họ Tang vẫn ở lại Gia Hưng sinh sống, nhưng Tang Nguyên Thiện lại đưa vợ và số bạc trở về Thượng Hải.

Lúc đó, tô giới vẫn chưa thịnh vượng như sau này, nhưng huyện Thượng Hải lại đông đúc náo nhiệt, Tang Nguyên Thiện mở một cửa hàng tơ lụa ở Đông Môn, làm ăn rất tốt.

Đáng tiếc là vợ ông sinh con nhiều lần nhưng đều không giữ được, đến khi ông ngoài 40 tuổi thì vợ ông cũng qua đời sớm.

-

Tang Nguyên Thiện một thân một mình rất cô đơn nên nhờ mai mối tìm một cô gái nhà nông làm vợ kế.

Cô gái nhà nông này chính là bà nội của Tang Cảnh Vân, Tang Tiền Thị.

Tang Tiền Thị là con gái lớn trong nhà, sau khi cha mẹ qua đời sớm thì một mình nuôi em trai em gái, đến năm 24 tuổi vẫn chưa lập gia đình, bà vốn định để em trai mình phụng dưỡng tuổi già nhưng em dâu không ưa bà, nhiều lần cãi vã với bà nên bà đã tự mình đi lấy chồng.

Tang Nguyên Thiện lấy vợ kế, cố tình tìm thấp, thực ra là muốn tìm một người vợ khỏe mạnh có thể chăm sóc mình.

Không ngờ Tang Tiền Thị mới lấy ông được vài tháng thì đã có thai, sinh ra con trai độc nhất của Tang Nguyên Thiện, cũng chính là cha của nguyên chủ, Tang Học Văn.

Lúc này Tang Nguyên Thiện đã 46 tuổi, tuổi thực là 48, đến tuổi này mới có con nên ôm trong tay sợ ngã, ngậm trong miệng sợ tan.

Sức khỏe ông không tốt, thường xuyên bị bệnh, vốn tưởng mình không sống được đến 60 tuổi, nhưng từ khi có con, sức khỏe của ông ngày càng tốt, đến hơn 70 tuổi vẫn có thể lo liệu công việc kinh doanh trong nhà.

Đáng tiếc, người con trai được ông nâng niu chiều chuộng lớn lên lại không có chí tiến thủ.