Thần Phật Diễn Nghĩa

Chương 2

Trong thân cây Thiên Địa Mộc sau lâu ngày đâm rễ lấy nước ở Tứ Hải nên chất muối nhiễm sâu vào gốc, muối này xì hơi phi lên cao một khoảng chừng mực ở gần rễ, rồi lại chịu ảnh hưởng của sức gió từ phía trên thổi xuống làm đóng băng và hóa thành tuyết trắng.

Những tán lá Thiên Địa Mộc mọc chìa ra, giao động đổi hướng hứng nắng của Mặt Trời. Thân cây nương vào đó nên dần dần sinh nở các nhánh lớn khổng lồ có nhận thức như người. Các nhánh cây cứ mỗi chu kì hai trăm năm mươi lăm năm lại dày hơn một nửa: Đất cát lơ lửng giữa không gian dính chặt vào nhánh cây làm ứ đọng địa chất. Các khối địa chất này lâu ngày lại tạo ra nhiều lớp có vầng, gợn như sóng, không liền phẳng.

Di-lặc cho gọi lão Ngọc Vân Tích Khang đến. Lão Tích Khang ở phía trước chấn thủy có ôm khư khư một cái bát hành khất, đầu bóng nhẵn nhô lên cao ở phần dưới, chân chai sạn vẫn không chịu mang hài.

Tích Khang nói:

- Phàm là cao tổ hay người sơ cơ, con nghĩ là Đức Di-lặc hạ quang tịch chiếu đã rõ ràng lí sự trong khắp sáu cõi. Nay Ngài cho gọi đồ đệ đến, hẳn là có lẽ duyên giáo hóa trên cành liễu ngộ đã giao hiệp chín muồi.

Di-lặc đáp:

- Ông nói chí phải! Ta có việc nhờ ông nên muốn ông hãy lo liệu hành trang, phen này ông phải làm một chuyến du ngoạn ở Hạ Giới.

Cái cây Thiên Địa Mộc cao lên đến tám muôn trượng hai trăm lẻ bảy tấc, không có lá do ánh nắng của Mặt Trời quá nóng. Trên cây chỉ duy nhất còn sót lại sáu nhánh lớn, mỗi nhánh xuyên ra và dài gần sáu muôn trượng. Thân cây Thiên Địa Mộc có tổng cộng là sáu đại địa, nhưng hai nhánh cây lớn nhất chỉ vì không chịu nổi sức mạnh hỗn độn trong cuộc tái tạo của càn khôn, nên hai nhánh đó kết cục đã bị ông Nam Thiên Vương lấy gươm Thanh Vân chặt rơi mất.

Lúc quyển Kinh Chân Lí chịu lưu lạc, các kẻ ngoại đạo đã âm mưu sửa đổi. Ông Hộ pháp Đông Thiên Vương thấy vậy nên đành lôi đàn Tỳ ra, gãy khúc Thiện Lương Ca:

Trăm ngàn lửa loạn can qua,

Không bằng đốt sách, còn là sửa kinh.

Thiện đương suy, ác hiện hành,

Muôn năm lai vãng cõi trần khó ra.

Ngài Nam Thiên Vương mặc giáp lộng như kim cang. Thân Ngài cao chễm chệ, miệng Ngài phải hét lớn:

- Đối với cái đám yêu ma chuyên phá hoại Chánh pháp này, không gì hơn là để cho chúng khốn nạn và lận đận mãi trong Thập Điện Diêm La ở núi Thiết Vi. Ở đó, đám yêu ma này phải chịu khổ cảnh mà không có ngày ra. Có như vậy mới chừa được cái tội tày trời đó.

Lời nói của Nam Thiên Vương như sấm vang làm cho một sợi dây đàn của ông Đông Thiên Vương lìa khỏi hàng ngũ phím. Tiếng đàn Tỳ của Đông Thiên Vương không vang nữa. Ngài mếu máo quay sang đáp:

- Trên đời xưa nay không có ác! Vậy hỏi Ngài làm sao có cái gọi là thiện?

Nam Thiên Vương nói:

- Thiện ác đã có luật Trời lo liệu? Sao ta phải chen vào để sửa chuyện nhân sinh? Đó là duyên số hay là nghiệp định an sẵn?

Đông Thiên Vương đáp:

- Xưa kia ở đất Thiên Trúc có một ông tỳ-kheo tên là Devadatta. Ông ấy đã bao lần gây ác nghiệp, làm chảy máu trên kim thể long trọng của Đức Như Lai.

Nam Thiên Vương ngắt lời:

- Vậy ông ta phải đọa vào A-tỳ ngục!

Đông Thiên Vương mỉm cười:

- Ngài nói phải! Devadatta vẫn phải chịu cảnh đọa vào A-tỳ ngục. Tuy là vậy, nhưng Đức Như Lai đã thọ kí cho ông. Rồi đây, ông Devadatta sẽ được trở thành một vị Bồ Tát Nghịch Hạnh. Bởi vì nghiệp ác kia như công sức đã trợ duyên cho Như Lai đắc thành chánh đạo.

Nam Thiên Vương nghe xong liền xấu hổ trong lòng. Vì miệng ông không nói được thêm một lời nào nữa, nên khi giận dỗi liền rút gươm mà chém lìa hai nhánh cây Thiên Địa Mộc: Một nhánh nằm cao nhất và một nhánh nằm sâu nhất.

Hai nhánh cây rơi xuống một cõi phẳng im ru. Một nhánh cao nhất ghim thẳng vào trong đất, phía đầu nhánh chĩa lên trời, còn một nhánh nằm ngang, thân ghì chặt trên mặt phẳng của lãnh rỗng, chìm sâu trong bóng tối. Cả hai nhánh cây đều nằm trơ ra, gió nghiệp cảnh có lay vẫn không hề cử động.

Cả Tứ Địa còn sót lại ở phía trên liên tục quay theo quy luật xen kẽ trong các hướng Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc. Bốn hướng này hiệp giao với sáu mùa xoay theo chu kì từ trái sang phải một trăm lẻ một năm, và quay ngược lại cũng với chu kì đó. Kinh Thiên năm xưa đã đổi, nên phép Ngũ Hành ngày nay cũng nương vào mà đổi, không phân ra mà hỗn loạn với nhau.

Cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông lại hòa lẫn với càn khôn hỗn độn kia và tạo ra thêm hai mùa Mưa và Nắng. Tứ Địa đó chính là: Đông Nam Đại Phong, Đông Bắc Đại Thủy, Tây Nam Đại Hỏa và Tây Bắc Đại Địa. Hai miền đất kia đã chôn sâu dưới đất do lưỡi gươm Thanh Vân của ông Nam Thiên Vương chặt gãy. Đó là hai nhánh cây Mê Tân Địa và Chân Vọng Hiện Thiên.

Các đại địa này sau năm mươi tám năm thì giao mùa được mười lăm năm rồi phân ra khỏi đại địa khác. Thời gian năm mươi tám năm gọi là một kì. Mỗi một kì đó lại khắc hợp với một mùa:

Xuân trên hoa lá Đông Nam,

Hạ chiều Đông Bắc những thần đi câu.

Tây Nam khắc khoải Thu sầu,

Sang miền Tây Bắc một màu tuyết sương.

Vàng soi là sắc Thượng Phương,

Hạ Phương đen kịt toàn phường quỷ ma.

Sau mỗi một mùa hiệp giao giữa hai đất, người dân lại phải nhờ vào phép lực cao cường ngũ thông hóa pháp của các vị thần tiên gia luyện được mà sang đất khác để làm nhiệm vụ đại diện. Nhiệm vụ đó là trao đổi hoa màu, cây cỏ, đồ đạc và lương thực đặc trưng của miền khác để con dân thọ hưởng.