Ta Làm Phụ Thân Chết Thảm Của Long Ngạo Thiên [Xuyên Thư]

Chương 60: Đạo thống của ngươi có chút nguy hiểm!

Càng đọc kỹ cuốn sách, hắn càng thấy rõ ý nghĩa ẩn giấu đằng sau những lời bông đùa: mở mang trí tuệ, khơi dậy đạo đức, nâng cao sức mạnh của dân chúng.

Đây là loại truyện gì? Rõ ràng là sách dạy trị quốc!

Hắn nhận ra tác giả quả là người thú vị. Ở thời đại này, việc biết chữ đã khó, mà nếu đã biết chữ, ai chẳng hiểu được sách? Nhưng y lại cố tình viết bằng văn phong bình dân, khiến người hiểu biết thì coi thường, kẻ kém cỏi thì không thấu. Khi hắn truy xét sâu hơn, đáp án đã lộ rõ.

Thì ra chính là vị trạng nguyên bị cướp thê—– Thu Ý Bạc, khó trách y thà dồn hết nỗi oán hận vào cuốn sách này, chứ không muốn tiếp tục phụng sự triều đình!

“Người đâu, mời vương phi đến đây!”

Không lâu sau, Thu Ý Bạc nhận được một lá thư. Không có gì khác, chỉ là Tề Vương thấy y phong thái kiệt xuất, tài trí hơn người, muốn gả quận chúa cho y, hỏi xem y có đồng ý không. Thu Ý Bạc muốn từ chối, nhưng rất tiếc đối phương không cho y cơ hội – vì thông thường, rất ít người từ chối được khi lưỡi kiếm kề sát trên cổ.

“Thu Thông Phán, xin mời viết hôn thư.” Người sau lưng y nói.

Thu Ý Bạc đưa tay chạm vào đầu mũi kiếm. Đối phương khựng lại, rồi ngay lập tức, lưỡi kiếm lại áp sát vào cổ y. Thu Ý Bạc khẽ hít một hơi, đối phương lạnh lùng nói: “Thu Thông Phán, đao kiếm vô tình, mong ngài cẩn thận.”

Thu Ý Bạc đáp: “Tráng sĩ, xin đừng hiểu lầm, chỉ là… hơi lạnh.”

Lúc này đã gần đến mùa đông, cảm giác khi thanh sắt lạnh ngắt áp vào da thịt là gì? Đó chính là lạnh thôi!

Đối phương trầm mặc một lúc: “Thu Thông Phán, đừng giở trò.”

Thu Ý Bạc viết hôn thư, đối phương cầm lấy rồi biến mất như một cơn gió. Thu Ý Bạc khẽ cười, lắc đầu – thời nay, người ta muốn lôi kéo nhân tài đều thích dùng chiêu thức liên hôn như này sao?

Có vẻ như chỉ khi đã trở thành người nhà, họ mới yên tâm.

Điều đó cũng dễ hiểu, có những việc nếu không cùng chung thuyền thì sao có thể an lòng?

Dù sao y cũng đã sớm nghi ngờ rằng vị vương gia này đã sớm có mưu đồ lớn, đến khi thanh kiếm kia xuất hiện, y mới hoàn toàn xác nhận. Bởi vì một vương gia đức cao vọng trọng, trung thành với triều đình, hết lòng vì nước nhà, làm sao có thể kề kiếm vào cổ người khác, ép người ta cưới nhi nữ nhà mình?

Không lâu sau, Thu Ý Bạc bị điều chuyển về đất phong của Tề Vương làm Thông Phán. Cuộc sống so với trước còn nhàn hạ hơn. Ngoài việc buổi chiều phải đến thư phòng của Tề Vương nghe việc, y chẳng có việc gì để làm.

Ban đầu, việc nghe xử lý chính sự vốn không đến lượt y, nhưng tiếc thay y lại không biết cố gắng. Trong một ngày sau hôn lễ, khi bị bắt đi cùng ngồi trong thư phòng, y lỡ miệng nói ra một câu "tích trữ lương thực, đừng vội xưng vương", từ đó y trở thành thành viên cố định trong những cuộc họp của Tề Vương.

Còn vị quận chúa mà y thành hôn cùng, ngoài hôm thành hôn ra, y chưa bao giờ gặp lại nàng. Trong đêm tân hôn, hai người đã nói rõ ràng, đạt được một thỏa thuận hữu nghị, ai chơi việc nấy, không can thiệp vào nhau, chỉ cần bề ngoài nhìn được là được.

Điều này rất hợp ý Thu Ý Bạc.

Bị Tề Vương sử dụng không phải là ý nguyện của y, nhưng có câu nói rất hay, đến cũng đã đến rồi, làm việc cho ai mà chẳng là làm?

Thời gian dần dần trôi qua, những việc của Tề Vương giống như mưa xuân thấm vào lòng đất, âm thầm mà không ai hay biết. Có lẽ vì hoàng đế đã trị vì quá lâu, dần dần trở nên kiêu ngạo, tạo điều kiện cho Tề Vương có nhiều không gian hành động. Đến năm Thu Ý Bạc ba mươi lăm tuổi, đại thế đã hình thành.

Tề Vương gọi y vào mật thất, hỏi: “Tử Hoài, thời cơ đã đến chưa?”

Thu Ý Bạc suy nghĩ một lúc: “Chờ thêm hai năm nữa.”

“Tại sao?”

Thu Ý Bạc chỉ tay lên trời: “Việc này phải xem ý trời.”

Tề Vương ngừng lại, rồi nở một nụ cười hiểu ý.

Cái gọi là "ý trời", có lẽ Tề Vương cho rằng đó là thứ hư vô xa vời không thể với tới. Nhưng trong mắt Thu Ý Bạc, nó lại rất đơn giản – năm nay mưa ít, đã thành hạn hán. Triều đình cố gắng giữ vững, nhưng một năm hạn hán sẽ chết không biết bao nhiêu người, năm sau tình hình chưa chắc đã khả quan. Nếu năm sau lại hạn hán nữa, thì cho dù Tề Vương không khởi nghĩa, chắc chắn cũng sẽ có người động thủ.

Hơn nữa, vùng đất phong của Tề Vương nhờ vào việc xây dựng mấy năm nay mà vẫn còn khá sung túc. Có lẽ trời thực sự có chút thiên vị, vùng này không bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán. Cộng thêm việc cứu trợ, dân chúng ở đây vẫn sống tạm ổn. Đợi đến khi các nơi nổi dậy, Tề Vương có thể thuận theo thiên đạo, hành sự đúng lý, dựa vào thành tích cai trị của vùng đất phong, lên ngôi một cách chính đáng.

Một năm sau, quả nhiên hạn hán xảy ra, khắp nơi dân chúng lầm than, chỉ có đất phong của Tề Vương vẫn như thời thịnh thế. Tuy chưa đến mức ai ai cũng được no đủ, nhưng so với những nơi người dân phải ăn rễ cây, cạo vỏ cỏ, cuộc sống nơi này vẫn tốt hơn rất nhiều. Trong cơn hoạn nạn, nạn dân từ khắp nơi ùn ùn kéo về lãnh địa của Tề Vương. Tề Vương lập tức dâng tấu chương đã chuẩn bị sẵn từ lâu, yêu cầu triều đình viện trợ lương thực và tiền bạc.