Điểm Sáng Của Tôi

Chương 7

Chủ nhật, chúng tôi đến nhà Ông Kẹ chơi. Sau cái ngày chúng tôi cãi nhau xem nên để dành tiền hay mua bánh thì tôi đã thắng, Ông Kẹ cho tôi một cái lọ để tôi dành dụm tiền. Ông Kẹ có kêu tôi đem về nhà mà cất, nhưng tôi cho rằng cứ cất tiền ở chỗ ông chứ không thích đem về nhà.

Từ hồi có cái lọ, tôi và Nguyên ít mua đồ ăn hơn hẳn, cứ mỗi khi làm được tiền thì sẽ để thẳng vào lọ luôn không buồn nghĩ đến chuyện gì khác. Thằng Nguyên ban đầu nó bực bội là vậy nhưng từ khi có chiến dịch này là nó siêng hơn hẳn, không còn lười biếng nữa. Có cái gì đó để cố gắng thì vui hơn nhiều, dù cái động lực đó cũng chẳng lớn lao gì cho cam.

Ngồi ở cạnh Nguyên trên cái ghế gỗ dài trước nhà của Ông Kẹ, tôi nhìn Nguyên đang xòe tay cho con chó trắng mũi đỏ tên Bũm ăn vài miếng xúc xích cuối cùng của nó. Nguyên dạng với chó hơn tôi, và tôi chưa bao giờ che giấu về chuyện tôi nghi ngại độ an toàn của con Bũm. Tôi nói với nó:

– Ông có nghe nói chuyện con chó trắng mũi đỏ chống gậy trong đêm không?

Nguyên nhìn con Bũm với đôi mắt lấp lánh được chiếu sáng bởi ánh mặt trời buổi trưa, trông xinh đẹp như một bông hoa đang mùa khoe sắc, Nguyên đáp:

– Có, sao tự dưng hỏi tui vậy?

– Vậy chứ đằng ấy nhìn coi đằng ấy đang làm gì?

Con Bũm đã ăn hết xúc xích của Nguyên, nó ngửi ngửi tay Nguyên cho đến khi nhận ra hết xúc xích rồi thì nó nhe răng gầm gừ một cái mới quay mặt rời đi. Ai nói chó là loài vật trung thành? Hóa ra cũng như con người vậy, chó chỉ trung thành với thức ăn của chúng nó.

– Vậy chứ đằng ấy có lần nào thấy con chó đội nón phóng lên nóc nhà bao giờ chưa? – Nguyên chống tay lên hông rồi hỏi.

– Không có đâu có nghĩa là hông bao giờ. – Tôi bĩu môi đáp lại.

Vài lọn tóc phủ xuống trán của Nguyên, tôi vươn tay lên vén chúng ra sau tai thằng chả. Nguyên nhìn theo động tác của tôi, một nét dịu dàng bất chợt ánh lên bên trong con ngươi màu cà phê sữa ấy. Lát sau Nguyên mới lên tiếng:

– Cái gì thấy thì tui tin còn hông thấy thì tui hông tin.

– Có thờ có thiêng có kiêng có lành.

– Có thờ chưa chắc thiêng, có kiêng chưa chắc lành. Với lại, ví như con Bũm là ma thì sao? Mình bỏ nó chết đói thì nó có đi cắn người không? Nếu vậy thì mình hại người rồi à?

Tôi khịt mũi so vai, đưa tay lên gãi đầu của mình rồi cười nhe răng với Nguyên:

– Cũng đúng.

Ngó ra sau tai của nó, thấy tóc đằng sau đã mọc dài hơn gáy, tôi đề nghị:

– Tóc ông dài quá rồi, ông cắt đi.

Nguyên gật đầu:

– Ừm, nhưng mẹ tui nói khi nào rảnh dẫn tui đi. Chắc tuần sau đi được. Dạo này mẹ tui bận lắm.

Ông Kẹ đang trở về nhà với một túi đầy nhóc chai lọ. Thấy chúng tôi, ông cười rộ lên, mồ hôi bên trong những nếp nhăn chồng chất phát sáng như kim cương vừa được đánh bóng.

Con Bũm ngẩng đầu dậy từ cái hốc nhỏ mà nó đang đào bới mà chạy lại chỗ ông. Vừa thở hồng hộc vừa vẫy đuôi, liên tục vùi mặt vào chân ông để được vuốt ve cưng nựng. Ông Kẹ cúi xuống gãy tai cho nó, rồi đặt bao đựng ve chai xuống đất. Tôi và Nguyên đứng lên, nhường chỗ cho ông ngồi nghỉ. Ông gỡ cái nón lá đang đội trên đầu xuống quạt phành phạch cho mát, rồi ông bảo:

– Nay hai bây làm biếng, hông thèm đi kiếm tiền hen.

Nguyên và tôi nở ra một nụ cười hở cả hai hàm răng. Ông Kẹ cũng khà khà lên hai tiếng khản đặc. Tôi vào nhà và lấy cho ông ly nước. Ông Kẹ uống ừng ực một hơi thì hết sạch ly nước nọ, lại nói:

– Con gái mới lớn có làm như vậy ở nhà không? Hay ra ngoài làm cho người ngoài?

– Thì ở nhà làm hoài vậy mới quen mà đi lấy cho ông đó chớ. Con ngoan mà.

Ông Kẹ không nói nữa mà bắt đầu thở hì hục. Tôi và Nguyên lặng lẽ đi qua bên phía đối diện ông ngồi xuống. Con chó đang nằm cạnh chân ông, duỗi người một cách lười biếng. Ông Kẹ đi vào bới cơm trộn với một ít cải muối và nước tương rồi đem ra, ngồi đối diện chúng tôi nhai xồm xoàm như thể ngon lắm rồi ông lẩm bẩm:

– Chà, nay không có thịt cho con Bũm ăn rồi. Cái thằng này không có thịt là nó không chịu ăn đâu.

– Nãy con có cho nó xúc xích ăn rồi. – Nguyên lên tiếng.

– Trời! Nay ăn sang dữ bây?

– Ông ăn thì mai mốt con đem cho ông nữa? Nhà con nhiều lắm, mẹ cho con hai cây sau bữa ăn. Con hông ăn, con đem cho ông với con Bũm ăn.

– Ủa rồi tui thì sao? Tui hửi mùi hả?

Nguyên cười khúc khích:

– Bà muốn thì để tui lén lấy trộm cho bà ăn.

– Tào lao quá. – Ông Kẹ mím môi. Trông như ông đang nín cười chứ không phải giận giữ. Ông nói với Nguyên. – Bây cứ ăn đi. Tao thích ăn với củ cải muối vậy thôi chứ tao có tiền tự mua được. Tính tao bần mà con chó nhà tao ăn sang lắm, phải có thịt có cá nó mới ăn. Tao sống một mình là tao chớ ăn thịt cá làm gì, già rồi, răng đâu mà nhai thịt cho nổi. Còn con Nữ, có tiền thì tự mua nó ăn. Mới bây lớn mà chiều gái thấy ớn.

Nghe ông nói xong, tôi và Nguyên nhìn nhau, cùng bật ra vài tiếng khúc khích. Ông Kẹ múc một muỗng cơm khác bỏ vào miệng, đôi mắt của ông như thể hiện lên một ánh sáng vàng chói lóa. Đôi khi tôi nghĩ đôi mắt là một thứ linh thiêng, bởi vì nó luôn là điểm đặc biệt của con người. Cho dù người đó xấu xí, già nua hay xinh đẹp, đôi mắt luôn khiến nó đặc biệt theo cách riêng của nó, xinh đẹp theo cách riêng của nó. Ông Kẹ nhìn trừng trừng vào tôi bằng con người mà nâu sáng, ông hỏi:

– Đi học có vui hông mà chớ nghe hai đứa nói gì hết vậy?

Chúng tôi gãy đầu, không biết nên trả lời thế nào. Mà thường những lúc không biết trả lời như này thì Nguyên sẽ van xin tôi bằng đôi mắt đặc biệt của nó để đùn đẩy chuyện cho tôi. Không sao, nó đẩy thì tôi nhận, tôi đáp lời Ông Kẹ:

– Đi học thì bình thường. Nhưng mà bọn con hông thích bàn chuyện trong trường ở ngoài trường. Mà trong trường bọn con cũng hông có nói chuyện ở ngoài vào. Chơi chung với nhau cũng hông luôn.

– Sao vậy? – Ông Kẹ vét những muống cuối cùng của chén cơm. Miệng ông vẫn nhai nhồm nhoàm trong lúc đợi tôi trả lời.

– Tại vì bọn con mà trông thân nhau quá thì mấy đứa bạn bắt đầu chọc bọn con đó ông. Chúng nó nói bọn con là…

– Bạn trai bạn gái. – Nguyên kết thúc câu nói giúp tôi. Đôi mày của nó nhíu chặt lại.

– Nếu nó ghẹo thì bọn con phải làm sao cho chúng nó dừng ghẹo lại, chứ không phải đánh đổi tình bạn của mình để đổi lấy sự im lặng của người ngoài.

– Quan trọng là bọn con không biết làm sao cho nó im lặng. Con thấy có mấy đứa đuổi đánh nhau ghê lắm, mà càng nói thì càng chọc. Khó chịu lắm. – Tôi chun mũi.

Ông Kẹ búng vào trán tôi. Khi tôi trừng mắt nhìn ông, ông cười toe toét:

– Làm ngược lại cho chúng nó đừng nói nữa. Nó chọc thì hai đứa phải nói đến khi nào nó dừng chọc thì thôi. Đi học cảm thấy chuyện gì mình nói với thầy cô thầy cô xử lý được thì thôi, còn thầy cô không xử lý được thì mình phải tự bảo vệ mình. Đâu có thể nào cứ như con chó để làm theo sự điều khiển của người khác. Mà nói gì con chó. Bũm đây nè, nó là con chó đó, nó quạu lên là không được chửi luôn chứ đừng nói là đuổi đánh.

Tôi và Nguyên xem lời khuyên của Ông Kẹ là gió thoảng qua tai chứ không để ý quá nhiều. Chúng tôi ngồi với ông thêm một lúc rồi cùng nhau về lại căn chòi bí mật. Bấy giờ nước trong cái ao mà tôi làm đã đầy cặn do để lâu ngày. Chúng tôi dời đá ra khỏi tấm cao su rồi hợp lực hất nước ra ngoài.

Sau khi để tấm cao su về chỗ cũ, chúng tôi vào chòi và cùng chơi thảy đá. Tay của Nguyên đã nhuần nhuyễn hơn trước, nhưng còn lâu mới đạt được cấp độ cao thủ như tôi. Tôi luyện kỹ năng này từ năm lớp một, nhắm mắt cũng có thể chơi dễ dàng. Thời gian của chúng tôi cứ thế trôi đi như thế, cho đến khi tôi nhận ra đến giờ phải về nhà. Rời xa nơi tôi an toàn để trở về ngôi nhà không an toàn như người ta thường nói.