Phòng Bếp Là Cánh Cửa Không Gian

Chương 21: Trao đổi thành công

Măng mang theo thư đến nhà Vũ Uyển.

Nhận được thư Vũ Uyển kinh ngạc nhìn chữ viết của Đào Ẩn, dù là thể chữ nôm cô không hiểu nghĩa, nhưng vẫn không tài nào che được nét đẹp ẩn chứa bên trong những nét mực sắc bén đó.

Vũ Uyển chụp màn hình cẩn thận dịch từng chữ.

Nội dung Đào Ẩn viết rất văn nhã.

[Rất vui được gặp Vũ Uyển cô nương, cảm ơn cô vì đã chăm sóc Măng, thằng bé có làm gì phiền lòng mong cô hãy nói, ta nhất định dạy bảo nó.]

Đọc xưng hô cổ đại Đào Ẩn dành cho mình khóe môi Vũ Uyển bất giác cong lên.

[Về việc làm ăn, ta rất vui vì đã giúp được Uyển cô nương, ta đồng ý với đề nghị của cô. Hiện tại bên ta đang hạn hán, lương thực và nước uống là hai thứ rất đáng quý, nếu cô nương mua được lương thực có thể gửi cho chúng ta một ít, không cần loại đắt tiền có thể ăn được là được. Ngoài ra gửi cho ta một ít nước xả vải và xà bông, ta muốn đem nó giao dịch để đổi lấy trâm cài cho cô bán.]

Sau khi đọc xong thư, Vũ Uyển liền kéo Măng lại hỏi kỹ hơn tình hình trong nhà thằng bé, trong thư Đào Ẩn chỉ nói sơ qua tình hình hạn hán, chứ không nhắc chút nào về chuyện trong nhà, cô muốn thông qua Măng hiểu hơn tình hình bên đó, rồi sắp xếp đồ gửi đi.

Măng thật thà nói ra tình hình của bọn họ: “Bà nội ép nhà chúng em phân gia, không chia nhà hay ruộng đất cho cha em, hiện tại bọn em đang ở trong một căn nhà hoang, chỉ có độc một chiếc giường mỗi đêm ba cha con bọn em đều chen chúc trên chiếc giường nhỏ đó, quần áo mỗi người hai bộ, mái nhà dột nát, tường đất sắp bị bào mòn, đêm nào có gió mái nhà bằng rơm sẽ bay mất một nửa, gà chưa gáy đã thấy ánh mặt trời chiếu vào rồi…”

Nghe Măng kể, Vũ Uyển âm thầm lên một danh sách dài các món đồ cần mua: Giường chiếu chăn, vải may quần áo, khăn mặt, giấy vệ sinh, các dục cụ vệ sinh hằng ngày…

Măng buồn bã nói: “Cha rất thích đọc sách, khi trước trong nhà có rất nhiều sách, nhưng sau này bác hai đi học, bà nội liền ép cha giao sách lại cho bác hai, cha không còn sách để đọc nữa, giấy trong nhà cũng bị lấy hết chỉ còn lại vài tờ.”

Vũ Uyển nghe và để tất cả trong lòng, cô nói: “Măng em về bên đó giúp cha lo việc nhà đi, chiều quay lại mang đồ về, bây giờ chị phải ra ngoài mua đồ.”

Vừa đứng lên cô như nhớ ra gì đó, vội kéo tay Măng.

“Em ra vườn với chị một lát.”

Cô kéo Măng ra vườn trái cây.

Lần đầu tiên ra khỏi nhà chị gái, Măng nhìn ngó xung quanh, may mắn vị trí này ít người qua lại, không phải ngày mùa tuyệt đối yên tĩnh, hơn nữa vườn cây ăn trái cũng dày nên đứng ở bên ngoài không thể nhìn thấy rõ bên trong.

Vũ Uyển chỉ các loại cây ăn quả cho Măng: “Đây là cây ổi, đây là cây hồng xiêm, kia là mít, kia là xoài, đó là cây hồng, kia là nhãn, chôm chôm, đó là cây dâu tằm, còn kia là khế chua, khi nào em tới đây muốn ăn gì cứ ra ngoài này hái về, đừng ngại.”

Vũ Uyển chỉ thằng bé cách phân biệt trái cây chín, đi qua một cây mít mùi thơm ngào ngạt của nó cho thấy đã có một trái chờ được hái xuống. Vũ Uyển thích ăn mít nhưng hôm nay cô quyết định nhường lại cho nhà Măng, cắt nguyên quả xuống, hướng dẫn Măng cách xẻ mít, rồi gói ghém một bao trái cây lớn đưa cho Măng đem về.

Chờ Măng đi, Vũ Uyển lấy chiếc xe điện của mình chạy lên thị trấn, muốn mua những món đồ lớn và nhiều cần phải tìm tới các cửa hàng lớn và uy tín.

Vũ Uyển tạt vào cửa hàng nội thất lớn, chọn hai chiếc giường gỗ, bộ chăn ga gối nệm cao cấp, tiện thể mua cả chiếu trúc thích hợp nằm vào mùa hè, còn không quên mua cả khăn mặt, khăn tắm, lấy thêm thau và chậu rửa bằng nhôm loại lớn, tiếp đó là tìm đến các tiệm bán nồi gang, mua một bộ nồi nấu to nhỏ khác nhau cùng chảo lớn, kèm thêm cả dụng cụ bát đũa…

Nhìn cô mua sắm, chủ tiệm có cảm giác như cô ra riêng sắm sanh cho nhà mới của mình.

Càn quét xong cửa hàng đồ dùng cô đi vào siêu thị nhỏ ở thị trấn mua các loại gia vị, gạo, bột, khoai lang, khoai tây… còn mua cả kem đánh răng và bàn chải đánh răng cho ba người.

Tiếp đó chính là tiệm vải, dựa theo môi trường nơi đó, Vũ Uyển lựa chọn một số loại vải tối màu và dày dặn, một ít vải mỏng để may váy cho Mưa.

Chờ cô càn quét đủ đồ trở về nhà thì đã qua giờ cơm trưa, vừa ngồi xuống chưa được ba mươi phút hàng cô đặt đã được giao xuống.