Phòng Bếp Là Cánh Cửa Không Gian

Chương 18: Gửi thư cho Đào Ẩn

Kiếm được một số tiền lớn, việc đầu tiên Vũ Uyển làm chính là lên kế hoạch làm ăn với cha của Măng.

Măng hiện tại chỉ mới là một đứa nhỏ 7 tuổi, khả năng truyền đạt chắc chắn còn nhiều hạn chế, cô không thể bảo Măng truyền lời, cách tốt nhất chính là viết thư giải thích cho cha Măng biết kế hoạch của cô.

Thế nhưng ngôn ngữ của hai bên rất khác biệt, cô cần tìm cách để giao lưu được với cha Măng. Vũ Uyển mở bức thư pháp chữ nôm ra ngắm nghía, tuy không phải là người rành về chữ cổ, nhưng Vũ Uyển vẫn cảm nhận được sự uyên bác, điềm tĩnh và mạnh mẽ trong chữ nôm này, cảm giác cô dành cho cha Măng có sự thay đổi, có vẻ cha Măng là một học giả giỏi, tuổi đời không còn nhỏ, ít nhất phải hơn 30.

Cô thử lên mạng tra xem có phần mềm dịch chữ nôm cổ hay không, bất ngờ trong trang của Việt Đồ Cổ có phần mềm chuyên dịch tất cả các loại chữ cổ từ Trung qua Việt thậm chí là Hàn, Nhật… quả là một trang web bá đạo.

Xem ra người đứng đằng sau Việt Đồ Cổ còn ghê gớm hơn cô tưởng, làm ăn với nhóm lớn như này tuyệt đối có thể yên tâm.

Cô thử nhập một dòng chữ bằng Tiếng Việt sau đó ấn nút dịch, ngay lập tức dòng chữ ấy chuyển sang chữ nôm, giờ việc của cô là làm thế nào để truyền tải dòng chữ này qua giấy.

Nhìn chiếc điện thoại trên tay, Vũ Uyển nảy ra một ý, cô có thể nhập thông tin vào phần mềm ghi chú trên điện thoại rồi giao cho Măng mang về.

Ý tưởng này không tồi.

Sau khi quyết định được cách giao lưu với Măng, Vũ Uyển yên tâm đánh một giấc thật ngon, sáng sớm vừa bước ra khỏi phòng ngủ cô liền trông thấy Măng đang ngồi trong phòng khách.

“Sao em tới sớm thế?” Cô lớn tiếng hỏi.

Măng chỉ ra ngoài: “Mặt trời lên cao từ lâu rồi chị.”

Vũ Uyển liếc nhìn đồng hồ thấy đã hơn tám giờ sáng, với người xưa khung giờ này đã quá muộn.

Vũ Uyển chỉ đành cười để xóa tan sự ngượng ngùng, cô hỏi: “Em ăn sáng chưa?”

“Dạ em ăn rồi, là cháo thịt do chị gửi ngày hôm qua.”

Vũ Uyển rất vui khi thấy thần sắc hôm nay của Măng tốt hơn hôm qua rất nhiều.

“Chị ơi.” Măng gọi.

“Sao vậy em?”

“Chị tên gì ạ? Chúng ta gặp nhau đã lâu mà em chưa biết tên chị.”

Vũ Uyển mỉm cười đáp: “Chị họ Vũ tên là Uyển, em có thể gọi chị là chị Uyển. À đúng rồi, cha của em tên gì, chị cần nói chuyện với cha em nên muốn biết tên chú ấy.”

Măng vui vẻ đáp: “Cha em họ Đào tên là Ẩn, em còn có một em gái tên là Mưa.”

Khóe môi Vũ Uyển giật nhẹ, tự hỏi tên của cha rất đẹp, sao đến tên hai đứa nhỏ trong nhà lại có vẻ tùy ý vậy?

“Em là Đào Măng còn em gái là Đào Mưa à?”

Măng lắc đầu: “Tên Măng và Mưa là tên gọi ở nhà của bọn em, còn tên chính thức thì phải tới khi em đủ 10 tuổi mới có thể đặt.”

Hiểu được phong tục đặt tên của làng Thu Thủy, Vũ Uyển không còn thắc mắc. Cô lấy ra chiếc di động mình đã chuẩn bị nhập một dòng chữ tiếng việt sau đó dịch sang chữ nôm đưa cho Măng xem.

“Em xem có hiểu dòng chữ này nói gì không?”

Măng nhìn màn hình có chữ, cảm thấy thiết bị mà chị gái dùng rất thần kỳ nhưng không nghịch loạn, cậu chăm chú đọc các chữ lớn trên màn hình đáp: “Em chỉ biết được vài chữ, nếu đưa cho cha chắc ông ấy sẽ đọc được hết.”

“Vậy thì tốt quá!” Chỉ cần Măng hiểu, chắc chắn Đào Ẩn sẽ hiểu.

“Em chờ một chút chị có chuyện muốn nói với cha em.”

Măng gật đầu, cảm thấy rất vui khi chị gái chủ động muốn nói chuyện với cha mình.

Vũ Uyển chuyên chú nhập thông tin cần trao đổi, sau đó đưa tất cả vào phần mềm dịch, rồi chuyển nội dung chữ sang mục ghi chú, để màn hình ngay mục đó, chỉ cho Măng cách xem.

“Em đưa chiếc điện thoại này về mở phần chữ này lên cho cha em xem. Về phần trả lời, em nhắn cha chỉ việc viết ra giấy để em cầm tới đây, chị sẽ tự dịch.”

Măng gật đầu nhận lấy điện thoại, tạm biệt Vũ Uyển rồi biến mất trong phòng bếp.

Nhìn bếp thờ, Vũ Uyển nhớ lại tiếng nôm mà mình vừa viết, cô tự hỏi hai bên dùng chữ viết khác nhau chứng tỏ ngôn ngữ khác nhau, vậy sao cô lại có cảm giác Măng nói chuyện bằng Tiếng Việt, phải chăng là do sức mạnh thần kỳ của vị thần xuyên việt?



Chữ nôm (𡨸喃), còn được gọi là Quốc âm (國音) hay Quốc ngữ (國語) là loại văn tự ngữ tố - âm tiết dùng để viết tiếng Việt. Đây là bộ chữ được người Việt tạo ra dựa trên chữ Hán.

Chữ Nôm bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Sơ khởi, chữ Nôm thường dùng ghi chép tên người, địa danh, sau đó dần dần được phổ cập, tiến vào sinh hoạt và văn hóa của quốc gia.

Vào thời Nhà Trần ở thế kỷ 14 và Nhà Tây Sơn ở thế kỷ 18, xuất hiện khuynh hướng dùng chữ Nôm trong văn thư hành chính.