Chương 1: Kế Sách
mùa đông Năm Càn Thanh Thứ 16
“Con có biết muốn trở thành Thái Hậu phải có thân phận gì?”
Đại Chiêu đang đi đến thời kì thịnh thế nhất dưới sự giúp sức của Tứ Đại gia tộc: Lê thị, Vân thị, Triệu thị và Thượng Quan thị. Trong đó, Lê thị và Thượng Quan thị có mối liên hệ mật thiết nhất với các vị Hoàng Đế cũng bởi vì hầu hết Hoàng hậu và Phi tần có địa vị cao xuất thân đều từ hai đại tộc này mà ra.
Từ những buổi đầu Khai Quốc, Lê thị đã là đại tộc giúp Thái Tổ Hoàng Đế lên ngôi, chấn hưng đất nước, mở ra Hoàng Triều Đại Chiêu đầy hưng thịnh cho nên luôn đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong lòng các vị Đế Vương. Hơn hết, dòng họ Lê thị vinh hiển và được biết đến nhiều nhất không thể không kể đến hậu duệ của Văn Xương Thừa Tướng Khai Quốc Công Lê Đức Trạch, Nhạc Phụ của Thái Tổ Hoàng Đế nhiều đời sau sinh ra chính là Thái Sư kiêm Lễ Bộ Thượng thư Lê Đại Bảo, phụ thân của Thục Kính Hoàng Hậu, là nguyên phối Hoàng Hậu của Đương kim Hoàng Đế hiện nay.
Còn Thượng Quan thị tuy không phải là Khai Quốc Đại Thần, nhưng khi xưa đã có công phò tá Tiên Đế đăng cơ, công trạng ngút trời, lại hết mực trung thành cho nên rất được Đương kim Thánh Thượng trọng dụng. Bên cạnh đó, gia tộc này đã liên tiếp xuất hiện hai vị Hoàng hậu ở hai triều đại trước, một là Thuần Minh Nghị Hoàng hậu, tức Đích Mẫu của Tiên Đế, hai là Thánh Cung Hoàng Thái hậu, Đương kim Thái hậu cũng chính là Đích Mẫu mà Hoàng Đế hết mực kính trọng.
Vậy nhưng, đối với cái vinh hiển hiện có, Thái hậu vẫn chưa thực sự hài lòng, nàng cho rằng vinh hiển nếu không duy trì sẽ dần mất đi. Nếu quyền lực không có, thì ai cũng có thể xem thường gia tộc này. Mà sau khi nàng ra đi, đối với hậu thế cũng chẳng khác gì các vị Hoàng hậu khác, Hoàng đế đời sau sẽ không vì nể tình một vị Hoàng hậu đời trước mà ưu ái cho gia tộc nàng. Chỉ khi, tồn tại một vị Thái hậu hoặc Hoàng hậu thuộc gia tộc nàng dưới triều đại ấy, thì mới có được Đặc ân và Tín nhiệm. Cho nên đối với việc tuyển tú của Hoàng Đế và các Hoàng Tử, Thái hậu nàng rất mực quan tâm. Cuối cùng đã đưa điệt nữ (1) của mình nhập cung, trở thành Hoàng Quý Phi cao quý nhất bên cạnh Hoàng Đế, còn sinh hạ được một Hoàng Tử cùng một Công Chúa. Thật sự là thập phần vinh hiển.
(1) điệt nữ hay là chất nữ (侄女), là cháu gái; con của anh, em trai chủ thể; gọi chủ thể là bác, chú, cô.
Thế nhưng, Hoàng Quý Phi càng đạt được vị trí cao thì càng có nhiều tham vọng, phía sau lưng Hoàng Đế đã làm ra không ít chuyện thương thiên hại lý. Ngay cả lời khuyên của người Cô Mẫu là nàng, nàng ta cũng bỏ ngoài tai. Hoàng Đế tuy không nói ra, nhưng có lẽ cũng đã biết chuyện, cho nên dẫu Thục Kính Hoàng hậu đã băng thệ hơn mười năm, Hoàng Quý Phi vẫn không có được Hậu vị.
Thái hậu thấy tình hình không ổn, đoán chắc Hoàng Quý Phi sẽ sớm ngã ngựa, liền nghĩ ra một cách, chính là đưa điệt tôn nữ (2) của nàng vào cung đợi đến tuyển tú vào mùa xuân năm sau hòng gả cho vị Hoàng tử có triển vọng nhất. Sau này dù cho là Tam Hoàng Tử của Hoàng Quý Phi kế vị, hay là Phu Quân của điệt tôn nữ bên mẫu gia nàng đăng cơ thì Thượng Quan thị đều có lợi cả. Như vậy cũng xem như là không uổng phí tâm sức. Và người con gái được chọn ấy, không ai khác chính là Trưởng Đích tôn nữ (3) của huynh trưởng nàng - Thượng Quan Ngọc Ngữ…
(2) điệt tôn nữ hay chất tôn nữ (侄孙女) là cháu gái; cháu nội của anh, em trai chủ thể; gọi chủ thể là ông bác, ông chú, bà cô.
(3) tôn nữ là cháu gái nội; con gái của con trai chủ thể; gọi chủ thể là ông, bà. Trưởng Đích tôn nữ là cháu gái lớn tuổi nhất (Trưởng), do vợ cả của con trai chủ thể sinh ra, bên cạnh đó con trai chủ thể phải là con do vợ cả sinh ra (Đích).
Sau khi được Phụ Thân đưa đến trước Tử Loan Môn (4) nằm ở cuối phía Nam của Tử Dịch Thành, Thượng Quan Ngọc Ngữ đã thấy một cung nữ trẻ tuổi phụng mệnh Thái Hậu đứng chờ sẵn, liền nhanh chân bước theo nàng ta đi vào bên trong. Ngọc Ngữ vừa đi vừa nhìn ngó xung quanh, trong lòng không khỏi cảm thán cảnh vật xa hoa, rộng lớn, lại thêm cung nhân đi lại tấp nập không thôi, nhưng tuyệt nhiên đều chăm chú làm việc, không ai nói với ai câu nào. Nàng thầm nghĩ nơi này tuy đông đúc như ở chợ Kinh Thành, nhưng lại không giống chợ. Cảm giác trang nghiêm lại có phần ngột ngạt xen lấn trái tim nàng…
(4)Tử Loan Môn (紫鸞門) đây là cổng chính thường được sử dụng khi Đế Hậu đi tuần du, cũng như là lối đi của Tú nữ tham gia trong kỳ Tuyển tú.
Đi được một lúc thì Ngọc Ngữ thấm mệt, vừa hay trước mặt là Ngự Hoa Viên, cung nữ kia đành phải để nàng ngồi lại Ngự Cảnh Đình bên trong Hoa Viên nghỉ chân một chốc, tiện bề ngắm cảnh. Bỗng ở phía xa xa, dưới lớp tuyết đang tan chuẩn bị đón chào mùa xuân đến, Ngọc Ngữ nhìn thấy có hai bóng người đang nặn tuyết, liền tiến tới gần xem. Là một cặp nam nữ, người nam tử còn rất mực quen thuộc với nàng, chính là biểu huynh (5) Tam Hoàng tử Mộ Dung Thành của nàng. Đương lúc Ngọc Ngữ còn đang ngẩn người suy nghĩ xem có nên đến chào hỏi không thì Mộ Dung Thành đã bắt gặp ánh mắt của nàng, hắn chỉ khựng lại một lúc, rồi làm như không thấy, tiếp tục chơi đùa với tiểu nữ tử kia. Ngọc Ngữ thở phào một hơi, miễn là hắn không có ý định tiến tới chỗ nàng thì nàng cũng có thể thuận lợi mà làm như không quen biết hắn. Dù sao sau vài lần ghé qua Thượng Quan phủ, nàng và hắn cũng chẳng nói với nhau mấy câu, đều là muội muội Ngọc Yết ngây thơ, hiểu chuyện, giỏi chọc hắn vui vẻ tiếp chuyện cùng hắn.
(5) biểu huynh/tỷ/đệ/muội (表兄/姊/弟/妹) là anh/chị/em họ bên ngoại; tức con của cô (chị em gái của cha) chủ thể, hoặc con trai của cậu, dì (anh chị em của mẹ) chủ thể.
Cung nữ kia thấy nàng cứ nhìn về phía đó, liền không mặn không nhạt nói, như với nàng lại dường như chẳng với ai cả: “Tam Điện hạ và Tứ Công Chúa hoà hợp thân thiết, trong cung này ai nấy đều biết. Thế nhưng Thái hậu chủ tử và Hoàng Quý Phi nương nương lại không thích điều đó.”
Ngọc Ngữ cảm thấy nàng ta lạnh nhạt với mình thì không vui, mặc dù tò mò lý do nhưng lại không hỏi, chỉ im lặng gật đầu rồi tiếp tục đi theo. Đi qua một đoạn đường dài vô tận như không có điểm cuối, không biết qua bao lâu, bên phải nàng xuất hiện một cách cổng lớn, bằng gỗ màu đỏ tía, cao chót vót, trông có vẻ vô cùng nặng nề, nàng cảm giác như phải hai ba người dùng sức mới có thể xê dịch được nó, đang đóng chặt. Tưởng như bên ngoài dù có la hét thế nào, ồn ào ra sao, thì người bên trong cũng hoàn toàn không thể nghe thấy. Cung nữ kia đưa tay lên nắm lấy cái quai đúc đồng trên cổng ở chỗ miệng Tiêu Đồ (8), đập nhẹ vào cổng 2 tiếng, lại như có thể vang xa đến tận trời. Có người phía bên kia dường như là lập tức nghe thấy, cánh cổng ngay tức thì mở ra hai bên, mỗi bên cổng có một thái giám đứng nép phía sau đang kéo cánh cổng. Ngọc Ngữ thầm kinh ngạc trong lòng, nàng không ngờ cổng kia lại mở ra nhanh thế, càng không ngờ nó trông nặng nề nhưng không hề khó dịch chuyển như nàng nghĩ. Nàng nhìn lên tấm bảng tên, chữ trên đó mạ vàng chói loá ghi rõ ba chữ “Tây Nhật Môn” (9).
(8) Tiêu Đồ (hay còn gọi là Thô Phủ) là con thứ chín của Rồng. Linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình nên thường được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.
(9) nằm ở hướng Tây của Trường Lạc Cung, cửa mở về phía Tây, bên ngoài chính là bức tường dài chia Hậu Tam Cung và khu vực Đông Lục Cung.
Ngọc Ngữ cũng không chậm trễ nữa, trực tiếp đi qua bậc thềm, theo vào trong. Bước qua Tây Nhật Môn, bầu không khí lại càng toát lên vẻ trang nghiêm khó tả, các cung nhân đều cúi đầu, đứng ngay ngắn chờ được hầu bên ngoài. Hai hàng người như vậy, đoán chừng phải gần ba mươi cung nhân có cả cung nữ lẫn thái giám chia ra làm ba hướng Bắc, Đông, Tây theo ba hướng bậc thang dẫn lên Chính Điện. Ngọc Ngữ bước lên bậc thang hướng Tây trước mắt nàng. Bậc thang thoai thoải, tuy không quá dốc nhưng lại khá dài. Đi hết bậc thang thì bên tay phải nàng cũng xuất hiện một đại điện nguy nga, Ngọc Ngữ ngước lên thì thấy bảng tên đề hai dòng “Trường Lạc Cung (10) Tiêu Phòng Điện” (11). Trước cửa Đại điện còn có một vị cô cô, xem chừng chỉ xấp xỉ tuổi của Đặng Phu Nhân - Kế Mẫu của nàng, đang đứng đợi. Cô cô ấy bước xuống, giọng vừa nghiêm túc vừa kính trọng lại vô cùng dịu dàng nói với nàng:
“Tiểu thư, Thái hậu đã chuẩn bị trà bánh đợi người đấy, mời vào.”
Nàng ta nói xong thì nhường đường cho nàng đi, Ngọc Ngữ đa tạ lại nói: “Mời cô cô dẫn đường.” Rồi theo vào trong. Cung nữ kia cũng không còn việc của mình liền lui xuống.
(10) Trường Lạc Cung (長樂宫): có nghĩa là hạnh phúc vĩnh viễn.
(11) Cung cấm dùng hạt tiêu trát vào tường vách cho thơm và ấm, lại được tốt lành. Đời nhà Hán gọi hoàng hậu là “tiêu phòng” (椒房) là bởi ý đó.
***
Trên tháp cao là một phụ nhân gần năm mươi tuổi, nhưng có lẽ vì bảo dưỡng tốt, thoạt nhìn chỉ như vừa qua tuổi bốn mươi. Thái Hậu ngồi nhàn hạ, nhâm nhi tách trà trên tay, phải cho đến khi Ngọc Ngữ vào diện kiến, nàng quỳ rạp và khấu đầu, bà mới để tách trà xuống bàn, cười nhẹ như không, nói:
“Được rồi, đều là người trong nhà, không cần phải câu nệ.”
Ngọc Ngữ ngẩng đầu, cũng cười lấy lòng, “Phụ Thân thần nữ đã dạy, hiểu rõ lễ nghi mới chứng tỏ là nữ nhi gia giáo, dù thân thiết cũng không thể thiếu ạ.”
“Ừm, tốt. Xem ra Trình T... Khản (12) dạy dỗ con rất chu đáo.” Thái Hậu gật đầu tỏ ý hài lòng, nói đoạn, bà thấy nàng còn ngại ngùng xa cách, liền bảo nàng tiến đến, ôn hoà nắm lấy tay nàng, vỗ nhẹ trấn an, “Nhưng không cần phải gò bó áp lực như thế đâu, cứ gọi Ai gia là Cô Tổ Mẫu (13), Ai gia cũng gọi con là Ngọc Ngữ.”
(12) Mộ Dung Trình Khản, phụ thân của Ngọc Ngữ.
(13) cô tổ mẫu (姑祖媽) là bà cô; tức chị/em của ông chủ thể.
Lúc này, Thái Hậu cũng nhận ra bàn tay nàng đều đã nhiễm lạnh trên đường đến đây rồi, liền ra hiệu cho nàng ngồi xuống cái bàn trà trước mặt bà. Thái Hậu nhìn nàng, ân cần nói:
“Đã sớm chuẩn bị trà thượng hạng cho con, nhân lúc còn nóng hãy dùng đi.”
Ngọc Ngữ đưa mắt nhìn tách trà, lại nhìn Thái hậu mỉm cười đáp “vâng” một tiếng rồi nâng lên, uống một ngụm đầy. Nàng thầm cảm thán, trà của Hoàng Cung quả nhiên khác hẳn ở Thượng Quan Phủ, vừa uống vào tâm hồn liền như được thanh lọc, trí óc khai thông, cảm giác sức sống đều đang ồ ạt chảy trong cơ thể nàng. Ngọc Ngữ vẫn giữ tách trà trên tay, chỉ là hạ thấp xuống, niềm vui vẻ từ tận đáy lòng dâng lên, Thái Hậu lại bảo nàng không cần giữ kẽ, liền khen:
“Lúc nãy con gặp Cô Tổ Mẫu, còn tưởng bản thân đã đến nhầm cung của Cô Mẫu (2). Bây giờ mới hiểu thì ra người xinh đẹp như vậy là do biết cách bảo dưỡng.”
(14) cô mẫu (姑媽) là cô; tức chị/em của cha chủ thể.
Thái Hậu đang thưởng tách trà, vừa nghe liền biết là nàng nịnh nọt nhưng cũng vô cùng vui vẻ mà cười rộ lên, như là đoá hoa Mẫu Đơn đương xuân mà nở:
“Xem ra là trà rất ngon. Đáng tiếc đồ của Hậu Cung, không thể tuỳ tiện mang cho Mẫu Tộc. Nếu con thích nó thì dùng nhiều một chút.”
“Vâng.”
Ngọc Ngữ đơn thuần, không chút nghĩ ngợi lại uống tiếp tách trà kia. Thái Hậu thấy mục đích của bản thân vẫn chưa đạt được lại thở dài:
“Ai gia tuổi cũng đã cao, lại mang bệnh liên miên, sẽ sớm thôi theo chân Tiên Đế mà cưỡi hạc về trời…” Nói đoạn, bà lại nâng khăn tay, lau đi vài giọt nước mắt, cố gắng nặn ra nụ cười “Bỏ đi, con nếu thích thì đến thăm Ai gia thường xuyên, Ai gia chiêu đãi con.”
Ngọc Ngữ nghe vậy thì gật đầu, nét mặt nàng ánh lên sự lo lắng cho Thái Hậu:
“Có phải người có điều gì khó nói không ạ? Con mặc dù có lẽ sẽ không thể giúp được cho người, nhưng nguyện giải ưu cùng Cô Tổ Mẫu ạ.”
Thái Hậu thấy cá đã cắn câu, liền rất mực thương tâm nói:
“Ai gia thì có thể lo lắng cho ai chứ, Ai gia chỉ có một Dưỡng Tử là Bệ Hạ, bây giờ cũng đã trở thành Hoàng Đế, nữ nhi của Ai gia nếu không mất sớm thì cũng đã xuất giá tòng phu, tòng tử, mối bận tâm của Ai gia, tất nhiên chỉ còn lại Thượng Quan thị và con cháu trong tộc.”
Ngọc Ngữ nghe thế, bèn cúi đầu, ngón tay nàng vân vê hoa văn trên nắp tách trà, dịu dàng nói:
“Thượng Quan thị ạ? Không phải còn có Lục Cô Mẫu sao?” Rồi nàng ngẩng mặt, bẽn lẽn nhìn Thái Hậu, nói như hỏi “Bà ấy là Hoàng Quý Phi, trong tộc ai cũng nói bà ấy sẽ trở thành Thái Hậu khi Tân Đế lên ngôi.”
Thái Hậu nghe đến đây, chỉ cười nhạt, bà không phản bác lời nàng ngay, chỉ nhẹ giọng hỏi:
“Tân Đế? Con có biết muốn trở thành Thái Hậu phải có thân phận gì?”
Ngọc Ngữ còn quá nhỏ để hiểu thâm ý trong câu nói của Thái Hậu, cho nên bà hỏi gì thì nàng đáp nấy. Nàng thoáng nghĩ ngợi, rồi dè dặt đáp:
“Ngọc Ngữ nghe nói... Ừm, nếu không phải là Sinh Mẫu của Tân Đế thì chỉ có thể là Hoàng Hậu của Tiên Đế, như Cô Tổ Mẫu người.”
“Ừm. Trả lời rất khá.” Thái Hậu nhắm mắt ngưng thần, gật gù ra vẻ hài lòng. Nói rồi, bà lại chậm rãi mở mắt, dùng ánh mắt sắc bén như dao, đánh giá nàng:
“Vậy theo con, Cô Mẫu của con sẽ trở thành Thái Hậu với thân phận nào?”
Ngọc Ngữ thoáng im lặng, giống được khai thông, lại giống như bị nói đến cứng miệng, tựa một con rối không được giật dây, cứ muốn nói nhưng lại không thể thoát ra được âm thanh nào. Thái Hậu thấy thế thì lắc đầu, trên mặt hàm chứa ý cười thật nhạt:
“Con cũng cảm thấy không thể? Đầu tiên, biểu ca con tài hoa và phẩm chất tuy là có đủ, đáng tiếc lại chỉ để tâm tới cái thú nữ nhi thường tình, ham muốn cái tự tại nhất thời…”
Ngọc Ngữ nghe đến đây, trong đầu đột nhiên hiện lên cảnh tượng nàng thấy lúc nãy, biểu huynh nàng và Tứ Công Chúa vui đùa, rõ ràng thân thiết quá mức so với huynh muội bình thường. Lúc này nàng mới hiểu ra lý do Hoàng Quý phi và Thái Hậu cấm đoán Tam Hoàng Tử qua lại cùng Tứ Công Chúa. Cũng bởi Tứ Công Chúa và Ngũ Công Chúa vốn là nữ nhi của Thuần Thân Vương, lý ra chỉ là Quận Chúa, là do Hoàng Đế đã mất đi quá nhiều nữ nhi, nên yêu thương các nàng hết mực, mới nhận làm Dưỡng nữ mà nuôi dưỡng. Cho nên xét ra thì các nàng và biểu huynh của Ngọc Ngữ chỉ là đường huynh muội (15), thân thiết quá mức như thế chỉ có thể là tình cảm nam nữ. Ngọc Ngữ từ nhỏ đã am hiểu chữ nghĩa thi thư, lúc trước cũng từng đọc qua chuyện Thế Tông Hoàng Đế Hoằng Tĩnh gia từng phá lệ mà nạp đường muội của mình làm phi, chính là Giảng Nguyên Hoàng Quý Phi, khiến hậu nhân chỉ trích mãi đến sau này. Thái Hậu vẫn từ tốn như thể chuyện này một chút cũng chẳng dính dáng đến bà:
(15) đường huynh/tỷ/đệ/muội (堂兄/姊/弟/妹) là anh/chị/em họ cùng một ông nội; tức con của bác, chú của chủ thể.
“Ai gia không phải nói nó sẽ không thay đổi, nhưng mấy năm nay, Hoàng Đế sức khoẻ ngày càng suy giảm, nhiều lần triệu kiến thái y, cũng thấy không có tiến triển gì thêm. Chỉ e Hoàng Đế sẽ không thể cứ thế chờ cho A Thành trưởng thành.”
Ngọc Ngữ im lặng lắng nghe, trong lòng lại thầm cảm thán Thái Hậu lòng sáng như gương, nhìn xa trông rộng, mọi sự đều rõ như nắm trong lòng bàn tay. Thái Hậu uống chút trà để thấm giọng, lại dịu dàng nói như giảng giải cho nàng nghe:
“Thế nhưng Cô Mẫu con, trời sinh đã không có mệnh Phượng Hoàng, phước đức không đủ, lại không có lòng vị tha, đối với các Hoàng Tử, Công Chúa không do bản thân thân sinh đều chưa từng đối xử tốt. Chỉ e, một trong số đó mà trở thành Tân Đế, Cô Mẫu con và Thượng Quan thị khó lòng sống yên ổn dưới chân thiên tử.”
Ngọc Ngữ vừa có ý định nói Hoàng Quý Phi nếu sống an phận như một thái phi bình thường cũng không có gì không tốt lại nghe Thái Hậu nói thế thì ngay lập tức cứng miệng, lời nào cũng không thể thốt ra. Khó khăn lắm nàng mới có thể hỏi lại một câu:
“Ý của người là… Tân Đế lên ngôi sẽ báo thù sao ạ?”
Thái Hậu cười nhạt, giống như là chế giễu:
“Có cần không? Hoàng Đế còn chưa lập Thái Tử, trong tộc các ngươi đã đồn đại không ra thể thống gì. Lúc trước Hoàng Đế nói với Ai gia, Thượng Quan thị cậy thế hống hách làm càn, Ai gia chỉ nghĩ là do có người ganh ghét xàm tấu, bây giờ xem ra là không thể không tin.”
Ngọc Ngữ cúi thấp đầu, im lặng lắng nghe Thái Hậu chỉ trích. Nói được một lúc, bà mới nhận ra, nàng chỉ là phận nữ nhi, mấy chuyện như này không nên để nàng gánh chịu. Thái Hậu khẽ thở dài một hơi, trở lại bộ dáng ân cần như một Tổ Mẫu, dịu dàng nói:
“Con đó, cũng nên suy tính cho bản thân một con đường đi. Không thể cứu cả tộc, thì ít nhất phải tự cứu lấy mình. Thái y nói ai gia chỉ có thể sống được thêm nhiều nhất là hai năm thôi. Chỉ cần Ai gia nói qua, Hoàng Đế nhất định có thể cho con tham gia tuyển tú trước tuổi (16). Con nếu muốn thì phải tận dụng khoảng thời gian này cho tốt.” Ngọc Ngữ nghe qua liền hiểu rất rõ ý đồ trong câu nói của Thái hậu. Bây giờ là năm Càn Thanh thứ mười sáu, mùa xuân năm sau sẽ có một đợt tuyển tú, nàng lúc đó lại mới chín tuổi, nếu không sớm cậy nhờ thế lực Thái hậu để tham gia thì bốn năm nữa (17) là chuyện không thể nói chắc, liền phải đợi một lượt đến năm mười lăm tuổi, thì mới chắc chắn được. “Hoàng Đế đối với Thượng Quan thị bất mãn thế nào, Ai gia cũng đã nói cho con biết. Nếu như không may sau khi Ai gia mất mà các ngươi bị hạch tội rồi trở thành tội nô thì việc con có thể gả cho một phu quân tốt đã là điều xa xỉ rồi chứ đừng nói tới tuyển tú.”
(16) Phàm là phù hợp yêu cầu thì từ 13 đến 16 tuổi đều phải báo danh để triều đình xếp vào danh sách dự tuyển.
(17) Tuyển tú đều là ba năm một lần (có đôi khi trễ hơn một năm), bắt đầu từ năm nguyên niên (năm thứ nhất).
Ngọc Ngữ nghe vậy thì trầm ngâm không nói, nàng thực sự không thể hiểu được Thái hậu đang nghĩ gì, lại càng không thể biết được chuyện trong tương lai, cho nên cũng chỉ nghe rồi suy xét thêm. Nói chuyện một lúc nữa thì trời đã xẩm tối, Thái Hậu căn dặn vị cô cô bên cạnh mình đưa nàng về, lúc trở về còn ngang qua Vạn Xuân Cung (18) thỉnh an Cô Mẫu nàng. Dù đã ở cái tuổi tam tuần thì thời gian vẫn chẳng có cách nào chôn vùi được dù chỉ một chút vẻ mỹ lệ trên dung mạo của Hoàng Quý Phi. Từng nghe qua có một loại nhan sắc kiều diễm đến nỗi có thể khiến tất cả nam nhân trong thiên hạ vì mình mà thuần phục, Ngọc Ngữ bây giờ cũng xem như là đã tận mắt kinh qua, mới dám tin là có thật. Trước nay người đẹp nhất mà nàng từng gặp qua chính là Tam Hoàng tử Mộ Dung Thành, cũng chính là Đệ Nhất Mỹ Nam của Kinh Thành. Nàng đã cho rằng thiên hạ này khó có ai có thể qua được mỹ mạo sáng chói như ánh dương ấy nữa. Nhưng giờ đây, khi đối diện với khuôn mặt tinh xảo tựa sứ của Hoàng Quý Phi, tự nhiên khí chất tôn quý hiếm có kia của Tam Hoàng Tử cũng tầm thường đến kì lạ, giống như chỉ là hoa thêu trên gấm, không đáng nhắc đến. Quả nhiên, người cũng như cung, đem đến cho người ta cả vạn mùa xuân.
Sau cuộc gặp gỡ ấy, Ngọc Ngữ càng thêm phớt lờ lời cảnh báo của Thái Hậu. Nàng không tin một gia tộc đang hưng thịnh như này, nói vụt tắt liền vụt tắt ngay, ngay cả một đốm lửa cũng chẳng còn.
(18) Vạn Xuân Cung (萬春宫) muôn xuân hoặc mười nghìn mùa xuân, mang nghĩa muôn hoa đua nở, cảnh sắc như xuân.