"Cũng không mệt lắm, cháu đi sớm nên có ghế ngồi."
Cô cảm ơn, nhận lấy ly nước rồi đặt túi táo lên bàn cạnh giường, hỏi ông cụ Quý: "Cháu đến đây mới biết ông bị bệnh, ông thấy thế nào rồi ạ?"
Lời nói của cô chân thành, không tâng bốc, cũng không quá khách sáo, khiến bầu không khí gặp mặt lần đầu bớt phần ngượng ngùng.
Ông cụ Quý xua tay: "Sao còn mua đồ làm gì? Ông chỉ là già rồi, toàn bệnh tuổi già thôi."
Sau đó ông hỏi thăm: "Ông cháu dạo này thế nào? Lần trước viết thư, chú của cháu còn bảo sức khỏe của ông ấy không được tốt. Mà nhà ông khi đó loạn quá nên ông cũng không kịp hỏi."
Nhắc đến ông nội, nét mặt Lâm Kiều lộ vẻ ngập ngừng: "Ông nội cháu mất từ mười ba năm trước rồi ạ."
"Ông Lâm mất mười ba năm trước rồi sao?"
Ông cụ Quý ngạc nhiên, vẻ mặt không giấu được sự bùi ngùi: "Có lẽ ông ấy không chịu đựng nổi nữa. Cũng phải thôi, vết thương của ông ấy còn nặng hơn của ông, lại phải chịu nhiều cú sốc lớn."
Giọng ông đầy cảm thán, tinh thần vừa phấn chấn khi thấy cháu gái của người chiến hữu cũ bỗng chốc sụt giảm.
Ông cụ Lâm là người từng trải qua bao khó khăn gian khổ trên chiến trường, mang trong mình nhiệt huyết cách mạng của thế hệ trước.
Khi quân đội tuyển lính, ông không do dự mà để con trai cả, cũng là cha của Lâm Kiều nhập ngũ. Nhưng không ngờ cuộc chiến chống giặc Nhật ác liệt như thế, ông Lâm sống sót trở về, còn con trai lại hy sinh, chỉ để lại một huân chương quân công lạnh lẽo.
Bà cụ Lâm qua một đêm đã tóc bạc trắng, nhưng ông Lâm vẫn bình tĩnh đến lạ, thậm chí còn an ủi, lau nước mắt cho vợ mình.
Nhưng sau khi nhận về di vật và huân chương của con trai, ông đã đổ bệnh và không qua nổi một năm.
Bà cụ Lâm tưởng chừng yếu đuối, nhưng lại kiên cường vô cùng, ngày tháng dù có khó khăn đến mấy cũng một mình nuôi Lâm Kiều đến năm mười tám tuổi.
Ông cụ Quý rõ ràng cũng nghĩ đến bà cụ Lâm: "Ông đang nghĩ sao cháu lại một mình đến đây. Cháu sống với bà suốt những năm qua sao?"
Ông nhớ trong thư Lâm Xương từng nói con trai mất sớm, con dâu còn trẻ, làm sao có thể cứ sống mãi với một bức di ảnh của chồng? Hai vợ chồng ông tính để con dâu tái hôn, còn đứa cháu - cốt nhục duy nhất của con trai ông là Lâm Kiều sẽ được để lại cho ông bà nuôi dưỡng.
"Trước đây cháu ở với bà, bây giờ đang sống với chú và thím."
Lâm Kiều nói khéo léo, nhưng ông cụ Quý cũng hiểu ra, bà nội cô có lẽ cũng đã mất.
Ông thở dài, nhìn cô bằng ánh mắt vừa thân tình vừa thương xót: "Những năm qua chắc cháu khổ lắm."