Nhật Ký Làm Giàu Của Tội Phi Lưu Đày

Chương 6

Cô nương này là tôn nữ của An Bình công, cũng là chất nữ của Văn thị, Văn Uẩn Linh.

Năm xưa Văn gia chỉ là An Bình bá nho nhỏ, gia thế bình thường, không có thực quyền, nói là bá phủ sa sút cũng không quá đáng, Văn thị cũng không phải đích nữ của An Bình bá, nàng ấy chỉ là thứ nữ, di nương của nàng ấy là nha hoàn bên cạnh phu nhân của An Bình bá, vì lúc đó An Bình bá mê luyến một di nương xinh đẹp khác, phu nhân của An Bình bá để củng cố địa vị, liền nâng nha hoàn bên cạnh lên làm di nương.

Đến khi Văn thị ra đời, nàng ấy bị đích mẫu dạy bảo trở nên nhu nhược, tính tình yếu đuối.

Sau này Thịnh Cảnh Đế tuyển phi, quan tam phẩm và công hầu bá tước đều phải đưa một nhi nữ vào cung, phu nhân An Bình bá muốn đưa đích nữ của mình vào cung hưởng vinh hoa phú quý, nhưng nữ nhi của bà lại tự ý định chung thân với người khác, phu nhân của An Bình bá nào dám đưa nữ nhi như vậy vào cung tuyển phi, bất đắc dĩ, lấy cớ đích nữ bị bệnh, chỉ có thể đưa thứ nữ vào cung, nghĩ rằng thứ nữ tính tình nhu nhược chắc chắn sẽ không được để mắt tới.

Ai ngờ, Văn thị lại được Thịnh Cảnh Đế để mắt tới.

Dung mạo của Văn thị không thể coi là mỹ lệ nhưng cũng là tiểu gia bích ngọc, dung mạo tú lệ, dịu dàng nhu mì.

Văn thị lại may mắn vào cung không lâu đã được Thịnh Cảnh Đế sủng hạnh mang thai, thai đầu tiên đã hạ sinh hoàng trưởng tử.

Trước đó Thịnh Cảnh Đế có hoàng hậu, hoàng hậu sinh nở một xác hai mạng, hậu cung hậu vị vẫn luôn để trống, lúc đó Thịnh Cảnh Đế có mấy vị công chúa nhưng vẫn chưa có hoàng tử, vì Văn thị hạ sinh hoàng trưởng tử, vị trí phi tần từ tài nhân lên đến cửu tần, sau đó Văn thị ở trong cung mấy chục năm, lại hạ sinh Tứ hoàng tử và Lục công chúa, thêm vào việc Thịnh Cảnh Đế không thích phía ngoại quá quyền thế, Văn gia lại chỉ là bá phủ sa sút, lúc đó Văn thị đã là một trong tứ phi, triều thần kêu gọi lập hậu, Thịnh Cảnh Đế sắc phong Văn thị làm hoàng hậu, phủ An Bình bá cũng được gia phong tước vị, trở thành công tước nhất đẳng.

E rằng ngay cả người Văn gia cũng không ngờ, thứ nữ mà bọn họ không coi trọng đưa vào cung này lại có thể ngồi lên hậu vị, trở thành mẫu nghi thiên hạ.

Chỉ tiếc rằng, hoa trong gương, một giấc mộng thôi.

Thời điểm Văn thị làm hoàng hậu, người Văn gia càn rỡ dựa thế của nàng ấy, quyền thế hiển hách được các gia đình quyền quý nịnh bợ.

Đến khi Văn thị bị giáng chức, người Văn gia cũng bị lưu đày, người Văn gia liền hận chết Văn thị, từ khi bắt đầu lưu đày, người Văn gia chưa từng cho Văn thị sắc mặt tốt.

Lúc này Văn Uẩn Linh đương nhiên không coi Hứa Thấm Ngọc ra gì.

Người Văn gia cũng giống như Văn Uẩn Linh, trực tiếp phớt lờ Hứa Thấm Ngọc, tất cả đều tụ tập về phía dưới tảng đá lớn, định để trú mưa nghỉ ngơi dưới tảng đá lớn.

So với cả nhà Bùi gia gian nan suốt đường, người bệnh thì bệnh, người yếu thì yếu thì cả nhà của An Bình công tuy rằng bị bãi quan lưu đày nhưng bọn họ có đủ thời gian, bán đi toàn bộ gia sản, tuy trên đường không mang theo rương hòm nhưng cũng có đủ vàng bạc bên mình, có thể dùng tiền bạc nhờ quan binh giúp họ mua đồ ăn thức uống vật tư, trên người cũng không gầy đi mấy cân, lúc này trời mưa, bọn họ cũng đều có ô dầu và áo tơi.

Đợi đến khi hai lão của Văn gia đi đến dưới tảng đá lớn, Văn Uẩn Linh thấy Hứa Thấm Ngọc vẫn đứng dưới tảng đá lớn, nhíu mày nói: "Ngươi làm sao vậy? Còn chắn ở đây làm gì? Không thấy tổ phụ tổ mẫu ta đến sao? Còn không mau tránh ra."

Hứa Thấm Ngọc nhìn người Văn gia lý trực khí tráng, có chút tức cười, thậm chí ngay cả Văn thị cũng nhìn nàng muốn nói lại thôi, muốn nàng nhường chỗ.