Kinh Nhiên thu dọn đồ từ trường học về nhà, mẹ cô có chút lo lắng vì trường học dành cho người khuyết tật rất đắt đỏ và nếu gần đây không có trường học nào thì việc bán trú sẽ càng tốn kém hơn. Cuối cùng, người bạn nhậu của bố dượng Kinh Nhiên đã giúp liên lạc với một trường cấp hai cũng không mấy tốt đẹp, họ đồng ý nhận Kinh Nhiên vào học, nhưng cô lại không muốn đi.
Mặc dù mẹ của Kinh Nhiên không hy vọng nhiều vào việc con gái mình được đi học. Bà cảm thấy vài năm nữa Kinh Nhiên sẽ kết hôn, học cái gì cũng chỉ là hình thức. Nhưng để cô 14 tuổi đã bỏ học đi làm chung quy cũng có chút mất mặt.
Cuối cùng, ông Triệu - một thợ làm tượng gỗ trong tiểu khu của họ đã đến nhà chấm dứt tình trạng bế tắc này. Ông Triệu muốn nhận Kinh Nhiên làm học trò của mình. Ông thích sự trầm tĩnh, khôn khéo của Kinh Nhiên, hơn nữa rất ít người trẻ hiện nay chọn học nghề này. Có lẽ một người khuyết tật như Kinh Nhiên có thể toàn tâm toàn ý học nó.
Ông Triệu có một cửa hàng nhỏ trên một con phố cách tiểu khu không xa, đã mở được mấy chục năm rồi, chủ yếu bán những thứ ông làm ra: con rối và tượng gỗ đủ loại hình dáng, thỉnh thoảng cũng giúp người khác làm những chiếc tủ chạm khắc. Tay nghề của ông Triệu rất tinh xảo. Lấy những bức tượng và con rối bằng gỗ làm ví dụ, chỉ cần bạn bảo ông ấy phải làm gì thì ông ấy đều có thể làm được. Có điều hiện tại nhu cầu về những thứ này rất ít, địa điểm quán cũng không có nhiều khách du lịch, hơn nữa ông Triệu cũng không biết tiếp thị nên mấy năm gần đây làm ăn không tốt. Cửa hàng chỉ có thể duy trì bằng cách nhận làm tượng Phật và tượng Quan Âm.
Mặc dù mẹ của Kinh Nhiên không nghĩ rằng việc học nghề này sẽ có tác dụng, nhưng hiện tại đây là một sự sắp xếp có thể chấp nhận được, hơn nữa học nghề cũng không phải trả học phí nên bà đã đồng ý.
Cứ như vậy, Kinh Nhiên đã trở thành học trò của ông Triệu. Trong khi những đứa trẻ khác đang đi học thì cô vừa quản lý cửa hàng cho thầy mình vừa học nghề chạm khắc gỗ.
Ông Triệu khen Kinh Nhiên là một học trò giỏi, bởi vì cô chỉ chuyên tâm làm việc, tâm trí của cô giống như một khúc gỗ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động nào từ bên ngoài, 1 chút kiêu căng cũng không có. Ông Triệu cảm thấy một người thợ thủ công nên như vậy.
Những ngày học nghề thật nhàm chán và yên bình, ngày tháng trôi qua không có chút xáo trộn nào, Kinh Nhiên giống như một con rối không cảm nhận được gì, ngay cả niềm vui hay nỗi buồn cũng vậy. bàn tay của cô dần dần nổi lên những vết chai giống như bàn tay của thầy. Cô không còn nhớ mình đã cào qua bao nhiêu miếng gỗ có hình thù kỳ quái, cô chỉ biết làm như vậy có thể khiến bản thân tê liệt trở nên vô cảm như một khúc gỗ.
Một đêm nọ, Kinh Nhiên đang khắc một con búp bê trước bàn làm việc, trong đầu cô chợt nảy ra một ý tưởng - cô sẽ tự sát vào năm mình mười bảy tuổi.
Bây giờ, ngay cả việc nhai thủy tinh cũng không thể mang lại cho cô cảm giác gì nữa, trái tim cô đã chết rồi, vì vậy cô cũng nên đi tìm cái chết thôi. Đàm Nham ở mãi độ tuổi đó, cô cũng muốn ở cùng một độ tuổi với anh.
Sau khi nảy ra ý nghĩ này, Kinh Nhiên cảm thấy trong lòng lập tức bình tĩnh lại, bởi vì cô đã có một mục tiêu, cũng có thể nói là điểm cuối.
Thật không may, khi Kinh Nhiên mười sáu tuổi, thầy của cô bị đột quỵ cần có người dìu khi đi lại. Bình thường ông chỉ có thể ngồi trên ghế bành trò chuyện không rõ lời với cô. Kinh Nhiên ngoài việc quản lý cửa hàng và làm hết sản phẩm, cô còn có thêm nhiệm vụ nữa là chăm sóc cuộc sống hằng ngày của ông Triệu.
Lúc đầu, cô dùng xe lăn đẩy ông đến cùng mình ra trông cửa hàng mỗi sáng, nghe lời ông chỉ dẫn rồi làm việc. Sau cơn đột quỵ thứ hai, ông không thể đi lại được nữa. Khi con trai ông Triệu về bán cửa hàng, ông nắm tay Kinh Nhiên nói không rõ lời gì đó, đôi mắt đẫm lệ, đầy lời cầu nguyện.
Kinh Nhiên liền viết chữ vào một tờ giấy rồi đưa cho con trai của thầy xem, nói rằng cô có thể vừa trông coi cửa hàng giúp thầy, thuận tiện cũng có thể chăm sóc thầy. Con trai ông Triệu suy nghĩ một lúc, cảm thấy thuê bảo mẫu hoặc đưa vào viện dưỡng lão thực sự quá tốn kém, lại không có thời gian ở nhà nên đồng ý tạm thời giữ cửa hàng rồi rời đi.
Sau đó, Kinh Nhiên dọn giường trong phòng chứa đồ của cửa hàng, ban ngày sau khi cô đẩy thầy vào trong cửa hàng sẽ trực tiếp bế lên giường, mọi việc ăn uống đại tiện cô đều lo hết. Thỉnh thoảng khi thời tiết đẹp, cô sẽ để thầy ra ngồi trước cửa hàng tắm nắng đến tối lại bế thầy vào. Thời gian trôi qua, cô không cần dùng lời nói giao tiếp với thầy nữa, chỉ cần một tiếng lẩm bẩm hoặc một cái nhìn của thầy, cô có thể hiểu được thầy muốn uống nước, đang bị đau ở đâu hoặc là đồ cô làm có vấn đề gì.
Cứ nằm như vậy ở trên giường 3 năm sau, thầy cũng qua đời.
Trước khi qua đời, Thầy của Kinh Nhiên đã gọi con trai và Kinh Nhiên đến bệnh viện, cố gắng viết một dòng chữ bày tỏ rằng ông sẽ giao cửa hàng nhỏ cho Kinh Nhiên, còn bất động sản và tài sản khác vẫn sẽ để lại cho con trai mình.
Dù sao Kinh Nhiên cũng kế thừa nghề này, cô đã chăm sóc người thầy bệnh tật của mình nhiều năm như vậy, cách làm của thầy Kinh Nhiên cũng không hề quá đáng.
Nhưng sau khi ông Triệu qua đời, con trai của ông nói rằng mảnh giấy đó không có giá trị pháp lý, hơn nữa anh ta cũng muốn lấy lại cửa hàng nhỏ này, dọn dẹp để cho người vợ mới kết hôn của mình mở một cửa hàng quần áo nhỏ. Sau đó, anh ta còn hào phóng nói rằng sản phẩm trong cửa hàng có thể giao cho Kinh Nhiên. Ngày cửa hàng tượng gỗ đóng cửa, Kinh Nhiên có thể thu dọn đồ trong đó mang đi.
Ngày cửa hàng đóng cửa, mẹ Kinh Nhiên đến làm ầm ĩ, nói rằng sau ba năm học việc, hai năm dốc sức và còn làm thêm 1 năm, dù sao đi nữa cũng nên chia 1 phần số tiền vất vả kiếm được. Nếu con trai ông Triệu không đưa, bà sẽ kiện họ vì tội sử dụng lao động trẻ em. Cuối cùng, con trai của ông Triệu biết mình đuối lý bị mẹ Kinh Nhiên đòi 20.000 nhân dân tệ.
Khi Kinh Nhiên đang thu nhận sản phẩm, cô phát hiện ra một tấm biển giảm giá lớn trên cửa tiệm, ý con trai của thầy nói là ngày hôm đó những sản phẩm không bán được thì có thể cho Kinh Nhiên, hoặc để Kinh Nhiên tùy ý chọn vài món rồi rời đi. Kinh Nhiên không nghĩ tới chuyện này, nhưng khi quay người lại, cô nhìn thấy trên chiếc ghế bành nơi thầy cô luôn ngồi có một mảnh giấy trên có dòng chữ:
“Ghế bành gỗ cũ, thanh lý 100 tệ”.
Chiếc ghế đó, khi thầy còn sống luôn ngồi uống trà, hướng dẫn cô làm việc, phơi nắng, lúc trước một mình ông trông coi cửa hàng, chiếc đệm trên ghế kia còn được Kinh Nhiên khâu vá. Cửa hàng nhỏ này và cả chiếc ghế này nữa dường như đã khắc họa nửa cuộc đời của thầy.
Kinh Nhiên chợt cau mày lại, lòng cô như khúc gỗ vậy mà lại có một loại cảm xúc gọi là phẫn nộ, cô quay người lấy ra một trăm tệ từ hai mươi nghìn tệ trong tay của mẹ, đặt xuống bàn, sau đó cô xé tờ giấy trên ghế đi, nhấc ghế lên và bước ra ngoài.
Con trai của ông Triệu lần này không lên tiếng, mẹ Kinh Nhiên trừng mắt nhìn hắn rồi lấy lại một trăm tệ trên bàn.
Sau khi trở về nhà, mẹ Kinh Nhiên đã đưa cho con gái mình 200 tệ trong số 20.000 tệ. Kinh Nhiên lớn như này rồi nhưng đó là số tiền lớn nhất cô từng nhận được. Cô đặt chiếc ghế mà thầy từng ngồi vào trong phòng mình, rồi đi ra phố mua một chiếc váy trắng, sau đó đến nơi đã hẹn.
Năm nay, cô đã mười chín tuổi rồi.
(Hết chương 5)