Sắc mặt các vị lãnh đạo ngân hàng đều không được tốt lắm: "Đừng nói mấy chuyện hoang đường đó nữa."
Lãnh đạo đều không làm việc ở đại sảnh nên không phải lo lắng về vấn đề an toàn.
Sau cuộc họp, nhân viên các cấp cơ sở bàn tán xôn xao, có người đã tìm ra thông tin liên lạc của Nhạn Nam Quy, gọi điện thoại đến hỏi xem liệu vị giám đốc ở đại sảnh kia có qua khỏi hay không.
Nhạn Nam Quy cũng không giấu giếm: "Ông ta chỉ là bị một phen hú vía, coi như là bài học xương máu vậy."
Lúc đó cô chỉ nhìn thoáng qua, thấy tuy có họa đổ máu nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù đã ứng nghiệm nhưng cũng không có gì đáng để vui mừng.
Nghe vậy, người bên phía ngân hàng thở phào nhẹ nhõm rồi lại không nhịn được hỏi: "Không biết đại sư đang ở đâu, chúng tôi có thể đến gặp mặt được không?"
Nhưng địa chỉ mà Nhạn Nam Quy để lại là đồn cảnh sát đường Phượng Hoàng, ai mà lại ở trong đồn cảnh sát cơ chứ.
Họ đương nhiên muốn biết địa chỉ chính xác của Nhạn Nam Quy, dù gì cũng phải xin cô xem cho một quẻ.
Hôm nay nhìn thấy Trịnh Minh Bách nằm sõng soài trên vũng máu, thật sự quá đáng sợ.
Chắc chắn tối nay sẽ gặp ác mộng!
Nhạn Nam Quy vừa đăng ký tài khoản đường sắt, cô đang xem vé tàu đi đến An Thành.
"Năm giờ tôi có chuyến tàu, có duyên sẽ gặp lại."
Lúc này mới ba giờ chiều, Nhạn Nam Quy thu dọn đồ đạc rồi làm thủ tục trả phòng.
Chủ khách sạn vừa lúc có mặt, thấy Nhạn Nam Quy không ở lại thêm vài ngày thì rất tiếc nuối: "Đại sư cháu đi đâu vậy? Hay là để chú đưa cháu ra bến xe?"
"Không cần đâu ạ, nhưng mà cháu có việc muốn nhờ chú." Nhạn Nam Quy kết bạn Wechat với chủ khách sạn, chuyển cho ông năm trăm tệ rồi nói về việc nhờ ông làm một tấm bằng khen.
"Việc nên làm thôi mà, cần gì phải đưa tiền bạc chứ. Cháu yên tâm, chú nhất định sẽ làm thật long trọng để mọi người xung quanh đều biết anh Lý là một cảnh sát tốt! Ngay cả con chó đầu ngõ cũng phải biết, nếu nó không biết thì là do chú tuyên truyền chưa tới nơi tới chốn rồi!"
Nhạn Nam Quy bị chọc cười: "Vậy thì làm phiền chú rồi."
Nhạn Nam Quy từ chối lời đề nghị đưa đi của chủ nhà nghỉ, đeo ba lô đi bộ về phía bến xe.
Cô đã sống trên núi gần hai mươi năm nên hoàn toàn xa lạ với huyện Ngô Đồng dưới chân núi.
Cuộc sống ở thị trấn nhỏ tương đối đơn giản, nó khá giống với quê hương thật sự của cô. Trên đường có những gã thanh niên lêu lổng, những người phụ nữ chống nạnh mắng chồng lười như hủi, rồi lại nhổ toẹt một cái, họ lại tiếp tục quay vào làm việc.
Ông chủ cửa hàng bên cạnh thì vừa nhấm nháp hạt dưa vừa hóng chuyện.
Các cửa hàng nhỏ trên phố vắng tanh, dưới gốc cây ngô đồng trước cửa tiệm có kê một chiếc bàn, hai bên mỗi bên một người, người xem cờ còn nhiều hơn người chơi cờ.
Con chó già nằm thè lưỡi dưới đất cách đó không xa, nghe thấy tiếng người đi qua thì cảnh giác mở mắt, dụi dụi tai rồi lại nhắm mắt ngủ tiếp.
Trên đường đi, Nhạn Nam Quy đi ngang qua một quán gà rán, nhìn thấy những món chiên rán thơm phức thì hào phóng mua một đống.
Vừa lên xe cô đã ăn liên tục, đến nỗi người hành khách ngồi đối diện không nhịn được lên tiếng: "Cô gái, uống chút nước đi."
Nhạn Nam Quy vừa gặm đùi gà vừa nhìn người đối diện: "Tôi không khát."
"Cô ăn khỏe thật đấy."
Một gói hạt dưa, một gói đậu phộng, hai gói khoai tây chiên, năm hộp đồ chiên rán.
Ăn như thế này thì đúng là...
Nhạn Nam Quy mỉm cười, không đáp lời.
Bà cô này làm sao biết được nỗi khổ khi tu hành trên núi chứ.
Bây giờ cô là người trần mắt thịt, phải ăn uống cho đã.
Sau khi ăn hết chiếc đùi gà cuối cùng, Nhạn Nam Quy đột nhiên nhớ ra một chuyện, trước khi xuống núi, sư phụ cũng không đưa số tài khoản hay gì cả, vậy cô kiếm được tiền thì đưa cho ông ấy bằng cách nào đây?
Chẳng lẽ chờ cô gom góp đủ tiền rồi mới rồng rắn kéo nhau về đạo quán Huyền Thiên rồi gõ trống khua chiêng báo tin à?
Hy vọng đến lúc đó đạo quán Huyền Thiên vẫn còn chỗ trú chân chứ không phải để sư phụ cô phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.