Thượng Hải - Mùa Hè
Nhiều năm sau, Vu Mạn Nghi vẫn thường hồi tưởng lại buổi chiều hôm ấy. Cô và Tống Kỳ ngồi trong vườn nhà cô ruột anh, ánh nắng dịu dàng bao phủ khiến người ta muốn chìm vào giấc ngủ.
Hôm ấy, hai người đang giận dỗi nhau nên chẳng ai muốn mở lời. Nhưng khung cảnh yên bình khiến họ chẳng thể nổi nóng. Cuối cùng, Vu Mạn Nghi không nhịn được lên tiếng: "Nhưng anh họ em từng đi du học đấy."
Lúc ấy, cô đã hết yêu anh họ thế nên câu nói kia chỉ là để chọc tức Tống Kỳ. Cô biết rõ lời nói ấy không thể tổn thương anh, bởi Tống Kỳ chưa bao giờ hiểu thế nào là tự ti.
Nghe cô lên tiếng, anh liếc nhìn cô một cái rồi lại thu hồi ánh mắt mà ngả người ra sau, tựa vào ghế mây. Vì đến thăm cô ruột anh nên hôm nay Tống Kỳ hiếm khi không mặc đồng phục đen, thay vào đó là bộ vest Melton ba mảnh. Nếu lấy lời lẽ cay độc của bạn bè anh để hình dung thì là: "Tên công tử bột đội lốt vô sản đã hiện nguyên hình."
Còn Vu Mạn Nghi, đáng lẽ cô nên mặc bộ áo váy tay rộng màu tím mang từ Thiệu Hưng đến. Đó là trang phục trang trọng nhất mà con gái nhà họ Vu như cô vẫn mặc khi gặp người lớn. Nhưng bộ quần áo ấy, cùng với tất cả những gì cô mang từ nhà họ Vu đến đều đã bị Tống Kỳ đốt sạch. Ngọn lửa như lời tuyên bố của anh với cô: Từ khi đến bên anh, quá khứ của Vu Mạn Nghi không còn ý nghĩa gì nữa.
Thế nên cô chỉ có thể mặc chiếc sườn xám thướt tha, tay áo rộng thùng thình do anh dẫn đi đặt may. Kiểu dáng thướt tha là do anh chọn, lúc bấy giờ minh tinh Thượng Hải đều mặc như vậy. Nhưng kiểu váy bó sát eo quá nên cô nhất quyết yêu cầu may tay áo rộng, giữ lại chút gì đó dè dặt của tiểu thư khuê các nhà địa chủ.
Tống Kỳ dĩ nhiên chê quê mùa. Song Vu Mạn Nghi hiểu, sự chê bai của anh và của anh họ cô là khác nhau. Anh họ cô chê cô quê mùa, chê cả nhà họ Vu quê mùa, thậm chí cho rằng Thiệu Hưng cũng không xứng với thân phận du học sinh cao quý của anh ta. Còn Tống Kỳ, anh chỉ chê chiếc tay áo kia quê mùa. Dùng đúng câu anh thường nói khi cãi nhau với cô: "Em phong kiến!"
Với Tống Kỳ, phong kiến là thứ quê mùa nhất, còn hơn cả mặc quần áo rách rưới, mở miệng ra là toàn là lời chửi rủa. Vì vậy, khi Vu Mạn Nghi lấy việc anh họ du học ra so sánh với việc anh ở lại Thượng Hải, anh không hề tức giận mà chỉ dựa vào ghế mây với dáng vẻ công tử bột, cười khẩy: "Vậy thì anh ta là kẻ quê mùa nhất trong số những người đi du học về."
Vu Mạn Nghi tức giận, cúi đầu uống ngụm cà phê mà cô ruột anh đưa cho. Hạt cà phê là do một người đàn ông Do Thái đang theo đuổi cô ruột anh tặng, xay ra đắng như thuốc bắc. Vu Mạn Nghi không hiểu nổi sở thích uống cà phê của Tống Kỳ, anh họ cô ở châu Âu bao nhiêu năm còn chưa quen được.
Tống Kỳ nói: "Lũ đàn ông vừa đi du học về đã vội vàng đi hủy hôn đều quê mùa cả. Em lấy anh ta ra so sánh với anh, đúng là hạ thấp thân phận của anh."
Vu Mạn Nghi bị vị đắng xộc lên khiến không nói nên lời. Trong vườn im lặng hồi lâu. Tống Kỳ cũng đứng dậy tự rót cà phê. Bình cà phê nghiêng trên bàn, hơi nước bốc lên ngập tràn tầm mắt Vu Mạn Nghi. Trong làn hơi nước mờ ảo, cô thấy anh bỏ hai viên đường phèn vào cốc, rồi thản nhiên ngồi xuống.
Mặt bên của viên đường là hình tổ ong, tan rất nhanh trong nước nóng, chỉ còn lại một lớp mỏng. Vu Mạn Nghi dùng đầu lưỡi đưa lớp đường mỏng ấy xuống dưới lưỡi, ngậm rồi mới uống, đôi lông mày hơi cong lên.
Nửa đời sau, Vu Mạn Nghi vẫn luôn tìm kiếm loại đường phèn đó, tìm đến khi tóc bạc trắng đầu, vầng trán hằn lên nếp nhăn. Tìm đến khi cô không còn nhớ rõ dung mạo, giọng nói, tính khí thất thường và sự kiên nhẫn ít ỏi của anh.
Anh nào phải người yêu tốt đẹp gì, may mà anh đã chết. Người ta chết đi rồi thì người khác chỉ nhớ đến điều tốt đẹp của họ mà thôi.