Muốn Cưới Nàng Làm Vợ

Chương 3-1: Ai Là Đồ Ngốc

Quên thì chắc chắn không quên được.

Nhạc Cửu có quên ăn quên uống cũng không thể nào quên năm mười lăm tuổi từng có người đứng dưới gốc cây dương khen nàng xinh đẹp, nói muốn lấy nàng làm vợ.

Người nói ra lời này, lại giống như nàng, là nữ tử hàng thật giá thật.

Nhạc tiểu nương tử đã ngơ ngác suốt đường về nhà, đầu như bị chày gỗ đập vào, hoang mang không rõ.

Nàng nghĩ, người kia có ý gì? Chỉ bằng ba câu đã muốn nàng đợi ba năm, rốt cuộc ai mới là kẻ ngốc?

Nhìn nàng dễ lừa lắm chắc?

Nhưng mà...

Nhạc Cửu nhớ lại khuôn mặt của Dương tỷ tỷ và hình ảnh nàng ấy tay vác cung, tay cầm ngân thương dưới ánh trăng, trái tim ngổn ngang cảm xúc.

Thì ra nàng ấy không ghét mình! Nàng ấy thích mình. Nhưng nàng ấy thích mình ở đâu?

Chỉ vì mình đẹp?

Nhạc Cửu vội vã muốn đi tìm con suối soi mặt. Nàng không tìm được suối, nhưng phía trước lại truyền đến tiếng gọi quen thuộc của cha và mẹ nàng.

Nhạc lão gia là địa chủ giàu có nhất thôn Trường Nhạc, phu thê ân ái nửa đời, dưới gối có bốn người con gái.

Con cả đã lấy cử nhân trong một thôn gần đây, con rể làm quan ở huyện đó, lễ tết mới về thăm nhà. Con gái thứ hai làm dâu nhà huyện sư gia huyện Bình An, cũng chỉ chăm về nhà hơn con lớn một tẹo.

Con thứ ba thì thôi đi.

Lần này con út mất tích, Nhạc địa chủ nghĩ đến việc báo tin cho con cả và con thứ hai đầu tiên, vì dù sao nó cũng xem như quan một nửa, hẳn phải có cách gì đó.

Điều tra được rồi thì tình hình lại hỏng bét.

Vào ngày lễ cập kê, cô con gái út mà họ yêu thương nhất đã bị bọn cướp trên núi Nha Nha bắt mất!

Núi Nha Nha là nơi như thế nào? Còn là bọn cướp!

Con gái nhà lành bị bắt đến đó, nhẹ thì mất trong sạch, nặng thì không còn mạng nữa. Mấy hôm nay, phu thê đau đầu nghĩ cách cứu người, tóc tai cũng bạc đi nhiều.

Đám quan lại huyện Bình An sợ bọn đạo tặc gϊếŧ người không chớp mắt kia, không dám xuất binh. Con rể lớn thì ở huyện bên cạnh, không tiện tham gia nhiều.

Nhưng lại không thể làm thinh. Hắn có cử vài người đi tìm.

Nhạc địa chủ dẫn một đám đàn ông cao lớn toang chạy đến núi Nha Nha, con gái thứ hai lại gửi thư đến, nói bọn cướp làm ác đã bị trời phạt, toàn núi không còn ai sống sót.

Mấy thôn trang gần đó liên tục truyền đến tin vui: các cô nương bị bắt đi trước đó đều đã trở về, không thiếu một ai.

Nhạc địa chủ khóc bù lu bù loa ngay tại chỗ, cảm thán trời cao có mắt. Còn lúc này, nghe ông Hai cùng thôn nói đã nhìn thấy con gái út ở cửa thôn, phu thê họ Nhạc sốt sắng chạy đến.

"Con gái ơi!”

Nhạc Cửu nheo mắt, nhác thấy một đám người nhốn nháo vọt tới, nàng mất tự nhiên mà mím môi, muốn bỏ chạy, lại cảm thấy mình bây giờ mà chạy thì quá có lỗi với cha mẹ đã sinh ra mình.

Trong lúc nàng chần chừ, phu thê họ Nhạc được hạ nhân hộ tống đã đến bên cạnh.

Giọng Nhạc địa chủ lớn, tình cảm lại tràn trề, nhưng ngại vì con gái vừa cập kê, không thể ôm chầm lấy nên chỉ kích động xoa tay tại chỗ.

Nhạc phu nhân ở bên cạnh thì không có nỗi lo này, lập tức kéo con gái vào lòng.

Nhạc phu nhân đã sinh hạ bốn người con, nửa người trên phải khen là "màu mỡ nhất" trong đám phu nhân nhà giàu. Cảm nhận được sóng lớn cuộn trào từ nơi nào đó của mẹ, Nhạc Cửu đỏ mặt, xấu hổ không thôi.

Dung mạo của nàng là giống mẹ nhất, cố sao đường cong lại không sánh bằng, lúc nào cũng như hết hơi, lười lười biếng biếng, quả thật không khác gì miếng bánh ỉu xìu, cũng may họ Dương kia vừa khéo là người chỉ xem khuôn mặt.

Nhạc phu nhân nhìn trước nhìn sau, xác nhận con gái không bị thương, trái tim như nghẹn ở cổ cuối cùng cũng hạ xuống. Bà vỗ vai Nhạc Cửu: “Con làm mẹ lo chết đi được!”

Nhạc Cửu đau đến suýt khóc. Nàng muốn bị bắt đi chắc!

Nàng nháy mắt mấy cái, dáng vẻ điềm đạm đáng yêu này khiến cha già của nàng xót con đến đỏ mắt: “Để con nó về nhà đã, về rồi hẳng nói tiếp!"

Đúng là nên về nhà hẵng tính.

Con gái nhỏ Nhạc gia bị bắt về sào huyệt bọn cướp đã trở lại, quá nửa người dân thôn Trường Nhạc đều đến góp vui, ai cũng nhìn chằm chằm Nhạc Cửu gặp nạn không chết, biểu cảm hoặc thương tiếc, hoặc đồng tình.

Là tốt hay xấu, không nhìn rõ được.

Về đến nhà, cha Nhạc cho người đi chuẩn bị nước nóng, mẹ Nhạc lại kéo tay con gái vào phòng, cẩn thận quan sát mặt mũi nàng, cũng hối hận trước đó đã ra tay hơi mạnh, lòng bàn tay vuốt qua đuôi mắt đỏ hồng của nàng.

“Cửu Cửu của mẹ không chịu uất ức gì chứ?”

“Không có. Con may mắn, được người cứu.”

Nhạc phu nhân cũng đã biết chuyện này từ hai ngày trước. Núi Nha Nha hại người, hiệp khách đi ngang giận dữ san bằng cả núi. Con gái thứ hai viết trong thư rất rõ, đặc biệt miêu tả cảnh tượng "máu chảy thành sông" trên núi.

"Ban nãy mẹ đánh con một cái, con có đau không?"

Nhạc Cửu bỉu môi: "Đau, đau chết đi được, chắc chắn đỏ lên rồi!"

Hai mẹ con ở trong phòng thủ thỉ, không sợ có ai vào. Nhạc phu nhân cởi một nút buộc trên áo con gái, nhìn kĩ vào, quả nhiên vai trái hằn rõ một dấu tay.

Mặt Nhạc phu nhân đỏ lựng. Bà xấu hổ nói: “Mẹ sai rồi, mẹ không nên đánh con.”

Bà cảm thán con gái yếu ớt, nhưng có yếu ớt thì cũng do họ nuôi thành, chưa kể Nhạc gia không lo ăn uống, cớ gì họ không nuôi con gái mềm mại được?

“Con không trách mẹ." Nhạc Cửu chân thành nhận lỗi: “Con gái đã khiến cha mẹ lo lắng, là lỗi của con gái.”

Con gái tốt như vậy có đốt đèn tìm cũng không gặp. Vui vẻ xong rồi, Nhạc phu nhân khó tránh việc nghĩ về chuyện trên núi.

Hai mắt bà ảm đạm: “Cửu Cửu, con còn nhớ chuyện lúc đó không?”

“Nhớ ạ.”

Mấy hôm nay, trừ việc nghĩ về họ Dương, thời gian còn lại Nhạc Cửu đều nhớ lại lúc mình bị bắt: “Sau khi lễ cập kê kết thúc, tam thẩm mang một đĩa điểm tâm đến, đặc biệt mời con. Con muốn ăn, nhưng không muốn ăn đồ của bà ta, còn châm chọc bảo mắt mình cao, không thích thân thích nghèo nàn."

"Bà ta lại rót một chén trà, nói con không uống là không nhận người thím như bà ta, con thấy phiền, muốn ra ngoài cho khuây khỏa, bà ta lại không chịu đi, cứ đứng chắn ở cửa bắt con uống.”

“Nên là con uống?”