Trọng Sinh Lấy Lòng Phu Quân Thái Tử

Chương 5

Một tiếng lép bép vang lên, ngọn lửa trong lò nổ tung thành từng chùm tia bắn tung tóe.

Bồ Châu uống xong ngụm sữa mật ong cuối cùng, lại gẩy gẩy mấy thanh củi, nhìn chăm chú vào tia sáng phát ra từ chùm tia lửa vừa xuất hiện đã liền biến mất, ánh mắt lạnh nhạt.

Nhưng tội lỗi và khổ sở mà tổ phụ phải chịu, đều bắt nguồn từ vị tiền thái tử Lý Huyền Tín.

Tuyên Ninh triều năm thứ ba mươi chín xảy ra sự việc khiến nàng vĩnh viễn không thể quên.

Dù đã ba mươi năm Khương thái hậu không tham dự triều chính nhưng quyền lực không hề suy giảm. Từ trên xuống dưới, từ hoàng đế Minh Tông đến các hoàng tử hoàng tôn, phi tần hậu cung, văn võ bá quan, đều ngày đêm trông nom, lo lắng chờ đợi tin tức. May sao thái y chẩn trị thành công, biến nguy thành an. Chỉ có điều tinh thần bà uể oải suy sụp, không thể hứng thú nổi với bất kỳ điều gì, chỉ có Tần vương ở bên trêu đùa vài câu mới giúp bà có thể bật cười thành tiếng. Phần lớn thời gian còn lại đều mệt mỏi nằm trên giường một mình, ăn uống càng ngày càng ít, tựa như ngọn đèn cạn dầu, sắp sửa đốt hết thời gian.

Ngay lúc đó lại nhận được tin tức về thái tử Lý Huyền Tín. Tháng trước hắn thay mặt thiên tử, lĩnh chư vị đại thần tam công cửu khanh đến ngoại ô phía nam tế trời, dọc đường đi có đông đảo bách tính quỳ từ xa bái lạy, thấy thái tử dung mạo phục sức như thiên nhân, miệng kích động hô "thái tử thiên tuế", tiếng hô vang vọng, thảng thốt như truyền vào đến kinh thành. Việc này có người cố tình truyền đến tai Minh Tông, Minh Tông trầm mặc, hẳn là không vui.

Kể từ khi Khương thái hậu lâm bệnh, trên dưới triều đình đều xôn xao bàn tán rằng hoàng đế chưa động đến đông cung là vì cố kỵ Khương thái hậu. Một khi thái hậu qua đời, chỉ sợ sẽ xảy ra đại biến.

Thái tử hỏi cữu mẫu, đại tướng quân Lương Kính Tông. Lương Kính Tông lần nữa khuyên hắn soán vị. Lần này thái tử rốt cuộc bị lung lay, quyết tâm được ăn cả ngã về không, trước khi phụ hoàng kịp xuống tay hắn phải bức vua soán vị, sau khi lên ngôi sẽ tôn phụ hoàng hắn là thái thượng hoàng.

Nhưng việc lại không thành.

Ngày đó, Lương Kính Tông bị gϊếŧ tại cửa cung, toàn bộ những người theo hắn bức vua thoái vị đều bị xử tử lại chỗ. Trong ngoài cung Tường An, đầu người chết nằm la liệt khắp nơi.

Vụ việc làm kinh chấn triều đình này mới chỉ là khởi đầu.

Minh Tông hạ lệnh nhất quyết phải tra ra đồng đảng chủ mưu, trong đó nổi bật nhất là ba người.

Một là chất nhi của Khương thái hậu, nam quân thập nhị vệ tướng Bình Dương hầu Khương Nghị.

Hai là người mới nhậm chức Ưng Dương vệ lang tướng của bắc nha trung ương cấm quân được hai năm, Tần vương Lý Huyền Độ.

Người thứ ba, chính là tổ phụ của nàng, thái tử thái phó Bồ Du Chi.

Khương Nghị là nam quân thập nhị vệ tướng, quản lý đội phòng thủ kinh thành. Hắn mặc dù chưa trực tiếp tham dự, nhưng biết rõ việc làm của thái lại lưỡng lự không báo, bị xem như đồng đảng.

Tần vương Huyền Độ, thân là bắc nha vệ lang tướng, hộ vệ hoàng cung, lại mượn cớ rời khỏi kinh thành, không có mặt nhưng lại giao phù lệnh cho thân tín, ba ngàn vệ binh Ưng Dương quân có cũng như không. Phản quân Lương Kính Tông liền thông qua đồn vệ cửa bắc của hắn, tiến quân thần tốc vào nội cung.

Nghe nói Minh Tông giận đến nôn ra máu.

Khương Nghị bị giam vào ngục đợi xét xử, còn đứa con trai từng được hắn sủng ái nhất mang lòng phản bội thì bị truất bỏ vương vị, áp giải đến nơi đầm rồng hang hổ xa xôi lưu đày.

Nơi này gọi là cung Vô Ưu, chuyên dành để giam giữ hoàng tử tôn thất phạm trọng tội. Trước dưới thời Thái Tông có một tông thất khác từng được đưa đến đây giam cầm. Chưa đến hai năm toàn bộ đều phát điên, một ngày nọ một người trong số đó bị ảo giác, hét lên rằng trên tường có lối thoát có thể rời khỏi cung Vô Ưu, rồi bỏ chạy thục mạng, kết quả đầu đập vào tường, sọ não vỡ toang.

Bồ Châu không biết Khương Nghị và Lý Huyền Độ có thực sự đã phạm phải tội danh như vậy hay không. Nhưng ngẫm lại, xác thực bọn hắn đều có đủ lý do để theo Lương thái tử mạo hiểm làm phản.

Sau khi chiến tranh xảy ra lão Bình Dương hầu Khương Hổ cưới tôn nữ của Lương lão hầu gia làm vợ. Mẫu thân Khương Nghị là trưởng tỷ của Lương hoàng hậu. Khương Nghị vốn thuộc đảng thái tử, vinh nhục cùng hưởng.

Những năm này Khương thái hậu thoái ẩn, Khương gia không còn ra mặt tranh giành quyền lực, ngoại trừ Khương Nghị quyền cao chức trọng, là đại tướng nam quân, nhưng người còn lại cơ hồ có cũng như không, không có nhiều tiếng nói trên triều. Ngược lại Trần gia và Đổng gia thế như chẻ tre, nhất là Đổng gia hùng hổ dọa người.

Hắn tất nhiên hi vọng Lương thái tử thuận lợi lên ngôi.

Tần vương Huyền Độ càng có lý do tham dự.

Tuy lời đồn nói rằng khi hắn mười bốn tuổi, Minh đế quá chén từng tỏ ý lập hắn làm thái tử. Nhưng khả năng hắn đăng cơ gần như bằng không.

Không nói đến hắn tuổi tác còn nhỏ, phía trên còn có hai vị hoàng huynh trưởng thành và mẫu phi Khuyết thị đều là điểm yếu chí mạng. Đối với Khương thái hậu mà nói, dù bà thương yêu đứa cháu này thế nào đi nữa thì chắc chắc bà cũng không thể ủng hộ hắn thượng vị, đạp lên những hoàng huynh lớn tuổi khác.

Một khi điều đó thực sự xảy ra chính là công khai ủng hộ phá hỏng tông pháp, mà một khi công khai ủng hộ phá hỏng tông pháp, thì chính là gieo xuống mầm tai vạ vô tận.

Xét theo tác phong hành sự của Khương thái tậu, người vừa độc chưởng triều chính vừa có cách toàn vẹn thoái lưu sau khi chuyển giao quyền lực cho hoàng đế, bà tuyệt đối không để loại sự tình này phát sinh. Mà lấy sự ảnh hưởng Khương thái hậu đối Minh Tông, bà không gật đầu, Minh Tông không thể không theo.

Huống hồ sau khi vì say mà buột miệng nói ra, hoàng đế cũng chưa từng nhắc lại thêm lần nào, có thể vì biết điều này hoàn toàn không khả thi. Đám đại thần đối với việc này không dám có thêm bất kỳ suy nghĩ gì. Ngược lại mấy năm này, Tấn vương cùng Sở vương đều có thế lực riêng ủng hộ.

Mặc dù về sau Tấn vương kế vị nhưng đây là điều không ai ngờ ở thời điểm đó. Ngược lại tam hoàng tử Sở vương có vẻ nhận được nhiều kỳ vọng hơn.

Ưu thế của Tấn vương gồm hai điểm, một là xếp thứ tự ở trên, hai là mẫu phi Trần phi xuất thân từ dòng tộc Trần thái hậu. Nhưng nhược điểm của hắn lại vô cùng rõ ràng. Hắn không có tài như Sở Vương, lại là người tầm thường nhất trong bốn vị hoàng tử, Minh Tông đối với hắn cũng không coi trọng. Và mặc dù Trần gia dựa vào việc Trần Thái hậu là mẹ đẻ của Minh Tông, nhưng ngay cả khi Trần thái hậu còn sống, ngoại trừ nhiều năm trước được phong hào ra thì Minh Tông cũng không hề tỏ ra thân thiết với người mẹ ruột này. Con cái Trần gia cũng không có ai xuất chúng, không giống Đồng gia người tài xuất hiện lớp lớp, Đổng Càn còn là người được Minh Tông nể trọng tín nhiệm.

Cho nên có thể nhận định rằng, một khi thái tử thật sự bị phế, nhị hoàng tử chưa hẳn liền có thể thuận lợi lên ngôi. Hai người tuổi tác tương đương, lập ai cũng có thể hiểu được. Khó có thể nói trước hắn và tam hoàng tử ở giữa cuối cùng hươu chết vào tay ai.

Về phần Tần vương Huyền Độ, nếu là huynh trưởng thái tử thân thiết với hắn từ nhỏ bị phế, dù là Tấn vương hay Sở vương lên ngôi, đối với hắn chỉ có hại chứ không có lợi. Nếu là Sở vương thì càng tệ hơn. Sở vương đố kỵ với hắn, ngoài mặt duy trì quan hệ huynh đệ nhưng thâm tâm cực kỳ xa lạ.

Đây cũng là nguyên nhân sau khi chuyện xảy ra, mặc dù hắn đã dâng tấu tự biện hộ nhưng Minh Tông vẫn lờ đi. Bởi hắn xác thực có đủ lý do để ủng hộ huynh trưởng thái tử bức vua soán vị.

Trên đây là những nội tình ở kiếp trước Bồ Châu biết được, căn cứ vào đó mà đưa ra phán đoán cùng phân tích.

Nàng tự thấy mình phân tích không có gì sai. Cho nên về cơ bản có thể kết luận, đại tướng quân Khương Nghị cùng Tần vương Huyền Độ rơi vào kết cục như thế chính là tự làm tự chịu.

Muốn trách thì chỉ có thể trách Lương thái tử vô năng, bức vua thoái vị không thành, ngược lại còn kéo theo một đám người.

Nhưng tổ phụ nàng thì hoàn toàn khác.

Tổ phụ thân là thái phó của thái tử, luôn nhận định thái tử về sau chính là nhân ái minh quân, đối thái tử ký thác nhiều kỳ vọng nên thái độ kỳ lạ của Minh Tông đã làm ông không khỏi cảm thấy nôn nóng. Ông từng nhiều lần bênh vực thái tử trước mặt Minh Tông, mà việc thái tử cùng cữu phụ Lương Kính Tông âm thầm làm phản, tổ phụ quả thực không biết nửa phần.

Không chỉ như vậy, tổ phụ cũng nhìn ra được hoàng đế không thích thái tử thân cận với Lương gia, còn từng nhiều lần khuyên nhủ thái tử chớ tham gia kết bè kéo phái.

Đây cũng chính là lý do thái tử âm thầm mưu sự nhưng tuyệt không để lộ ra trước mặt tổ phụ, bởi nếu để tổ phụ biết được, ông tuyệt đối sẽ không tán đồng.

Càng là thời điểm này, càng phải kiềm chế, tu thân, không được gây ra hành động nào khiến địch thủ có thể dùng nó để công kích. Chỉ cần thái tử có thể làm được điều này, dù Khương thái hậu mất đi, hoàng đế không thích thái tử đến đâu cũng không tìm được lý do hợp lý để thay đổi trữ quân.

Tông pháp và dư luận mới chân chính là điều quan trọng nhất có thể bảo vệ thái tử. Sai một bước chính là vực sâu vạn trượng.

Tổ phụ đã từng khuyên nhủ thái tử như thế.

Nhưng thái tử lại dễ bị kích động.

Đến khi tổ phụ biết được thì binh mã của thái tử đã ép về phía cung Trường An. Lương Kính Tông và những người khác bị xử tử tại chỗ, thái tử tạm thời bị cầm tù.

Tổ phụ đau khổ vạn phần, càng tự trách mình. Biết rõ thái tử kể từ giờ không thể quay lại đông cung, bất chấp chạm phải vảy ngược của hoàng đế, trong khi bách quan vẫn im lặng như cũ thì lại một mình dâng sớ, sau khi thỉnh tội, nói rằng lần này thái tử phạm tội không thể chối cãi, nhưng chắc hẳn là do bị Lương Kính Tông xúi giục, lại nhất thời hồ đồ nghe theo, nhưng ngài tuyệt đối không dám khi quân phạm thượng, khẩn cầu hoàng đế minh xét, giảm nhẹ tội trạng.

Tổ phụ chính là người như vậy. Cho dù quay trở lại trước khi chuyện đó xảy ra, nàng cũng không cách nào có thể ngăn cản tổ phục đừng dâng tấu. Mà dù có thể ngăn lại, ở tình thế của người ngày đó mà nói, kể cả dâng hay không dâng tấu thì đều chỉ có thể có chung một kết cục.

Người luôn là hậu thuẫn trung kiên của thái tử. Mâu thuẫn giữa hoàng đế và thái tử càng sâu sắc, Minh Tông đối với tổ phụ, người luôn đứng về phía thái tử càng bất mãn. Chưa kể đến những va chạm khác trên triều, quân thần hòa thuận đã sớm trở thành chuyện của trước đây. Hơn nữa, tổ phụ nàng đã nắm quyền nhiều năm, thân ở địa vị cao nên việc gây thù chuốc oán là điều khó tránh khỏi. Kẻ thù chính trị của người há có thể tùy tiện buông tha cơ hội tuyệt hảo đến như vậy hay sao?

Gần như ngay lập tức, một phong thượng tấu được tấu lên trên, cho rằng tổ phụ cũng bí mật tham dự mưu đồ của thái tử và là kẻ chủ mưu đằng sau.

Ngay ngày hôm đó, tổ phụ bị giam vào ngục, cuối cùng qua đời vì bạo bệnh, còn vị thái tử mà ngài dùng toàn bộ tâm huyết cả đời để bảo vệ, ngày thứ hai sau khi người bị cầm tù, liền tự sát mà chết.

Về vụ án của Lương thái tử, từ đầu đến cuối Khương thái hậu ở cung Bồng Lai đều không nói lời nào, cuối cùng, khi Minh Tông tự mình đến bái kiến, thỉnh bà định tội Khương Nghị, bà mới nói một câu: Định theo quốc pháp.

Định theo quốc pháp, chính là tội lớn không tha. Nặng thì chém đầu, nhẹ thì như Tần vương, chịu án chung thân.

Lần này, Minh Tông không nghe theo. Đây cũng là ngoại lệ duy nhất liên quan đến vụ án của thái tử được hưởng mức án nhẹ hơn.

Khương Nghị bị nhốt ròng rã một năm trong ngục, dù không nhận tội cũng không bao biện dù chỉ một câu. Rốt cuộc năm sau được thả, bị đoạt đi hầu vị và chức đại tướng quân, điều đến Thái Bộc tự [1], đảm đương biên quận mục giám lệnh.

[1] Thái bộc tự (太僕寺, Court of the Imperial Stud) - Thái bộc tự phụ trách các trách nhiệm trông coi, nuôi cấp ngựa, giữ gìn những xe ngựa của hoàng tộc (vua và các hoàng tử), và điều hành các mục súc (đồng cỏ để nuôi ngựa) trên toàn quốc. (Nguồn chú thích: wikiwand)

Năm đó Khương Nghị ba mươi lăm tuổi. Khi vào tù tóc đen như mực, khi ra tù hai bên thái dương tóc bạc trắng như tuyết.

Nếu Bồ Châu không không lầm, Bình Dương hầu cả đời chưa lập gia đình, kiếp trước cho đến khi nàng chết, hắn vẫn ở biên quận làm chức mục giám lệnh.

Bồ Châu không biết vì sao hắn lại không kết hôn, nhưng hắn xuất thân danh môn, hai mươi tuổi đã là đại tướng quân tung hoành sa trường, trong độ tuổi trẻ trung sung sức nhất lại không được thống lĩnh vạn quân ngăn chặn quân địch mà phải ở biên quân nuôi ngựa trong suốt cả chục năm.

Đây là cách đối đãi khoan hậu của Minh Tông dành cho vị Bình Dương hầu đại tướng quân lẫy lừng trước kia, hay thực ra vẫn là một kiểu trừng phạt tàn nhẫn khác?

Điều này suy cho cùng, cũng không liên quan đến nàng.

Đại án Thái tử đến đây liền khép lại, trước sau liên quan mấy ngàn người, trong đó không ít người là môn sinh bạn cũ của tổ phụ, hoặc bị biếm hoặc cách chức, cùng với đó cũng làm liên lụy đến sự nghiệp của vô số sĩ phu kinh thành khác. Khương gia triệt để bị gạt qua một bên, Lương gia bị nhổ cỏ tận gốc, Lương hậu sau khi thái tử chết cũng tự sát theo con. Đông cung năm xưa khóa sắt ngang cửa, tơ nhện giăng đầy.

Đây là toàn bộ những chuyện đã xảy ra khi Bồ Châu tám tuổi.

Hai năm sau khi nàng bị bắt đi sung công là đại nạn của Minh Tông.

Bồ Châu nhớ lại sự việc mà nàng về sau mới biết được

Thái tử tự sát, Tần vương bị cầm tù, trữ quân nhân tuyển [2] chỉ còn lại Tấn vương cùng Sở vương.

[2]: trữ quân nhân tuyển: ứng cử viên cho vị trí trữ quân (thái tử)

Trước hôm Minh Tông băng hà cũng chính là hai năm sau vụ án của Lương thái tử, ngài vẫn chưa lập lại thái tử.

Bệnh nặng đã lâu, đêm đó ngài tỉnh lại, tinh thần đột nhiên tốt hơn, mở miệng hạ chiếu chỉ tuyên bố tứ hoàng tử bị tiên thái tử mưu hại, phán vô tội, phục hồi thân phận, triệu về kinh thành. Xong xuôi ngài ngồi dậy, sai người đưa đến cung Bồng Lai, đích thân gặp mặt đích mẫu thái hậu Khương thị.

Canh năm nửa đêm, Minh Tông lúc này mới từ Bồng Lai cung trở về, tinh thần như bị rút cạn, sắc mặt tái nhợt, chưa tới tẩm điện đã nôn ra máu, gắng gượng không nổi ngã ngay tại chỗ. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài giãy dụa hạ một đạo khẩu dụ cho hoạn quan Thẩm Cao.

Truyền ngôi cho nhị hoàng tử Tấn vương.

Khi đại thần gấp gáp chạy tới, Thẩm Cao liền biểu đạt lại di chiếu của hoàng đế, nhưng Đổng Càn cầm đầu một đám đại thần đứng dậy bác bỏ ngay tại chỗ. Rõ ràng trước khi chết hoàng đế muốn tứ hoàng tử kế vị ngai vàng, nếu không vì sao ngay thời điểm này lại đột nhiên phục hồi vương vị, khẩn cấp triệu hồi hắn về kinh. Thẩm Cao giả mạo chỉ dụ, tội đáng tru sát.

Lúc đó bất thình lình cận vệ xông vào, bao vây toàn bộ.

Ngày thường Trần gia dù ở thế yếu, nhưng cũng sẽ không thể không phòng bị. Hai bên giương cung bạt kiếm, thấy cung Trường An sắp sửa phải trải qua một cuộc chiến đẫm máu, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Khương thái hậu liền ngồi thừa liễn đuổi tới, trấn áp chư vị đại thần, nói rằng đêm trước khi đến cung Bồng Lai, hoàng đế chính miệng nói với bà rằng sẽ truyền ngôi cho nhị hoàng tử Tấn vương.

Hai năm trước khi Khương thái hậu bệnh nặng, ai cũng nghĩ rằng sinh mệnh của bà đã đi đến điểm cuối, chẳng ngờ lại phát sinh vụ án của tiên thái tử. Ngược lại bà chịu khó ăn uống, cuối cùng trụ lại đến giờ.

Uy vọng của bà so với thiên uy cũng không hề quá đáng. Bà tự mình đến đây tuyên bố như thế, ai còn dám thắc mắc.

Cứ như vậy Tấn vương thuận lợi kế vị năm ba mươi tư tuổi, cũng chính là đương kim hoàng đế Hiếu Xương. Trải qua sáu năm tại vị, hiện giờ người bốn mươi tuổi.

Mà kẻ mang tội như nàng bởi vì không trực tiếp phạm tội nên năm ấy khi tân đế đăng cơ, đại xá thiên hạ liền được ân điển tha cho, từ đây về sau chỉ còn lại thân phận thứ dân.

Vận mệnh như kịch, kiếp trước cũng tại năm này, sau đó không lâu biến hóa xảy ra, nàng xoay mình liền trở thành thái tử phi của đương kim thái tử Lý Thừa Dục.