Đồng Cỏ Lau

Chương 9

- Ngày mai anh sẽ đưa em đi mua sắm quần áo chuẩn bị cho tuần sau mình đi biển Mũi Né.

- Không cần phải mua gì thêm đâu, mình tiết kiệm để lo cho nhiều việc khác nữa.

- Anh đã gom đủ tiền rồi. Tương lai chúng ta cùng nhau lo lắng, quá khứ chúng ta cùng nhau bồi đấp, miễn là hiện tại chúng ta có nhau.

Tôi phì cười rồi quàng ôm lấy vòng eo của anh, áp mặt vào lưng. Anh chạy chiếc xe đạp trên con đường mòn, từng vòng bạc đạn xoay kêu lạch cạch, nghe lại vui tai. Ánh trăng lờ mờ rọi xuống con đường nhỏ giữa hai bờ cỏ lau tối đen, trông thơ mộng nhưng hơi rùng rợn. Anh biết tôi sợ bóng tối và sợ ma nên anh hay hỏi chuyện vu vơ hoặc kể những câu chuyện vui nho nhỏ để tôi không bận tâm vào đám cỏ lau tối đen xung quanh kia. Vì thế, đoạn đường đi của chúng tôi đầy tiếng cười.

Về đến nhà, nghe tiếng khóc thút thít bên trong, chúng tôi giật mình chạy vội vào xem tình hình. Có một người phụ nữ ngồi co ro trên sàn nhà, má Lành đang ngồi xoa dầu lên vết thương trên người chị, những vết thương bầm tím chằng chịt, có vết thương đã rỉ máu. Mắt chị bầm tím và sưng bụp, chị phải nhướng mắt lên mới nhìn ra được chúng tôi. Anh bước vào, ngơ ngác.

- Có chuyện gì vậy chị Nga, hắn lại đánh chị à?

Như giọt nước tràn ly, chị òa ra khóc nức nở.

- Chồng chị, nó phê ma túy, nó đánh chị…

- Trời ơi, cái thằng chó khốn nạn đó! Đã bao lần rồi, sao chị vẫn còn sống chung với nó, chị còn trẻ mà.

Chị cuối mặt xuống, siết lấy tay má Lành.

- Chị không biết, chắc số chị như vậy rồi em à. Chị đã trao tất cả mọi thứ cho anh ấy, vậy mà… Chẳng lẽ bây giờ chị lại mất tất cả. Số chị vậy rồi, ra sao chị cũng rán mà chịu.

Tôi giật mình, nhìn sang anh. Anh nhìn đăm đăm vào tôi tự bao giờ, rồi ánh mắt ấy lảng tránh đi, cuối mặt. Không còn ai nói với nhau điều gì nữa, không khí trở về với im lặng, chỉ còn lại tiếng thút thít của chị Nga. Anh đi ra sau nhà múc nước rửa mặt và xối ào ào lên đầu.

Đột nhiên tiếng chửi rủa từ trước nhà vọng vào. Chị luống cuống tìm chổ trốn, nhưng không kịp rồi, chồng chị đã xông vào túm lấy tóc chị. Anh từ phía sau chạy vội vào can ngăn nhưng hắn đã xô anh ra, ngã nhào xuống sàn nhà. Hắn tiếp tục túm tóc chị kéo đi, đi sâu vào trong con đường mòn, sâu vào trong khoảng không tối om. Chỉ còn văng vẳng ra tiếng chửi, tiếng đánh đấm và tiếng gào khóc. Anh nắm chặt tay, thở dài ra rồi buông xuôi hai cánh tay, đứng bần thần như người mất trí. Tôi không dám nhìn anh, nhưng biết rằng anh đang lén nhìn tôi, đôi mắt anh đầy u uất, dưới ánh đèn dầu, nó đã rưng rưng. Má bước ra đóng cửa lại rồi đi vào nhà sau. Tôi quàng ôm lấy anh từ sau lưng.

- Vì anh mà em mất tất cả. Anh đã không cho em một cuộc sống đầy đủ mà em vốn phải có.

- Vì anh là tất cả, em chẳng còn gì ngoài anh. Chỉ cần suốt cuộc đời này luôn được ở cạnh anh, em sẽ hạnh phúc.

Anh dìu tôi lên giường rồi vội tắt đèn để giấu đi nỗi buồn bất lực trong anh.

Sáng hôm sau, tôi dậy đã thấy anh ngồi cạnh giường. Hai tay anh bưng lấy mặt, xoa xoa nghĩ ngợi một lúc lâu. Anh lén nhìn tôi vài lần nhưng ấp úng chưa dám nói. Tôi ôm lấy anh từ phía sau, siết chặt vòng tay.

- Em à! Chị… Chị Nga nhập viện rồi, nhưng chị Nga làm gì có tiền lo viện phí…

Tôi kề sát để hai bờ má chạm vào nhau.

- Chúng ta đã từng trải qua hoàn cảnh như chị Nga rồi mà, anh không cần phải phân vân điều đó.

- Nhưng như thế thì mình không đủ tiền cho chuyến đi Mũi Né sắp tới.

- Anh nghĩ xem điều nào quan trọng hơn, chuyến đi của mình có thể dời lịch lại được mà.

Anh thở dài, đôi mắt xa xăm ngoài phía cửa sổ. Chắc hẳn chị Nga đang lo sợ và buồn tủi lắm, cảm giác này, chúng tôi đã trải qua, sao có thể làm ngơ trước những người đồng cảnh ngộ như thế. Nhưng về phía anh, có lẽ cũng đang lo sợ sẽ không làm tốt được lời hứa của mình. Khi khó khăn về kinh tế, người ta đành phải đưa ra nhiều lựa chọn đắn đo hơn.

Những lúc rảnh, chúng tôi thường vào bệnh viện thăm chị Nga, an ủi và mua nhiều đồ ăn tẩm bổ cho chị. Một tuần sau chị xuất viện. Buổi tối hôm ấy, chúng tôi vừa đi làm về đã thấy chị đứng đợi trước sân. Tôi mời chị vào nhà, chị đặt túi trái cây lên bàn, đứng khép nép.

- Cảm ơn má Lành và hai em đã giúp đỡ chị trong lúc khó khăn, thật may mắn cho cuộc đời chị.

Chị cuối đầu liên tục cảm ơn và dúi vào tay anh phong bì.

- Chị trả lại em ít tiền đã mượn lo viện phí, số tiền lớn quá, em cho chị xin trả góp nhiều lần.

Anh đẩy cái phong bì về phía chị.

- Từ từ chị trả số tiền này cũng được, nhưng không phải bây giờ. Chị vừa mới xuất viện, sức khỏe còn yếu, còn nhiều thứ phải lo, trái cây thì chị cứ mang về tẩm bổ.

- Chị xin em, em đừng làm chị ngại!

Anh miễn cưỡng nhận túi trái cây, còn phong bì anh dúi lại vào tay chị. Chị cuối mặt và đôi mắt rưng rưng, ngồi bần thần một hồi lâu, chẳng nói gì ngoài cảm ơn và lúng túng hỏi han vài câu vô nghĩa. Trông chị thiệt thà chân chất thấy thương, còn phận đời sao mà vùi dập đến cùng cực. Tôi đến ngồi bên cạnh, tâm sự để được hiểu về chị nhiều hơn.

- Nhà chị cũng trong khu đồng cỏ lau này sao?

- Nhà chị ở sâu phía trong một xíu, nhưng nó chỉ là căn chồi tạm bợ thôi, không thể gọi là nhà.

Chị cười tỏ nét vô tư, nhưng không, đó là nụ cười giấu giếm sự bất lực, vì nụ cười ấy chỉ bằng đôi môi, còn ánh mắt thì mịt mù bế tắt. Tôi nắm lấy bàn tay chị, vỗ về an ủi, bàn tay còn vài vết thương chưa lành hẳng. Chị rụt tay lại, né ra một khoảng.

- Em đừng lại gần quá, chị không được sạch sẽ đâu.

Chị cuối đầu lùi bước ra phía cửa, tôi vội nắm tay kéo lại.

- Có gì mà không sạch sẽ, chị cứ ở chơi một xíu rồi dùng cơm với tụi em.

Chị nuốt nước bọt, miệng chóp chép. Dường như chị đang đói và lâu rồi chưa có được bữa ăn tử tế. Nhưng nhìn vào tôi, đôi mắt chị dần lộ rõ sự ngại ngùng, xấu hổ.

- Chị là đĩ đó, là một con đĩ si đa. Chị dơ lắm, không muốn làm phiền tụi em thêm nữa.

Tôi sững người một lúc, nhìn chị với đôi mắt buồn thiu. Cuộc đời cũng đã vùi dập chị nhiều quá. Người ta thường bảo ông trời lấy đi cái này sẽ bù đắp lại bằng cái khác, còn phận đời bạc bẽo của chị đã bù đắp được những gì? Có lẽ là sự mạnh mẽ, vì ít nhất đến lúc này, chị đã mạnh mẽ vượt qua tất cả. Nhìn lại bản thân mình cũng là một người đáng thương thì sao tôi xa lánh một người đáng thương như chị được. Cuộc đời đã vùi dập chúng tôi, lẽ nào chúng tôi lại vùi dập nhau thêm nữa. Cỏ lau mạnh mẽ cùng nhau mọc khắp cả cánh đồng, chúng tôi khác nào cỏ dại kia, chẳng ai để tâm tới nhưng đầy sức sống.

Chúng tôi cùng vào bàn ăn bữa tối. Ban đầu chị còn ngại, nhưng trong bữa cơm chỉ toàn là niềm vui và tiếng cười, không ai xa lánh và kỳ thị ai, không ai nhắc về đời tư của ai, bữa cơm ấy ngon miệng đến lạ thường. Bữa cơm gia đình giữa những người xa lạ.