Ngày 11 tháng 5 năm nhuận Hồng Vũ thứ 31, thành Nam Kinh.
Trời còn chưa sáng, đã có rất nhiều quan lại ở Kinh Thành đợi sẵn trước cửa cung. Lễ Bộ ra quy định, quan viên trong kinh nghe tin tang lễ, ngày hôm sau phải đến nội phủ nghe di chiếu của Hoàng Đế.
Quan viên trước cửa cung, bất kể văn võ, không phân phẩm cấp, đều phải mặc đồ tang, đội mũ ô sa, thắt lưng đen, vào thời khắc trọng đại này, không ai dám làm điều khác thường.
Các vị đại lão trong triều ngày trước, văn khôi võ thủ, giờ đều cúi đầu, rũ mắt, mặt đầy vẻ tang thương, nước mắt như mưa. Vài người lớn tuổi, thân thể không tốt, khóc lóc đến mức suýt ngã lăn quay.
Nghe di chiếu là chính, nhưng khóc cũng không được thiếu.
Là khóc vì Hồng Vũ đế băng hà, hay khóc vì ngọn núi đè trên đầu cuối cùng cũng được dời đi, thì không ai biết.
Các quan viên cũng từng trao đổi riêng, nghe nói Hoàng Thái Tôn và Thái Tử yểu mệnh đều là người hiền lành, rất tôn trọng nho sĩ, cũng không thích chém đầu người khác. Trước đây, lúc bọn họ ra ngoài thượng triều đều phải dặn người trong nhà chuẩn bị hậu sự trước, bây giờ có thể bỏ thủ tục đó được chưa nhỉ?
Bá quan văn võ lòng đầy lo lắng, mơ hồ mang theo hy vọng, nhưng không ai dám thể hiện trên mặt.
Những quan viên thời Hồng Vũ đã trải qua mưa gió mà may mắn không chết, cũng không bị khép đủ tội danh để lưu đày sung quân, chẳng mấy chốc bọn họ sẽ phát hiện ra, vị Kiến Văn đế trẻ tuổi so với tưởng tượng của bọn họ còn hòa nhã, gần gũi, ân cần, bình dị hơn nhiều.
Thời của quan văn, hình như cuối cùng cũng đến.
Nho sĩ Đại Minh, cuối cùng cũng có thể ngẩng cao đầu!
Mặc dù, khoảng thời gian này có hơi ngắn ngủi…
Cửa cung kêu cót két mở ra, các quan viên không kịp lau nước mắt, vội vàng chỉnh đốn mũ áo, theo phẩm cấp văn, võ xếp thành hai hàng, do nội quan dẫn đầu, lần lượt bước vào cửa cung.
Cùng lúc đó, chiến mã xuất phát từ Kinh Thành liên tiếp đến các trạm dịch Nam, Bắc.
Sau khi tiếp tế đổi ngựa, lại tiếp tục lên đường.
Các phiên Vương, bá quan văn, võ bên ngoài, lần lượt nhận tin Hồng Vũ đế băng hà, lập tức ban hành lệnh, dán cáo thị, thay y phục đơn giản, đồng thời ra lệnh gia quyến may đồ tang. Tất cả dụng cụ và y phục sử dụng đều theo quy định của Lễ Bộ, chỉ cần có thứ nào phạm húy đều thu hết. Mặc dù bọn họ ở xa nhưng ai biết được có bao nhiêu con mắt đang rình mò, bọn họ không dám vượt quá lễ nghĩa. Các phiên Vương còn ra lệnh cho bách tính, quân thương dưới quyền trong vòng một tháng không được kết hôn tế lễ, nam nữ đều phải mặc đồ tang, phụ nhân không được trang điểm, đeo trang sức.
Bách tính trong kinh cần mặc đồ tang 27 ngày, các nơi ngoài Kinh Thành, kể từ lúc nhận được chiếu lệnh, mặc đồ tang trong 13 ngày là được.
Quan viên cần ngừng việc cưới hỏi trong trăm ngày, bá quan văn võ trong kinh khi lên triều phải mặc đồ tang, dùng vải trắng quấn mũ sa, thắt lưng vải gai, đi giày vải gai, đủ 27 ngày mới được ngừng.
Nếu ai dám vi phạm, dù Kiến Văn đế có dễ gần đến mấy thì hậu quả cũng sẽ không được tốt đẹp.
Lúc này giao thông chưa phát triển, đường bộ chủ yếu dựa vào ngựa, đường thủy đi thuyền, gặp nơi núi cao rừng rậm, còn phải kiểm tra khả năng sinh tồn ngoài trời của con người. Do đó, chiếu lệnh truyền về các nơi chậm không nói, thời gian cũng khác nhau. Ví dụ từ Nam Kinh đến Bắc Bình, đời sau đi tàu hỏa cũng chỉ có vài tiếng, chậm nhất cũng chỉ mười tiếng. Máy bay còn nhanh hơn nữa. Nhưng hiện tại, ngựa phải đi mất mười mấy ngày đường là bình thường.
Từ Bắc Bình lại truyền đến Khai Bình Vệ ở biên ải thì càng chậm hơn nữa.
Thành ra, lúc Khai Bình Vệ Chỉ Huy Sứ Ty dán cáo thị trước cửa, Kiến Văn đế đã đăng cơ kế vị từ đời nào.
Dù vậy, các thủ tục cần thiết vẫn phải làm đầy đủ.
Vải vóc dự trữ trong Vệ Sở không đủ, nhất thời không thể may kịp đồ tang cho hơn vạn người, chỉ có thể trước chia cho mỗi binh sĩ hai dải vải gai, một dải buộc vào lưng, một dải buộc vào đầu, nom cũng tạm được.
Mạnh Thanh Hoà và Mã Thăng Tổng Kỳ, dưới quyền quản lý năm mươi binh sĩ, chia ra có năm Tiểu Kỳ, nếu ở đời sau, cũng được coi là một trung đội trưởng oai vệ. Nhưng trong hệ thống biên quân Đại Minh, vẫn là quan nhỏ không có phẩm cấp, nhưng quan nhỏ cũng là quan, phải dẫn theo hơn năm mươi huynh đệ dưới trướng, biểu cảm nghiêm túc xếp hàng, mặt hướng về phía Kinh Thành, hít vào, thở ra, lại hít vào, chuẩn bị, khóc tang.
Biên quân không hổ là biên quân, khóc cũng phải theo nhịp trống, ngươi không phục không được.
Toàn bộ Khai Bình Vệ, cộng thêm năm đồn vệ canh tác ruộng đất ở trái, phải, trước, sau, giữa, tổng hơn vạn người, cùng một thời gian, cùng một địa điểm, cất tiếng gào thét, khí thế thật là kinh người.
Do giao thông bế tắc, hàng xóm bên kia thảo nguyên còn chưa biết tin Hồng Vũ đế băng hà, nghe thấy Khai Bình Vệ, Toàn Ninh Vệ, Đại Đồng Vệ,… một đống Vệ liên tiếp truyền đến tiếng hú như sói tru, còn tưởng có mấy phiên Vương Đại Minh nào đó lại định tổ chức diễn tập quân sự biên ải, sợ tới mức suýt chút phải dỡ lều chuyển nhà ngay trong đêm.
Mặc dù bản thân bọn họ cũng không phải kẻ phúc hậu, thường xuyên nghĩ cách đá cửa nhà hàng xóm, nhưng một khi hàng xóm bị đá cửa đó so với bọn họ còn không phúc hậu hơn, còn hung tợn hơn thì chạy mới là thượng sách!
Kỵ binh Bắc Nguyên đã vô số lần thấm thía chân lý này.
Dù vậy, trước khi băng hà, Hồng Vũ đế vẫn không yên tâm về đám hàng xóm phía Bắc, từng nhiều lần hạ chiếu vào tháng tư, tháng năm, lệnh cho Tả Đô Đốc Dương Văn, Vũ Định Hầu Quách Anh làm Tổng giám binh quan, Đô Đốc Lưu Chân, Tống Thịnh làm Phó Tổng Binh, thống lĩnh quân đội đến Bắc Bình bố trí hàng rào phòng thủ dưới sự giám sát của Yến Vương. Đồng thời liên hợp với Liêu Vương, Đại Vương, Ninh Vương, Cốc Vương tăng cường phòng thủ biên giới, thời thời khắc khắc cảnh giác hàng xóm phía Bắc đến thu hoạch lương thực vào mùa thu.
Lúc đó, Hồng Vũ đế đã đoán được mạng sống của mình sắp đến hồi kết, nên đã sớm xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc cho vị Hoàng Đế trẻ tuổi sắp đăng cơ.