Tôi tên là Trần Hi, năm nay hai mươi tám tuổi. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở thành phố K, phía đông nam tỉnh Y. Ba tôi tên là Trần Binh, trước kia ông tham gia cuộc chiến phản công tự vệ, sau khi giải ngũ thì làm việc trong một nhà máy sản xuất cao su trong thành phố. Mẹ tôi tên là Trương Huệ Anh, bà là người nông thôn, sau khi kết hôn với ba thì cũng làm việc trong nhà máy. Tính cách ba tôi yên tĩnh ít nói, ông rất cưng chiều tôi, nhưng nếu tôi không nghe lời thì ông ấy vẫn sẽ phạt tôi rất nghiêm khắc. Từ nhỏ đến lớn, tôi bị ba la mắng không ít lần, đến nỗi số ngón tay cũng đếm không đủ. Mẹ tôi là điển hình của một người phụ nữ nông thôn, bà hay cằn nhằn, thích tính toán những thứ nhỏ nhặt.
Trước khi tôi vào tiểu học, hoàn cảnh gia đình khá tốt, ba tôi làm ở nhà máy, tổ sản xuất thỉnh thoảng sẽ cho một ít tiền thưởng. Thu nhập lúc đó của gia đình tôi thậm chí còn cao hơn chú tôi làm giám đốc Cục quản lý nhà ở và cô của tôi là một kỹ sư cao cấp. Khi tôi vào tiểu học, hoàn cảnh gia đình trở nên khó khăn, ba tôi thường xuyên đổ bệnh. Đầu tiên là viêm ruột thừa, sau đó là cảm lạnh đến sốt, bệnh cảm vừa khỏi, ông lại nhập viện vì cơn đau thận. Không lâu sau, nhà máy mà ba mẹ tôi làm việc bị phá sản phải đóng cửa. Sau khi mất việc, ba tôi tìm được việc làm thợ sửa ống nước, còn mẹ tôi mở một cửa hàng nhỏ, cuộc sống coi như đủ ăn.
Sau khi lên năm nhất trung học cơ sở, vì để cho tôi có điều kiện đi học, ngoại trừ ban ngày đi làm, ba còn nhận việc ngoài ruộng. Lên năm hai, ba mẹ ngày càng bận rộn nên không có thời gian quản lý tôi, từ đó tôi giống như một đứa trẻ được nuôi thả. Tôi bắt đầu trốn học còn đánh nhau, lúc bị giáo viên gọi phụ huynh, ba từ ngoài ruộng vội vàng chạy tới. Tôi vẫn luôn nhớ rõ cảnh tượng chủ nhiệm lớp khinh thường nhìn người ba lấm lem luộm thuộm, còn dùng giọng điệu vô cùng cay nghiệt mà châm biếm ông ấy. Ba chỉ nói là sẽ về nhà dạy dỗ tôi thật nghiêm khắc. Tôi nhìn dáng vẻ đó của ba, trong lòng lập tức vô cùng chua xót.
Sau khi về nhà, ba không hề đánh đập hay la mắng tôi như trong suy nghĩ, ông chỉ tha thiết nói với tôi: “Nếu bây giờ con không chăm chỉ học hành, không lẽ muốn sau này sẽ giống như ba, ngay cả việc đem lại hoàn cảnh tốt cho con của mình cũng là một việc khó khăn sao?"
Sau khi mẹ tôi biết chuyện thì lập tức bà cho tôi ăn một bữa roi gậy thay cơm nhớ đời. Từ đó trở đi, tôi dần thay đổi. Về sau, khi nhận xong bằng tốt nghiệp cấp hai, nhớ tới mối thù nhỏ trước kia mà chạy đến văn phòng của giáo viên chủ nhiệm, chọc tức nói:
"Thầy Kim, vẻ mặt của thầy khi nhìn người khác bằng thái độ khinh bỉ thiệt sự rất giống mặt của một con vượn già đó."
Tận lúc tôi tốt nghiệp đại học, hoàn cảnh gia đình mới có chút thay đổi tốt hơn.
----------------------Vạch chuyển đổi thành ngôi thứ ba----------------------------------------------
Nơi gia đình Trần Hi đang ở là thành phố K có tổng diện tích 1957,81 km2, trong đó vùng núi chiếm 91,5%, vùng trũng chiếm 8,5% và có 300.000 người sinh sống. Dân số ngày càng mở rộng, diện tích của Thành phố K cũng tăng lên. Với sự mở rộng không ngừng, ruộng của các tổ sản xuất khác nhau trong thành phố biến thành nhà cao tầng.
Cách đây không lâu, cô của Trần Hi gọi điện nói nhà cũ mà ông bà nội của Trần Hi để lại sắp bị phá đi để chuẩn bị xây lại, gọi ba Trần đến nhà cũ xem có đồ đạc gì cần giữ lại không. Ba Trần vốn định tự mình đến đó, nhưng đột nhiên bệnh viêm khớp tái phát nên phải để Trần Hi đi thay.
Nhà cũ của ông nội Trần nằm ở tây bắc thành phố K, nay cổng vào làng Tây. Làng Tây là một ngôi làng trong thành phố, thuộc khu đô thị cũ của thành phố K. Ngôi nhà này được ông bà của Trần Hi tự mình xây nên, tính ra cũng đã trôi qua cả trăm năm. Từ khi ông bà nội qua đời, Trần Hi cũng không đến đây nữa.
Trần Hi dừng xe ở trước cửa. Khi cậu bước vào, cảnh vật đầu tiên cậu nhìn thấy là một khoảng sân rộng khoảng 100 mét vuông, phía sau sân là một ngôi nhà cổ kính, tường nhà vẫn là những bức tường được đắp bằng đất, phía trên là mái ngói đã cũ, giữa nhà là phòng chính hình chữ nhật hay còn gọi là phòng khách. Trong phòng không có cửa sổ mà chỉ có có một cửa chính làm từ hai tấm gỗ dày, phần trong cùng của phòng chính là bàn thờ, ngoại trừ cúng trời đất còn treo một bức chân dung của chủ tịch Mao, từ thời tổ tiên thì nhà họ Trần đã có thói quen thờ cúng các bậc vĩ nhân.
Hai bên nhà chính có hai căn phòng, mỗi phòng đều có một cửa sổ nhỏ có kích thước chưa đến một mét vuông. Cửa sổ được làm bằng hai tấm gỗ, không có kính. Trên khung cửa có gắn mấy thanh sắt, còn treo rèm. Khi trời mưa, cửa sổ bằng gỗ đóng lại, bình thường thì đều mở ra đón gió. Loại nhà cổ này mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ nhưng khá ẩm ướt, ảm đạm. Bây giờ đã nhiều năm không có ai ở, trông căn nhà càng đáng sợ hơn, như thể sẽ có vật gì đó từ trong góc tối bất ngờ chạy ra.
Khi còn nhỏ, Trần Hi đều đến sống nhà ông bà nội vào mỗi dịp nghỉ hè hằng năm. Lúc đó trong sân có một cây dâu rất lớn và hai cây đào. Hồi còn học mẫu giáo, Trần Hi nhìn những quả dâu đã chín mà thèm thuồng không thôi. Tuy cậu muốn hái nhưng cây dâu lại cao hơn cậu, chân tay ngắn ngủn khiến cậu bé Trần Hi không biết phải làm sao. Khoảng thời gian đó, nghề nuôi tằm trở nên phổ biến, thỉnh thoảng sẽ có vài đứa trẻ hơi lớn đến nhà xin lá dâu. Lần nào Trần Hi cũng mang ra cái chén gỗ ăn cơm của mình, cậu chớp đôi mắt to tròn nhờ bọn họ hái dùm quả dâu trên cây. Nếu ai không hái cho cậu thì cậu cũng sẽ không cho người đó hái lá. Sau vài lần, mỗi khi có người đến hái lá dâu đều sẽ tự giác hái đầy một chén dâu đưa cho đứa trẻ thông minh này. Lần nào nhận được quả dâu, Trần Hi ngay lập tức lấy một cái ghế nhỏ ngồi ở dưới bóng cây, vừa ăn dâu vừa nhìn người khác hái lá.
Năm Trần Hi sáu tuổi, có lần cậu bị nổi rất nhiều nấm ngoài da, bà nội Trần dạy cậu dùng chất lỏng màu trắng trên thân cây dâu bôi lên chỗ nấm , trong thời gian ngắn sẽ khỏi. Vì vậy, Trần Hi lấy chiếc liềm mà ông nội thường hay dùng trong việc đồng áng ra rạch một vết lên thân cây dâu, sau khi chờ chất lỏng màu trắng chảy ra thì lấy một ít bôi lên mặt, quả nhiên vết nấm trên mặt đã hết rất nhanh.
Trần Hi lên tiểu học, trên cây đào trong sân có treo một chiếc xích đu, có một lần trong lúc ngồi chơi thì cậu té từ trên xích đu xuống, đầu bị đυ.ng vào đá, máu từ vết thương chảy ra đầy đất. Hên là lúc đó ba Trần cũng đang ở nhà ông nội, lúc nhìn thấy Trần Hi vừa ôm cái đầu đầy máu vừa khóc thê thảm thì hoảng sợ vô cùng, ba Trần ôm cậu chạy như điên ra ngoài. Chạy một đoạn ngắn rồi lại chạy về lấy ra con xe đạp của ông nội Trần, ông đạp xe chở cậu đến bệnh viện.
Tuổi thơ của Trần Hi đều dính dáng đến nơi này, cậu nhìn cỏ dại mọc um tùm trong sân khiến cho căn nhà trông đổ nát thì có hơi buồn bã. Thật ra sau khi ông bà nội Trần qua đời, đa số đồ vật đều được đốt đi, dùng cách giải thích của người lớn thì đây là những đồ ông bà lão dùng đã quen tay, đốt đi để ông bà bên kia tiếp tục sử dụng. Còn lại đều là vài món đồ bỏ đi không thể dùng được nữa, lần này về chỉ để nhìn một chút xem có bỏ sót thứ quan trọng hoặc đồ vật kỷ niệm gì không.
Trần Hi đi vài vòng thấy cũng không có gì cần phải mang đi. Cuối cùng cậu đến trước bàn thờ thấy trên đó có một cái hộp, hình như là phật châu của bà nội để lại. Bà nội Trần là người theo đạo Phật, mỗi sáng sớm thức dậy sẽ niệm kinh vào lúc sáu giờ rưỡi, ngày ngày đều niệm ba mươi phút. Bà là người mù chữ, lúc Trần Hi học tiểu học, bà nội thường lấy sách kinh đưa cho Trần Hi để cậu dạy bà đọc. Bà lão trí nhớ không tốt, cho nên Trần Hi học thuộc kinh rồi đọc cho bà nghe nhiều lần thì bà mới khó khăn nhớ được. Thế nhưng như vậy cũng không ảnh hưởng đến lòng hướng Phật của bà.
Trần Hi mở ra cái hộp đầy bụi, trong hộp đúng là chỉ có một chuỗi phật châu do bà nội cậu để lại, cũng không biết làm từ loại gỗ gì. Nghe bà nội Trần kể lại lúc bà mười tám tuổi từng tắt thở mà không rõ nguyên nhân, theo tập tục thì sau khi đưa vào quan tài đợi ba ngày rồi mới chôn. Đến ngày chôn, khi mọi người chuẩn bị lấp đất thì bên trong quan tài phát ra tiếng vang, bà nội sống lại. Sau khi tỉnh lại bà nói rằng bà bị hai người đem tới một sảnh lớn, trong sảnh treo rất nhiều xích sắt to bằng cánh tay, trên đất cũng có. Hai người để bà quỳ trước xích sắt không cho bà ngẩng đầu. Trên sảnh lớn có người hỏi ngày sinh của bà, bà trả lời, tiếp tục có người hỏi bà có phải bà họ Vũ là dâu nhà họ Trần hay không nhưng bà trả lời bà là dâu nhà họ Trần nhưng họ của bà là họ Lý rồi ngay lập tức bà bị đuổi về. Ngày thứ hai sau khi bà nội tỉnh lại, chân bà bỗng sưng lên, trên bắp chân để lại một con dấu hình dáng giống như xích sắt.
Trần Hi cầm phật châu lên ngắm nghía cẩn thận, hạt châu có màu đỏ như máu, trong đó có vài hạt màu tím đậm gần giống màu đen. Cậu nhìn một lát không thấy có gì đặc biệt thì thuận tay mang chuỗi hạt vào cổ tay rồi lại tiếp tục sửa soạn lại đồ vật.
Sau khi sắp xếp lại toàn bộ, Trần Hi gọi người thu mua đồ cũ đến mang vài món xài được đi, còn những thứ bị hư quá nghiêm trọng thì đưa cho hàng xóm làm củi đốt.
"Đàn ông như tôi không biết cách hạnh phúc..." Tiếng chuông điện thoại di động vang lên, là mẹ Trần gọi đến.
"Mẹ, có chuyện gì à?"
"Bé Hi, con sửa soạn đồ bên đó như thế nào rồi?"
"Đã gần xong rồi ạ, chỉ có một ít hình cũ, đồ dùng trong nhà cũng đã xử lý. Một lát sẽ về ạ."
"Bé Hi, con về thì nhớ giúp mẹ thu hoạch rau rồi vào trại chăn nuôi của mẹ thêm một chút cỏ nhé. Mẹ cùng bạn đến suối nước nóng, tối nay mẹ không về ăn cơm."
"Dạ, mẹ chơi vui vẻ." Trần Hi cúp điện thoại, đem đồ đã sắp xếp bỏ vào xe rồi khóa cửa lại.
Từ khi Trần Hi bắt đầu đầu kiếm được tiền thì không còn để cho ba mẹ đi làm nữa. Mẹ Trần rảnh rỗi thì đi đánh mạt chược, có khoảng thời gian thua khá nhiều tiền. Một lần trong lúc Trần Hi giặt quần áo vô tình nhìn thấy giấy nợ trong túi áo của bà. Trần Hi vô cùng tức giận, cậu ghét nhất là đánh bạc. Nhưng cậu bình tĩnh nghĩ lại, có lẽ vì mẹ quá rảnh rỗi nên dẫn đến buồn chán thôi. Vì vậy, Trần Hi dạy mẹ Trần chơi một vài trò chơi đơn giản trên QQ, dạy bà chơi nông trại, chăn nuôi, trồng trọt, còn dạy bà cách lên mạng đánh mạt chược cùng người khác. Từ đó mẹ Trần cũng không ra ngoài đánh mạt chược nữa. Mỗi ngày, bà đều tranh giành máy tính của Trần Hi để trông chừng trang trại của mình, chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc tìm người đánh mạt chược, mà Trần Hi cũng suốt ngày bị bà đuổi ra ngoài. Ngay cả ba cậu cũng học được cách đánh cờ tướng trên máy tính, có lúc cả hai đều muốn chơi nhưng máy tính thì chỉ có một nên Trần Hi tự giác cống hiến máy tính xách tay của mình, không ngờ lại bị hai ông bà chê là màn hình máy tính cầm tay quá nhỏ nên không muốn dùng.
Trần Hi ngồi trước máy tính hoàn thành nhiệm vụ mẹ giao. Cậu cho gia súc trong trang trại ăn no, trộm một ít lương thực có thể trộm ở nhà người khác, nhìn thấy thức ăn mà mẹ Trần đang trồng còn năm phút sẽ chín thì đi lấy vài trái táo dự định vừa gọt vừa đợi. Đột nhiên, Trần Hi cảm thấy đầu đau như sắp nứt, tay run rẩy làm con dao gọt trái cây lệch đi một chút mà cắt trúng tay, máu đỏ tươi ngay lập tức chảy ra. Trần Hi vội vàng rút vài tờ khăn giấy bên cạnh máy tính, vô tình làm máu rơi trúng màn hình. Cùng lúc đó, một giọt máu không hiểu sao lăn xuống chuỗi hạt mà cậu đang đeo, sau đó giọt máu đã bị hạt châu hút mất. Trên chuỗi hạt bỗng nhiên xuất hiện một vòng ánh sáng màu đỏ, ngay lập tức trước mắt Trần Hi tối đen rồi cậu hôn mê bất tỉnh.