Trọng Sinh Nuôi Dưỡng Chồng Yêu

Chương 66

Tuy ông đã già, nhưng trái tim vẫn còn đập, có rất nhiều chuyện rõ ràng trong tim.

Ông lão nhìn cháu trai ôm con dâu, không đi lên mà trở về phòng.

Lúc này Cố Cẩm ngẩng đầu lên, nhìn thấy cảnh cánh cửa phòng ông lão đóng lại.

Cố Gia Kiệt nhìn bóng dáng của ông nội, hỏi: “Ba và Mẫn Mẫn đâu ạ?”

“Ba con và Mẫn Mẫn mang ít kiều mạch đến nhà bà ngoại con rồi, trong nhà không còn gì ăn, không sống nổi, bảo chúng ta mang ít đồ qua đó.”

Mì kiều mạch là thứ tốt ở quê, có rất nhiều nhà muốn ăn mà không có để ăn.

Cố Gia Kiệt vừa nghe đến chữ nhà bà ngoại là xị mặt xuống.

Ấn tượng của anh ta về nhà bà ngoại vô cùng kém.

Cả nhà đó đều là lang sói hút máu người.

Năm xưa mẹ của anh ta bị nhà đó bán cho nhà họ Cố làm vợ của ba anh ta, để lấy hai mươi đồng cho con trai cả nhà họ cưới vợ.

Hai mươi đồng khi ấy là một số tiền cực lớn.

Trần Hồng thấy sắc mặt con trai không tốt, liền chuyển đề tài: “Bình Nguyên và Chí Nhân cũng về rồi, hôm nay ở lại ăn cơm nhé.”

“Cảm ơn cô!”

“Cảm ơn cô ạ!”

Hai người miệng nói cảm ơn, nhưng mắt lại nhìn về phía Cố Cẩm.

Ngay cả Cố Gia Kiệt cũng thế.

Đối mặt với ba ánh mắt ấy, Cố Cẩm đề nghị với Trần Hồng: “Bác ơi, hôm nay để cháu nấu cơm cho.”

Trần Hồng ngẩn ra, nhìn về phía ba thanh niên, thấy họ lộ ra vẻ mong chờ.

Lần này bà ta đã hiểu rồi.

Bà ta bĩu môi: “Mấy đứa ghét bỏ ta chứ gì?”

Cố Gia Kiệt lập tức trả lời: “Mẹ nói gì thế, bọn con chỉ đau lòng mẹ thôi, hôm nay mẹ cứ nghỉ ngơi đi...”

“Được, được, được...” Tâm hồn “yếu ớt” của Trần Hồng được an ủi, dẫn con trai về phòng.

Lưu Bình Nguyên và Ngũ Chí Nhân cũng đi theo, trước khi đi còn nháy mắt với Cố Cẩm.

Cố Cẩm cười, cũng dẫn cậu nhóc về phòng cất đồ đạc.

Trước khi vào bếp, cô lấy hết sách và vở ghi của An Minh Tế ra.

“Tiểu An, hai tháng nữa chúng ta sẽ tới thành phố Vạn Hải, em phải cố gắng học tập, thi được thành tích tốt vào lớp chuyên nhé.”

An Minh Tế nhìn chằm chằm sách giáo khoa đã học xong trước khi đến thành phố Thâm, cắn môi nói: “Chị A Cẩm, những bài này em đã biết hết rồi, em muốn đọc sách cao hơn. Lúc tới thành phố Vạn Hải, em muốn học thẳng lên cấp hai.”

Cố Cẩm im lặng ngồi xuống, lật vở ghi chép của cậu nhóc.

Cô nhận ra các môn như ngữ văn, toán học, tiếng Anh cậu đều ghi chép rất tỉ mỉ, hơn nữa đều là các đề có độ khó cao.

Cố Cẩm ngẩng đầu hỏi: “Em có tự tin vào được lớp chuyên không? Chị định để em học tốt nền tảng đã, có một khởi điểm cao thì mới có được sự dạy dỗ tốt nhất.”

An Minh Tế gật đầu không chút do dự: “Được ạ, lúc ba em còn sống, ba đã dạy em các bài học cấp một rồi. Em tưởng mình đã quên hết, nhưng khi ôn lại thì đã nhớ ra, sách lớp sáu em cũng đọc hiểu, ba có dạy em rồi.”

Thấy cậu bé nghiêm túc như vậy, Cố Cẩm không ngờ cậu là một thiên tài.

Lúc ông An qua đời, cậu chỉ mới mấy tuổi thôi, thế mà đã dạy tri thức lớp sáu cho cậu.

Cố Cẩm gật đầu: “Được, bây giờ em đọc sách lớp sáu đi, nếu có gì không hiểu thì cứ hỏi chị. Sau hai tháng, chị hi vọng em có thể vào được lớp chuyên của trường trung học thành phố Vạn Hải.”

“Vâng.” An Minh Tế gật đầu thật mạnh.

Chỉ cần đó là nguyện vọng của chị A Cẩm, cậu nhất định sẽ thực hiện nó.

Đối với những đứa trẻ ngoan, Cố Cẩm không bao giờ tiếc lời khen ngợi.

Cô đứng dậy bước đến bên cạnh cậu bé, đưa tay xoa đầu cậu và khen: “Ngoan quá.”

Được khen hết lần này tới lần khác, An Minh Tế xấu hổ cúi đầu.

Chữ ngoan này thật chẳng liên quan gì tới cậu cả.

Nếu chị A Cẩm thích, vậy cậu sẽ luôn “ngoan ngoãn” như vậy.

Cố Cẩm không biết suy nghĩ của cậu, cô thu tay về nói: “Chị đi nấu cơm, em học bài đi.”

Cậu bé đồng ý.

Sau khi vào bếp, Cố Cẩm nhận ra gạo trong nhà không còn nhiều nữa, bột mì cũng chẳng còn bao nhiêu.

Trừ rau dại trên bàn, cô chẳng tìm được gì khác.

Cố Cẩm ra khỏi bếp, đi tới hầm đất ở ngoài sân.

Trong hầm có mấy vò rượu, là bảo bối của ông cụ, trong nhà không ai dám động vào.

Trong đó còn có thịt lợn rừng còn thừa và cả con hươu bị vứt trong góc nữa, đã qua lâu rồi mà vẫn giữ được dáng vẻ tươi ngon lúc đầu.

Cố Cẩm lấy một ít thịt lợn rừng và xách cả con hươu kia ra.

Đồ ăn trong nhà không có nhiều nên chẳng làm được gì mấy.

Cố Cẩm trở lại phòng bếp, rửa sạch hươu, bỏ nội tạng, cắt thành từng miếng nhỏ.

Cô đặt thịt sang bên cạnh, không ăn hết thì ướp muối, sau đó trữ trong hầm đất.

Món đầu tiên cô làm chính là thịt hươu kho tàu.

Nhóm bếp lửa, cho nước và thịt hươu đã thái nhỏ vào trong nồi.

Sau khi đóng nắp, Cố Cẩm ngồi trên ghế nhìn lửa đang cháy.

Cho tới khi nước sôi, cô đợi tầm mười năm phút liền vớt thịt hươu ra.

Đổ nước đi, cho dầu, hành, gừng, tỏi, ớt vào nồi, sau đó lại bỏ thịt hươu vào, xào mấy phút.

Lúc này, hương thơm bắt đầu lan ra.

Cho các loại gia vị cần thiết khác vào nồi, đổ nước ngập thịt hươu rồi đậy nắp lại, đun lửa lớn, sau khi nước sôi, để lửa nhỏ đun thêm nửa tiếng.

Trong nửa tiếng đó, Cố Cẩm vừa trông lửa vừa chuẩn bị làm canh thịt viên.

Băm nhỏ thịt lợn, cho thêm gia vị, một quả trứng gà, nước ngâm hoa tiêu, hành, gừng, tỏi, dùng đũa khuấy đều.

Cố Cẩm rửa sạch nồi, châm lửa đun nước.

Lúc nước sắp sôi, cô cho thịt viên vào trong, rồi thả đại hồi, cho thêm cả chút rau dại.

Ở nồi khác thịt hươu cũng đã chín.

Cố Cẩm lấy âu đựng cơm bằng sứ ra, đổ thịt hươu thơm nức vào trong.