Lò Rèn Bên Bờ Suối

Chương 1

Tám Được quay tay búa mỗi lúc một nhẹ dần. Ngọn lửa trong lò đang cháy đỏ và vài mảnh than sáng rực chực rơi ra. Trời đã về chiều.

Sau một ngày làm việc cật lực, ông Tám đang lơi tay búa và sắp kết thúc công việc trong ngày. Thường khi ông chỉ làm việc tới giữa trưa là nghỉ, lúc này phải làm dồn nhiều việc do bà con trong làng đang vào mùa khai khẩn, cày cấy nên lò rèn của ông – cái lò rèn duy nhất trong vùng – phải đáp ứng nhiều hơn nào cuốc, xẻng, dao, rựa…

Một năm có một mùa làm rẫy nên nghề rèn dao, cuốc rựa.. phải biết đón lấy cơ hội… lượm tiền. Hà hà…

Ông Tám hả hê nhìn lại vật dụng vừa gò lại xong, cho hết thảy vào nước ngâm. Ngày mai, nếu có thời giờ ông sẽ gọt lại mấy con dao, rựa rồi mài lại. Ngày mốt giao hàng. Bây giờ nghỉ được rồi. Nhưng vì sao ông Tám lại chọn bờ suối này làm nơi trú ngụ và mở lò rèn?

Vì ở đây là ngã ba suối nên liên lạc với cánh đồng bậc thang ngoài kia mà cũng rất gần với mé rừng cho nhiều cây tốt giúp ông đốt lò. Nhưng có một điều ông Tám chưa hài lòng là con suối thường làm lũ lụt dâng tràn và ổ nước xi xả xuống cánh đồng phía cuối làng gây nhiều tổn thất cho bà con. Làm sao cản được nước lũ?

Ông Tám lấy áo quần ra suối tắm. Ông men theo ghềnh đá chọn chỗ nước chảy nhẹ nhất để ngồi gột rửa bụi đất trên người. Con suối nước chảy khá mạnh. Là ngã ba nên nước từ hai nhánh suối chảy vào tạo thành dòng chảy rất xiết. Mấy bữa nay mưa trên nguồn mù cả đất trời nên nước tràn xuống dữ dội tạo thành những cơn lũ nhỏ tung bọt trắng xóa ghềnh đá.

Rồi thì mặc cho dòng nước cắt ngang vỗ mạnh vào ghềnh đá, ông Tám Được vẫn bơi ra giữa dòng lặn hụp thỏa chí. Cả ngày cởi trần trùng trục, da thịt đỏ theo lửa trong lò, giờ được ngâm trong dòng suối lạnh… ông Tám thấy khỏe vô cùng…

– Mình cũng giống cây rựa kia… ha ha… Nung cháy đỏ rồi được ngâm trong nước. Có vậy mới chắc da chắc thịt…

Trời sập tối.

Ông Tám Được kịp bắt cho mình một nồi cơm trên đám than hừng hực cháy. Ông Tám chỉ nấu một lon gạo cho mỗi mình ông ăn thôi. Hôm nay, thằng nhỏ phụ việc xin nghỉ để xuống làng đi lễ lạc gì đó. Cái chòi và lò rèn còn mình ông Tám bên ngã ba suối và cánh rừng với nhiều cây to đang chìm dần vào bóng tối.

– Mình còn một ít khô… Hà hà…

Ông Tám thắp đèn dầu cho cái chòi sáng lên và lấy từ vách nhà hai miếng khô cá thật ngon.

Bữa cơm chiều đạm bạc của ông chủ lò rèn chỉ có cá khô và vài ly rượu trắng thơm lừng…

Lúc con trăng rừng lên cao ngang ngọn đồi phía làng thì ông Tám đi ngủ:

– Ái chà… cái thằng phụ việc giờ này đang xem phim dưới làng. Mệt quá rồi… đi ngủ thôi.

Ông Tám trải đệm nằm cạnh cửa vào căn chòi bé nhỏ của mình với tấm phên được chống lên cao và hình như chẳng bao giờ ông hạ nó xuống… Tấm vải dù kéo ngang ngực ông. Vậy là ông ngủ ngon lành…

Ngoài bờ suối, bế lò hãy còn đỏ lửa. Chai rượu đã vơi, mấy miếng khô vụn còn nằm trên dĩa…

Sương xuống nhiều làm ánh trăng cũng bạc trắng như sương…

Một cái bóng trắng từ vạt rừng bên kia mò qua gặp cái bóng trắng khác từ lòng suối mò lên. Cả hai bước tới chòi lá ông Tám Được. Dưới ánh trăng chỉ thấy họ là hai người đàn ông tuổi khoảng ngoài ba mươi, tóc dài quá vai, râu ria bờm xờm. Họ là cư dân trong vùng hay lâm tặc?

– Còn chút rượu này. Mình nhậu chia tay nhé?

– Có vài miếng khô hà… Lão già Tám này “phá mồi” chứ nhậu gì? Hà hà…

Hai bóng trắng ngồi xếp bằng đối diện nhau ở giữa là chai rượu còn lưng chai và dĩa khô cá. Lửa trong lò còn cháy hắt ánh sáng lung linh ra bờ suối trong veo. Ánh trăng bị che bởi đám mây vừa kéo ngang bầu trời.

– Mày đừng nói lão già Tám phá mồi. Ông ấy nướng khô ăn cơm mà. Ông ấy làm vài ly cho ấm bụng thôi. Ái chà… mày rót rượu đi chứ…

– Ừ! Rượu ngon quá chừng…

– Ngon như thứ rượu mày uống năm ngoái rồi chui vào bánh xe be kéo gỗ không?

– Mày nhắc chi chuyện đó… ớn quá chừng. Chết là hết… chuyện!

– Hết sao được. Mày chết cũng như tao chết chỉ là một chuyện. Còn mày sắp đi, tao cứ ở đây canh con suối này hoài là chuyện khác…

– Ừ phải. Nhưng mà, ma da này..

– Nhưng cái gì… Uống đi. Tao chờ… khát nước rồi đó thằng… ma rừng rú!

Cái bóng trắng kia cười nghiêng ngả:

– Ừ! Tao là ma rừng còn mày là ma da. Hai đứa mình đều ma chứ có khác gì đâu! Tao… uống đây!

Hai bóng trắng uống lai rai vài ly, im lặng và cùng nhìn vầng trăng sáng vừa nhô ra khỏi đám mây. Một người hỏi:

– Bữa nay… mùng mấy?

– Mười sáu rồi chứ còn mùng gì nữa. Trăng sáng trưng kia kìa!

– Mai mười bảy… mày được chuyển xuống dưới? Rồi chừng nào… đầu thai?

– Mày hỏi… chuyện tao chưa biết không hà?

– Hì hì…

– Tao nói cho mày mừng nha! Hồi sáng tao nhận lệnh chuyển đi, có hỏi thăm thằng ma đưa văn thư, nó nói tuần sau ngày hăm bốn có hai nhân mạng tới đây… chết ở cái suối này để thế chỗ cho mày đó ma da. Chắc mày cũng sẽ chuyển xuống dưới!

– Vậy sao? Mừng quá chừng. Tao ở đây sáu tháng rồi… buồn quá. Với lại… gần cái lò rèn của lão Tám… nóng… muốn chết.

– Ủa! Mày chết rồi mà!

Ông Tám ở rừng mấy năm nay gặp ma hoài mà nào có sợ gì? Có đêm ông thấy cả bầy ma kéo đi lũ lượt từ bên kia suối ngang qua cánh rừng này đi thẳng lên rẫy. Họ đi đâu vậy? Thì ra bọn ma đó đi ra rẫy mót lúa hay đào trộm khoai củ gì đó. Ma đói mà. Không ai cúng kiếng nên cả bọn lang thang…

Có lần ông thấy hai con ma ngồi tâm sự ngoài suối. Trời khuya lạnh buốt mà họ vẫn tình tứ, ông kêu mấy tiếng thì hai đứa ma tình nhân đó biến mất. Chắc tụi nó… mắc cỡ.

Hai bóng trắng vừa uống rượu, ăn khô của ông Tám Được chính là hai con ma mà ông Tám đã quen. Một thằng thành ma vì uống rượu say lái xe honda chui đầu vào lòng xe be kéo gỗ. Xe cán nát óc. Còn thằng ma da kia chết đuối dưới con suối hung dữ này vào mùa lũ cách nay sáu tháng. Ông Tám hết sức cố gắng cứu nó… mà cứu không được. Đó là thằng ma… đi tìm vàng. Nó chết dưới suối rồi trở thành ma da.

Lần đó…

Mưa ba ngày ba đêm nên nước đầu nguồn đổ về khá mạnh. Nhìn nước đỏ ngầu đầy xác lá mục ông Tám lo ngại cho mùa vụ dưới làng. Lũ mạnh vậy cuốn trôi hết rau, khoai, ngập úng cả cánh đồng. Dân làng sẽ thiếu cái ăn đây.

– Cầu cho ông bớt mưa. Mưa vậy… làm ăn gì cũng khó.

Ăn cơm xong, thấy trời còn mưa, ông Tám định nằm nghỉ lưng một lát thì thằng nhỏ phụ việc lò rèn kêu ông hỏi:

– Ông Tám ơi… vùng này có mỏ vàng hả ông Tám?

Ông Tám với tay lấy cây quạt, quạt nhè nhẹ đáp:

– Có! Mà tuốt bên kia đồi Chuối lận. Mày tính bỏ tao đi đào vàng hả?

Thằng nhỏ chừng mười sáu tuổi, nó cười hề hề:

– Ý không có đâu ông Tám. Con thấy ở dưới làng người ta tụ tập đông lắm. Họ nói đi đào vàng… trong núi.

Ông Tám chép miệng:

– Trong núi làm gì có. Vàng ở lạch suối đầu nguồn bên kia đồi. Tìm có vàng thì ham lắm nhưng rồi chia nhau, giành nhau chém gϊếŧ lẫn nhau chứ có hưởng một mình được đâu. Nghề đó… khốn nạn lắm. Sinh mạng mỏng manh.

Nghe nói vậy thằng nhỏ phụ việc không trả lời. Nó im lặng suy nghĩ lời ông Tám nói. Ông Tám là cha chú nó, là thầy dạy nghề cho nó. Ông nói chắc chắn đúng.

– Nhưng mà… – Nó hãy còn tò mò muốn biết thêm chuyện tìm vàng. – Mưa vậy trên đó người ta tìm vàng được không ông Tám?

– Hên xui.

– Là sao ông Tám?

– Tìm ngay chỗ có vàng thì hưởng. Còn bằng không thì… thôi!

Im lặng một lát sau, ông Tám nói thêm:

– Cái đó là trời cho ai nấy hưởng. Còn cơm mày ăn, quần áo mày mặc, tiền mày xài… là của tao cho mày. Tao cho mày vì mày phụ công chuyện với tao. Vậy thôi. Đừng hỏi nữa tao ngủ chút xíu coi… cái thằng lộn xộn!