All In Love

Chương 2: Nhớ khi còn bé

Hồi cấp ba, Vi Vũ thuộc loại thư sinh nho nhã yếu ớt nhưng học siêu giỏi – huyền thoại cơ mà. Vấn đề duy nhất của anh là môn thể dục, nếu nó không xuất hiện trên đời thì hẳn anh đã thành học sinh xuất sắc toàn diện. Vì thế nên chẳng ai ngờ người như Từ Vi Vũ lại “thích” bon chen chơi bóng với những cậu bạn cao to vạm vỡ. Dù có hơi lệch nhịp.

Có người hỏi: “Vi Vũ, đã không thích bóng rổ, mỗi lần chơi được tí còn mệt bở hơi tai, tội gì phải khổ? Thôi, về học đàn violin đi, anh em không cười mày đâu.”

Nghe nói lúc ấy câu trả lời của Từ thiếu là một tiếng hừ lạnh, “Ai bảo Cố Thanh Khê thích con trai giỏi thể thao?”

#12

Từ lớp mười một, trường chia làm hai ban tự nhiên và xã hội, trước khi chia lớp, tôi nhận được một bức thư, nội dung vỏn vẹn: Học tự nhiên, học tự nhiên, học tự nhiên, học tự nhiên!

Tôi nghĩ đó chỉ là thư nguyền.

Nên, không tin vào những lời quỷ quái ấy.

Cứ thế, tôi và Vi Vũ rẽ ngang, mỗi người một ngả trên con đường “tự nhiên – xã hội”.

Nhưng chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thuần khiết…

#13

Năm lớp mười một, có lần xe đạp hỏng, Vi Vũ đưa tôi về. Hôm đó tôi phải về nhà cũ, mà đường thì không hề gần.

Giữa trời tháng mười một, Vi Vũ cật lực đạp xe trên đường. Thực ra nhìn tóc nơi cổ áo anh mướt mồ hôi tôi cũng xót lắm, nhưng vào năm tháng ấy, thời điểm ấy, mọi tư tưởng, suy nghĩ vẫn còn rất ngây thơ, tôi và Vi Vũ là bạn học nam nữ đàng hoàng, chở nhau trên một chiếc xe đã là quá lắm rồi. Vậy nên cả đường tôi đành bấm bụng trong xót xa và lo lắng: về càng gần đến nhà thì càng dễ gặp người quen, nếu chẳng may có gặp thật thì biết giải thích sao đây?

Đúng như “mong đợi”, tôi gặp một cô hàng xóm đang mải mê cày cấy trong cánh đồng cải dầu, chưa đến gần, cô đã chào tôi rõ to: “Thanh Khê, mới tan học à!”

Khi ấy tôi còn đang mải tụng kinh trong lòng: “Chúng cháu chỉ là bạn học, chúng cháu chỉ là bạn học…”

Vậy nên vừa nghe thấy tiếng gọi, tôi tuôn một tràng theo phản xạ: “Cô, cháu với cậu ấy chỉ là bạn học nam nữ bình thường thôi ạ, xe cháu hỏng nên cậu ấy đưa cháu về ấy mà.” Sau đó, tôi còn tự tin rằng mình rất thông minh, đánh trống lảng, “Cô đang trồng cải dầu ạ.”

Cô ấy “à” một tiếng đầy ẩn ý, không biết tiếng “à” này là dành cho hoa cải hay là “à” cho bạn học.

Lát sau, đi qua đó một đoạn, người phía trước quay lại hỏi tôi: “Cô ấy chỉ bảo cậu tan học à, sao cậu nói nhiều chuyện ‘không liên quan’ thế?” Bây giờ nhớ lại chợt thấy từ “không liên quan” trong câu trên có vẻ đặc biệt sâu xa.

“…” Đó là lần đầu tiên tôi xấu hổ.

Sau đó, Vi Vũ còn thì thầm bỏ thêm một câu: “Trồng cải dầu? Ừ cậu cũng thông minh[1]thật đấy.”

( [1] Nguyên ở đây là “cải dầu”. Từ Vi Vũ dùng từ ‘có tài’, ‘thông minh’ /yǒucái/ đồng âm với ‘cải dầu’ /yóucài/ )

“…”

#14

Tôi thấy có lúc Vi Vũ nói chuyện rất thẳng thắn, nhưng đôi khi lại kín đáo quá nhiều.

Tôi từng lập một hộp thư từ lâu lắm lắm rồi, khoảng cấp ba thì phải.

Tốt nghiệp xong chẳng mấy khi dùng nên dần bị chìm vào quên lãng.

Mãi về sau, qua bao nhiêu năm, khi đăng ký nhận đồ bằng mail, cả hai hộp thư thường dùng đã nhận hết, tôi xoắn xuýt mãi mới nhớ ra hộp thư “già cỗi” bị bỏ bê bao lâu này.

Vừa đăng nhập, hộp thư đến báo có gần một trăm thư chưa đọc, đều được gửi từ nước ngoài.

Ấy thế mà chưa bao giờ thấy Từ Vi Vũ hỏi han hay nhắc nhở gì về nó cả.

Tôi mất nguyên ngày để đọc trọn vẹn gần một trăm bức thư, sau đó lại ngồi lưu cẩn thận từng cái một.

Thật đúng là ai đó đã rối loạn[2]đến một mức độ nhất định rồi.

( [2] Từ ngữ lưu hành trong giới trẻ, dùng để chỉ những người không thể hiện rõ ràng tình cảm cá nhân, nhìn có vẻ lạnh lùng, ít nói nhưng thực ra bên trong suy nghĩ rất nhiều)

#15

Giờ nhớ lại những tháng ngày xanh mượt ấy, tuy ngắn ngủi nhưng cảm động biết bao.

Nhớ khi còn bé, anh thích nói chuyện tôi thích cười, từng sóng vai ngồi dưới gốc cây đào nghe gió thổi đầu rừng, chim vang tiếng gọi, không biết ngủ quên từ lúc nào.

Nhớ khi còn bé, chưa hiểu tình, chưa biết yêu, đi dưới hàng cây ngô đồng, lặng nghe mưa rơi tí tách trên tán lá, nhìn nhau cười ngô nghê.

Nhớ khi còn bé, không hiểu thế nào là chia ly, thế nào là gặp lại, cũng không biết có một khoảng cách tên “xa xôi cách trở”, gió chỗ anh không thổi đến nơi tôi, chỉ biết rằng lại một năm xuân đi thu đến[3].

( [3] Trích “Hoa rơi trong mộng biết bao nhiêu” (梦里花落知多少) – Tam Mao