Bloger Ẩm Thực Năm 60

Chương 8

Chuyển ngữ: Dưa Hấu Không Hạt

Nhà khách duy nhất trong huyện Lâm An là một tòa nhà nhỏ được xây bằng gạch xanh và xi măng, lối vào có một chiếc quầy cao, một phụ nữ gầy gò khoảng bốn mươi tuổi đang ngồi đan áo len.

Lâm Nhiên Nhiên đặt lá thư giới thiệu của đội trưởng lên quầy, sau khi trao đổi vài câu, chị mới ngẩng đầu lên.

"Chỉ ba đứa bay thôi à? Người lớn đâu?" Người phụ nữ gầy gò cau mày.

Lâm Nhiên Nhiên nói: “Nhà em không có người lớn nên em đưa em gái lên huyện khám bệnh, chỉ ba bọn em thôi ạ.”

Nghe là đưa em gái đi khám bệnh, người phụ nữ liếc mắt quan sát Tiểu Thu, vẻ mặt hòa hoãn: “Phòng tiêu chuẩn giá bốn hào một đêm, không gồm ăn. Trong phòng có phích nước nóng và chậu rửa mặt, nếu cần thì tự tới phòng nước lấy. Phòng 102, lên tầng hai rẽ trái, căn thứ ba, tự tìm đi.”

Tòa nhà nhỏ này mới xây cách đây không lâu, ngô đồng trồng trong sân không cao bằng người, ngày đông trơ trọi, xác xao, như người bệnh tinh thần phờ phạc. Lâm Nhiên Nhiên đi dọc hành lang đến căn phòng áp chót ở cuối, mở cửa đi vào.

Căn phòng trống không, chỉ có một chiếc giường khung sắt, một bàn làm việc, một phích nước nóng trên bàn và một chậu tráng men được đặt trên giá rửa mặt cạnh cửa. Tất nhiên, căn phòng như vậy không thể so sánh với khách sạn của đời sau, nhưng ở thời nay, bố trí được vậy đã là hiếm có.

Hiện giờ nhân khẩu trong huyện đông đúc, nhiều gia đình ba thế hệ sống chung trong một căn phòng nhỏ, giường được ngăn cách bằng rèm, ban đêm có thể nghe thấy tiếng hắt hơi thậm chí là thả bom của nhau chứ đừng nói đến làm những việc riêng khác.

Vì thế, nhiều người trẻ đều lựa chọn đêm tân hôn ở tại nhà khách. Trên tường dán vài chữ “Hỷ” đỏ chói, bàn đặt các loại bánh, đồ hộp của đồng nghiệp và bạn bè gửi tặng, có thể coi là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt đối với thế hệ này.

Lúc này trong phòng lạnh cóng, chăn bông tương đối sạch sẽ nhưng không ấm lắm. Lâm Nhiên Nhiên bảo Tiểu Thu và Tiểu Cảnh ở yên trong phòng, cầm phích nước nóng xuống lầu.

Cô đi tới chỗ vắng, từ trong không gian lấy ra một túi bánh quy nhỏ, sau đó tới tầng một tìm người phụ nữ gầy gò kia. Sau khi lặng lẽ dúi túi bánh quy vào tay người phụ nữ, vẻ mặt chị thoắt cái từ mùa đông lạnh giá sang mùa xuân ấm áp.

"Yên tâm, chị sẽ để mắt tới hai em của gái, sẽ không có chuyện gì đâu!" Người phụ nữ gầy gò đồng ý, "Chị họ Mạnh, cứ gọi chị Mạnh là được."

“Vậy phiền chị ạ.” Lâm Nhiên Nhiên cười cảm ơn rồi tới phòng nước lấy một phích nước nóng lên lầu.

Cô lấy trong không gian ra hai bình thủy tinh, đổ đầy nước nóng rồi nhét vào chăn. Chị Mạnh nhiệt tình lấy cho họ một chậu than để sưởi ấm, nhưng Lâm Nhiên Nhiên không dám dùng.

Ngộ độc khí than thường xuyên xảy ra vào mùa đông ở miền Nam, chưa kể sau khi cô ra ngoài trong phòng chỉ còn lại hai đứa trẻ nên cô không dám mạo hiểm.

Sau khi ủ ấm chăn xong, Lâm Nhiên Nhiên để hai đứa trẻ ngồi trong chăn, lấy đồ ăn cho bọn trẻ rồi dặn Tiểu Thu: “Chị ra ngoài làm chút việc, em phải trông chừng em trai cẩn thận, nếu có chuyện gì thì xuống lầu tìm dì Mạnh, biết chưa?"

"Em biết rồi ạ." Tiểu Thu ngoan ngoãn gật đầu. Tiểu Cảnh nhao nhao muốn ra ngoài cùng Lâm Nhiên Nhiên, Tiểu Thu cầm một củ lạc, bóc vỏ rồi đút vào miệng nó, nói: "Tiểu Cảnh đừng nghịch, chị sẽ về nhanh thôi."

Tiểu Cảnh phồng má nhai, lập tức nín khóc, thậm chí còn vẫy tay chào tạm biệt với Lâm Nhiên Nhiên khiến cô buồn cười.

Cung tiêu xã Số 1 là cung tiêu xã lớn nhất huyện Lâm An, được chia thành nhiều bộ phận bán lẻ, bao gồm bộ phận lương thực và dầu, bộ phận thực phẩm phụ, bộ phận thịt,... Hiện vẫn còn hàng dài người quanh co ở trước cửa.

Ai nấy đều cầm theo túi tiền và chậu, nghển cổ chờ đợi, hò hét ầm ĩ.

Kể từ khi đến thời đại này, đây là lần đầu tiên Lâm Nhiên Nhiên nhìn thấy cảnh tượng náo nhiệt như vậy, cô đứng ở cuối hàng hỏi những người phía trước: "Sao hôm nay đông thế ạ?"

"Em mới lên huyện đúng không? Hôm nay là ngày bán lương thực mà." Một cô vợ trẻ vừa lấy chồng ở huyện, lần đầu tới nhận lương thực, không ngần ngại chỉ bảo "gà mờ" như Lâm Nhiên Nhiên.

Hai mươi tám hàng tháng sẽ bán lương thực, hôm nay bọn trẻ không phải đến trường, trời chưa sáng đã bị người lớn kéo đi xếp hàng. Mọi người đều cầm túi tiền và thùng đựng lương thực trên tay, vươn cổ chờ cung tiêu xã mở cửa. Mỗi tháng chỉ có 30% hạn ngạch phiếu lương thực là lương thực tinh (gạo, bột mì), còn lại là lương thực thô (hoa màu). Bột ngô, bột kiều mạch, bột cao lương, cung tiêu xã bán gì thì phải mua nấy, đây không phải thứ lúc nào cũng mua được.

Lương thực thô nguyên hạt đun trong nước cả buổi trời, ăn xong còn bị ngứa họng, đi vệ sinh cũng không ra. Nếu gặp lúc chỉ có bột ngô, một bát cháo bột ngô tuy khiến người ta hết đói nhưng vị chua trong dạ dày lại khiến người ta buồn nôn.

Vì thế, lương thực thô phải ăn cùng lương thực tinh. Nhưng dù các bà các mẹ có tinh toán chi li phối hợp cẩn thận đến đâu thì chút lương thực tinh đó cũng chẳng chống đỡ nổi đến ngày hai mươi. Bởi thế cứ đến ngày bán lương thực mỗi tháng, hàng người xếp hàng trước quầy lương thực và dầu còn dài hơn cả quầy thịt.

Cô vợ trẻ khoe chiếc túi bố trên tay, trong đó là một miếng thịt mỡ dày: “Thịt lợn mùa tết ngày càng khó mua, một người mỗi tháng chỉ được một cân. Vì miếng thịt này mà chị phải dậy trước năm giờ sáng để xếp hàng, khó lắm mới tranh được một miếng.”

Lâm Nhiên Nhiên khiêm tốn nghe chỉ dạy, hâm mộ bảo: "Nhà chị sung túc thật đấy."

Chỉ một câu nói đủ khiến cô vợ trẻ vui như mở cờ. Hàng người xếp hàng phía trước di chuyển, chị nhanh chóng kéo Lâm Nhiên Nhiên chen lên trước: "Mau lên, đừng để người khác chen hàng, sắp đến lượt chúng ta rồi."

Các bà các thím xếp hàng bên cạnh thấy miếng thịt lợn thì mồm năm miệng mười bảo: "Cháu số đỏ đấy, hôm nay bác ra ngoài muộn có tí thôi mà thịt ba chỉ đã chẳng còn gì!"

“Thì đó, mỗi người một tháng chỉ được một lạng dầu, nhà tôi đã hết hai tháng rồi, chỉ đành đi mua ít thịt mỡ về làm mỡ ăn thôi, thế mà còn chưa mua được! Chị nói xem..."

“Không có dầu thì còn ăn tết gì nữa… Tôi mua dầu hạt cải giá cao còn chẳng nỡ ăn, đợi đến tết mới dùng."

Lâm Nhiên Nhiên động lòng. Trong không gian của cô có vài thùng dầu thực vật, chuẩn bị để làm đồ chiên và bánh ngọt. Nhưng cô nhanh chóng bác bỏ ý định này, hiện giờ, dầu ăn là nguyên liệu quý giá, cô muốn giữ lại cho mình dùng. Hơn nữa còn có người đeo băng đỏ đang tuần tra quanh hàng để duy trì trật tự, thỉnh thoảng lại tóm vài người chen hàng, cãi nhau ầm ĩ, cô không dám mạo hiểm.

Đám đông bất chợt náo loạn, thì ra bột mì đã bán hết. Tốn công đợi cả buổi trời, mọi người có thể không tức được sao? May mà cung tiêu xã lại dán một tấm biển ghi xuất bán một tấn khoai lang đỏ, dùng phiếu lương thực thô, không giới hạn mua, tuy không mua được đồ mình cần nhưng mọi người đã quen với việc thiếu hàng, vừa nghe tin bán khoai lang đỏ lại lập tức ầm ầm xếp hàng

Khoai lang đỏ có sản lương cao, giá thành rẻ, năm được mùa còn dùng cho lợn ăn, chưa kể ở dưới quê, lúc Lâm Nhiên Nhiên ra ở riêng, Lâm Vương Thị chẳng hề keo kiệt cho hẳn một túi khoai lang đỏ, đủ biết khoai lang đỏ rẻ đến mức nào.

Nhưng hiện tại nạn đói vừa qua, khoai lang trở thành lương thực cứu mạng. Tuy ai nghe đến khoai lang cũng đều chán ngán nhưng mọi người lại chẳng thể sống thiếu nó. Bột Phú Cường chất lượng tốt nhất của cung tiêu xã có giá niêm yết là hai hào, hàng loại hai 85% bột giá niêm yết là một hào tám xu năm; bột ngô là một hào một xu sáu; bột kiều mạch là chín xu. Giá khoai lang trắng chỉ hai xu sáu, vẫn tính là lương thực thô, mua sáu cân khoai lang trắng bằng một cân lương thực thô.

Vì thế, nhà nào cũng tích trữ rất nhiều khoai lang, hấp, luộc, nấu cháo, phơi khô, cắt miếng rồi chế thành lương thực tinh theo nhiều cách khác nhau để được no bụng.

Nhưng hiện tại Lâm Nhiên Nhiên không quan tâm đến lương thực, việc cấp bách trước mắt của cô là kiếm tiền. Lợi dụng sự hỗn loạn của dòng người, cô lặng lẽ rời khỏi hiện trường.

Phía sau bến xe huyện có một con đường, đây là chỗ rất kín đáo, trước sau thông thoáng, có thể vừa thủ vừa công, là nơi đất lành chim đậu. Chẳng biết từ lúc nào đã hình thành chợ đen.

Trong thời đại kinh tế kế hoạch hóa, tình trạng thiếu hàng hóa trầm trọng đã dẫn đến việc phân bổ hàng hóa không đồng đều, người trên huyện có tiền, có phiếu nhưng vẫn đói đến xanh xao mặt mày, nông dân ở nông thôn giữ lương thực nhưng chẳng thể mua nổi một phích nước nóng dùng hàng ngày.

Lúc trước, mọi người còn được họp chợ trao đổi hàng hóa công khai mỗi tháng một lần, nhưng bây giờ tình hình căng thẳng, loại giao dịch này buộc phải tiến hành bí mật.

Mà loại giao dịch này quả rất hài. Một người đàn ông dáng dấp nho nhã, kẹp cặp tài liệu bước vào chợ đen, cạnh đó ngay lập tức có một người đàn bà thôn quê quấn khăn quàng cổ ôm đầu chạy tới nói nhỏ: "Đồng chí, có cần lương thực không?"

Đôi mắt người đàn ông sáng lên, anh ta liếc nhìn xung quanh rồi nhỏ giọng bảo: "Có lương thực tinh không? Giá thế nào?"

Người này hiển nhiên là khách quen, người đàn bà nói: "Giá cũ!"

Tiếp đó, người đàn bà dẫn đầu đi vào cuối con hẻm, người đàn ông giả vờ đi loanh quanh theo sát phía sau.

Phương thức giao dịch lén lút này ở đời sau chắc chắn sẽ khiến mọi người liên tưởng tới một số nội dung không thích hợp với trẻ nhỏ, ai mà ngờ họ bị đưa lên tòa chỉ vì một cân lương thực tinh cơ chứ?

Lâm Nhiên Nhiên đầy hứng thú quan sát, bỗng có người chạm vào cánh tay cô: "Cô gái, cần xà phòng không?"

Lâm Nhiên Nhiên hoàn hồn, một phụ nữ quàng chiếc khăn màu lục nhìn cô chằm chằm, lén ấn áo bông phồng phồng của mình, thấp giọng lặp lại: “Xà phòng, không cần phiếu.”

"Không cần, tôi không thiếu xà phòng." Lâm Nhiên Nhiên cười, cô đã đổi được vài phiếu xà phòng từ chỗ bà cụ nên không cần mua.

“Vậy cô muốn đổi gì?” Chị gái khăn xanh không từ bỏ hỏi.

"Tôi không đổi gì hết, tôi mang đồ tới bán." Lâm Nhiên Nhiên nói thẳng.

"Hả? Cô mang gì tới thế?" Chị gái khăn xanh hỏi. Da dẻ Lâm Nhiên Nhiên mịn màng, trắng trẻo, lưng đeo chiếc túi màu lục, thoạt nhìn không giống đi bán đồ.

Lâm Nhiên Nhiên cười, đứng cạnh bức tường sạch sẽ với chị gái khăn xanh, lấy hộp cơm bằng sắt trong túi ra: “Thịt lợn hầm.”

"Cô có thịt lợn?!" Chị gái khăn xanh chợt cao giọng rồi lập tức bịt miệng lại, hạ giọng bảo: "Cô bán thịt lợn à? Ở đâu ra? Bán thế nào?"

Lâm Nhiên Nhiên cẩn thận mở hộp cơm ra cho chị ta xem, ngắn gọn nói: “Nguồn tôi tự có, là tự làm.”

"Thơm quá! Thơm thật đấy, mùi thịt lợn này thật sự là..." Chị gái khăn xanh ngửi thấy mùi thơm nồng nàn quyến rũ của thịt, dạ dày vốn chỉ có một chiếc màn thầu thô lương lập tức sôi ùng ục, làm ầm làm ĩ vì đói.

Chị ta không khỏi vươn tay định nhót miếng thịt ba chỉ béo ngậy...

Tác giả có lời muốn nói:

Viết về cái đói…