Hôn lễ của Minh Tịnh Thần Nữ vô cùng long trọng, nhưng cuối cùng lại kết thúc một cách thảm đạm. Hi Cửu Ca khoác lên mình bộ áo cưới hoa mỹ, đội chiếc mũ phượng cầu kỳ, lê bước hồi cung. Ngọc Quyết đi theo sau Hi Cửu Ca, muốn nói lại thôi.
Cuối cùng, nàng ấy lấy hết can đảm, cẩn thận hỏi: "Thần Nữ, Huyền Thái Tử hoàn toàn không coi trọng người. Hôm nay họ vô lễ như vậy, sao người lại để họ rời đi?"
"Không thì sao?" Hi Cửu Ca ngồi xuống trước bàn trang điểm, cách đây không lâu, nàng đã ngồi đây suốt bốn canh giờ, yêu cầu đối với trang dung và trang sức cầu kỳ đến mức khắt khe, nhưng giờ đây, ngay tại vị trí này, nàng lại phải gỡ bỏ từng món đồ trang sức ấy.
Mà nhân vật chính khác của hôn lễ, thậm chí không hề quay đầu lại nhìn nàng.
Hi Cửu Ca tháo gỡ bộ dao(*), lấy ra chiếc trâm cài, thong thả gỡ chiếc mũ phượng: "Chỉ vì một nữ nhân khác xuất hiện, tân lang đã bỏ đi theo, đã đủ mất mặt rồi. Nếu ta không cho họ đi, chẳng lẽ còn muốn đánh nhau với tân lang ngay tại hỉ đường sao?"
(*)Bộ dao (步摇): Một loại trang sức tóc phụ nữ thời cổ đại Trung Quốc.
Ngọc Quyết quỳ xuống phía sau, nhận lấy chiếc mũ phượng lộng lẫy, nhất thời không biết nên nói gì.
Hi Cửu Ca và Cơ Thiếu Ngu rõ ràng là một đôi quyến lữ hoàn mỹ nhất, môn đăng hộ đối, thanh mai trúc mã, như hình với bóng, cảm tình hòa thuận, thậm chí sau khi Cơ Thiếu Ngu gặp phải gia biến, Hi Cửu Ca cũng không hề quay lưng với hắn. Còn có câu chuyện tình yêu nào đẹp hơn thế nữa?
Nhưng ngay trong ngày cưới, tân lang lại bỏ rơi tân nương, cùng tư bôn(*) với một Ma nữ chẳng thể bằng một góc Hi Cửu Ca. Hắn ta thậm chí còn nói rằng, hắn đã cố gắng, nhưng thực sự không thể thích Hi Cửu Ca.
(*)私奔 - tư bôn: bỏ trốn, bỏ nhà theo trai/gái, đi theo tiếng gọi của con tim
Ngọc Quyết không thể chấp nhận được, chuyện này sao có thể xảy ra?
Hi Cửu Ca tháo gỡ trang sức một cách dứt khoát. Ngọc Quyết nhìn những món đồ trang sức lộng lẫy bị ném lạnh lùng trên bàn, lòng chua xót, không kìm được mà lén nhìn Hi Cửu Ca qua gương.
Người trong gương có đôi mày cong như trăng non, đôi mắt long lanh như nước mùa thu, sống mũi cao thanh tú, khóe môi sắc nét tinh tế, nhưng môi lại căng mọng và đầy đặn. Mỗi đường nét trên khuôn mặt nàng đều hoàn hảo, đặc biệt là đôi mắt, đuôi mắt cong cong, nhưng phần đuôi lại hếch lên, trong ánh mắt tựa hồ ẩn hiện những tia sáng vàng nhạt, dù đã ngắm nhìn nhiều năm, nhưng mỗi khi nhìn vào mắt Hi Cửu Ca, Ngọc Quyết vẫn cảm thấy tim đập nhanh, tâm hồn rung động.
Tim Ngọc Quyết đập thình thịch, vội vã cúi mắt, lẩm bẩn đọc thầm chú thanh tâm. Trong lòng Ngọc Quyết càng thêm tức giận, một đôi mắt câu hồn nhϊếp phách như vậy, bản thân nàng ấy là tiên nga còn say đắm, huống chi nam nhân trên đời này, ai có thể chống lại được nhan sắc của Thần Nữ?
Đáng tiếc, đôi mắt ấy dù lấp lánh và ẩn chứa tình cảm, nhưng trong ánh mắt lại không hề có chút cảm xúc nào. Ngọc Quyết cảm thấy có chút tiếc nuối, sau khi nhận ra điều đó, nàng ấy vội vàng thu liễm tâm trí, trách móc bản thân vì đã quá khinh suất.
Phải chăng nàng ấy đã mất trí? Thần Nữ là người mà nàng ấy có thể tùy đánh giá sao? Phải biết rằng, người trước mặt đây, là một trong những vị Thần tôn quý nhất trong tam giới tứ hải, ngũ phương cửu châu.
Minh Tịnh Thần Nữ tên đầy đủ là Hi Cửu Ca, họ Hi rất hiếm gặp, được truyền thừa từ Thái Dương Thần Mẫu Hi Hòa.
Hi Hòa là một trong những vị Thần sáng thế. Sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, Hi Hòa là một trong những vị Thần đầu tiên xuất hiện trên đại lục Bàn Cổ. Sau đó, Hi Hòa gả cho Thái cổ Tôn Thần Đế Tuấn, sinh ra Thập Nhật(*), và trở thành Thái Dương Thần Mẫu.
(*)Thập Nhật: Mười mặt trời.
Mặt trời là nguồn sức mạnh của tam giới, muôn loài đều cần ánh sáng mặt trời để sinh tồn. Lễ tế nhật là lễ tế quan trọng nhất chỉ sau lễ tế trời và lễ tế đất, qua đó có thể thấy địa vị cao quý của Hi Hòa. Tuy nhiên, sau này bùng nổ diệt thế đại chiến, chư thần hỗn chiến, Hậu Nghệ bắn hạ mặt trời, chín mặt trời liên tiếp viên lạc, chỉ có mặt trời cuối cùng kịp thời trốn về Thang Cốc mới may mắn thoát chết. Sau đó, trên đời cũng chỉ còn lại một mặt trời.
Tuy nhiên, sau biến cố đó, địa vị của mặt trời càng trở nên quan trọng hơn. Chúng sinh đều hy vọng Hi Hòa sẽ cứu vớt mặt trời, nhưng bản thân Hi Hòa cũng bị thương nặng trong cuộc chiến diệt thế, sắp lìa đời. Trước khi lâm chung, cảm nhận được nguyện vọng của chúng sinh, Hi Hòa mang thai, dùng hết toàn bộ thần lực để lấy ra hài tử chưa thành hình, đem Thần Khí(*) phong ấn tại núi Côn Lôn, phó thác Tây Vương Mẫu chăm sóc.
(*)Thần Khí: thai chưa hình thành của Thần.
Hi Hòa làm xong mọi việc không lâu, đã thần hồn tiêu tán, hoàn toàn vẫn diệt.
Trước đại chiến diệt thế, Đế Tuấn định càn khôn, Hi Hòa sinh ra Thập Nhật, Thường Hi sinh ra mười hai tháng, Nữ Oa tạo ra con người, Phục Hy truyền lửa, thần thông của các vị Thần phi thường, có thể thông thiên triệt địa. Tuy nhiên, sau đại chiến diệt thế, vị Thần tối cao Đế Tuấn đã hy sinh để phong ấn Ma trụ, Nữ Oa vá trời hao hết thần lực, Phục Hy họa một nét tạo ra đại lục mới, cũng hao hết thần lực, sau đó, Hi Hòa cũng viên lạc, thời kỳ huy hoàng của chư Thần sáng thế đã hoàn toàn biến mất.
Các vị Thần còn sót lại tuy vẫn có thể hô phong hoán vũ, nhưng chỉ có thể dựa vào sức mạnh hiện tại, không còn khả năng thay đổi thế giới nữa.
Đại chiến diệt thế là một đòn chí mạng đối với tất cả các chủng tộc, đến nay Thiên giới vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Năm vị Thần tộc hùng mạnh trấn giữ một phương trời, bao gồm: Đông phương Thanh Đế Phục Hy, Tây phương Bạch Đế Thiếu Hạo, Bắc phương Huyền Đế Chuyên Húc, Nam phương Xích Đế Thần Nông, Trung ương Hoàng Đế Hiên Viên, Hoàng Đế là cao quý nhất, được gọi chung là Ngũ Phương Thiên Đế, cùng nhau cai trị thiên hạ, dưỡng sức và sinh sôi.
Các thế gia đại tộc đều có thiên hướng bảo thủ, không dám mạo hiểm tiến thủ. Trong số đó, không ít người đem ánh mắt đặt vào thai nhi mà Hi Hòa lưu lại.
Suy cho cùng, đây là hài tử của vị Thần sáng thế, vạn nhất nó kế thừa thiên phú của Hi Hòa, thần lực cường đại đến mức có thể tạo ra vạn vật mới, thì ai sở hữu đứa trẻ này, hiển nhiên là người thống trị thế giới.
Đáng tiếc là Thần Khí do Tây Vương Mẫu cai quản, không ai dám mạo hiểm tuyên chiến với bà, thế lực các phương cố kỵ lẫn nhau, chỉ có thể tạm thời án binh bất động. Tam giới đạt được một trạng thái cân bằng vi diệu, cứ thế trôi qua rất lâu, cho đến hai nghìn năm trước, Thần Khí tự nhiên vỡ nát, một vị Thần Nữ từ trong Côn Lôn Dao Trì ra đời, đáp xuống đất đã mang hình hài thiếu nữ. Tây Vương Mẫu theo di nguyện của Hi Hòa, đặt tên cho thiếu nữ là Cửu Ca, theo họ mẹ là Hi, và nhận thiếu nữ làm đệ tử chân truyền, dốc lòng giáo dưỡng.
Sau khi Hi Cửu Ca ra đời, cả tam giới đều chấn động. Hi Cửu Ca và Thái Dương, nguồn sống của tam giới, có thể coi là huynh muội cùng mẹ. Tuy nhiên, Thái Dương tuy mạnh mẽ nhưng không có linh trí, được ba con quạ vàng kéo đi mỗi ngày từ đông sang tây. Hi Cửu Ca cũng do Hi Hòa sinh ra, nhưng khi sinh ra đã có hình dạng con người.
Chúng thần ký thác rất nhiều kỳ vọng với Hi Cửu Ca, ai cũng muốn nhân lúc Hi Cửu Ca còn nhỏ yếu, sớm đem nàng về phe mình. Việc Hi Cửu Ca có cha đẻ không rõ ràng hoàn toàn không phải chuyện gì to tát, nàng là con gái của Thần sáng thế, đồ đệ của Tây Vương Mẫu, huyết mạch Mẫu Thần tôn quý đã đủ để xác nhận thân phận của nàng, không ai dám lấy nàng ra làm đề tài bàn tán.
Huống chi, ngay cả Bạch Đế Thiếu Hạo cũng không quan tâm, những người khác nói gì cũng chẳng quan trọng.
Bạch Đế Thiếu Hạo, vị thần tối cao của phương Tây, là con trai của Thiên Đế Đế Tuấn. Mẹ đẻ của Thiếu Hạo đã không còn ai hay biết, nếu Hi Hòa còn sống, Thiếu Hạo sẽ phải gọi Hi Hòa là đích mẫu. Hi Hòa vốn là vợ của Đế Tuấn, sau khi Đế Tuấn viên lạc lại mang thai. Thiên giới vốn lo lắng Bạch Đế sẽ không vui, nhưng không ngờ Bạch Đế đã đích thân đến Dao Trì một chuyến, sau khi gặp Hi Cửu Ca lại vô cùng yêu thích, xem nàng như muội muội thân sinh.
Bây giờ, chúng thần trên Thiên giới đã yên tâm, bốn phương chúc mừng. Đạo tràng từ các hướng đông, tây, nam, bắc đều đưa tới hạ lễ chúc mừng, ngũ phương Thiên Đế cùng phong cho Hi Cửu Ca là Minh Tịnh Thần Nữ, Huyền Hậu cũng tự mình mang theo Thái Tử đến Côn Lôn chúc mừng.