Ngày đó, bố mẹ đến nhà trẻ đón tôi tan học.
Nhìn khuôn mặt đang vui tươi hớn hở của bố, tôi chợt mím môi, sau đó chỉ tay ra sau:
"Bố ơi, có một ông già mặt xanh muốn gặp bố."
Mặt xanh? Ông già?!
Bố tôi quay lại, nào có thấy ai, bố vô thức duỗi thẳng lưng nhìn tôi chằm chằm, khẩn trương hỏi:
"Nói cho bố biết, là ai vậy?".
Mẹ đang nắm tay tôi cũng căng thẳng theo, bóp tôi đến phát đau. Hai người hỏi lại nhiều lần, mãi lâu sau mới sực nhớ ra.
Có vẻ đó là một người bà con xa của mẹ, theo vai vế là em họ của bà ngoại. Ông ấy mồ côi từ nhỏ, sống bằng nghề nhặt rác. Trước đây, trên đầu mọc đầy vết nấm lở loét, trông rất đáng sợ và ghê tởm.
Có người nói rằng ông ấy có đôi mắt Âm Dương, nhìn thấy được ma quỷ, mệnh khắc mọi người, cha mẹ đều bị ông ấy khắc chết.
Bất cứ chỗ nào ông đi đến, mọi người đều tránh rất xa, cũng bởi vậy mà khiến ông ấy càng trở lên quái gở, sống khép kín không thích gặp ai.
Chỉ có bà ngoại tôi là người duy nhất không ghét bỏ đứa em họ này, thỉnh thoảng còn cho ông ấy chút đồ ăn, thậm chí dọn dẹp cả căn phòng nhỏ riêng để vị này nghỉ ngơi.
Cho nên khi còn trẻ, ông chỉ thân thiết với mỗi bà tôi. Đến khi mẹ tôi ra đời, người cũng rất yêu quý mẹ.
Ông cậu từng nói với mẹ tôi rằng mình vốn không có đôi mắt âm dương gì đó, chẳng qua là vì mệnh cách toàn âm, thường bị "tà vật" quấn thân, vậy nên bản thân so với người khác càng nhạy cảm hơn.
Cũng không phải mệnh khắc hại người nên mẹ đừng sợ.
Ông hay đến thăm nhà bà ngoại tôi, còn chơi đùa cùng mẹ nên mẹ tôi không những không sợ mà còn đối xử với ông như cậu ruột.
Mãi đến tận năm mẹ tôi mười mấy tuổi, ông ngoại bà ngoại lần lượt qua đời, vị kia cũng rời quê quán không lời từ biệt, chưa từng gặp lại.
Nghe nói ông ấy cứ lang thang như vậy khắp nơi, chẳng ai biết ông đi đâu.
Cả đời cũng không kết hôn.
Vài năm sau thì nhận một cậu bé làm con trai, nuôi lớn rồi đưa về ngôi nhà cũ trong làng sinh sống, còn bản thân lại tiếp tục ra ngoài lang thang, ngao du bốn bể.
Bởi vì quanh năm xa nhà nên mối quan hệ giữa hai cha con họ cũng không được tốt lắm.
Ông thường sống không cố định một nơi, nay đây mai đó cho nên dù muốn tìm người cũng khó mà gặp được.
Tuy nhiên, khi tôi được hai tháng tuổi, ông cậu này bất ngờ đến nhà làm khách. Lúc đầu, mẹ tôi rất vui mừng, dù sao cũng là người quen nhiều năm không gặp, mẹ tất bật xào nấu, nghĩ muốn chiêu đãi người thật tốt.
Ai mà ngờ được, ông ấy vừa bế tôi lên đã phán một câu chắc nịch--nói mắt tôi quá sống, trụ không được lâu, nếu giữ lại sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện.
Còn bày ra điệu bộ lạ lùng quái gở mà nói với bố mẹ tôi rằng nếu tôi chết, bản thân có thể giúp tôi chôn cất, dưỡng mộ phần.
Tất nhiên cuối cùng vị này bị bố mẹ tôi "đuổi" ra khỏi cửa. Suy cho cùng, nào có ai hoan nghênh một người họ hàng đến trù ẻo nói linh tinh về con cái mình chứ.
Từ đó, người không còn tới nữa.
Sau này tôi lại xảy ra chuyện, bố mẹ vẫn luôn bận rộn tìm cách chữa trị cho tôi, cũng quên mất lời tiên đoán kia từ lâu.
Mãi cho đến khi hai người nghe Mao Tiên Cô nói chuyện, họ mới nhớ đến lời ông cậu trước đó.
Ý tứ cũng không khác gì Mao Tiên Cô.
Lúc này bố mẹ mới thấy bản thân đã quá nóng nảy, còn nói mấy lời khó nghe khi đó. Ông cậu có thể nhìn ra đôi mắt tôi khác biệt, khẳng định người này cũng có chút "thần thông".
Vốn dĩ hai người còn muốn tìm người ta để xin lỗi, lại không biết ông đã đi đâu, đợi mãi không được, sau mới dần từ bỏ.
Nhưng tại sao bây giờ ông ấy lại xuất hiện?! Hơn nữa chỉ có mình tôi nhìn thấy “người“?
Bố ngồi xuống trước mặt tôi:
"Ương Ương, con có thể nhìn thấy ông ấy trông ra sao không? Ví dụ như mặc quần áo gì?"
Tôi liếc ra phía sau bố, nói chi tiết:
"Ông ấy mặc áo khoác màu xanh có bốn túi, quần đen, đi chân trần."
"Vậy ông có nói gì nữa không?". Bố kéo tay tôi, sắc mặt nghiêm túc.
"Có ạ, ông nói ông rất đau, muốn ăn sủi cảo..."
"Sủi cảo....". Bố tôi lẩm bẩm vài câu, sau đó dỗ dành tôi:
"Ương Ương, cuối tuần này con cùng bố mẹ đi thăm ông cậu nhé?"
Tôi vẫn còn nhỏ, đi đâu mà không được? Dù sao cũng có bố mẹ dẫn, cũng chỉ nghĩ là ra ngoài chơi chơi thôi.
Tôi đồng ý không chút do dự: "Vâng ạ."
Thật ra, lúc đó bố muốn đưa tôi đi chủ yếu là để xác nhận liệu có phải tôi thực sự nhìn thấy một số "đồ vật" hoặc đoán trước được tương lai hay không.
Nếu đúng là con gái mình có "năng lực đặc biệt" nào đó, bố mẹ cũng dễ chuẩn bị tâm lý cho sau này.
Thật không ngờ, lần này may mắn họ còn mang tôi theo. Nếu không, hai người thực sự khó mà quay về nổi...
...
Vẫn là trên chiếc xe đạp quen thuộc.
Tôi ngồi trên thanh xà ngang phía trước, mẹ tôi ngồi ghế sau, bố ở yên giữa đạp xe.
Vào thời điểm đó, đây là hình ảnh tiêu chuẩn của một gia đình khi ra ngoài.
Trên tay mẹ còn cầm theo một hộp cơm bằng nhôm, được bọc kín trong túi hành lý nhỏ.
Vì đến thăm ông cậu, mẹ tôi đã đặc biệt chuẩn bị hẳn một cân bột mì trắng để làm sủi cảo nhân bắp cải, bên trong nhân dùng thêm hai lạng thịt lợn - nguyên liệu xa xỉ lúc bấy giờ, so với gạo hay mì còn đắt hơn. Đây vốn là thứ chỉ được ăn trong dịp Tết.
Mẹ nghĩ dù không có chuyện gì thì ở quê cũng hiếm khi được ăn bữa sủi cảo như vậy, ông cậu tuy là bà con xa nhưng xét cho cùng vẫn là họ hàng, hơn nữa trước kia ông rất thân thiết với mẹ, cũng coi như là đi thăm người thân vậy.
Một bữa sủi cảo mà thôi, có thể làm được thì cứ làm. Mẹ cất chúng vào hộp cơm, dùng túi vải cuộn bên ngoài thành từng lớp rồi ôm vào trong ngực, sau đó mới gật đầu với hai bố con: "Được rồi, đi thôi."
Nắng sớm mới lên, thời tiết rất ấm áp hòa cùng gió mát do xe chạy mang đến, cảm nhận sắc xuân phơi phới.
Gia đình ba người chúng tôi theo tốc độ xe phi về hướng quê nhà, không hề để ý con đường phía sau đã tràn ngập sương mù dày đặc.
Bố tôi sửng sốt một lúc rồi thở dài:
"Sương mù nhiều như vậy từ lúc nào thế? Ban nãy vẫn còn..."
"mặt trời mà?" ba chữ cuối bị nghẹn tại cổ họng.
Ngay khi bố vừa quay đầu lại, phía trước cũng chẳng còn nắng vàng rực rỡ gió nhẹ lay nữa, xung quanh toàn là sương mù bao phủ, đem gia đình tôi quây ở giữa, cả trước cả sau dù là nửa mét cũng không thấy gì.
Tiếng phanh xe vang lên, tốc độ xe giảm hẳn, nếu ban nãy chúng tôi còn phóng như bay thì bây giờ lại di chuyển với tốc độ rùa bò.
Không biết đã đi được bao lâu, sương mù cũng không có dấu hiệu giảm, ngược lại càng ngày càng dày.
Hiện tại, ba người nhìn rõ mặt nhau còn khó.
Lúc nắng lên tôi còn vui tươi háo hức lắm, vậy mà bây giờ lại yên tĩnh như gà, bố tôi cúi đầu nhìn xuống mới biết hóa ra tôi đã ngủ quên trên ghi đông xe đạp từ lúc nào.
Hai người lớn xuống dắt xe đi bộ gần một tiếng đồng hồ nhưng kỳ lạ là cây cầu nhỏ mang tính biểu tượng của làng chúng tôi mãi vẫn chưa xuất hiện.
Bố dần cảm thấy hai đùi đau nhức, chân như bị rót chì, di chuyển khó khăn, bước này khó hơn bước trước.
Trong lòng không khỏi hoang mang: Chẳng lẽ bởi vì sương mù quá dày nên không nhìn rõ, đi quá rồi?
Còn đang tính tìm người qua đường để hỏi thử, nhưng cả đoạn đường tới đây ngay cả một bóng người cũng chưa thấy. Mặc dù hướng đi đến làng đúng là có ít người qua lại nhưng cũng không đến nỗi hiếm vậy chứ?
Càng đi sâu, sương càng giăng trắng xóa, bố mẹ cũng nghi ngờ.
Cuối cùng, bố dừng lại kêu mẹ tôi đến giữ tay lái, còn bản thân thì ngồi xổm trên đất bắt đầu dò dẫm từng chút một, cố gắng tìm kiếm phía trước nhưng kết quả không khả quan mấy.
Bố tôi hơi nản lòng, đặt mông ngồi xuống ven đường, rầu rĩ nói:
"Hôm nay không đi cũng không sao, tôi không tin, sương mù cứ không tan đấy!"
Mẹ tôi cũng không muốn đi nữa, nghĩ thầm nghỉ ngơi chút ở chỗ này cũng tốt.
Mẹ cẩn thận dựng chân chống xe đạp, bế tôi xuống ôm trong ngực.
Bố tôi tính tình hơi nóng nảy gấp gáp, đợi một lát thì không ngồi yên được nữa, đứng dậy đi tới đi lui như con kiến bò trong chảo lửa.
Trong lúc bố đang sốt ruột tìm cách thì tôi ngáp dài tỉnh dậy, nhìn mọi thứ trước mắt, tôi hoang mang hỏi mẹ:
"Mẹ, sao chúng ta vẫn còn ở chỗ này? Không phải đến nhà ông cậu à?"
Bố tôi thần thần bí bí đi tới:
"Bố mẹ bị lạc rồi, Ương Ương, con biết đường đến đó không?"
Tôi khó hiểu nhìn bố:
"Lạc đường ạ? Sao mọi người không đi lên phía trước, cứ ngồi trên cầu thế?"