Mấy Đời Bánh Đúc Có Xương

Chương 10: Tan

Hàng xóm lũ lượt kéo nhau ra về, có người còn bàn tán xôn xao về thái độ của dì Thanh đối với chồng mình. Bọn họ thật sự không hiểu làm vợ kiểu gì mà chồng bị đánh tới mức tàn tạ vẫn không rơi một giọt nước mắt nào, còn thản nhiên chuẩn bị cơm tối mặc kệ chồng đang được bao vây chăm sóc bởi những người làng xóm.

Người ta đồn đoán dị nghị, nói này nói nọ nhưng cô ấy không quan tâm. Vẫn chú tâm làm công việc của mình trong nhà máy, đưa đón bé Linh và chăm sóc nó cẩn thận. Mỗi tháng đưa tiền cho mẹ chồng, thế thôi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đã hơn một năm dì Thanh được cưới về đây. Linh giờ cũng trở nên phổng phao hơn, con bé có da có thịt nên xinh gái hơn hẳn.

Nó học giỏi lắm, học giỏi hơn cả thằng Xuân con chú út khiến cho bà nội đã ghét nay lại chướng tai gai mắt hơn .Bà cứ ca đi ca lại bài ca con gái học chi cho nhiều, ghét cái cách nó khoe điểm tuyệt đối mỗi khi có bài kiểm tra. Ghét cái cách cháu trai của mình phải lép vế trước chị họ… Vậy đó, chê thì chê nhưng cuối năm thấy nó lấy được học bổng, còn có tiền mang về nhà cho nên cha với bà nội cũng bắt đầu yêu thương nó nhiều hơn. Không còn nghĩ nó là cái thứ ăn bám nữa, quần áo cũng được sắm sửa công bằng hơn chứ không còn mua cho mỗi em Xuân giống như mấy lần trước.

*

Có lẽ số phận hay thích trêu đùa những người đàn bà khổ phận, khói bếp chiều bay bay lững lờ trên mái tranh làm bằng lá dừa khô. Hơi nước nặng làm khói không vượt khỏi những tàng cây xòa rễ ra trên đá.

Cha bé Linh có mấy chiếc quần đã cũ kỹ, rách cũng đâu đó hơn chục lần. Nó tàn tạ đến mức mỗi lần dì Thanh sửa lại quần cho cha, cắn chỉ xỏ kim thế nào đi nữa thì đầu chỉ cũng cứ trôi tuột qua lỗ kim. Cái quần chẳng còn chỗ nào lành lặn để sửa lại nữa rồi.

“Cha chả, cứ tưởng chuyện này cô phải giỏi lắm chứ. Chẳng phải bình thường cô hay bới lông tìm vết tôi lắm mà, vậy mà có cái đầu kim bé xíu cũng phải chật vật tìm mà chẳng ra được”.

Hóa ra cha và dì mới cãi nhau. Cha đi nhậu say về lại kiếm chuyện với dì, vì ông ta thấy áp lực về chuyện con cái. Từ ngày cưới nhau tới giờ cuộc sống vẫn cứ trôi qua bình yên như vậy. Chỉ là đợi mãi nhưng vẫn chưa có con.

Qua năm sau là dì Thanh đã ba mươi tám tuổi, lứa tuổi mà theo bà nội nói rằng chẳng còn trẻ trung gì nữa để làm mẹ.

Bụng của dì cho dù được người ta chỉ đi đông đi tây, uống thuốc này thuốc nọ cũng không có thấy động tĩnh gì cả, làng xóm lại tiếp tục nói ra nói vào, có người là tiểu thương buôn bán với bà Sửu cũng bắt đầu xầm xì bên tai bà.

“Bà coi lại con dâu bà nó làm sao đi, tưởng cưới được con dâu mới về là sẽ mau chóng có được đứa cháu đích tôn. Vậy mà nhìn xem, con Hà cuối làng mình mới cưới được mấy tháng mà đã có chửa rồi đấy. Vậy mà thằng Lục với con Thanh lấy nhau hơn cả năm trời mà giờ chẳng thấy tin tức gì”.

Khỏi chờ bà bạn bán hàng chung trong chợ nói thì bà Sửu đã sốt hết cả ruột rồi. Từ chợ chở về nhà, bà Sửu đã lôi con dâu mình ra mà mắng chửi. Bà ấy thấy xấu hổ với bà con làng xóm, thấy cô không chăm lo chu đáo chuyện gia đình cho nên bà tức, bà mắng chửi cô giống như tát nước vào mặt.

“Ông giời ngó xuống đây mà xem này, là nhà tôi vô phúc, vô phúc mới rước cái thứ như chị vào nhà. Cứ tưởng là gà đẻ trứng vàng hóa ra cũng chỉ là con gà mái già không đẻ. Chiều nay theo tôi đi sang nhà cụ lang Voi bốc thuốc, uống vào thế nào cũng có chửa mà sinh ra con trai”.

“Mẹ vội vàng gì thế, sức khỏe con vẫn bình thường. Chỉ có chồng con là lần lựa mãi không chịu đi khám, mẹ là mẹ phải lo cho con trai mẹ chứ. Lỡ đâu người có vấn đề là anh ấy thì sao”.

“Cô còn dám trả treo tôi nữa hả, con trai tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Nói cho cô biết nhá, cái thứ đàn bà không biết đẻ là cái thứ đàn bà vứt đi. Con trai tôi từ xưa đến nay lúc nào cũng khỏe mạnh, nó mà cưới người khác chắc chắn con đàn cháu đống. Tại gặp cái thứ như cô nên mới không đẻ được, bản thân mình là đàn bà mà lại không thấy có lỗi. Ngang nhiên đổ lỗi cho chồng mình thế hử?”

Mẹ chồng thì trách mắng, bởi vì bà cũng mất hết kiên nhẫn rồi. Thấy làng xóm xung quanh lần lượt có cháu bế bồng, còn mình chờ đợi một năm trời thì thật sự là quá đáng lắm. Đều đặn mỗi ngày đều mắng chửi con dâu, soi mói đủ điều cũng không khiến cho cô bận tâm lắm.Thái độ vẫn cứ bình thản khiến cho bà Sửu càng tức điên hơn.

Lục mới hôm trước còn bị đám cho vay nợ đập một trận tơi bời, vậy mà vẫn chứng nào tật đấy. Sáng thì ăn nhậu, chiều tối thì ở lì bên sòng bài xóm trên, có khi lại cắm mặt bên trại gà để chơi cá độ thâu đêm suốt sáng mới chịu về nhà.

Gia đình toàn là phụ nữ, trụ cột gia đình lại ham chơi lười làm. Miệng ăn thì núi lở, cho dù có núi vàng núi bạc cũng lở sớm muộn thôi. Đôi bông tai cuối cùng trong số của hồi môn dì mang theo cũng mau chóng bị cha nướng sạch vào trò đỏ đen, thậm chí ông ta còn muốn lấy luôn số tiền học bổng mà Linh tiết kiệm được để chơi đá gà. Cũng may là bà nội phát hiện ra mà lấy lại được, chứ không thì con bé cũng lại rơi vào cảnh thất học như xưa.

Bà Sửu chẳng còn mấy mặn mà với cô con dâu này khi chờ mãi chờ mãi mà vẫn chưa thấy được tin vui, bố Linh cũng y như thế thôi. Khi xưa còn nịnh nọt lấy lòng dì vì nghĩ người phụ nữ này giàu có, mình có ăn chơi kiểu gì thì người ta cũng lo cho mình được. Giờ lấy hết tiền vàng đi cá độ, đánh bài bạc hết sạch, coi như dì chẳng còn giá trị gì trong ngôi nhà này nữa.

“Cây độc không trái, gái độc không con. Cái thứ đàn bà như cô có mỗi việc đẻ thôi cũng không làm được, muốn gia đình tôi tuyệt tử tuyệt tôn thì cô mới vừa lòng đúng không?”

“Cô không đẻ được con trai cho con trai tôi, thì tôi sẽ tìm đứa khác. Buồn cười thật đấy, ở với chồng cũ thì đẻ cho người ta hẳn một đứa con trai ngon lành vậy mà sống với con trai tôi thì lại tịt đẻ. Đồ đàn bà độc ác, đây là cô cố tình không muốn sinh con chứ không phải là không thể sinh được. Cái thứ như cô tiền nhiều để làm gì, hóa ra cũng vô dụng thôi”.