Bầu trời mùa hè nóng bức năm ấy, ngày mà Linh nhớ nhất trong đời mình. Khi cánh đồng sen của làng bắt đầu nở rộ những bông hoa đẹp nhất, tỏa hương thơm nhất trong năm thì cũng là ngày mẹ của nó bỏ đi.
Sáng hôm ấy, khi con bé thức dậy đã không thấy mẹ đâu cả. Tủ quần áo, nhà cửa sớm đã được dọn dẹp sạch sẽ. Cha vẫn tiếp tục say xỉn nằm đằng trước nhà, bà nội cùng với em họ đã đi ra ngoài từ lâu. Nó gọi mẹ, gọi mãi gọi mãi nhưng vẫn không thấy mẹ trả lời. Có vẻ như việc mà mẹ biến mất cũng chẳng khiến cho bà nội với cha quan tâm lắm.
Linh nhìn đôi dép đặt trên kệ, trước lúc bỏ đi mẹ đã cẩn thận để lên đó một đôi dép mới để thay cho mấy đôi dép đã cũ mòn và rách nhiều chỗ. Chỗ sào treo quần áo cũng thế, ở đó đã được móc lên hai bộ áo bà ba mới tinh , thoang thoảng mùi hoa nhài mà con bé thích nhất.
Tới khi bà nội từ chợ hớt hãi quay về nhà, bà đã rất tức giận mà lôi cháu ra mắng chửi thậm tệ. Lúc đó Linh mới bàng hoàng nhận ra mẹ đã thật sự bỏ đi rồi…
“Mẹ của mày tao đoán đâu có sai, cái đồ đàn bà lăng loàn trắc nết. Tận mắt tao nhìn thấy nó leo lên xe đò chung với một thằng đàn ông lạ mặt, cha chả… nó chê nhà này nghèo, nó chê con trai tao cho nên nó mới bỏ theo trai. Là con tao mù, mắt đui nên mới rước cái ngữ đàn bà ấy về làm vợ!”
Lời nguyền rủa cay nghiệt của bà nội năm ấy luôn ám ảnh trong trí nhớ của con bé, tới bây giờ mỗi lần nhắm mắt nằm ngủ thì trong giấc mơ những lời ấy vẫn in đậm sâu trong đầu.
Ngày mẹ bỏ đi, góc nhà như buồn hơn. Bao nhiêu việc trong nhà không có người làm nên đành đổ hết lên đầu con bé, Linh lúc đầu được mẹ cho đi học nhưng bà nội và cha bảo rằng gia đình khó khăn nên quyết định cho nó nghỉ ngang. Mặc dù Linh biết rõ rằng gia đình này không túng thiếu tới cái mức để cho con cháu mình phải thất học như thế.
Nhưng mỗi lần nhìn thấy mặt nó, bà nội lại ghét cay ghét đắng. Chắc có vẻ vì thế nên nó không được đi học.
“Mẹ nào con nấy, lớn lên rồi mày cũng sẽ là cái thứ không ra gì y chang con mẹ mày thôi”.
“Học chi cho phí tiền ra cái thứ của nợ như mày, để chỗ đó cho cháu trai của tao còn xứng đáng hơn cái thứ vịt trời”.
Nó nhìn thằng Xuân được chú út đưa đi học mỗi sáng, đôi mắt ánh lên niềm ao ước khát khao cháy bỏng. Nó thèm đi học, nó muốn được đi học tới mức ám ảnh. Mỗi lúc tưới đậu, dẫn trâu ra đồng nó luôn len lén lút bà không chú ý đến, buộc trâu vào cái cây gần đấy rồi chạy đến chỗ trường học cuối làng. Thân ảnh đen nhẻm dựa vào vách tường lớp học để nghe các bạn đọc thơ, nghe cô giảng bài.
Buổi tối khi cả nhà đã đi ngủ cả, con bé bắt đầu lén lút thắp đèn lên rồi dựa vào thứ ánh sáng yếu ớt ấy để viết lại bài học hôm nay cô giáo đưa lên ra lớp.
*
*
*
Bếp lửa nhà bà ngoại đã sôi lên sùng sục, thấy trời cũng đã tối nên muốn đưa con bé về nhưng Linh không chịu mà vẫn nằm lì trên giường của bà.
“Con không muốn về đó đâu, giờ nơi đó cũng đâu phải là nhà con nữa. Sau này dì cũng sẽ có đứa con mới với cha, cha của con rồi cũng sẽ trở thành cha của người khác. Con có mặt ở nhà hay là không cũng đâu còn quan trọng nữa”.
“Linh, nghe ngoại này con ơi. Cho dù con không thích cha của con, không thích bà nội nhưng mà mấy người đó dù sao cũng đã nuôi con lớn cơ mà. Là ai đã cho con miếng ăn, ai cho con chỗ để về? Thôi đừng có cãi ngoại nữa, giờ đi ngủ rồi sáng nay ngoại đi với con qua bên đó nha”.
Tuy có còn ấm ức chuyện lúc trưa, nhưng con bé vẫn gật đầu đồng ý với yêu cầu của ngoại. Ngủ ở đây một đêm rồi sáng mai sẽ về nhà.
*
*
*
Bà ngoại đội chiếc nón lá đã rách tơi, nắm tay cháu gái từng bước từng bước một về nhà nội con bé.
Cha và bà nội đã ngồi sẵn trên bàn cơm, dì Thanh vẫn còn bận bịu với nồi canh sôi sùng sục trên bếp. Tiếng chó sủa khiến cả nhà phải nhìn ra cổng, thấy bà ngoại và Linh bước vào khiến bọn họ dừng hết mọi hoạt động đang làm.
“Ngoại về nha con!”.
Bóng lưng bà ngoại xa dần, Linh buồn chán một mình lủi thủi bước vào trong nhà. Vừa thấy con bé, bà nội đã vung tay tát nó thật là mạnh khiến cho nó bất ngờ mà ngã sóng soài trên đất.
“Mới có bây lớn mà đã có tính bỏ nhà đi hoang, tao nói đâu có sai đâu. Mày với mẹ mày y chang nhau, nhà này còn bao nhiêu việc chưa làm xong. Tao biết rồi, hay là mày đợi đủ lông đủ cánh rồi bỏ đi giống con gái mẹ mày luôn hay gì? Hay là mày làm biếng, tính đi chơi trốn việc để cho tao với thằng Xuân làm hộ mày đúng không? Thứ mất dạy”.
“Con…”
“Còn cãi tao nữa hả?”
“Cháu nó bảo nhớ bà ngoại nên con cho về nhà thăm bà một hôm mẹ ạ. Sao rồi con? Hai bà cháu hôm qua ở với nhau có vui không?”
Linh ngạc nhiên trước lời nói chữa cháy kịp thời của dì Thanh, đôi mắt tuy sớm đã rớm nước nhưng con bé cũng nhanh tay nhanh miệng trả lời lại:
“Vui ạ, ngoại con nấu canh chua cho con ăn nữa”.
“Thế thì tốt quá rồi, ngồi xuống ăn cơm luôn đi con. Hôm nào có dịp để dì gửi cho bà ngoại con vài chai dầu gió”.
Dì Thanh lấy cho Linh bộ đồ sạch, rồi ra hiệu con bé ra nhà sau tắm rửa để lên đây ăn cơm luôn. Đi từ làng bên sang tới làng này hẳn là người ngợm cũng dính đầy mồ hôi, vừa bẩn vừa dơ với lại mệt mỏi lắm. Tắm rửa một cái cho mát mẻ, ăn cơm sẽ ngon hơn nhiều.
Cầm bộ đồ sạch trên tay, con bé nhận ra đây là cái áo hôm bữa mình lỡ làm rách. Vậy mà bây giờ nó đã được sửa lại, đường may khéo léo chứ không giống cái cách mà bà nội sửa áo cho nó như mọi ngày – lấy vải từ mấy bộ đồ cũ rồi vá lên chỗ rách.
Dì không có hỏi vì sao nó đi cả đêm qua mà không chịu về nhà, vì sao dì lại nói đỡ cho mình trước những lời trách mắng của bà nội. Vì sao người phụ nữ ấy lại sửa áo cho mình?
Trong lòng tự nhiên thấy vui đến lạ kỳ, Linh lén nhìn bóng dáng người phụ nữ phố thị ấy rồi tự hỏi sao mà dì lại bình tĩnh thế?