Mấy Đời Bánh Đúc Có Xương

Chương 6: Đôi bờ

Con đường đất đỏ dài băng băng giữa cánh đồng lúa vàng rực rỡ, Linh cứ như vậy mà chạy đi. Đôi chân trần bé nhỏ dẫm lên đá sỏi sớm đã trở nên trầy trụa nhưng con bé chẳng thấy đau chút nào cả. Nhà bà ngoại kia rồi, ngôi nhà lá nhỏ bé nằm nép mình bên kia bờ sông.

Nó chạy mỗi ngày một nhanh hơn, chú Tôm đang bắt cá gần đó đã trông thấy con bé. Thấy Linh vừa đi vừa khóc, đầu tóc bù xù. Cả người là một bộ dạng dơ bẩn lôi thôi lếch thếch thì nhịn không được mà phải dừng công việc của mình lại để để hỏi thăm con nhỏ :

“Bây làm gì mà cái bộ dạng như con mèo ngao vậy? Bây là cháu của bà Tư Tép bên kia đúng không? Khổ thân, đợi chút chú đưa bây qua bên kia sông hộ cho”.

Nhờ có sự giúp đỡ của chú, cuối cùng Linh cũng đến được bờ bên kia. Vừa đặt chân xuống đất, nó đã chạy ngay vào nhà của bà ngoại. Lăn mình vào trong chiếc giường đầy mùi dầu xanh của bà mà mếu máo.

Bà ngoại đã già, lưng còng chậm chạp ngồi xuống bên Linh. Bà chẳng biết vì sao cháu mình hôm nay lại mang bộ dạng mít ướt sang nhà mình chơi như thế này, bà xoa đầu nó, để cho con bé khóc thoải mái rồi tự nín trong lòng mình.

“Hức…Dì ác lắm ngoại ơi. Chẳng có ai thương con giống như ngoại thương con cả”.

Bà ngoại móm mém nhai trầu, đánh yêu vào đầu cháu gái :

“Bà nội cha bây, nói như vậy là hỗn nghe chưa. Dù sao người ta cũng là vợ của cha mày, mình là con nít, cho dù có bị đánh cũng không được nói người lớn giống như thế”.

Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ kế mà thương con chồng. Bây giờ Linh mới thấy đúng làm sao, chẳng có mẹ kế nào tốt bằng mẹ ruột cả. Dì chỉ giỏi đóng kịch trước mặt mọi người thôi, khiến cho nó bị ảo tưởng mà nghĩ rằng hóa ra trên đời lại có người tốt với mình giống mẹ như thế.

“Con bên đó có nghe ngóng được tin tức của mẹ không? Ngoại nhớ nó quá, chẳng biết bây giờ nó sống chết ra sao. Nó đang ở đâu, làm gì để sống…”

Linh không dám nói với ngoại về việc mình thấy mẹ ăn mặc sang trọng, trên tay còn bế theo đứa trẻ con đỏ hỏn khi theo dì đi mua đồ trên phố.

Nó sợ bà ngoại sẽ buồn, sẽ tự trách mình giống như cách mà mấy bà hàng xóm nói rằng bà không biết dạy con gái. Để nó bỏ chồng, bỏ con đi theo người tình mới.

Mẹ của Linh nghe nói lúc còn trẻ cũng là một đóa hoa tỏa ngát hương nơi cái làng quê hẻo lánh này, mẹ đẹp lắm và có rất là nhiều người muốn lấy mẹ làm vợ. Vậy mà năm ấy trong nhà lại thiếu nợ…Thế là ông ngoại đành gả mẹ đi cưới Lục – cha của Linh. Một thanh niên nhà khá giả, có chút chút của ăn của để và đã có một đời vợ cùng với bà mẹ chồng hà khắc nổi tiếng làng trên xóm dưới.

“Nếu ngoại mà biết cha con nó có cái tánh vũ phu trong người, chắc chắn năm ấy ngoại sẽ lấy hết cả tính mạng này ra để ngăn ông ngoại con lại. Thấy không, tới cuối đời ông của con mới biết hối hận vì đã trao đứa con gái mình yêu thương nhất cho nhầm người. Tới cái đám tang cha của mình mà mẹ của con cũng không được về đây”.

Linh hít hít cái mũi, bắt đầu hồi tưởng về những chuyện năm xưa.

Mẹ của nó bỏ đi từ khi nó bắt đầu đi học lớp một, bà nội nó oang oang cái miệng đi đồn rằng đã tận mắt thấy mẹ của nó bắt chuyến xe đò đi chung với một người đàn ông lạ mặt. Năm ấy, bà nội đã dẫn nó đến tận nhà ngoại để mắng vốn bằng những câu từ nặng nề nhất. Chỉ tội cho ngoại, ngày đó ông ngoại mới mất. Mẹ chẳng bao giờ được cha cho về thăm nhà, vậy mà có chuyện thì lại đổ hết tội lỗi lên đầu bà ngoại.

“Vậy đó, mà lúc gả nó cho con trai tui thì chị nói con chị gia đình gia giáo có ăn có học, được dạy dỗ tử tế đàng hoàng. Giờ chị nhìn đi, cái thứ con gái lăng loàn trắc nết bỏ con bỏ chồng đi theo trai mà lại nói là có giáo dục đàng hoàng? Tôi khinh!”

Nó chứng kiến cảnh bà ngoại đã phải rơi nước mắt xấu hổ trước bà con làng xóm, không dám ngẩng mặt lên nhìn sui gia. Linh đã ôm lấy bà ngoại, lên tiếng bảo vệ bà trước những lời chửi mắng của bà nội. Lần đó nó đã muốn về nhà ngoại ở, nhưng bên nội lại rất cố chấp. Lên tiếng từ mặt con dâu và bắt luôn cháu về, vậy nên suốt mấy năm nay hai bà cháu giờ mới có cơ hội gặp lại nhau.

Có mình Linh mới rõ nhất vì sao mẹ lại bỏ đi.

Mẹ bỏ nhà đi không phải là vì có người tình khác giống như bà nội hay nói, cũng chẳng bỏ đi vì chê gia đình chồng bắt đầu nghèo khó mà ham giàu rồi bỏ lên thành phố. Mà mẹ nó bỏ đi bởi vì không chịu đựng được bản tính vũ phu và say xỉn triền miên của cha.

Lúc gia đình còn khá giả, Lục cũng là người rất chăm chỉ nên công việc mới thuận lợi mà ăn nên làm ra. Nhưng khi lấy vợ được ít lâu sau, xưởng bánh phá sản, cha của nó cũng lâm vào cảnh nợ nần rồi từ từ bản tính mới thay đổi. Mẹ đã từng cầu xin khóc lóc dưới cơn mưa đòn roi của cha khi thấy ông ấy lấy hết toàn bộ số tiền sinh hoạt sáu tháng của cả nhà đi mua rượu rồi bài bạc, đồ đạc trong nhà lần lượt bị bán hết. Mẹ chồng thì cay nghiệt, dù con trai có làm sai thì vẫn bênh vực mà chì chiết con dâu đủ đường. Nói mẹ là đồ ăn bám, đồ sao chổi. Cưới về nhà chẳng được cái tích sự gì, có số khắc chồng nên mới khiến sự nghiệp nhà chồng tiêu tan.

Kinh tế trong nhà eo hẹp, mẹ Linh đã phải chắc bóp, thắt lưng buộc bụng cho cả gia đình. Vậy mà hy sinh nhiều thứ như thế, chăm lo nhiều thứ như thế nhưng vẫn bị gia đình chồng bảo rằng cô là người phụ nữ không biết đẻ con trai. Đứa đầu tiên mà đẻ con gái hèn gì xui xẻo hết cả nhà là đúng rồi.

Rất nhiều đêm, hai mẹ con ôm nhau ngủ dưới xó bếp. Bờ vai gầy của mẹ run run hôn lên mái tóc cháy khét mùi nắng của Linh, gục đầu liên tục nói xin lỗi con gái.

Linh nghe thấy hết, nghe thấy hết những lời tâm sự mà mẹ chua xót nói ra. Nó thương mẹ lắm chứ, nhưng giờ nó còn nhỏ thì biết làm cái gì bây giờ. Chỉ biết ôm mẹ, giả vờ ngủ để cho mẹ trút hết những bức xúc và sự khó chịu trong lòng.