Mấy Đời Bánh Đúc Có Xương

Chương 3: Đêm khuya

Dì Thanh lau mặt cho Linh,rồi dì cầm đôi bàn tay bé nhỏ của cô bé. Chao ôi, đôi tay nhỏ xíu gầy trơ xương như que củi. Nhìn chẳng có sức sống chút nào cả.

"Năm nay con mấy tuổi rồi? Con gầy quá đấy nhé, sau này về với dì con sẽ không lo bị đói bữa nào nữa đâu".

"Ôi dào, năm nay nó mười tuổi rồi đó con".

Bà Sửu cười cười trả lời thay.

"Mười tuổi ... sao mà nhìn người nhỏ dữ vậy nè? Vậy đã học hết tiểu học chưa?"

Dì Thanh tiếp tục lau mặt cho con bé, rồi dịu giọng lo lắng hỏi tiếp.

"Con... con nghỉ học từ lúc vừa xong lớp hai rồi ạ!" – Linh đáp.

Thanh nhìn về phía bà mẹ chồng đang ung dung chăm lo cho đứa cháu trai, rồi lại nhìn con bé tội nghiệp trước mắt.

Bà nội vẫn rất bình thường mà đáp lời cô :

"Ui dào con gái học chi cho nhiều, sau này lớn lên nó cũng lấy chồng. Thằng Lục nói con gái học nhiều mau khôn ranh, sau này sẽ leo lên đầu lên cổ thằng chồng mà ngồi. Biết con chữ để đọc là được rồi, nên mẹ cho Linh nó nghỉ. Còn tiền để dành cho thằng Xuân nó học, sau này thằng nhỏ nó còn thay thế ba nó quản lý việc gia đình".

Linh mím môi nhìn dì Thanh, đôi mắt ươn ướt rớm nước. Sống trong ngôi nhà này là vậy đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tâm thức của bà nội. Nó đâu dám nói cho người mẹ kế mình biết là vì nó học giỏi hơn con chú út, thông minh hơn con chú út cho nên bà nội mới không cho nó đi học vì sợ cháu trai bị lép vế.

Với lại nếu như nó đi học thì lấy ai ở nhà gánh nước tưới đậu, lấy ai dẫn trâu ra đồng cày ruộng. Rồi nếu như nó đi học thì ai sẽ là người gánh chịu những trận đòn roi dã man từ cha nó...

Chưa ăn hết thì bà nội đã thúc giục nó xuống bàn để dọn dẹp, mọi chuyện sau đó thì nó cũng không biết nữa.

Hai tuần sau, cái rạp đám cưới to nhất làng này được dựng lên để làm đám cưới cho cha nó cùng với dì Thanh. Đất nước đang trong thời gian bị cấm vận, khắp nơi đều đói khổ túng thiếu. Lúc đó người ta cưới nhau chỉ bằng mâm trầu cau, cùng lắm là con gà con vịt nuôi trong nhà hoặc đơn giản là mấy cái gói kẹo, bánh ngọt tự làm.

Năm đó lúa đúng vụ, bán được giá lắm. Mà hồi xưa lúa gạo là thứ gì đó rất là xa xỉ, người dân toàn là ăn khoai lang độn cơm nên khi lúa bán được giá thì tiền kiếm được cũng không ít. Thế nên đám cưới của cha cũng làm linh đình hơn hẳn hồi cha cưới mẹ bé Linh.

Khách khứa kéo đến mỗi lúc một đông, chẳng có gì để tiếp đãi nên đành mời trầu mời nước, thêm chút bánh kẹo coi như là một mâm. Bà nội vui mừng khi có cô dâu mới về nên thuê cả dàn nhạc, kịch cải lương về hát cho nó vui vẻ.

Tiệc cưới năm ấy mở linh đình và to nhất làng, tận hơn chục bàn và khách khứa cũng đông nữa. Người ta cứ bàn tán rằng lần này thằng Lục bợm nhậu "Chuột sa chĩnh gạo" nên mới cưới được cô vợ có sẵn của ăn của để, có căn nhà to trên thành phố sau khi ly hôn chồng cũ. Sau này cả nhà bà Sửu thế nào cũng được nhờ cô con dâu này, có khi từ thân phận nhà quê mà vụt một phát thành người thành phố luôn ấy chứ!

Sau cái đám cưới linh đình ấy, dì Thanh chính thức là mẹ kế của Linh.

Con bé luôn ám ảnh về hình tượng mẹ kế bên nhà thằng Sang, cứ nghĩ là cuộc đời của mình đã tối nay còn tối tăm hơn nhưng mà sự thật hoàn toàn không giống như con bé đã nghĩ.

Bà nội ưu ái cho con dâu mới, lấy tiền bán lúa xây hẳn một căn phòng nhỏ dành riêng cho cha và dì. Cái phòng đó dư sức để của hồi môn, tủ quần áo mới cùng với hành lý mà dì mang theo từ thành phố về đây.

Một chục cây vải tằm Tân Châu, hai đôi kiềng vàng ba chỉ, kèm theo là quần áo mới và làm thêm vài món trang sức đắt tiền lấp lánh. Cơ man nào là những đồ đạc quý giá, những thứ mà con bé Linh có nằm mơ cũng chưa bao giờ nhìn thấy được.

Lục và bà Sửu lóa hết con mắt với số của hồi môn có giá trị khủng này, bọn họ cười với nhau như thể chắc cứu rằng tương lai gia đình này sẽ phụ thuộc hết vào dì Thanh.

Linh bỏ ra ngoài sân ngồi, trong lòng nặng trĩu. Nó nhìn ra ngoài trời, nghĩ về tương lai của mình. Bởi lẽ nó biết rằng cái mớ của hồi môn kia dù có nhiều đến đâu thì cũng nào đến lượt nó hưởng, thứ mà con bé quan tâm đó chính là gia đình mình giờ đã có thêm người mới, và cuộc sống của nó sẽ thay đổi hẳn.

*

Giống như mọi ngày, Linh thức dậy để nhóm bếp lửa. Nhưng mà ngạc nhiên chưa khi căn bếp vốn dĩ lúc này luôn im ắng thì bây giờ đã nghe mùi khói bếp bay bay từ cái ống khói nhỏ, dì Thanh thức dậy từ khuya để dọn dẹp, nấu ăn sáng cho cả nhà rồi.

"Linh dậy rồi hả con? Mau xuống đây, hôm nay dì có nấu phở ngon lắm. Rửa mặt đi rồi xuống ăn sáng, lát nữa dì đưa con đi học!"

Ngồi xuống bàn ăn, tô phở to đùng được đặt trước mặt nó khiến cho con bé tưởng mình đang nằm mơ.

Bình thường dậy sớm, nó chưa bao giờ được ăn sáng tử tế như thế này cả. Bà nội sẽ hối thúc nó nấu cơm sáng rồi theo bà ra chợ bán hàng, tiền bán được thì lại cho em họ mua bánh còn Linh thì ôm cái bụng đói meo về nhà mà mò cơm nguội còn sót lại dưới xó bếp.

"Đi học ạ? Nhưng...nhưng... bà nội đâu có cho con đi".

"Nay con không cần phải lo vấn đề đó nữa đâu, dì sẽ chăm sóc con thật là tốt. Con gái cũng phải có cái chữ để bằng người ta con ạ, ở nhà riết thì biết tới chừng nào mới khôn ra".

Thấy nó còn ngập ngừng, dì Thanh thúc giục :

"Ăn mau lên đi con, lát nữa dì có quà cho con đấy!"