Nhật Ký Quan Sát Thanh Mai

Chương 6

Ngày 2 tháng 3, trời nắng.

Mình không nói với Đào Ấu Tâm rằng, lúc em ấy nhảy múa trông giống hệt một chú vịt con cứ lắc la lắc lư.

[Nhật ký quan sát thanh mai]

Sau khi kết thúc chuyến du lịch, bởi vì mẹ Hứa mang theo rất nhiều quà về nên Đào Ấu Tâm hoàn toàn không nhận thấy quà tặng của người lớn và quà tặng mà một mình Hứa Gia Thời tặng cho mình khác nhau chỗ nào.

Cô bé đã hoàn toàn quên mất chuyện mình còn đòi Hứa Gia Thời phải mang quà về cho mình, mãi đến khi Hứa Gia Thời nhét một chiếc lá bằng vàng vào tay mình.

Đào Ấu Tâm tò mò hỏi: “Đây là cái gì?”

Hứa Gia Thời trả lời: “Thẻ kẹp sách, dùng để đánh dấu trang sách lúc đọc sách.”

Vừa nghe thấy thứ này có liên quan tới sách, Đào Ấu Tâm lại nhức đầu, lập tức trả cho cậu: “Em không cần đâu!”

Cô bé ghét nhất là đọc sách, không cần thẻ kẹp sách gì gì đó đâu nhé.

Hứa Gia Thời cầm tấm thẻ kẹp sách hình chiếc lá bằng vàng: “Đây là quà cho em.”

Đào Ấu Tâm thử hỏi: “Em đổi sang quà khác được không ạ?”

Hứa Gia Thời từ chối ngay tức thì: “Không được, chỉ có thứ này thôi.”

“Thế thì em không cần quà.” Cô bé thà từ bỏ món quà này chứ không muốn đọc sách đâu.

“Không được, thứ này anh mua cho riêng em.” Khuôn mặt đẹp trai của Hứa Gia Thời tràn đầy nghiêm túc, không cho phép từ chối.

Cuối cùng, Đào Ấu Tâm vô cùng khó xử nhận lấy món quà cực kỳ không vừa ý này: “Thế… Thế thì được rồi.”

Cô bé thầm nghĩ, sau này mình sẽ không bao giờ đòi anh Gia Thời mang quà cho mình nữa.

Thấy vẻ mặt Đào Ấu Tâm tràn đầy u buồn, Hứa Gia Thời mới chịu tha thứ cho cô bé vì không chào hỏi mình.

Kỳ nghỉ đông kết thúc trong tiếng kêu rên sung sướиɠ của đám học sinh, nghênh đón một học kỳ mới bắt đầu.

Mùa xuân khai giảng, giáo viên rút thăm hỏi các bạn nhỏ đã viết nhật ký về thứ gì, có bé trả lời là mầm đậu, có bé trả lời là chậu hoa trồng trong nhà. Đến lượt Đào Ấu Tâm, Đào Ấu Tâm đứng dậy loạng choạng: “Em viết về con rùa mà ba em nuôi. Rùa nhà em ăn nhiều lắm, em cho nó ăn, nó ăn chưa đủ no nên suýt nữa cắn trúng tay em, may mà em…”

Cái miệng của cô bé cứ nói liến thoắng không ngừng, cuối cùng ngay cả cô giáo cũng chịu hết nổi, đành phải cười nói: “Thế thì sau này em phải cẩn thận hơn nữa, đừng để bị nó cắn là được nhé.”

Để tránh Đào Ấu Tâm tiếp tục thao thao bất tuyệt, cô Lý chủ động gọi tên Hứa Gia Thời – cậu bé không thích nói nhất lớp: “Gia Thời, em quan sát cái gì?”

Hứa Gia Thời đáp rằng: “Thanh mai.”

Cô Lý lập tức nghĩ đến quả mơ xanh mướt*. Thứ này thật đặc biệt, không hổ là đứa bé có chỉ số thông minh cao, ngay cả lựa chọn mục tiêu quan sát mà cũng không giống bình thường.

*Thanh mai còn có nghĩa là quả mơ xanh.

Mãi đến khi hết một học kỳ, cô Lý được chiêm ngưỡng sổ nhật ký mà các bạn nhỏ nộp cho mình, khi ấy cô giáo mới nhận ra thanh mai này không phải là thanh mai (quả mơ xanh) mà mình nghĩ.

Tất cả mọi người đều không biết rằng, nhật ký quan sát của Hứa Gia Thời vẫn chưa kết thúc sau một học kỳ.



Hai tháng sau, cuối cùng bọn trẻ lớp chồi đều trở thành các bạn nhỏ lớp lá.

Một năm sau, các bạn nhỏ lớp lá của trường mầm non lại trở thành học sinh tiểu học đeo khăn quàng đỏ.

Đào Ấu Tâm tràn ngập mong chờ về cuộc sống nơi sân trường mới, thậm chí đêm trước ngày khai giảng, cô bé còn kêu mẹ chuẩn bị một bộ quần áo xinh đẹp cho mình: “Mẹ ơi, ngày mai mẹ phải gọi con dậy đi học sớm nhé.”

Phó Dao Cầm đồng ý ngay, thầm nghĩ chỉ cần ngày mai con bớt ngủ nướng một chút thì mẹ đã cảm ơn trời Phật phù hộ rồi.

Nhưng điều bất ngờ là hôm ấy, Đào Ấu Tâm thật sự không ngủ nướng.

Tuy nhiên vẫn có một tin không vui, sáng sớm thức dậy, giấc mơ đẹp tuyệt vời của cô bé đã tan biến…

Không biết có phải vì đêm qua ngủ bị côn trùng cắn hay không mà sáng nay thức dậy, một bên mí mắt của cô bé sưng húp, trông cực kỳ quái dị. Thế là Đào Ấu Tâm gào khóc không chịu đi học, ba Đào mẹ Đào vừa dỗ vừa lừa cô bé, mãi đến khi Hứa Gia Thời gõ cửa nhà họ Đào.

Phó Dao Cầm chỉ vào Hứa Gia Thời: “Con nhìn kìa, anh Gia Thời đã đến gọi con đi học rồi, hai đứa các con đã hứa hẹn với nhau là sẽ cùng nhau đến trường rồi mà, đúng không?”

Hứa Gia Thời không rõ đã xảy ra chuyện gì. Cậu bé đi đến trước mặt Đào Ấu Tâm: “Em bị sao vậy?”

Cô nhóc sĩ diện che mắt không cho cậu thấy.

Phó Dao Cầm đứng bên cạnh giải thích: “Chắc là đêm qua con bé bị muỗi cắn nên mí mắt hơi sưng lên.”

Hứa Gia Thời “ừm” một tiếng nhưng cậu không để bụng: “Đào Ấu Tâm, đến giờ đi học rồi.”

Hồi còn học mầm non, cậu đã từng nói câu này vô số lần.

Đào Ấu Tâm lại lắc đầu nguầy nguậy, Phó Dao Cầm bèn nói: “Con không đi học thì anh Gia Thời sẽ chơi với bạn mới đấy nhé.”

Cô bé lập tức buông tay ra: “Con mới là bạn thân nhất của anh Gia Thời!”

Để giữ vững vị trí người bạn thân nhất, cuối cùng Đào Ấu Tâm cũng chịu đến trường.

Ban đầu không ai chú ý tới đôi mắt của cô bé, mãi đến khi giáo viên xếp chỗ ngồi ngẫu nhiên, phân phối một bạn nhỏ ngồi cùng bàn với cô bé. Cậu nhóc không hiểu chuyện lập tức chê Đào Ấu Tâm mập, con mắt trông như quái vật, khiến Đào Ấu Tâm tức giận đến mức đi đường quyền với cậu nhóc đó.

Đào Ấu Tâm không khóc nhưng cậu nhóc kia lại khóc òa lên.

Mới khai giảng ngày đầu tiên, hai đứa đã bị mời phụ huynh đến trường.

Con nít biết khóc thì được ăn kẹo, cứ như thể đứa nào khóc đứa đó có quyền, phụ huynh của cậu nhóc kia cứ dây dưa mãi không chịu để yên, thậm chí yêu cầu Đào Ấu Tâm phải rời khỏi lớp này. Nguyên văn lời nói của bà ta: “Con bé này mới tí tuổi đầu mà đã biết đánh bạn rồi, tôi không dám để con trai tôi chung lớp với một đứa có xu hướng bạo lực đâu. Mới ngày đầu tiên đến trường thôi đây, anh chị cần phải cho tôi một lời giải thích!”

Ba Đào mẹ Đào che chở con gái mình, không la mắng con gái ngay lập tức mà hỏi rõ ràng tình huống cụ thể trước đã.

Đào Ấu Tâm hất mặt sang chỗ khác, cắn môi, không muốn lặp lại những lời khó nghe ấy.

Vẻ mặt của mẹ cậu nhóc kia vô cùng cay nghiệt: “Mày nói không nên lời chứ gì? Chột dạ chứ gì? Mới tí tuổi đầu mà đã biết đánh người khác rồi, đúng là vô giáo dục.”

Phó Dao Cầm ngồi xổm xuống nắm tay con gái: “Tâm Tâm, con nói chuyện đi, bất kể đã xảy ra chuyện gì thì ba mẹ đều sẽ bảo vệ con.”

Tình thương của mẹ ấm áp khiến Đào Ấu Tâm chịu ấm ức lập tức rơi nước mắt, nức nở ôm cổ mẹ mình nhưng vẫn không chịu nói một lời.

“Hừ, đánh bạn học mà còn có mặt mũi khóc cơ đấy.” Mẹ cậu nhóc vẫn tiếp tục đay nghiến: “Cô Chu, mau giải quyết chuyện này cho tôi đi. Tôi tuyệt đối không cho phép hạng người này chung lớp với con tôi. Nếu nó không chuyển lớp thì tôi sẽ nhờ các phụ huynh khác của học sinh trong lớp phân xử chuyện này!”

Ý bà ta là muốn làm to chuyện này.