Trùng Sinh Chi Nha Nội

Chương 29

Chương 27: Đình chỉ công tác tự kiểm điểm
Tin xấu bỗng nhiên ập tới, chẳng ai có chuẩn bị gì.

Thoáng chốc đã đến cuối năm 1977, một ngày nữa là đến sinh nhật bà ngoại rồi, mẹ xin nghỉ việc, vội chạy về từ xã Liên Hoa, dự định đặt mua vài món ăn cùng với cha, để ngày hôm sau mang về Liễu Gia Sơn.

Không phải là mừng thọ tuổi tròn, vì thế mọi người không dự định làm lớn. Huống hồ khi đó, lãnh tụ vĩ đại còn không tổ chức lễ mừng thọ, người dân bình thường càng không dám làm. Cũng chỉ mua chút thịt gà thịt dê, lòng mề gì đó, đủ vài bàn, mấy cô chú dắt con nhỏ đến chung vui.

Vì ông nội bà nội tôi qua đời sớm, vì thế ông bà ngoại vốn dĩ ở nhà bác cả nay chuyển về nhà tôi, giúp đỡ chăm lo mấy chị em tôi. Hôm nay bà mừng sinh nhật, các bác lại phải đến đây.

Cha và mẹ vừa cầm ít tiền, cười cười nói nói bước ra, Trương Mộc Lâm liền vẻ mặt nghiêm nghị bước đến.

Tôi nhảy chân sáo theo sau cha mẹ. Trở về thời trẻ con, có một cơ thể của con nít,lại suốt ngày chơi với mấy bạn đồng lứa, tự nhiên tâm tính cũng trẻ hẳn ra. Việc nhảy chân sao này, hoàn toàn là phản ứng tự nhiên. Dù cho tôi bao nhiêu tuổi, nhưng trong lòng cha mẹ, tôi vẫn mãi là một đứa trẻ con.

Thấy vẻ mặt của Trương Mộc Lâm, tôi bỗng giật thót lên, mất cả hứng.

Những điều nên đến rồi cuối cùng cũng sẽ phải đến!

Chu tiên sinh nỗ lực động viên cha và Nghiêm Ngọc Thành giữ vững lập trường, đáng lẽ ra có ý là “kiếm đi lệch mũi”, tất nhiên đại bộ phận xuất phát từ cái ngạo khí của phần tử trí thức, nhưng cũng không thể phủ nhận được, cũng bao hàm cả việc “đánh cược một phen”. Tôi cũng đóng vai trò trợ giúp. Đến ngày hôm nay nhìn lại, đại cục của lịch sử không vì một người vượt thời gian nhỏ bé như tôi mà thay đổi. Dù tôi cũng biết rằng, nhiều nhất là tầm 1 năm, phương châm lý luận hiện thời sẽ bị phủ nhận, những khó khăn mà Nghiêm Ngọc Thành và cha đang phải chịu sẽ theo đó mà thay dổi. Nhưng rốt cuộc thay đổi đến mức độ nào, tôi không thể nào lường trước được. Quan trọng nhất là, trước mắt vẫn chưa biết huyện sẽ xử lý cha thế nào.

Thấy Trương Mộc Lâm như vậy, chẳng có gì tốt đẹp rồi.

Thấy cha, Trương Mộc Lâm nhếch mép, dường như muốn rặn ra một nụ cười, nhưng cuối cùng vẫn cười không nổi.

“Đồng chí Tấn Tài, bộ trưởng Ngô của bộ tổ chức huyện muốn nói chuyện với anh, mời anh đi theo tôi.”

Từ trước tới giờ chưa bao giờ thấy Nghiêm Ngọc Thành nghiêm túc như vậy, dùng cách hết sức chính thức để nói chuyện với mình, cha bỗng thấy hơi bất ngờ, nhưng rất nhanh liền trấn tĩnh lại, quay người nói với mẹ: “Bà dắt Hóa Tử đi mua rau trước đi, tôi đi một lúc rồi về ngay.”

Cha phản ứng như vậy, tôi thầm tán dương trong lòng.

Cha trong kiếp trước, dù nho nhã lịch sự, nhưng lai thiếu bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh này, là thứ mà người làm chính trị không thể thiếu.

Làm một ông phó chủ tịch chỉ mới được hơn năm, cha đã có cái quyền uy của người làm quan rồi.

Nhưng thái độ của mẹ mới làm tôi kinh ngạc không ngớt. Không ngờ bà còn bình tĩnh hơn cha, như không có chuyện gì vậy, cười nói: “Ông đi đi, việc ở nhà không phải lo đâu.” Thậm chí bà còn chào Trương Mộc Lâm.

Tính tình của mẹ thường ngày đều rất sốt sắng, nhưng không ngờ lúc gặp chuyện, lại có thể trấn tĩnh thế. Hỳ hỳ, thật ngưỡng mộ!

Thái độ ung dung của cha và mẹ làm tôi cũng bĩnh tĩnh lại. Thật là, vẫn chưa biết bộ tổ chức muốn nói gì với cha kia mà, lo lắng gì cơ chứ?

Tôi không rõ cái ông bộ trưởng Ngô của bộ tổ chức huyện là chính hay là phụ, cách xưng hô trên chốn quan trường, thường thường sẽ bỏ đi chính hoặc phụ. Đương nhiên, nếu phó thư ký họ Trịnh hoặc chủ nhiệm chính họ phó thì miễn bàn. (Trong tiếng Hán, họ “Trịnh” phát âm giống chữ “chính” và họ “Phó” phát âm giống chữ “phụ”, đây là lối chơi chữ của tác giả)

“Mẹ ơi, bộ trưởng Ngô là chính hay là phụ vậy ạ?”

Mẹ đang mải suy nghĩ, liền đáp: “Là chính. Bộ trưởng Ngô, Ngô Thu Dương của bộ tổ chức….Ý, Tiểu Tuấn, con hỏi chuyện này để làm gì?”

Nếu là cha thì cha sẽ không phản vấn tôi như vậy. Mẹ làm việc ở xã Liên Hoa, không ở lâu với tôi, vì thế không hiểu mấy về cái gọi là “thiên tài” của tôi.

“Tiểu Tuấn, con đi đâu thế?”

Mẹ thấy tôi không trả lời câu hỏi của mẹ, mà chạy theo sau lưng cha, bỗng cảm thấy kỳ lạ.

Tôi giơ tay vẫy vẫy, không quay đầu lại, trong lòng có linh tính không tốt lắm.

Hiện nay cha chỉ là phó chủ nhiệm đứng cuối cùng trong xã Hồng Kỳ, theo thứ tự bình thường của tổ chức, làm sao bộ trưởng tổ chức lại tìm ông nói chuyện được. Có thể thấy rằng trên huyện coi việc này là một việc lớn.

Bộ tổ chức là do các bộ phụ trách ủy nhiệm, tất nhiên, không thể có chuyện đề bạt cha, vậy thì bộ tổ chức gọi ông đến nói chuyện, chỉ có một khả năng, đó là có sự sắp xếp khác cho công việc của ông.

Hội ủy viên kiểm tra kỷ luật của Đảng vào lúc cửu đại bị bác bỏ, mãi đến khóa họp thứ 11 vào cuối năm 1978 mới khôi phục lại. Trước lúc đó, đảm nhận công việc của hội ủy viên kiểm tra kỷ luật là bộ tổ chức. Cũng có nghĩa là, bộ tổ chức lúc đó, có quyền phạt cán bộ hoặc ít nhất là đưa ra để nghị phạt cán bộ.

Trương Mộc Lâm và cha vừa bước vào phòng, cánh cửa liền đóng sập lại.

Tôi tất nhiên không thể chen vào trong. Dù tuổi có nhỏ đi chăng nữa thì cũng không được làm càn. Nhưng tôi ngồi xổm ở ngoài, cũng chẳng ai để ý đến.

Tác dụng cách âm của phòng làm việc ở xã thế nào, không nói cũng biết. Nếu như là trong đêm, người trong đó chỉ cần đánh rắm một cái, có khi người ngoài này cũng nghe thấy rõ ràng. Sau đây là cuộc đối thoại giữa cha và bộ trưởng Ngô.

Trương Mộc Lâm: “Bộ trưởng Ngô, đây là đồng chí Liễu Tấn Tài. Đồng chí Tấn Tài, đay là bộ trưởng Ngô của bộ tổ chức huyện.”

“Xin chào ông, bộ trưởng Ngô.”

“……….”

Tôi nghĩ cha nhất định sẽ đưa tay ra bắt tay bộ trưởng Ngô, nhưng bộ trưởng Ngô có đồng ý bắt tay hay không, điều ấy còn chưa biết, chỉ biêt là ông ta không có phản ứng gì trước lời chào của cha.

“Đồng chí Liễu Tấn Tài, mời anh ngồi!”

Tiếng bộ trưởng Ngô lộ ra nét uy nghiêm, nhưng cũng có nét hiếu kỳ. Có lẽ ông ta không ngờ được cha lại là ông phó chủ nhiệm nhỏ bé dám lấy tay che lấp cả bầu trời.”

Gọi cả họ cả lên lại thêm hai chữ đồng chí làm khẩu khí nói chuyện thật nặng nề.

“Đồng chí Liễu Tấn Tài, tôi hôm nay được sự bổ nhệm của chủ nhiệm Vương của ủy ban cách mạng Đảng trên huyện, đến tìm anh nói chuyện.”

Lại là Vương Bổn Thanh!

Tôi đứng ở ngoài cửa nghiến răng. Nhưng ngay lập tức lại thấy buồn cười, ông Vương Bổn Thanh tự nhiên lại bị mang tiếng xấu thế. Ông ta đứng trong hàng ngũ huyện Hướng Dương, những việc như thế này nhất định sẽ đến tay ông ta giải quyết. Việc lớn thế này, còn động chạm đến phương châm đường lối, thực ra cán bộ như Vương Bổn Thanh, cơ bản không có quyền phát ngôn, đều phải nghe cấp trên hết.

“Mời Ngô bộ trưởng chỉ giáo.”

Cha không cứng cũng chẳng mềm nói.

“Không dám nói gì là chỉ giáo. Hôm nay tôi đến đây, là để truyền đạt cho anh quyết định của ủy ban cách mạng huyện.”

Tiếng của Ngô Thu Dương rất nghiêm nghị, không mang chút sắc thái cảm xúc nào cả.

Tôi chợt rùng mình.

Những quyết định thông thường, gửi một văn kiện thông báo là được rồi, cùng lắm là gọi cha lên huyện một chuyến. Nay bộ tổ chức còn phái người xuống trực tiếp tuyên bố, nhất định sẽ là một quyết định đặc biệt.

Chẳng lẽ lại có biện pháp mạnh gì với cha sao?

Điều này không phải là không có khả năng. Vì những người vì phát biểu “sai lầm” mà bị chịu hình phạt nặng nề, trong giai đoạn đại cách mạng là không ít. Thậm chí còn có người vì thế mà mất mạng.

Bỗng nhiên lòng tôi như lửa đốt.

“Đồng chí Liễu Tấn Tài…”

Tôi thở phào, vẫn còn gọi là đồng chí cơ mà, may quá! Ít nhất là không phải quan hệ mâu thuẫn địch ta.

“…Anh và đồng chí Nghiêm Ngọc Thành chưa được sự cho phép của tổ chức, đã tự ý phát biểu và ký tên trên báo huyện, ảnh hưởng đến tinh thần của phương châm đường lối trung ương, đây rõ ràng là hành động vô tổ chức vô kỷ luật, trong huyện Hướng Dương, khu Bảo Châu, thậm chí cả tỉnh N, đều tạo nên một sự ảnh hưởng quá lớn. Lỗi mà anh đã phạm phải là vô cũng nghiêm trọng, sau khi thông qua quyết định của hội nghị ủy ban cách mạng huyện, được sự đồng ý của các ủy viên cách mạng trong khu Bảo Châu, phạt đồng chí Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài, lập tức từ chức để tự kiểm điểm, làm bản tự kiểm điểm thật sâu sắc. Hồi phục công tác vào lúc nào, còn phải xem thái độ nhận lỗi của hai đồng chí…”

Tôi thở phào một cái.

Ừ, đình chỉ công tác làm kiểm điểm, cũng không phải là kết quả quá xấu. Ít nhất cũng chưa bị mất chức, càng chưa bị khai trừ khỏi đảng, nếu bị như thế, đúng là muôn đời muôn kiếp không trở lại được. Công tác đánh giá toàn diện của trung ương phải một thời gian nữa mới triển khai, đó là một công trình có quy mô rất lớn, bao nhiêu người đang chờ đợi? Bao nhiêu người đang xếp hàng dài trước mấy nhân vật quan to quyền lớn trong lịch sử nước cộng hòa chỉ để tổ chức cho một cái đánh giá chính xác? Những nhân vật nhỏ bé như cha và Nghiêm Ngọc Thành, không biết đến mùa quýt nào mới được sờ đến. Theo những gì tôi biết, Nghiêm Ngọc Thành 39 tuổi, cha 37 tuổi, đã không còn trẻ nữa. Nếu dùng dằng vài năm nữa, tiền đồ của họ trên quan trường sẽ ảm đạm hơn rất nhiều.

Nghĩ đi nghĩ lại, đình chỉ công tác tự kiểm điểm dối với người quen với việc nắm quyền như Nghiêm Ngọc Thành mà nói, không dễ chịu chút nào, còn với cha, mới đảm nhận công tác hành chính này một năm, vẫn còn chưa kịp quen với việc nắm quyền. Ngoài việc hàng tháng bớt đi mấy đồng cấp dưỡng, tiền lương cơ bản không thay đổi là mấy. Thời cha tham gia công tác đã dài, nói đúng ra, thì tiền lương của ông cũng khá cao. Tôi còn nhớ vào những năm 1986 của kiếp trước, tiền lương của ông mang về mà có thể đạt đến còn số 120-130 đồng đã làm người ta ngưỡng mộ lắm rồi. Gia đình này của chúng tôi, tiền lương của cha vẫn đóng vai trò quan trọng, ít nhất trong giai đoạn trước mắt là thế.

“Bộ trưởng Ngô, tôi phục tùng quyết định của tổ chức, nhưng vẫn giữ nguyên ý kiến của mình…”

Cha vẫn đang bao biện.

Đây cũng là việc nên làm. Nếu như không phản bác lại một chút, chẳng phải đồng nghĩa với việc mình đã nhận sai rồi hay sao?

“…Nhờ ông chuyển lời đến đồng chí Vương Bổn Thanh, là một người đảng viên, thảo luận ở trên báo đảng, tham gia vào vấn đề chính sách của đảng, là một đặc quyền mà đảng cho chúng tôi, bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào cũng không có quyền tước đi nó.

Ôi, tính thẳng ruột ngựa của cha lại phát tác rồi. Cứ cứng rắn quá không phải là việc tốt. Lúc này cứ khiêm nhường một chút, cũng chẳng phải là kế tồi. Sao lại cứ phải lôi cái tên Vương Bổn Thanh ra cơ chứ?

Bộ trưởng Ngô cũng không ngờ tính cha lại thẳng thắn cương nghị như vậy, nhẹ nhàng thở ra một tiếng, nói: “Đồng chí Liễu Tấn Tài, phải xem lại thái độ của mình, tự kiểm điểm sai lầm của bản thân, để còn sớm được quay lại công tác.”

Đây là một câu nhắc nhở cha.

Tôi tự nhiên thấy quý ông bộ trưởng Ngô này hơn. Xem ra thái độ của cán bộ với việc này cũng không thống nhất, chỉ là đấu không lại với quyền thế của Vương Bổn Thanh. Cũng có thể là, phải hoàn toàn phục theo ý kiến của lãnh đạo cấp cao, Vương Bổn Thanh cũng chỉ tuyên truyền theo đó, tự nhiên lại bị tiếng oan.

Bộ trưởng Ngô không ở lại lâu, truyền đạt xong quyết định của ủy ban cách mạng huyện, liền ngay lập tức rời khỏi xã Hồng Kỳ.

Trương Mộc Lâm mãi đến lúc tiễn xong bộ trưởng Ngô lên xe, lúc này mới quay đầu lại, muốn nói với cha vài câu, ai ngờ cha lại dắt tay tôi, đi một cách nghênh ngang, như là chưa từng có việc này xảy ra vậy, thấy vậy ông bất giác thẫn thờ đứng ở cửa phòng làm việc, đờ đẫn nhìn bóng cha đang đi xa dần.

Có lẽ ông đang nghĩ, sao người này từ lúc ở gần Nghiêm Ngọc Thành, lại học được cái tính khí ngang ngược của ông ta chứ?

“Đình chỉ công tác tự kiểm điểm?”

Mẹ cười lớn lên.

“Cũng được thôi, ông nhân cơ hội này mà dành chút thời gian xem xét việc học hành của Hoa Tử, nó sắp thi đại học rồi đấy.”

Nhưng khi mẹ quay lưng đi chọn thịt lợn, tôi nhìn thấy rõ ràng nỗi ưu tư trong mắt mẹ. Cũng đúng, có người đàn bà nào lại không lo cho tiền đồ của chồng mình cơ chứ? Chỉ là việc đã rồi, mẹ có nói gì cũng không muốn làm tăng thêm áp lực tâm lý cho cha.

Lấy được mẹ, đúng là diễm phúc lớn của đời cha.

Sinh nhật bà ngoại, lại náo nhiệt không ngờ.

Đáng lẽ chỉ tính đến việc họ hàng thân thích tụ họp một bữa, không ngờ sáng sớm hôm đó, đã lục tục có khách đến thăm, bác năm, thư ký chi bộ dẫn đầu, những người có vai vế trong gia tộc nhà Liễu, nhà Nguyễn đến đươc 10, 20 người. Thậm chí đến nhà họ Chu bình thường cũng không qua lại nhiều lắm, cũng đến được vài người. Làm cho cha và mẹ trở tay không kịp. Ngày trước sinh nhật ông ngoại, cũng chưa từng đông như thế này bao giờ.

Cha và mẹ định thần lại, vội vàng bảo chú gọi thêm mấy người thanh niên đi ra chợ mua thêm đồ ăn. Thịt dê thì phải gặp phiên chợ mới mua được, còn thịt lợn dù không hiếm như vậy nhưng muốn mua cũng phải có phiếu. May mà có bác năm và bác bảy mang đến 20, 30 cân cá khô, mấy tháng rồi chúng tôi cũng chỉ ăn được có ba bốn cân, bây giờ có thể mang ra cứu nguy.

Bác năm ngăn chú lại.

“Thành Lâm, đừng vội. Đợi chút nữa là có thức ăn mang đến”

Cha có chút nghi ngờ: “Anh năm….”

“Sao, chú không tin anh năm của chú à?”

“Không phải không phải, sao lai thế được?”

“Thế thì chú cứ yên tâm mà ngồi đây, nhà họ Liễu, họ Nguyễn, họ Chu chúng ta cùng nói chuyện một chút.”

“Ôi…”

Với người anh cương trực này, cha một mực rất kính trọng.

Bác năm quả nhiên không nói dối, một lát sau mấy bác gái ở các nhà đã mang đến rất nhiều thức ăn, gà vịt trứng đều đủ cả, nhất là gà vịt đã được làm sạch sẽ, làm lông sạch sẽ gọn gàng, chỉ cần mang ra nấu luôn là được.

“Tấn Tài, sắp đến tết rồi, chú cũng đừng về xã làm gì nữa, ở nhà một thời gian đi. Anh năm cũng già rồi, không đoán định được thời thế ngày nay, chú là cán bộ đi nhiều biết rộng, nhân đây chú nói cho anh năm nghe xem…”

Lúc này cha mới hiểu, có lẽ anh năm và mọi người đã biết chuyện cha bị đình chỉ tự kiểm điểm, nhân cơ hội sinh nhật bà ngoại, mới đến đây an ủi cha.

Từ khi nhậm chức phó chủ nhiệm xã, nói đến thành tích, cũng chỉ có một vụ “nuôi cá trong ruộng” là đáng để nhắc đến, mình bất tài, lại được họ hàng xem trọng thế này, làm sao dám nhận.

Tôi càng cảm thán hơn. Những người họ hàng giản đơn này, chỉ cần mình làm cho họ một việc cỏn con, họ cũng không bao giờ quên ơn.

“Anh năm, thế này liệu có được không?”

Cha sợ liên lụy đến bác năm.

Bác năm khua tay, nói: “Có gì mà không được? Trong huyện Vương Bổn Thanh nói là được, ở đây, Liễu Gia Sơn, tôi Liễu Tấn Văn mới là chủ!”