Sau khi đánh xong Thượng Đức, sư trưởng Lê Công Phê lệnh tấn công chiếm luôn đồn Hà Sống. Đó là một việc làm đúng. Rất đúng. Vừa chớp được thời cơ vừa làm mất bàn đạp khi quân dù muốn tiến công lấy lại Thượng Đức. Mới tới Đà Nẵng, sư trưởng dù, tướng Dư Quốc Đông đã họp báo tuyên bố: “Nếu sư dù không lấy lại được Thương Đức sẽ xin giải tán”.
Lê Công Phê cũng tuyên bố: “Ai sợ dù chớ 304 không sợ. 304 đã chạm trán dù nhiều lần ở Quảng Trị. Lính dù từng ôm đầu máu bỏ chạy”.
Suốt một tháng ròng rã, cán bộ, chiến sĩ Sư 304 mới nhận ra một điều: Đánh Thượng Đức đã khó nhưng giữ được Thượng Đức còn khó hơn nhiều. Giai đoạn cuối, cấp trên phải thay Lê Công Phê, không phải vì ông thiếu tài thiếu đức. Một tháng trời quần lộn với lính dù, lính thủy quân lục chiến, sức khoẻ ông sa sút. Ông đái ra máu và quân đoàn phải cho người thay để ông ra Hà Nội chữa bệnh.
Hoàng Đan và Trần Bình vẫn ở lại tới cùng. Dù thắng Thượng Đức, Hoàng Đan vẫn áy náy như người có lỗi. Và ông đã chuộc lỗi bằng cách nghĩ ra một loại hầm chốt ba tầng. Tuỳ tình hình phản kích của thằng địch bộ đội Cơ động mỗi tầng khác nhau. Hôm thể nghiệm độ vững chắc của loại công sự tự mình thiết kế, ông đã chui vào hầm và gọi các loại pháo cối dập vào căn hầm ấy.
Niềm tin ở ông đã truyền sang cán bộ chiến sĩ trên các chốt điểm của ta. Không những thế, ông còn bố trí các công sự có thể bắn chéo để hỗ trợ cho nhau. Sáng kiến của ông đã có người nói: “Nhờ Hoàng Đan mà Thượng Đức không mất”.
Đất nước thống nhất, Hoàng Đan, Lê Công Phê và Trần Bình đều được phong tướng. Trần Bình kể lại những giây phút thật cam go khi Thượng Đức suýt vào tay giặc: “Chính cái lúc sức tàn lực kiệt ấy, ngoài Bộ lệnh cho đơn vị hành quân đánh địch, giải phóng Đà Nẵng. Chúng tôi báo cáo Bộ xin hoãn lại một tuần. Bộ không cho. Lại xin hoãn lại vài ngày. Bộ vẫn không cho. Lần thứ ba, Bộ lệnh: “Nếu chần chừ là có tội...”.
Chẳng còn cách nào khác: Chấp hành. Có ngờ đâu thời cơ đến nhanh vậy. Nhưng rồi cũng hiểu ra. Thằng địch suy vi từ khi mất Thượng Đức, không lấy lại được Thượng Đức. Thượng Đức như cánh cửa vào Đà Nẵng. Cửa đã mở toang rồi có cách gì ngăn được dòng thác!
Trong chiến dịch giải phóng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, một bộ tư lệnh chiến dịch được thành lập. Phó tổng tham mưu trưởng - tướng Lê Trọng Tấn là tư lệnh chiến dịch. Tư lệnh Quân khu 5, tướng Hai Mạnh là chính ủy. Họ không gặp nhau suốt cả quá trình đánh địch, chỉ hiệp đồng qua điện đài. Nhưng họ mến phục nhau, hiểu nhau và hợp nhau. Sau này tướng Lê Trọng Tấn được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tướng Hai Mạnh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cả hai người tiếp tục có những đóng góp mới cho Đảng, cho quân đội. Bí thư Năm Công được bầu làm Chủ tịch nước.
Trong các lớp cán bộ tiểu đoàn với Ngoãn, sau giải phóng miền Nam, có người là anh hùng, có người dược phong tướng và giữ chức tư lệnh quân đoàn. Còn Ngoãn về hưu với quân hàm trung tá. Chỗ nào anh cũng hăm hở kể những mẩu chuyện về đời lính, những trận đánh ở Quảng Trị. Khi nói về Thượng Đức bao giờ anh cũng rơm rớm nước mắt. Anh bằng lòng về cuộc sống hiện tại của mình. “Mình được thế này nhờ bao nhiêu người đã hy sinh”. Vợ con rất chiều anh, tìm mọi cách bù đắp cho những năm tháng quá thiệt thòi, quá gian khổ của anh.
Tiểu đoàn trưởng Thế ở Thượng Đức không phải là người xuất sắc nhưng khi quân đoàn tiến vào Sài Gòn đã lập một chiến công ghi dấu ấn lịch sử. Anh là một trong những người đầu tiên bắt sống Dương Văn Minh và buộc nội các ông ta đầu hàng.
Số cán bộ, chiến sĩ địa phương sau ngày giải phóng miền Nam cũng có nhiều điều bất ngờ và thú vị. Ông Sáu Nam có đến mấy cái tên: Phạm Xuân Hè, Phạm Hè Thu, Phạm Phú Ninh... Những cái tên ấy do dân yêu mến, tôn vinh ông về thành tích xây dựng trong hòa bình. Ông là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Dân nói rằng ông phải làm đến chức thủ tướng mới xứng đáng.
Hoàng Thủy được cử làm ủy ban quân quản Thượng Đức khi trận đánh vừa mới kết thúc. Giải phóng Đà Nẵng được ít hôm, ông xin thôi chức bí thư Đảng ủy huyện Đại Lộc và giới thiệu Cẩm Linh thay mình. Nhưng điều này thì hẳn bạn đọc không ngờ: Đất nước thống nhất, cô gặp lại Tấn ở Đà Nẵng. Không hiểu sao hai người lại tâm đầu ý hợp. Họ thành vợ thành chồng, sống vui vẻ hạnh phúc.
Còn Công Chiến của chúng ta đã không mấy vui vẻ khi gặp lại người yêu cũ của mình. Cô đã có gia đình riêng. Chồng cô là một viên đại uý nguỵ. Họ có với nhau hai đứa con trai. Điều làm anh thất vọng là hình ảnh cô y sĩ anh vẫn để nơi tim đã không đúng với hình dung của anh. Cô già và xấu đến khác thường. Đã thế, gặp lại nhau còn đỏng đảnh khoe mẽ một cách vô duyên. Anh tiếc mãi. Giá như anh không gặp lại cô thì hay biết bao nhiêu. Nhưng thôi cũng là vận may. Nhờ lần ấy mà anh dứt bỏ được kỷ niệm của một thời mê đắm, tìm đến với một niềm hạnh phúc khác.
Nhân vật hẳn khó quên đối với chúng ta, được nhắc đến sau chót ở cuốn truyện này là nhà văn Nguyễn Hiếu. Ngay sau khi chiến thắng Thượng Đức, Sư đoàn 304 đã họp quân chính mừng công. Bộ tư lệnh đề nghị phong tặng huân Chương cho một số cán bộ chiến sĩ. Trong số đó có nhân vật nhà văn của chúng ta. Họ không biết tên tuổi cụ thể của anh, cũng không biết anh ở đơn vị nào. Bộ tư lệnh đã điện cho các đơn vị tìm anh, nhưng từ đó cho đến khi rời Thượng Đức, Sư đoàn không gặp anh.
Họ không biết rằng, chính trong buổi Sư đoàn cho người nháo nhào tìm kiếm, anh cũng đang vắt chân lên cổ trở về quân khu. So với thời gian quy định, anh đã về trễ mất mấy ngày.
Sau ngày giải phóng miển Nam, anh được về một cơ quan sáng tác văn học. Anh có ý định viết vài cuốn sách và lấy vợ. Nhưng chiến tranh biên giới nổ ra. Tiếng súng của quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia như một lời kêu gọi thiết tha. Anh lại xách ba lô lên đường. Khi quân tình nguyện rút về nước, anh mới thực sự nhận ra một điều: mình đã ở tuổi sáu mươi. Ở Hà Nội, rất nhiều lần Nguyễn Hiếu muốn đến thăm Nhung, nhưng anh ngại phải đối mặt với Oánh. Anh không hay biết rằng, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn đã cầm chân Oánh lại. Oánh viết thư xin ly dị với Nhung để lấy vợ mới. Nhung choáng vì bất ngờ và đau khổ nhưng đã không gây khó cho Oánh. Tình cảm giữa Nguyễn Hiếu và Nhung vì thế có điều kiện gắn bó hơn. Tuy thế, quan hệ của hai người vẫn mãi mãi chỉ là quan hệ anh em, rất mực trong sáng.
Vài nét sơ lược về quãng đời tiếp theo của một số nhân vật ta gặp ở Thượng Đức rất có thể là sự mở đầu của những Chương mới trong một thiên truyện nào đó. Một tháng đánh trả sự tái chiếm của quân dù ở Thượng Đức là bản anh hùng ca đẫm máu, đẫm nước mắt và ngời rạng những chiến công.