Nắng.
Linh ngỡ ngàng nhìn nắng chạy. Nó chạy có vẻ từ tốn mà mắt đuổi theo không kịp. Nó chạy như trượt, như bay. Thoạt đầu nó xuất hiện thật đột ngột ở dải rừng chồi bên kia trảng, cháy sáng lên cùng với một đám mây màu huyết dụ. Ở chỗ đường ranh giữa tối và sáng, sương đêm lưỡng lự không biết tiến hay lùi, cứ quẩn quanh để cuối cùng cũng cháy sáng lên.
Nắng đang trượt nhanh trên đỉnh một gò đất. Gặp một dãy hố bom đìa cản đường, nắng ngập ngừng một chút rồi vội vã lấp đầy, bình thản chạy tiếp. Nó đang tràn xuống bãi bầy hầy. Đám rau co có những ngọn mềm mại cuốn tròn như vòi voi đang uốn éo múa chèo. Nắng chạy thật vui. Nắng chạy rủ gió cùng chạy đằng sau. Gió lao xao lùa cây lá đó đây, cứ ngỡ nắng cười.
Bến nước tinh mơ chưa có bàn chân ai sục bùn nên trong vắt lững lỡ. Chứ sao, có phải lúc nào nó cũng bầy hầy đâu? Từ cái dạo một đại đội Mỹ chết ngập xác ở đây đến nay, nó thường mang sắc trời xanh nhiều hơn. Nắng đang lem lém ở trước mắt kia rồi. Linh vội vã cởϊ áσ ra: phải đón bằng chính da thịt của mình ngay từ tia nắng đầu tiên mới được. Anh mở to mắt, hồi hộp chờ...
Đây rồi! Nắng phả vào đầy mặt, đầy người cái hương vị trong sạch thơm tho. Nắng ve vuốt mơn man trên khắp các lỗ chân lông, chân tóc. Linh nhắm mắt lại. Râm ran cả người. Ơ! Tự nhiên thấy lạnh. Nắng ấm mới phải chứ? Giờ đây mình cũng muốn vương vất và cháy bùng lên như những bụi sương li ti kia! Nắng cũng có ý muốn tếu, nó dừng lại gãi gãi bằng những ngón tay vô hình lên vết thẹo dài trên bả vai Linh. Hôm qua người ta mới tháo băng, vết thẹo đang lên da non đỏ hồng, bóng láng. Chà! Chỗ ấy cứ buồn buồn nhộn nhột, các tế bào như nở bung ra. Lình đưa tay mân mê vết thẹo có vẻ ngứa ngáy muốn gãi lắm. Tóc anh bồng lên, dập dềnh bay về sau. Anh hít một hơi thật dài, hít vào cả bằng mồm lẫn mũi: trong nắng, trong gió như có vị tanh tanh của sông, vị ngọt của lúa bưng, vị ngái nồng của những luống đất mới cày...
Nắng gió đồng bằng... Linh ngả người ra sau ngây ngất...
Ba tháng trong hầm tối với vết thương nhức nhối, sớm nay mới được lên mặt đất, cảnh vật vẫn đó mà sao thấy mới lạ? Đúng ra cũng lên lén thôi. Ngồi sưởi một chút phải vào ngay, không cô y tá nhỏ bé, có cái miệng chẳng mấy khi cười, đi kiểm tra thấy thiếu lại phiền.
Bị thương vớ vẩn nhiều rồi, nhưng chưa lần nào mình phải nằm viện lâu thế này? Cái xương bả vai quái ác thật lâu lành. Dạo còn vừa hát vừa chống gậy vượt Trường Sơn, đường dài tới chán ngán, cũng có lúc tưởng tượng đến cảnh: ngày nào đó được vào viện quân y với một vết thương oanh liệt trên thân thể. Nơi ấy sẽ thật êm ả với những mái lán lợp lá trung quân, lâu ngày lên màu đỏ rói như ngói; có những con đường rừng trầm mặc lạo xạo lá đầu khô; có con suối phản ánh sắc đá đen dưới đáy, đêm ngày đùa giỡn với những bụi sim nhỏ trời tím mọng sau nhà; nơi chiều chiều thương binh ra ngồi ngắm cảnh, đọc sách, câu cá hay tâm tình điều nọ, chuyện kia... Thể nào cũng có những vị bác sĩ đạo mạo, trán cao, sử dụng con dao mổ như nghệ sĩ sử dụng ngón tay trên phím đàn dương cầm. Và chắc là không thể thiếu được bóng dáng những cô y tá, hộ lý mặc áo choàng trắng thấp thoáng giữa hai đầu lán, giữa những thân cây le, cây khộp.
Và nữa, biết đâu chả gặp lại cô bác sĩ người Hà Nội, có bắp chân sáng trắng cả đường mòn, buổi chiều ấy đã theo người yêu rẽ về một vùng đất lạ ở miền trung. Lúc ấy mình sẽ bị một vết thương vào đầu chẳng hạn (bị thương vào đầu là trông đẹp nhất) để có một vòng băng lượn chéo qua trán. Thế rồi... vết thương lành dần, có một ngày, khi rừng vàng sậm ráng chiều, cô ấy sẽ dẫn mình đi trên con đường mòn ven suối cũng trầm mặc, cũng xào xạc lá vàng khô. Khi ấy, trong một cánh rừng lạ, một thầy thuốc, một thương binh có cùng một kỷ niệm quê hương sẽ tâm sự thật nhiều về cuộc đời, cuộc chiến đấu, về lẽ sống hôm nay, ngày mai, về Hà Nội xa vời... Mình sẽ không nói gì cả, chỉ nghe thôi, nghe thật kỹ, thật lắng cái giọng Hà Nội duyên duyên như nhõng nhẽo, như hờn mát mà rồi đây, càng đi xa càng hiếm được nghe. Cũng có thể không ai nói gì hết, cùng im lặng đoán và nghe mọi âm thanh huyền bí của rừng sâu: tiếng con hoẵng nhỏ tác bên kia bàu, tiếng rừng dầu trút lá lanh tanh, tiếng trái trường1 (Trường: Giống quả vải nhưng nhỏ bằng đầu ngón tay, màu đỏ nhạt), trái cám2 (Cám: Trái bằng quả trứng, cùi trắng nhiều bột, rất nhiều ở rừng Đông Nam Bộ) rụng lác đác âm thầm, cả tiếng con sóc gù gù trên cành cao, con chồn gặm trái chín rọt rét ở đường mòn... Tóm lại, thật thơ mộng nếu có một vết thương, một viện quân y như thế.
Linh cựa mình xoay người lại. Mảng lưng ấm dần lên. Ngứa râm ran trong mềm khoan khoái tới kỳ diệu. Chà. Nắng thế mới gọi là nắng! Nắng ra nắng. Thì ra những cái tưởng như quá tầm thường, có khi tới cuối đời mới khám phá ra sự tuyệt vời của nó. Nắng lúc mỏng tang, lúc sánh lại cảm giác nếu đưa lưỡi ra, sẽ nếm ngay được các vị tê tê ngòn ngọt của nó.
Từ chiếc lán thương binh gần nhất, đã lại oang oang tiếng Bảy Hoàng. Anh chàng đã dậy và xốc mọi người dậy theo. Thật đúng là một cơn gió lốc: ầm ầm, ào ào. Không ai có thể yên lặng khi sống cạnh con người ấy được. Mọi người chắc đang chụm đầu uống trà khan. Không hiểu khói bếp hay khói thuốc rê trắng như sữa đang quẩn trên ngọn cây? Nắng chút nữa, khói bay lên, thằng cá rô nó đớp xuống thì lại không kịp xuống hầm. Anh Út Cò ngẳng đi đâu nhỉ? Lẽ ra phải nghe tiếng nói nghiêm nghị dễ sợ của anh ấy rồi mới phải?
Linh chuyển sang ngồi khuất sau một lùm cây có loại lá nửa như duỗi, lại nửa như cọ.
- Linh ơi! Tám Linh ơi! Dậy chưa! Trà chứ!
Ấy đó! Biết ngay mà. Thể nào hắn cũng gọi. Gọi không thấy, đi tìm cho coi! Kệ hắn. Ngồi thêm chút nữa đã? Buổi sáng nay chỉ muốn ngồi một mình. Không nói cười, không chuyện trò gì cả. Vết thương sắp khỏi rồi. Cái gì đang chờ đợi mình phía trước? Với cái bả vai gấy này, mình có thể nghỉ ngơi thêm chút ít... Vậy mà ngồi trước nắng gió, cặp chân đã lại ngứa ngáy, cứ muốn chạy ngay về với anh em.
Chà! Thằng, có cái giọng thật... Không muốn nghe mà nó cứ xối vào tai.
“… Hồi mới tòng quân... - Giọng nói lau láu của Bảy Hoàng đập vào tai Linh.
Cái gì mà hồi mới tòng quân?. Chuyện của anh chàng này chả bao giờ nghiêm chỉnh. Linh tủm tỉm cười.
- Hồi mới tòng quân, mình bị một mẻ tức cười quá xá, mấy ông!
- Hạ giọng một chút, anh Bảy!
- Khỏi lo! Ông thầy “Cò ngẳng, mình nhìn thấy xách bồng đi kiếm ăn rồi. Chế thêm nước vô! Gặp cái bữa đơn vị hạ được con heo lửng. Cái giống lửng này mấy ông ăn chưa? Thịt ngọt, béo hết sẩy! Mới dòm đã muốn nhậu nước miếng...
- Đâu dữ vậy? Thịt nhạt thấy mồ, nhằng nhặng.
- Vậy mà mình ăn hoài không đã thèm! Ăn rả rích cả tối. Đêm ngủ tỉnh dậy, mò xương hầm trong nồi ăn nữa! Gần sáng kiểm lại, mình đã sơ sơ nhai gọn cả một cái đùi, một mảng đầu và hai be sườn. Chưa kể mấy cái móng giò. Đâu đó mình đánh một bụng nước suối xứng đáng rồi leo lên võng. Không dám nói đóc, cuộc đời lúc ấy thật dễ thương. Mấy ông bảo ăn rau tàu bay cả tháng rồi chớ ít ỏi gì nữa? Ăn cho đã, có nứt bụng nổ cái búp, cũng ăn!
- Có ăn thêm cơm không?
- Sao không! Tròn một lít gạo. Đói lâu rồi mà!
- Cứ tạm tin như vậy đi! Một đùi, một mảng đầu, hai be sườn, bốn móng giò và lon gạo. Được, tiếp đi!
- Nhưng thế mới chết! Nằm một lúc, đang thiu thiu thì bụng réo lên như pháo bắn bầy. Rau tàu bay, thịt, nước suối đánh lộn nhau kịch liệt. Mình cuộn người trên võng vì cái bụng nó giở trò. Đau hết xiết! Ngoài trời đen đặc, mưa tí tách, mình lại không đèn, không hộp quẹt. Mình cắn răng ráng chịu. Ráng không xiết, mình bò dậy tuột khỏi võng, tay tháo dây lưng. Đá phải võng của ông tiểu đội trưởng cái bách mà ổng vẫn ngáy. Đi thật xa, thật xa chỗ này rồi hẵng... Mình hạ quyết tâm đàng hoàng như vậy rồi tay ôm quần, tay gạt chà, quýnh quýnh bước đi. Nó mà tháo ra bây giờ thì thấy ông ngoại? Dò dẫm một lúc, mình đoán chắc đã ra tới bờ suối vì nghe có tiếng nước chảy rồ rồ. Tha hồ mà xa nghen! Hú chưa chắc nghe chứ mùi mẽ thì sức mấy... Và mình thấy hoàn toàn yên tâm, ung dung ngồi xuống...
- Con nhỏ y tá kìa! Giải tán tạm đi.
- Khỏi! Cứ để cô bé tới gần đây. Mình có cách đẩy cô ta đi trong nháy mắt!
Tới đây, không cưỡng được, Linh cũng dỏng tai theo dõi câu chuyện. Giọng Bảy Hoàng tự nhiên to lên một cách giả tạo:
- Ông ạ! Ngồi bên suối mà ấy thì ngoong có hạng rồi! Mình hoàn toàn yên tâm ngồi xuống. Ngồi... xuống, đồng chí y tá dễ thương ạ!... Và chẳng tả vòng vo làm gì, mấy ông cũng biết rồi: thiệt đúng như đại liên bắn phá tung thâm: cùng... cùng... cùng...
- Như đại liên bắn phá tung thâm! Được đó, tiếp đi - Vẫn cái giọng tỉnh bơ lúc nãy.
- Chứ sao! Tràng đại liên chưa dứt thì... cha mẹ ơi! Bỗng ngay trên đầu mình có tiếng sột soạt mạnh, rồi có tiếng quát:
- Á! Á! Thằng nào ỉa ngay dưới võng tao đấy hả? Thằng nào?
- Mình cứng toàn thân! Thấy ông nội, ông ngoại rồi! Tiếng tay tiểu đội trưởng (!!!) Trời đất quỷ thần! Cắt rừng cắt rú thế nào lại lộn về đúng võng của ổng mà xổ? Ổng ngáy mà cứ nghĩ rằng suối đang chảy rồ rồ...
- Đồ quỷ! Tiếng cô y tá ré lên. Và bàn chân đạp trên cành khô, chạy đi. Chỉ còn những tiếng cười dù cố nén nhưng vẫn bật ra sảng khoái.
Linh xoa khắp mặt, khắp người và cảm giác từ khắp các lỗ chân lông, khói đang bốc lên. Thằng cha vẫn đóc tổ ghê người! Mọi chuyện anh ta kể, ai cũng biết rõ là thật trăm phần trăm, nhưng nghe cứ như là chuyện bịa. Vì thế mà càng khoái nghe. Đã tiểu đoàn phó rồi kia đấy Nhanh thật! Mà cũng phải. Cái kiểu đánh giặc dữ dội như anh ấy mấy ai theo kịp. Cũng may nhờ có sức vóc bò tót chứ không cặp giò bầy nhầy miếng cối của anh đã được bác sĩ tháo khớp rồi.
Cái kiểu ăn nói bạo mồm như Bảy Hoàng, các cô ngấm nguýt dữ tợn. ấy vậy mà chiều nào, cơm nước xong cũng lén rủ nhau tới nghe chuyện như đi nghe nghệ sĩ ca sáu câu vọng cô.
Cái viện quân y này thật khác xa với ý tưởng của mình. Những con đường cỏ tranh gai góc đầy mìn trái thay cho con đường rừng trầm mặc lạo xạo lá dầu khô. Tiếng suối chảy sau lán mang sắc đá đen được thay thế bằng bãi sình trước mặt dày đặc hố bom và những trái pháo nổ bất tử cả đêm ngày. Thiếu cả những tà áo choàng trắng thấp thoáng giữa hai đầu lán. Các cô y tá, hộ lý ở đây chạy ăn cho thương binh từng bữa với tấm áo màu xanh, với ống quần xắn cao, với khuôn mặt lúc nào cũng bận rộn và nước da xanh mét như tắm dưới trăng - ngay cả trong khi phẫu thuật hay trong lúc đánh càn. Thằng địch đổ quân và nống ra cụm rừng này như cơm bữa. Cần thiết, cả người phục vụ lẫn thương binh thoắt trở thành những tay súng thực thụ. Ở đây toàn là tiếng động nóng nảy của chiến tranh chứ tìm đâu ra những âm thanh tinh tế của rừng. Hay thật! Ở cái trạm xá này, người ta mổ trên sạp tầm vông, mổ dưới ánh đèn pin, mổ trong hầm giữa bốn bề vách đất, có những con tôm rừng mải miết búng giò, mổ giữa các loạt bom loạt pháo và mổ cả trong khi mũ sắt bộ binh của chúng đang lấp ló ở cửa rừng... Có những ca mổ chưa xong đã phải ém xuống hầm mật chỉ có mấy lỗ thông hơi mỏng manh hàng tuần lễ để tránh một cuộc càn tận diệt.
Thế đó! Vậy mới biết: mỗi bước đi là mỗi khám phá mới lạ Khi vào chiến trường, Linh vẫn chắc mẩm vào trong ấy sẽ được sống giữa lòng dân. Mỗi chiều xuất trận, quân đi soi bóng những dòng kênh, có những bà má, em út mang trái cây, quà bánh ra tận đầu thôn đưa tiễn. Và khi trở về, vẫn là những mái đầu bạc phơ và những con mắt long lanh đón đợi, mong chờ. Đâu đó, hàng dừa nước nghiêng nghiêng trong điệu hò Nam Bộ mượt mà... Chả thấy đâu cả. Tiếng là đã đi hết phân nửa chiều dài đất nước, đặt chân lên địa ranh hàng chục tỉnh xa gần, nhưng đâu đâu cũng chỉ là rừng, nên vẫn coi như chưa đi tới đâu, vẫn quẩn quanh một chỗ. Sáng dò bản đồ mới biết mình đã xuống sâu hơn. Đêm nhìn quầng sáng điện hắt lên trời mới vỡ ra rằng: Phước Long kia phải không? Bình Dương gần quá nhỉ? Và... Sài Gòn đó, chỉ một cánh chim bay!...
- Tám Linh ơi, Tám Linh! Bò ra uống bậy chén trà nè! Có cả “cái cầm tay đây! Đường thẻ đàng hoàng. Ra kể chuyện Thủ đô nghe chơi! - Giọng Bảy Hoàng vẫn không giảm ồn ào đi chút nào.
Linh lưỡng lự mặc áo rồi đứng dậy. Phải đấy! Vào tán chuyện một lúc cho đầu óc thảnh thơi, vui vẻ...
Đúng lúc đó, Linh nhìn thấy một người đang lom khom dưới sình, đầu cúi trên đám rau cỏ xanh ngắt. Người ấy, đầu chít khăn rằn rộng bản, mình vận cái áo sĩ quan Mỹ bốn túi rộng thùng thình, nhưng phía dưới lại mặc cái quần bà ba đen xắn cao để lộ đôi cẳng chân thật dài, trắng nhợt. Anh ta đang mải miết hái từng ngọn rau bỏ vào cái bao cát Mỹ vắt trên vai. Lại ông Út Cò ngẳng kia chứ không sai? Tự nhiên Linh thấy ấm áp trong lòng. Anh thận trọng gần xuống bến.
- Đi đâu thế kia? - Người ấy ngẩng lên hỏi, vẻ không bằng lòng.
- Cho tôi xuống hái phụ với, anh Út!
- Khỏi! Không cần. Lên đi! Vào lán nằm! - Giọng anh toát lên vẻ nghiêm nghị hơi có chút gia trưởng.
- Tôi sưởi nắng chút xíu thôi mà!
- Sưởi nắng à? Y kiến nghe ra lý thú đó! Nhưng mà, lên!
Linh miễn cưỡng trở về chỗ cũ, cố tình lừng khừng. Lát sau, anh Út cũng lên theo, vừa đi vừa hắng giọng có vẻ phiền muộn. Nhìn cái dáng đi lêu đêu vừa lật bật vừa khoan thai của anh, Linh bát cười khen cho ai đó đặt cái tên Cò ngẳng sao khéo thế! Nhưng cũng có người nói, sở dĩ có cái tên đó là do anh bẫy cò rất độc. Mấy ông già xưa nay sống bằng nghề dăng chim bẫy thú cũng phải xách rượu ra tìm anh học nghề...
Anh ngồi xuống, vấn thuốc, mắt nheo nheo nhìn thẳng vào Linh:
- Nào! Trong đầu cậu lúc này đang có cái gì nào? - Anh thường bất chợt buông ra những câu hỏi thẳng căng như vậy.
- Anh hái làm gì nhiều rau thế?
- Hồi này đỡ lắm rồi. Rau co ngắt về luộc ăn chơi. Trước kia nó là lương thực chính nuôi thương binh đó.
Cái thẹo nó ngứa hả? Triệu chứng tốt. Nhưng đầu óc sao? Cũng ngứa hay là thế nào?
Linh cũng với tay quấn một điếu thuốc tránh ánh mắt sắc sảo của anh. Ông ấy đúng là có biệt tài trong cách nhìn nhận con bệnh của từng người. Nhìn hai bàn tay có những ngón to sù, ám khói, gân nổi chằng chịt kia, ai nghĩ rằng đó là bàn tay của bác sĩ cả miến đông này đều biết tiếng. Thú thực, ngày đầu gặp con người có khuôn mặt vuông chữ điền, cặp chân mày rậm, ăn vận có phần hơi kỳ quái, Linh cứ tưởng đó là một tay giữ kho thuốc hay quản lý, tính tình siêng năng, có tài bẫy cò kiếm chất tươi cho trạm xá. Nếu không trực tiếp nhìn thấy anh uy nghi thế nào bên bàn mổ thì khó có thề tin được những lời người ta đồn đại về anh.
Trong những trận đánh dữ dội, chiến sĩ bảo nhau:
- Xông đại lên đi! Đừng ngán! Việc gì đã có ông Út Cò ngẳng ổng lo!
- Bể đầu thủng bụng mà nhìn thấy ông ấy là khỏi năm mươi phần trăm rồi!
- Chỉ sợ chết giữa đường, chứ về tới phẫu Út Cò ngẳng, dòm sơ thấy bàn tay ổng là coi như yên tâm...
Có đồng chí cán bộ chính trị, sau một trận đánh, có gửi lời nhắn lên anh Út:
- Trận rồi sở dĩ thắng chưa hẳn là do công tác tư tưởng đâu. Có lẽ bộ đội của tôi nó hướng nhiều về anh. Tôi ghen với anh đó anh Út ạ!... .
Vậy thôi. Còn nếu chưa có thương binh chuyển về, anh lại y hệt một người anh cần cù, lủi thủi xách bồng, xách dao đi lo cho bữa ăn của thương bệnh binh.
Ngay từ buổi đầu xem bệnh án, anh đã nhìn Linh chăm chú, gật gù hồi lâu:
- Vậy tôi với ông là đồng hương. Cứ yên trí!
Thì ra anh là dân tập kết, lấy vợ Hà Nội. Chị ấy cũng là bác sĩ - bác sĩ sản khoa. Anh để vợ và đứa con ở lại ngoài đó, vào đây đã hơn chục năm rồi.
Đối với Linh, anh có tỏ ra chăm chút đặc biệt hơn. Anh thường mang võng xuống hầm Linh nằm tâm sự. Ai dè con người nom bề ngoài tưởng chỉ biết công việc, công việc và công việc ấy, lại cũng cởi mở, cũng lắm tâm sự đến thế! Ban ngày, hầu như không ai thấy anh nói một lời ngoài những chỉ thị và những câu nhắc nhở hết sức nghiêm khắc. Nhưng đêm xuống, khi chỉ còn hai người, anh nói dài, nói nhiều về những khó khăn ngày dầu, cả những bế tắc dao động mà đã có lúc anh vấp phải. Cái gì đã giúp anh tồn tại ở đây, giữa dải rừng chồi quanh năm bom đạn này? Anh nhắc khá nhiều tới vợ và đứa con gái ở hậu phương xa xôi. Lúc ấy giọng anh lắng lạl, cặp lông mày rậm giãn ra, trông thật phúc hậu. Anh còn cả quyết rằng: đã đi nhiều nơi, đã thấy nhiều người, nhưng con gái Hà Nội vẫn đẹp nhất, vẫn là “số dách.
Linh có vẻ không quan tâm lắm tới lời bình phẩm ấy, nhưng trong lòng anh cứ xao động một chút tự hào, hãnh diện. Chắc chị Út cũng đẹp lắm? Anh Út không trả lời, hí húi moi thùng đại liên chôn ở góc hầm, lấy ảnh vợ con cho Linh xem. Lúc ấy, dáng hình người phụ nữ Thủ đô có khuôn mặt thanh thoát, thông minh và đứa bé gái với đôi lông mày cũng xếch lên bướng bỉnh càng làm hai người thấy gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Một khoảng dài im ắng sau đó, mỗi người đều đắm chìm trong những kỷ niệm thầm kín riêng tư...
Hương ơi! Giờ này em ở đâu? Em đang làm gì? Chúng ta xa nhau lâu quá rồi phải không? Đáng lẽ anh không nên buộc em phải đợi chờ. Đêm nay anh đang nằm đây, ở một vùng ven đô và nhớ đến em...
Anh Út rút điếu thuốc lá Mỹ đầu lọc đã quăn queo trong túi áo đưa cho Linh:
- Vài bữa nữa cậu đã từ giã cái nơi buồn tẻ này rồi đấy nhỉ! Lẹ thiệt! Nè! Ra viện, đối với người này là điều mong muốn, nhưng đối với người kia có khi lại hết sức nặng nề. Hơn chục năm làm cái nghề vá víu cưa xẻ, mình đoán chắc: ngày tháo băng, ngày lên khỏi hầm tối, buổi sưởi nắng ban đầu sẽ quan trọng ra dáng!
Như bất ngờ bị điểm nhẹ vào huyệt, Linh thoảng bối rối. Anh ấy lại sắp gây sự đây! Miệng lưỡi thầy thuốc gì mà sắc thế? Trong câu chuyện, hai người lúc nào cũng to tiếng tranh luận, có khi còn nổi nóng nữa. Và bao giờ Linh cũng là người nóng gáy trước và hụt hơi trước. Có lẽ chính vì vậy mà họ càng thân nhau. Họ nắm bắt ý nghĩ của nhau rất nhạy và không ngần ngại giải tỏa, phanh phủi mọi luồng tư tưởng phức tạp của mình. Cách nói nửa trịch thượng, nửa dí dỏm của anh Út khiến Linh luôn luôn bị bất ngờ. Họ hiểu nhau. Nghe nhau.
- Mình rất khoái câu nói của cậu tối qua, Linh ạ! Kẻ nào bảo người lính là những con vật thụ động, chỉ biết đặt cây súng vào tay là lao lên chém gϊếŧ một cách vô tri giác? Đớ là một sự xúc phạm ghê gớm đến lương tâm của người cầm súng. Coi chừng nó lại phụ họa không công cho những cái loa tâm lý chiến ở Sài Gòn. Chúng nó cho rằng binh sĩ Cộng sản khi ra trận được chích một thứ thuốc kí©ɧ ŧɧí©ɧ cực mạnh... Nhưng cậu hãy nói thật chắc mình nghe khi súng đã lên đạn, khi thằng địch đã cà thụt cà ló ngay trước mũi cậu, lúc đó cậu đã suy nghĩ những gì?
- Nhưng tại sao anh lại nói ra những điều này vời tôi? Anh biết tôi đang nghĩ gì nào?
- Nghĩ gì thây kệ cậu. Mà đừng có động một chút là gân cổ lên như thế! Thử trả lời chút coi!
- Nhường anh!
- Thế thì mình sẽ im lặng.
- Anh hay dài dòng quá!
- Vì, anh bạn trẻ hay suy nghĩ ạ! Vì vết thương của cậu đã kéo da non, vì tuổi chiến trường của mình gấp đôi tuổi cậu, vì mình đã chứng kiến thằng Mỹ vào và thằng Mỹ rút, và cũng vì đã có lúc mình quăng tất cả, tính xuống ở lại thành phố để rồi bây giờ vẫn ngồi ở đây...
- Anh Út! Tôi là thương binh thứ bao nhiêu của anh rồi!
- Đổ đồng một trên một ngày. Một năm bao nhiêu ngày? Chục năm rồi. Cứ thế nhân lên.
- Người thứ ba ngàn. Nhưng chắc không phải người cuối cùng.
- Hả? Cậu nói cái gì?
- Anh Út! Tôi cũng muốn hỏi thật anh một điều này! Đã có lúc nào anh nghi ngờ ở thắng lợi cuối cùng không? Liệu cuộc chiến này sẽ kéo dài đến bao giờ?...
- Khoan! Cậu lại đi xa rồi! Nè, nếu anh chàng nào trước khi ra viện cũng sanh tật nhìn ngó trước sau như cậu thì bắt buộc mình phải hối tiếc: giá lúc mổ, tăng kha khá liều lượng gây mê lên cho hắn nhỉ...
- Anh là một bác sĩ độc ác quá đấy, anh Út ạ! Tôi muốn anh trả lời thẳng câu hỏi của tôi kia mà?
- Khoan! Tin hay không chứ gì? Được rồi! Lại đây - Anh gọi to Bảy Hoàng đang lấp ló ở bìa trảng khều tay gọi Linh - Lại đây! Làm gì mà như đi ăn trộm thế? Bảy Hoàng len lét, khập khiễng đi ra.
- Cậu tin chớ?
Tưởng bị quở trách tội vi phạm quy định, nghe hỏi vậy, Bảy Hoàng tươi hẳn lên, trả lời rõ to:
- Tin!
- Cái gì? Tin cái gì?
- Tin... Tối nay có thịt cò nhậu là cái chắc!
- Vào! Đi vào lán nằm! Ai cho anh ra đây? Muốn bị tháo khớp hả?
- Anh Út đột ngột gắt lên.
- Dạ, đâu có! - Hoàng tiu nghỉu quay cái lưng như tấm phản lại, lùi lùi đi vào.
- Đứng lại đã! - Anh Út mò mẫm rút điếu thuốc lá đầu lọc thứ hai đưa cho Bảy Hoàng - Cậu có tin tình hình cứ lai rai hoài thế này không?
Bảy Hoàng trợn mắt, nhìn anh Út:
- Lai rai là thế nào? Đánh tới số đi chứ lại!
- Tại sao?
- Tại... Tại... - Hoàng nhăn hết trán lại - Chả tại sao cả. Cứ có lệnh là đánh chết bỏ! Sáng về làm bậy xị rượu, quăng mình lên võng đánh một giấc. Tối có lệnh đánh nữa. Đánh tới số. Chẳng dòng do Tam quốc gì hết trọi!
Nghe Hoàng nói hùng hổ, anh Út có vẻ khoái lắm. Anh bỗng hạ giọng ngọt hin:
- Thế bây giờ Bảy Hoàng vào lán nằm đi nhá! Tối có cò, tôi nấu cháo cho mà ăn, nghen!
Cái anh chàng to lớn, mồm mép thía lia ấy chợt trở nên bé bỏng hiền lành trước ông bác sĩ cao lêu đêu. Anh ngoan ngoãn đi vào.
Út “Cò ngẳng chờ Hoàng vào khuất mới quay sang Linh:
- Đến mình trả lời nhé! Mình tin. Nhìn vào mắt những thương binh như cậu ấy là mình tin.
- Tôi lại đang nghĩ điều này: ở đây người ta coi anh như một thứ thần tượng của rừng xanh. Người ta ngán anh như ngán B.52.
- Bậy bạ nào! Cậu chỉ hay lãng mạn! - Anh đằm giọng lại, trong con mắt không còn vẻ hóm hỉnh, ranh ma nữa - Linh này, đã có bao giờ cậu lắng nghe thật kỹ tiếng B.52 chưa? Chưa à? Có điều là phải dám nghe.
Đừng vội bịt tai lại. Phải có cách nghe nữa. Cách nghe của một thằng bác sĩ như mình là phải nhìn thấu suốt vào con mắt của thương bệnh bình. Như thằng cha Bảy Hoàng đó...
- Mắt tôi sao, anh nói tôi nghe thử?
Anh Út hắng giọng nghiêm nghị như định nói một điều gì tâm đắc lắm. Chợt anh reo lên:
- A! Đây nè! Cậu có trông thấy cái cô bé mảnh khảnh kia không? Một cô bé giao liên của tỉnh ủy.
Linh nhìn theo hướng tay anh chỉ. Cô gái ấy đội nón tai bèo mâu nâu nhạt, dáng dong dỏng, khẩu cạc-bin đeo trẹo một bên vai, đang thoăn thoắt vượt qua bến bầy hấy, nước tung tóe vọt qua cả đầu, rơi xuống như những hạt trân châu.
- Mới bỏ ấp vào cứ được mấy bữa, một chiều bỗng con nhỏ biến mất. Trăm phần trăm chiêu hồi rồi! Cả trạm giao liên cuống cuồng chuyển cứ , phòng sớm bị đánh điểm. Nửa đêm, con nhỏ bất chợt trở về, ướt như chuột lột, người run lập cập. Hỏi đi đâu? Cậu biết nó trả lời sao không? Con nhớ má quá! Con tính ghé thăm nhà một đêm, sớm mai lại có mặt đi chuyến. Nhưng... ngồi ngoài bụi chuối một lúc lại lộn về. Vào nhà sợ má giữ, không cho đi nữa... .
Tội nghiệp thế đó. Vậy mà cách đây ít bữa, đi thư gặp kích, gặp mìn, một mình con bé đã loay hoay tháo nắp hơn chục trái clây-mo, nhét kíp nổ chậm M.18 vào, rồi để nguyên như cũ. Sáng ra, bọn lính kéo ra lượm trái, hí hửng vì qua một đêm yên tĩnh, chẳng có một bóng Việt Cộng nào lọt qua phòng tuyến cả. Trên đường về cậu ạ mìn cứ thay nhau nổ trên lưng chúng như bị sét đánh. Trái nổ tới tận sân đồn. Bọn chúng cứ ngớ ra, không hiểu gì hết. Hai trung đội mất xác giữa ban ngày, ngay trong vòng gai!!!
Cô gái ngẩng đầu lên, nhìn thấy hai người, đưa tay vẫy vẫy:
- Mạnh giỏi, chú Út? Đêm nay chú có khách bà con lên thăm, chú biết chưa?
- Cảm ơn cháu! Đi cẩn thận nghen! - Anh Út cũng đưa tay vẫy lại miệng cười hiền hậu. Bóng cô gái khuất nhanh sau một rặng điều. Anh quay lại:
- Con người như vậy đó! Nhưng có ai dám chắc rằng ngày mai ngày mốt... cô ta lại không dao động?
- Anh muốn ám chỉ tôi?
- Tùy cậu hiểu.
- Anh lớn tuổi, anh cứ nói huỵch toẹt ra!
- Rốt cuộc, điều mình muốn nói là: với cái xương gãy nơi bả vai, cậu có thể giã từ công việc đánh đá kiểu đặc công nặng nhọc quá sức này! Một cơ quan tham mưu hay tuyên huấn gì đó chắc không chê cậu đâu. Cậu có năng lực...
- Anh khuyên tôi? - Linh như bị nắng soi vào gáy.
- Mình có thể chứng thực cho cậu.
- Với danh nghĩa bác sĩ trạm xá trưởng?
- Cậu hơi tò mò đấy.
- Anh trêu tôi?
Út Cò ngẳng nghiêm trang lắc đầu, Linh đã bắt đầu đỏ mặt:
- À! Hóa ra từ nấy tới giờ anh nói rồng nói phượng, cuối cùng cũng chỉ để... Anh Út ạ? Tôi về đơn vị tiếp tục cầm súng hay lui lại phía sau là do trên. Không phải quyền của tôi, càng không phải quyền của anh - Linh cao giọng và thấy căm ghét Út Cò ngẳng thực sự.
Anh Út quay đi, cười rất hóm:
- Này, chả ai lại đi quát tháo với người vừa nối liến được cho mình cái xương vai bao giờ? Nhất là người ấy lại là đồng hương.
- Nhưng tôi có cần đâu sự chú ý đặc biệt kiểu đồng hương đồng khói đó!
Linh nói mà nghĩ tới những ngày u uất bên bờ sông Bé với mấy vạt sắn bẻ ngọn.
Út Cò ngẳng đứng thẳng lên, quai hàm bạnh ra:
- Nói gọn gọn lại! Tóm lại, ý cậu thế nào?
Linh cũng đứng lên, vai nghênh nghênh như chú gà trống sắp nhảy vào cuộc chọi:
- Thế anh thế nào? Anh sáng suốt chỉ bảo tôi đi!
- Cậu nhỏ tuổi, tớ nhường cậu nói trước. Linh bước lên sát Út “Cò ngẳng:
- Anh đừng xúc phạm tôi. Tôi vào đây không phải chỉ vì một vết xước mà lùi lại phía sau bảo mạng!
- Ngoong - Út Cò ngẳng vỗ hai tay vào nhau, mặt lộ vẻ cực kỳ khoái trá - Mình tìm thấy rồi đó!
- Anh tìm thấy cái gì?
- Thấy cái này: Nhìn cậu bây giờ, mình chợt nảy ra ý nghĩ: Hay là gả con gái cho nó nhỉ? . Năm nay con bé vào đại học rồi. Mười bảy, mười tám chứ ít ỏi gì nữa? Giống mẹ như tạc!
- Anh lắm chuyện quá!
- Đồ trẻ nít! Hạ bớt mắt xuống đi. Mình có phải cái hầm tấn bao cát mà cậu định tọng thủ pháo vào đâu. Linh ạ! Mình hoàn toàn không có ý trêu chọc cậu. Mà cậu cũng ghê gớm lắm, có phải là người dễ để người ta trêu chọc đâu. Lúc nãy ở dưới mình, nhìn thấy dáng ngồi và cặp mắt tư lự của cậu, mình thoáng có ý nghĩ phải đặt cho cậu một tình huống: tiến hay lùi. Để cậu cân nhắc. Nếu cậu lùi, mình sẽ mất một thằng bạn. Còn bây giơ, mình đã tìm thấy rồi!
- Lần sau anh đừng đánh đòn cân não tôi nữa nhé! - Linh bập bập điếu đầu lọc, giấu vẻ xúc động.
- Và cậu cũng đừng nổi nóng kiểu trèo me, trèo sấu Hà Nội nữa, nghen! Tôi có thể lại trong tích tắc làm cái xương của cậu rời nhau ra được đấy!
- Anh Út ạ! Tồi sẽ thực sự coi anh là một tay tán láo nếu hôm rồi không chính mắt nhìn thấy anh xoay trần ra chỉ huy đánh cân, xông xáo hếu lĩnh như một người lính có sỏi trong đầu. Có lẽ anh chọn nghề sai: đúng ra anh phải giữ một chân chủ nhiệm chính trị cấp trung đoàn hay lữ đoàn gì đó mới thích hợp!
- Mình không thích ăn của ngọt đâu, chú Hai ạ!
Bỗng chốc cả hai thấy hết chuyện nói với nhau, đều quay đi có vẻ bận rộn với công việc riêng của mình.
Anh Út, vẫn cái hắng giọng nghiêm trang, hất bao rau co lên vai, nhắc nhở: đi!
- Thôi! Sưởi nắng vừa thôi, khéo lại say. Tới giờ chích thuốc vào.
- Anh còn đi đâu nữa? Sắp tời giờ nó pháo rồi!
- Tối nay con nhỏ cháu ở dưới xã nhắn qua giao liên sẽ ghé chơi đây. Đi kiếm ít cá lóc nấu bậy bát cháo đãi nó. Khi nào gọi, dậy nghen!
Anh chít khăn lên đầu, cặp chân dài bước lêu đêu xuống mé suối. Lúc ấy khoảng mười giờ đêm. Đã hết chập pháo cực nhanh thứ nhất. Bàn trà Bảy Hoàng cũng dẹp rồi. Chỉ còn lắt lay ánh đèn dầu của cô y tá trực ở góc lán phía xa.
Linh nằm dưới hầm, duỗi dài trên võng. Từ chiếc ra-di-ô ba pin đang ngân nga một giọng con gái ngâm thơ. Giữa rừng khuya, tiếng thơ, tiếng nhạc nghe nổi gai cả người... Tiếng thơ buổi mười giờ! Thế là lại một chủ nhật nửa trôi qua. Không biết mấy trăm chủ nhật đến với mình trong chiến trường rồi nhỉ? Xem nào: một tháng bốn chủ nhật. Mười hai tháng, bốn mươi tám tuần. Mình đã vào đây một năm, hai năm... Ồ! Mà thôi! Đã lâu lắm không còn khái niệm gì về thời gian. Đánh giặc đâu có nghỉ ngày chủ nhật. Chỉ nhận ra nó khi nào bất chợt gặp trên đài một buổi ngâm thơ, một chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả hay một tối sân khấu truyền thanh...
Ngoài ấy biết xuân về vì có mưa dầm. Trong này, hai mùa mưa, khô dằng dặc, chả biết Tết đến lúc nào. Mỗi mùa mưa tới lại đánh dấu thêm một tuổi quân. Điểm lại coi: Tết sáu bảy, ăn thịt voi ở Trường Sơn; Tết sáu tám hăm hở bước vào tổng tiến công. Tết bảy mươi, bảy mốt vượt sông, ém hầm, ăn gạo rang đội B.52 suốt ba ngày. Đêm giao thừa vừa rồi, ở trần, bôi nhọ, bò vào đồn địch, mũi cứ ngợp lên mùi bánh tét, mùi mứt thèo lèo, mùi khói nhang, mùi pháo từ những mái nhà trong ấp tỏa ra... Tết? Ngay cả tết cũng chỉ nằm trong khái niệm. Không có nó cũng chả sao. Nói vậy chứ nhiều khi nhớ cồn cào một chiếc bánh chưng vuông vức, khi kéo dây lạt lên, những sợi thịt màu trắng, màu nâu dính lên theo...
Đã hết tiếng thơ rồi! Linh quờ tay định tắt đài. Bỗng những ngón tay anh dừng lại. Từ trong ấy, một giọng nói phát ra:
… Đây là buổi phát thanh Phụ nữ. Mời các bạn và các đồng chí nghe phát biểu của chị Thu Hương, cán bộ giảng dạy của trường Đại học tổng hợp Văn. Theo đề nghị của... .
Ngón tay Linh tê cứng, run run trên cái núm công tắc nhỏ xíu. Trong một thoáng, anh như ù tai không nghe thấy gì cả. Anh muốn tắc thở.
… Công việc nhà trường thật là nhiều và quá sức đối với tôi. Nhất là trong hoàn cảnh sơ tán...
Kìa! Sao thế này? Linh ngồi nhỏm dậy, ngón tay anh đã vô tình vặn ngược công-tắc. Anh hấp tấp vặn trở lại, vặn to hết cỡ và áp vào sát tai.
“… Chúng tôi đã có một cháu nhỏ. Anh ấy công tác ở xa. Làm thế nào đảm bảo tất chương trình giảng dạy đây? Được sự…”
Một lần nữa tai anh ù lên. Cùng lúc, một chập pháo nện thình thình trên mặt đất, phá đứt mọi âm thanh. Linh xoay ngược xoay xuôi chiếc đài, tìm làn sóng nhưng vô hiệu. Anh cáu tiết tắt mạnh đài, đặt mình nằm xuống. Chắc gì đã phải? Trên đời thiếu gì người trùng họ trùng tên. Chuyện tầm phào! Ngủ đi! Nhưng biết đâu... Linh lại nhỏm dậy bật công-tắc. Buổi phát thanh Phụ nữ vừa dứt. Đài đang thông báo bản tin cuối cùng. Chính lúc hết hy vọng nghe được nữa, Linh lại tin đó đúng là giọng cô ấy: giọng Thu Hương...
Thu Hương! Cái tên gọi thân yêu đó còn vang mãi bên tai anh những âm điệu ngọt ngào. Cô ấy đã trở thành cản bộ giảng dạy rồi cơ à? Nhanh thật! Vậy mà trong tâm tưởng, mình vẫn nghĩ cô ấy vẫn còn là cô học sinh bé bỏng năm xưa. Ôi! Giá mà Thu Hương biết được rằng: ở một nơi cách xa Hà Nội, người yêu của mình, với một vết thương vừa tháo băng, đã nghe gần trọn tiếng nói ấy... Mới lúc nãy, hậu phương còn là một cái gì quá xa xôi, bây giờ, chỉ cần qua vài tiếng nói của em, anh thấy nó lại rõ ràng, cụ thể như có thể nắm bắt được...
Linh bâng khuâng nằm xuống. Lưng chưa đặt võng, anh lại thả chân ngồi dậy. Khoan! Còn cái gì nữa? Nghe mang in áng câu được câu chăng... ... Trường sơ tán... cháu nhỏ... anh ấy công tác ở xa... . Cháu nào thế? Anh ấy nào thế? Linh cứng người. Anh lại như chiếc bóng im phăng phắc trong hầm tối. Một lát sau, tự nhiên Linh cười vẩn vơ. Thế là Thu Hương đã lấy chồng! Tốt thôi. Cháu nhỏ? Tốt thôi... Anh ấy anh à tôi! Tốt thôi... Tốt thôi...!.
Trường đại học Tổng hợp, khu nội trú, những năm xa xưa... Phòng Linh ngay dưới phòng Hương. Hai cái bàn cố ý kê gần cửa sổ, hai ngọn đèn cùng bật cùng tắt những tối học bài hắt hai cái bóng xuống sân cỏ, kề sát nhau. Cái sân ấy chạy dài tới một khu hồ nhỏ. Xa nữa, rặng phi lao vi vυ't suốt năm tháng học trò... Có một bận họ giận nhau tới nửa tháng chỉ vì Lình tinh nghịch treo ngọn đèn vào giữa phòng: bóng anh không vượt được ra ngoài cửa sổ. Suốt buổi tối cái bóng kia bồn chồn đứng lên ngồi xuống không tài nào học nổi. Sáng hôm sau, cả buổi lên giảng đường Hương không thèm ngoái lại nhìn Linh lấy một lần. Và tối hôm đó cô gái cũng dời ngọn đèn vào giữa phòng.
“Mai này trở về anh có què cụt chân tay, em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời.
Thật oái ăm khi mình cứ ấp ủ mãi câu nói này. Sau này, khi có dịp ngẫm lại, Linh thấy tâm trạng mình lúc đó thật lạ lùng. Không buồn, không có những day dứt dằn vặt đau đớn trước sự mất mát, đổ vỡ như anh vẫn thường tưởng tượng trước đây. Còn thấy nhẹ nhõm là đằng khác. Những ngày tới đây càng đỡ bận lòng. Chuyện ấy phỏng có ích gì trong lúc này, khi đầu óc luôn luôn căng thẳng đối phó, giành giật từng cái sống, cái chết... Song đôi lúc anh lại cảm thấy trống trải, bâng khuâng. Một thứ buồn dìu dịu. Vậy là mình cũng đã nếm trải đủ mùi vị cuộc đời: tán bàng giữa sân trường, ánh đèn sân khấu, tình yêu, những ngày hành quân chiến đấu gian khổ, đói khát... Nay thêm cả hương vị là lạ của sự thất tình. Phải chăng đó cũng là một sự mất mát? Mất tuổi trẻ, mất tình yêu... Tuổi trẻ của Linh đã dành cho mảnh đất này, đã gắn bó với mảnh đất này. Hôm nay, ngày mai, anh có thể mất đi một vài chi tiết trên thân thể, thậm chí có thể mất mạng nữa. Đã lao vào cuộc là phải có gan chịu mất mát. Nhưng nếu có kẻ nào, ngay bây giờ, bắt anh phải đánh đồi cuộc sống này... Đừng hòng Linh nắm chặt bàn tay trong bóng tối. Và anh ngủ thϊếp đi.
Chừng nửa đêm, có một vật gì động nhẹ vào dây võng làm Linh choàng dậy. Anh lanh lẹ đẩy võng áp sát vách hầm, tay nắm nhanh khẩu súng xỉa ra cửa. Thám báo mò vào chăng? Không. Khuôn sáng cửa hầm vẫn vuông vức. Anh từ từ thả võng về chỗ cũ, ngả lưng nằm xuống, nhưng lòng vẫn chưa thật yên tâm. Ngọn đèn vẫn cháy lay lắt ở góc lầm. Xung quanh thật im ắng. Pháo nổ cầm canh bên kia sông, xa lắm, nghe như tiếng chày giã gạo đêm. Vậy mà... Linh tính của người trinh sát đang bật tín hiệu... Thôi chết Đây rồi! Cái đài lúc nãy ngủ quên chưa tắt, điện vẫn đang sôi rè rè cờ mà. Ai tắt nó? Linh chột dạ. Bỗng anh nhủn người nhìn lên, một đôi mắt đang long lanh nhìn anh. Linh chớp mắt, cái nhìn vẫn chăm chắm. Anh định bật người ngồi dậy nhưng một bàn tay mềm mại ấn anh nằm xuống và một giọng nói thật êm cất lên:
- Anh ngủ quên tắt đài...
Linh mở to mắt: một cô gái hiện ra trước mắt anh, trên bục để bồng, hai tay thu thu trên gối trong dáng ngồi e lệ. Khuôn mặt quen lắm. Linh không tin. Anh ngồi hẳn dậy. Cặp mắt thăm thẳm vẫn còn đó? Bốn mắt nhìn nhau im lặng. Nhịp thở cô gái nhanh dần lên. Có tiếng con dúi nghiến ken két ở gốc tầm vông đâu đây...
- Thúy tới bao giờ thế? - Phải một lúc lâu Linh mới hỏi được.
- Tôi... Tôi đi công tác ghé qua... Anh đỡ chưa, anh Tám?
- Cảm ơn Thúy. Đi công tác khuya khoắt thế này... Thúy có mệt không?
- Chú Út kêu anh dậy ăn cháo!
- Thúy là cháu của anh Út sao?
- Dạ... Linh vặn to ngọn đèn chai. Thúy hơi cúi mặt xuống như tránh ánh sáng. Mấy ngón tay vuốt nhẹ lọn tóc xuống má.
- Ở dưới ấy vẫn căng thẳng lắm phải không. Thúy?
- Anh Tám có ngủ được không?
- Ăn ngủ tốt, Thúy à! Sắp ra viện được rồi!
- Chú Út nói anh còn cần kiểm tra lại. Dòm anh còn yếu lắm!
- Thúy à...!
- Dạ...
Linh rùng mình. Tiếng dạ nghe lắng người. Thúy vẫn ngồi đó, đang nhìn, đang nói với mình. Nhớ đêm văn nghệ hôm nào, hơi thở Thúy nóng ran và tiếng thở dài sau lưng... Linh nong nóng mặt.
Giọng Thúy bỗng vui hẳn lên:
- Mấy anh ở xã gửi đồ cho anh đây nè! Chút xíu thôi... - Cô cởi nút chiếc khăn rằn lấy ra nửa cây Cotab, hai hộp sữa, bịch đường, gói cà phê... - Chúng nó khám xét ngặt quá, bà con không mang ra được nhiều. Anh xài đỡ.
Linh quay đi không nhìn vào gói đồ. Một ánh sao từ miệng hầm chiếu thẳng vào mắt anh.
- Cái này nữa! - Thúy đặt vào võng anh chiếc đài “National xinh xắn, cái bao da màu hồng quân còn thơm nồng - Để anh nghe cho đỡ buồn.
- Thúy...!
- Dạ...
Cả hai bỗng im bặt, có vẻ ngượng với chính tiếng nói của mình.
- Anh Tám...!
- Gì Thúy!
- Lên ăn cháo đi kẻo chú Út rầy.
- Tôi không đói. Thúy lên ăn với chú... à, với anh Út đi!
- Thôi, kệ cho chú ăn một mình. Thúy cũng không đói.
Thúy không xưng tôi từ lúc nào nhỉ? Bất giác Linh nhận xét thầm.
- Bao giờ Thúy đi?
- Sắp sáng rồi! - Thúy quay đi rinh chộp một chú chôm chôm đang ngoáy tít cặp râu ở kẽ hầm.
- Thúy đi ngay sáng mai à?
Cô gái bạo dạn ngước nhìn anh:
- Anh muốn Thúy đi ngay sao?
- Không! Tôi nghĩ Thúy rất bận.
Cô gái chăm chú nhìn con chôm chôm đang ngọ nguậy trong lòng bàn tay, rồi bỗng nói thật nhanh:
- Thúy sẽ... sẽ ở lại đây ngày mai, có thể... hết đêm mai. Sáng mốt mới có giao liên về xã...
Giọng Thúy tắc lại như người hụt hơi. Mái đầu cúi thấp xuống, tốc che nửa mặt.
Nhìn những ngón tay xanh xao của Thúy run run bẻ xoắn vào nhau, Linh bỗng thấy ngợp như người bị choáng. Những ngón tay... Sao giống những ngón tay bẻ xoắn của Hương... Em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời... Giấc ngủ nửa chừng đã lọc di những tạp chất nhưng còn để lại trọn vẹn cái dư vị cay đắng trong suy nghĩ của anh. Thúy vẫn ngồi im lặng, hơi thở dồn dập... Anh ngoảnh mặt đi, dằn lòng ngả người xuống võng và chẳng rõ tại sao, giây phút ấy anh lại buông một câu hơi lạc lõng:
- Chà? Mùa khô này, các anh các chị dưới xã lại vất vả lắm, Năm Thúy nhỉ! Còn... còn đại đội... - Linh hơi khựng lại Năm Thúy vẫn ngồi yên, bờ vai hơi rung rung. Linh loay hoay móc gói thuốc rê, nhưng tìm không ra bật lửa: Anh không đám nhìn thẳng vào Thúy:
- Đại đội của tôi... hiện nay ra sao hả Thúy?
Thúy khẽ ngẩng mặt lên, hất mái tóc ra phía sau, nói bình thản:
- Lúc nào mà chả vất vả! Đại đội anh vẫn còn đủ, vẫn ngoan cường chiến đấu. Chi bộ xã vẫn bám đất, bám dân. Anh còn hỏi gì nữa không? Để tôi đi.
Linh nín lặng. Thuý đặt chân lên bực hầm.
- Thúy!...
Từ trên cửa hầm, cô gái xoay người lại. Giọng Thúy rung lên:
- Nói thiệt với anh, tôi không có đi công tác gì đâu. Tôi đi suốt hai đêm tới đây để... Tôi lo cho anh... Tôi... tôi... thương anh...
Thúy vùng biến mất nơi khung cửa hình vuông. Linh ắng lại một chút rồi cũng lao theo:
- Thúy! Thúy ơi!...
Chỉ thấy ở mé trảng giọng con tắc kè đáp lại khàn khàn. Trong âm thanh xa vắng ấy, Linh cố tìm một tiếng dạ ngọt ngào. Nhưng rừng ắng lặng, không cả một tiếng gió chạy xào xạc trên ngọn cây.
Một giọng nói đột ngột vang lên bên tai anh:
- Cậu chẳng được cái tích sự gì cả? Thế là nguội mất nồi cháo. Thôi xuống đi. Con nhó đó không dễ gì quay lại đâu.
- Anh Út!
- Nè, riêng trường hợp cậu, không những phải biết nhìn thẳng vào mắt kẻ thù mà còn phải biết nhìn thẳng vào mắt đàn bà. Chú ngốc ạ!
Linh dứt khoát như đã suy nghĩ từ lâu:
- Ngày mai tôi sẽ về dưới ấy, đồng chí bác sĩ ạ!