Là người đàn bà kia mở cửa cho tôi.
“Thư.”
Tôi đứng ở cửa nhưng không hề có ý định đi vào.
Cha tôi đi từ phòng khách ra, nói với giọng không hề vui vẻ: “Không biết gọi người sao?”
Tôi cố nén cảm giác muốn rời đi ngay rồi mở miệng lần nữa: “Thư!”
Người đàn bà kia giống như lo lắng hai chúng tôi cãi nhau nên vội vã quay về phòng khách.
Lúc quay trở lại thì bà ta đã cầm lá thư trong tay, đôi mắt toát lên vẻ lấy lòng, sau đó dò hỏi: “Cháu ăn cơm xong rồi mới đi chứ?”
Sự kiên nhẫn của tôi đã hao sạch, tôi cầm lá thư trong tay bà ta rồi xoay người rời đi.
Đằng sau còn vang lên tiếng mắng đầy sự bất mãn của cha tôi: “Em bảo nó ở lại làm gì, anh coi như không có đứa con gái này!”
Tôi vẫn đi tiếp không ngừng lại, mãi đến khi ngồi vào trong xe thì mới phát hiện tay cầm thư đang khẽ run lên.
Quá trình mở lá thư giống như được thêm nhiều bước mà trở nên cực kỳ chậm chạp.
Mãi đến khi dòng chữ đầu tiên với nét chữ quen thuộc đập vào mắt tôi:
“A Mộ không cần đẩy trách nhiệm về chuyện của cha mẹ lên người mình.”
Tôi đột nhiên gấp lá thư lại, không còn dũng cảm để đọc tiếp phần dưới.
Tôi đột nhiên rất muốn cười, sau đó thì không nhịn được nữa mà cười phá lên.
Mẹ tôi là một người phụ nữ rất dịu dàng và thích đọc sách, cha tôi là một thương nhân chỉ biết kiếm tiền.
Năm đó cha tôi vừa gặp đã yêu mẹ tôi nên liều mạng theo đuổi, nhưng mẹ tôi vẫn không động lòng.
Nhưng cha tôi thuyết phục được bà ngoại, cuối cùng là dưới sự “ép buộc” của bà mà mẹ tôi cũng gả cho cha tôi.
Lúc mới đầu, cha tôi đối xử với mẹ tôi cực kỳ tốt, cả nhà chúng tôi cũng từng có một cuộc sống đầm ấm, vô cùng hạnh phúc.
Nhưng sau đó, cơ thể của mẹ tôi dần yếu đi, cha tôi bắt đầu lên giường với người đàn bà khác.
Mẹ tôi yêu cầu ly hôn nhưng cha tôi không đồng ý rồi cứ thế mà dây dưa.
Sau đó, bệnh của mẹ tôi nặng hơn và phải vào viện. Cha tôi còn thậm tệ hơn, đưa người đàn bà ở bên ngoài kia về nhà một cách trắng trợn.
Mãi đến ngày ấy, bệnh tình của mẹ tôi trở nên nguy kịch nhưng chỉ có mình tôi đứng chờ ở bên ngoài phòng giải phẫu.
Tôi đỏ mắt, gọi liên tục vào điện thoại di động của cha tôi và nhắn không biết bao nhiêu tin nhắn cầu xin cha tôi đến bệnh viện.
Nhưng tất cả những cuộc gọi và tin nhắn đều như đá chìm vào biển sâu, mãi đến khi điện thoại di động hết pin mà tự sập nguồn.
Đèn của phòng giải phẫu cũng tắt, mẹ tôi được phủ tấm vải trắng kín cả người rồi bị đẩy ra ngoài.
Câu hỏi của y tá cứ liên tục vang lên bên tai tôi: “Cha của em đâu?”
Tôi không nói lời nào, chỉ nhìn chằm chằm về phía mẹ tôi đã được phủ kín người đang bị đẩy đi với vành mắt cay xè.
Sau đó, cha tôi cũng xuất hiện với cái cổ đầy dấu vết mờ ám.
Hóa ra vào lúc mẹ tôi nằm trên bàn mổ thì cha tôi lại đang ở nhà lên giường với người đàn bà khác.
Tôi không hiểu, lúc trước ông ta yêu mẹ tôi như vậy thì tại sao lại thay lòng như thế?
Sau khi mẹ tôi qua đời, không tới một tháng sau cha tôi đã đưa ra quyết định muốn cưới người đàn bà kia vào cửa.
Tôi không đồng ý rồi bắt đầu làm loạn, nhưng cha tôi nói rằng nếu tôi không đồng ý thì cút ra ngoài.
Ông bà ngoại tôi cũng đã mất sớm, tôi không thể làm gì khác nên đành tìm những người họ hàng của mẹ tôi và hy vọng bọn họ có thể đứng ra ủng hộ mình.
Thế nhưng bọn họ đều bị cha tôi mua chuộc bằng tiền.
Ngày cha tôi cưới người đàn bà kia về, tôi rời khỏi nhà, đi ra ngoài.
Năm ấy tôi mới mười sáu tuổi.
Sau lần đó tôi cũng không quay lại căn nhà kia nữa.
Vì nuôi sống mình mà tôi làm qua đủ loại việc làm part-time.
Rất nhiều tên chủ có lòng dạ xấu xa đều thích tuyển người vị thành niên vào làm vì vừa tiện lại dễ bắt nạt.
Tuy quãng thời gian ấy bị xã hội vùi dập nhưng ít ra tôi vẫn có thể nuôi sống chính mình.
Sau đó tôi gặp được mẹ của Bùi Húc.
Cô ấy vốn là người tốt, không hề để ý tới tôi đang nhe răng trợn mắt phòng bị mà chỉ mạnh mẽ lại dịu dàng kéo tôi ra khỏi đầm lầy, giúp tôi đến trường một lần nữa.
Bùi Húc?!
Tôi đột nhiên thoát ra khỏi hồi ức, Bùi Húc đang ở trong nhà chờ tôi về ăn cơm tất niên.
Tôi cất lá thư đi rồi nhanh chóng lái xe về nhà.
Lúc tôi đẩy cửa ra thì đối diện với Bùi Húc đang đứng ở phòng khách dưới ánh đèn ấm áp.
Thằng bé nhìn chằm chằm tôi hồi lâu, sau đó mới vào phòng bếp hâm nóng lại cơm canh.
Tôi chợt vui mừng vì thằng bé không hỏi điều gì.
Sau khi ăn xong, hai chúng tôi cùng ngồi ở một góc của sô pha nhưng không ai mở ti vi lên xem “Mùa xuân ấm áp” vì sợ ồn ào.
Nhưng không làm gì thì lại có vẻ quá yên ắng.
Thế là tôi bảo thằng bé lấy app trên điện thoại di động phát bài hát ngẫu nhiên, rồi hai người cứ lặng yên nghe nhạc như vậy.
Lúc 0 giờ, ngoài cửa sổ chợt có pháo hoa nổ vang, app âm nhạc phát ra một bài hát mà tôi chưa từng nghe.
Giọng nữ trong bài hát vang lên rằng:
“Này
Hãy hiểu rằng
Người đến thì sẽ đi
Thứ bất biến duy nhất trên đời
Chính là con người đều dễ đổi thay”
Sau đó Bùi Húc nói cho tôi biết, bài hát kia tên là “Bước qua đời người”.