“Tôi không muốn nói bạn chẳng có gì cả, nhưng sự thật là bạn đã trải qua từng ấy năm tháng trong cô đơn.”
Khi còn bé, ta chưa cảm nhận được, sau này dần dần đã rõ, đứa trẻ biết làm nũng để có được thứ mà mình muốn. Chẳng hạn như đứa bé nhà bà con đến chơi, nhìn thấy đồ chơi hay truyện tranh của tôi, chỉ cần khóc một cái thì ba mẹ liền nói “Nếu thích thì cứ cầm về nhà chơi, dù sao con tôi cũng hết thích chơi nữa rồi.”
Thật ra, chính là tôi không nỡ chơi món đồ đó, cũng không nỡ đọc quyển truyện đó. Chẳng ai biết rằng suốt những năm tháng tuổi thơ, những món đồ chơi đó là cả thế giới của tôi, quyển truyện đó là tôi đã tiết kiệm tiền ăn sáng một thời gian dài mới mua được. Tất cả những điều đó đều không thể chiến thắng một trận khóc. Sau này dần dần nhận ra, có những người dù ấm ức trong lòng cũng không nói ra, đa phần đều như thế, thậm chí bản thân không nỡ cũng sẽ không mở lời.
Kiểu tính cách này lâu dần ăn sâu vào trong xương tủy, đến lúc trưởng thành cũng thế. Người ta muốn điều gì, chỉ cần nói ra là đã thành công một nửa. Còn bạn, muốn dựa vào nỗ lực của bản thân để đạt được. Những người dễ dàng có được điều mình muốn, đa phần đều sẽ không biết trân trọng. Còn bạn, dù chỉ là một đồ vật vô cùng bình thường, cũng nâng niu mãi không thôi.
Tính cách nhẫn nhịn không nói ra như thế này, khi đặt trong chuyện tình cảm, thì như “chưa đánh đã thua”. Trong chuyện tình cảm, những người biết dùng thủ đoạn, thông thường sẽ có được sự chú ý của người khác. Chẳng hạn như khi gặp một chút chuyện nhỏ không vui, bạn có thể vượt qua bằng cách xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách, hoặc có thể là ngủ một giấc là xong. Nhưng với một số người sẽ khác, họ sẽ tỏ thái độ, nói rằng mình đang không vui, muốn được an ủi. Sau đó thì sẽ có một đống người quan tâm và động viên, làm người khác có cảm giác là họ rất mỏng manh, yếu đuối, cần được quan tâm. Bạn nhìn vào dòng tâm trạng trên điện thoại, cảm thấy họ thật lập dị, thật ra bạn mới là người đáng thương, bản thân buồn chán cũng chẳng có ai biết.
Đi du lịch, họ không bao giờ đem theo thứ gì và cái gì cũng không hiểu, còn bạn thì phần lớn đã xác định rõ đường đi, đã đặt xong khách sạn, trông chẳng khác gì một hướng dẫn viên du lịch. Người đi cùng bạn, họ chỉ cần có bạn bên cạnh thì tất cả đều ổn. Kiểu người không hề biết gì cả như họ mới thật sự xứng đáng được quan tâm và chăm sóc. Thật là bất lực, không nói nên lời.
Giống như câu nói trước đây tôi viết: “Nhát gan thì có người bảo vệ, mù đường thì có người dìu dắt, khóc thì có người đau lòng, lười biếng thì có người cung phụng, còn bạn thì rất giỏi, cái gì cũng hiểu, chăm sóc bản thân cũng vô cùng cẩn thận, thì ai sẽ thay mẹ bạn thương bạn đây”.
Trời mưa - người ta có người đón, tan ca - người ta có người đợi, đi bơi - người ta có người đi cùng, khóc - người ta có người an ủi, buồn - người ta có người ôm vào lòng. Tôi không muốn nói bạn chẳng có gì cả, nhưng sự thật là bạn đã trải qua từng ấy năm tháng trong cô đơn.
Nhưng bạn lại nghĩ rằng, nếu đã không có ai quan tâm tôi, yêu thương tôi, chi bằng tự mình quan tâm mình, tự mình yêu thương mình. Ngộ nhỡ sau này chẳng có ai nuông chiều tôi thì phải làm sao? Nhưng đối với chuyện này, cho dù là nam hay nữ, thì đều chỉ quen bảo vệ người yếu đuối. Cho dù có một ngày lỗi không nằm ở bạn, thì cũng chẳng có ai thật lòng quan tâm bạn, bởi vì họ cho rằng bạn sẽ đứng dậy được, sẽ vượt qua được tất cả và đến một câu hỏi thăm cũng chẳng có.
Tôi biết, kiểu tính cách này rất khó thay đổi, cũng giống như việc bạn ghét một người thì chính là ghét, mãi mãi không thể nói chuyện với đối phương với thái độ “bằng mặt không bằng lòng”. Vì thế mà bạn chịu không ít thiệt thòi, dù vậy bạn vẫn chưa từng hối hận.
Thật ra, dù bạn đang độc thân hay đã có người yêu, nguyên nhân cốt lõi vẫn là do bạn không có cảm giác an toàn. Bạn luôn cho rằng bản thân có thể làm tốt mọi việc là một ưu thế, nhưng không ngờ đó lại là lý do khiến bạn bị xem nhẹ.
Bạn có thể mạnh mẽ, nhưng mong bạn đừng quá mạnh mẽ như thế! Chẳng ai có thể hiểu được những tổn thương bên trong bạn, thậm chí chính bạn cũng không thể hiểu.