Khi Trái Tim Dẫn Lối

Chương 2

“Trời đất quỷ thần ơi, có mỗi thỏi son bé tí tẹo mà đòi đến tận chín trăm nghìn!” Tốn kém thật đấy, nghĩ đến khoản tiền tiết kiệm bay đi mà tôi tiếc đến thắt ruột. Nhìn mẹ mà tôi chỉ biết thở dài, chẳng biết phải làm sao cho bà hồi tỉnh lại, dù chỉ một chút thôi như ngày tôi còn nhỏ cũng được. Ngày ấy bà vẫn còn có thể chăm sóc cho tôi…

Sáng hôm sau, tôi vừa dỗ mẹ ngủ thêm sau một đêm bà khóc ri rỉ, bước ra khỏi phòng vài bước bỗng tôi thấy bà Diệu từ xa tiến lại. Bà ta vẫn như thường lệ với một vẻ quý phái, mái tóc bồng bềnh xoăn nhẹ, trên người mặc một chiếc váy đen dài chấm gót. Mùi nước hoa cao cấp thoang thoảng dễ chịu quẩn quanh bà ta khi bà ta đến gần tôi, theo sau là chị Tâm quen thói coi thường tôi ra mặt.

– Hạnh à, trưa nay con không cần nấu cơm, cứ đi chơi đâu thì đi, ta cho con nghỉ một hôm. Cô Dinh sẽ cho mẹ con ăn.

Bà Diệu luôn có cách xưng hô như vậy với tôi kèm theo âm giọng ngọt ngào. Người trong nhà biết tôi là con bà hai, một vài kẻ coi thường, một vài người thương hại, tất cả trong ngôi nhà này tôi cũng đã quen rồi.

Nghĩ đến mẹ, tôi lắc đầu:

– Bà… con không cần nghỉ đâu. Bà cứ để con làm.

Bà Diệu có vẻ sốt ruột liền nói tiếp:

– Được rồi, thế cũng được… à… trưa nay con qua quận Nam mua cho ta ít thuốc bổ đi, ta đau đầu mà hết thuốc rồi. Phải đúng phòng khám ông lương Tài mới được con ạ.

Quận Nam cách đây cũng phải đến hơn chục cây số. Tôi đoán có lẽ trưa nay bà Diệu tiếp khách mà không muốn tôi có mặt.

– Con biết rồi bà.

– Ừ, thế con nhé. Để ta viết cho con địa chỉ với số điện thoại của ông lương Tài. Nhớ gọi trước cho ông ấy con nhé!

Bà Diệu cứ một điều ngọt ngào hai điều ngọt ngào, tôi không tin bà ta có ý tốt nhưng dù sao vẫn dễ chịu hơn là thái độ cay nghiệt ra mặt của con Huệ.

Tôi nhận lấy mẩu giấy từ tay bà Diệu, dắt xe máy khỏi nhà. Chiếc xe số bền bỉ này là tài sản giá trị lớn nhất của tôi. Tôi làm gì có tiền mua, chiếc xe là món quà của ông nội con Huệ, cũng là ông nội tôi tặng tôi nhân dịp tôi đỗ đại học trong khi con Huệ chỉ đỗ cao đẳng. Nó lại còn học mãi chẳng xong, gần đây mới ra trường được để rồi cũng chuẩn bị đi xin việc như tôi.

– Con Hạnh, sao trưa rồi còn đi đâu thế?

Ông Hân từ phía sau ngạc nhiên gọi hỏi tôi. Ông Hân là người tôi yêu quý nhất trong nhà ông Hoàng, cũng là người giúp đỡ cho tôi nhiều nhất. Ông ấy là ông nội của tôi.

Tôi quay người lại, vui vẻ trả lời ông:

– Ông! Con sang quận Nam có chút việc ông ạ!

– Sao lại đúng lúc thế? Ông định bảo con trưa nay lên nhà ăn với ông.

Tôi mỉm cười, cảm thấy ấm lòng trước tình cảm của ông, có điều việc đã nhận thì tôi cần phải làm.

– Con đi nhanh rồi sẽ về thôi ông ạ.

Ông Hân gật gù để tôi đi. Tôi nói vậy thôi chứ không có ý về sớm. Bà Diệu kiếm cớ đuổi tôi khỏi nhà, tôi cũng chẳng có hứng thú làm bà ta phật lòng.

Tôi lấy bọc thuốc từ ông lương Tài treo vào xe, định phóng qua thư viện trường đại học Kinh tế nơi tôi theo học để ngồi đọc sách. Nào ngờ chưa gửi xong xe, điện thoại trong túi xách tôi bỗng đổ chuông. Cô Dinh gọi? Cảm giác không lành tôi liền nhấn nút nghe:

– Cô Dinh đấy ạ?

– Hạnh à, mẹ cháu không chịu ăn cơm mà bỏ đi tìm cháu rồi ngã xuống giếng, mọi người kéo mẹ cháu lên rồi, bà ấy còn chưa tỉnh lại, giờ cháu mau về đi!

Trời đất như sụp đổ trước mắt tôi. Hai mắt tôi mờ mịt, tôi vừa phóng xe như điên vừa cố gắng tự trấn an. Mẹ sẽ không sao, sẽ không sao đâu… Mẹ còn phải chờ để tôi đưa mẹ đi chữa bệnh, đưa mẹ về quê gặp lại người thân họ hàng nữa chứ! Tôi còn chưa biết mặt họ hàng, chưa biết mặt ông bà ngoại của tôi kia mà. Nhất định, nhất định mẹ sẽ không sao đâu!

Tôi dựng chân chống xe rồi chạy thẳng qua hành lang ra sau nhà. Lúc này người xung quanh nhốn nháo, mẹ tôi đầu tóc rối bù ho khù khụ ở giữa sân, người ướt như chuột lột. Đây đó có tiếng khúc khích cười.

Phù, may mà mẹ tôi không sao!

Cũng khó làm sao được bởi cái giếng đó nông toẹt, mục đích chỉ để hứng nước mưa, chẳng qua tôi lo cho mẹ quá mà chẳng còn nghĩ gì được. Thấy tôi hớt hơ hớt hải, mặt xanh như tàu lá đứng đó, bà Diệu bực bội liếc qua tôi rồi coi như không thấy, lập tức kéo mọi người trở lại nhà trên. Tôi chẳng còn tâm trí mà nhìn đến ai, chỉ chạy vội đến xoa nắn người mẹ tôi, vừa xoa vừa khóc:

– Mẹ… sao mẹ lại đi đứng không cẩn thận thế… mẹ biết con sợ chết khϊếp không?

Tôi nâng người dìu mẹ lên, định trở lại phòng. Cứ nghĩ chẳng còn ai ở bên cạnh mẹ con tôi, nào ngờ trong không gian yên tĩnh bỗng vang lên tiếng người:

– Sợ chết khϊếp mà bỏ đi để bà ta đi tìm, cô thương mẹ thế sao?

Nghe câu trách móc bất ngờ từ âm giọng đàn ông lạ lẫm, tôi vừa bực mình vừa ngạc nhiên quay sang. Người thanh niên trẻ này tôi chưa gặp bao giờ. Tôi có thể chắc chắn như vậy, bởi kẻ xuất sắc như anh ta, chắc chắn người khác gặp một lần sẽ không thể quên. Khuôn mặt anh ta đẹp một cách khó tin. Anh ta cúi người té nước từ giếng để rửa tay, thân hình cao lớn khiến anh ta làm việc này có vẻ không được thuận tiện. Da dẻ anh ta trắng trẻo nhưng không gây cảm giác công tử bột, chỉ khiến người đối diện có cảm giác ưu nhã. Chỉ là, tôi xấu hổ đến mức cảm thấy khó chịu tất cả mọi thứ ở anh ta. Mặt mũi bỗng nóng hết cả lên, tôi im lặng không thèm đáp lại. Anh ta không chú ý thêm, ngay sau đó quay người bỏ đi.

Mẹ tôi vừa ăn được mấy miếng, bất ngờ có tiếng cô Dinh gọi từ ngoài cửa:

– Hạnh, ông Hân gọi cháu lên nhà đấy. Để cô xúc nốt cho mẹ, cháu nói với mẹ là bà ấy nghe thôi!

– Ơ… thôi… cứ để cháu xúc cho mẹ, cô bảo ông như vậy giúp cháu!

– Con bé này, ông Hân đích thân sai cô gọi cháu bằng được đấy! Đừng làm ông bực mình!

Tôi không sao chối được, đành bảo mẹ để cô Dinh xúc giúp. Mẹ tôi vẫn là biết nghe tôi, thế nên lâu nay tôi cũng yên tâm mà làm việc nọ việc kia. Nghĩ đến tên thanh niên ban nãy, lại nhìn bộ dạng nhà quê của mình, tôi không muốn bước lên nhà trên cho lắm, có điều lâu lắm rồi kể từ ngày tôi đỗ đại học ông mới đích thân gọi tôi lên ăn cơm nên tôi không dám trái lời.

Tôi mở cửa phòng ăn sang trọng, cảm thấy mình thật lạc lõng với bộ đồ sinh viên áo sơ mi caro xám trắng cùng quần jean xanh, lại còn đầu bù tóc rối vì mới đi xa về chưa kịp chải. Có tiếng người sặc nước như không tin vào việc tôi xuất hiện ở đây. Dường như họ đã ăn xong bữa trưa, lúc này đang ngồi thưởng trà.

– Hạnh, con lại đây với ông!

Ông Hân trìu mến gọi. Tôi như người chết đuối vớ được cọc liền hướng về ông bước đến. Ông vỗ nhẹ vào tay tôi, để tôi đứng cạnh ông.

Tôi nhìn về phía gia đình lạ mặt ngồi đối diện ông quanh chiếc bàn tròn lớn. Ba người trước mặt tôi đẹp đẽ sang trọng khiến tôi có cảm giác như mình đang đứng trước một gia đình quý tộc châu Âu thời xưa. Người thanh niên trẻ ngồi cạnh hai người trung niên không ai khác chính là anh ta. Anh ta không chú ý đến tôi, ánh mắt lơ đãng lướt qua tôi rồi dừng lại ở tách trà trước mặt. Thái độ anh ta hờ hững không che giấu.

Khỏi phải nói cái mặt tức đến tím đen của con Huệ bên cạnh mẹ nó khiến nó buồn cười đến mức nào. Bà Diệu cau mặt, hiếm khi nào tôi thấy vẻ mặt này ở bà ta. Đức cũng đanh mặt lại, anh ta không vui. Còn ông Hoàng, ông ta nhìn nét mặt vợ mà nem nép cúi xuống, đến thở cũng không dám thở mạnh, nhìn mà tội nghiệp thay cho ông ta.

Ông Hân nhấp một ngụm trà, cất giọng:

– Giới thiệu với nhà anh chị, tôi còn một cô cháu gái đây.

– Ồ… thế mà giờ chúng con mới biết. Cháu gái xinh đẹp quá, rất giống bà nội con bé đấy ông ạ. Mấy lần đến chơi mà chúng con không gặp con bé nhỉ?

– Được rồi… giờ gặp là được rồi!

Ông Hân cười khà khà, ông vẫy tay về phía sau:

– Chị Tâm, chị mang thêm một chiếc ghế cho cô Hạnh ngồi.

Tôi xưa nay đúng là con giúp việc nhỏ bé thật, có điều lúc này ông Hân cho phép tôi thành cô chủ, không có lý gì tôi không để chị ta phục vụ, dù cái mặt ấm ức của chị ta nhìn tôi như thể muốn nói “mày là cái thá gì mà tao phải phục vụ”. Tôi nhìn sang con Huệ, cái miệng há hốc tức đến muốn ói máu mà không làm gì được của nó làm tôi có cảm giác thỏa mãn.

– Ông nhà chúng con cũng muốn đến gặp cháu dâu tương lai lắm nhưng hiện tại ông lại đang ở Thụy Sĩ nghỉ dưỡng.

– Đi mà không nói gì với tôi, ông ấy muốn bị trách sao?

– Nào có, chẳng qua ông nhà chúng con sang đó khám bệnh nên không tiện.

Câu chuyện qua lại quanh tách trà giữa ông Hân và hai người khách làm tôi nóng bừng cả người. Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy xấu hổ đến mức mồ hôi lấm tấm, mắt cũng không dám nhìn thẳng vào tên thanh niên kia nữa. Chẳng lẽ… họ sang đây ăn cơm là để gặp gỡ con dâu tương lai sao?