Ông Tôi 22 Tuổi

Chương 4

Dịch: Hân Di

***

Việc tu sửa một căn nhà bỏ không mười năm nay là một công trình lớn.

Toàn bộ dây điện đã bị chuột cắn đứt hết. Đường ống nước cũng không có, muốn cọ rửa phòng còn phải xách nước từ giếng ở phòng đầu tiên về.

Tống Kim không muốn dính bụi bặm đầy người nên xung phong nhận đi xách nước từ giếng về. Tới tận khi Hà Đại Tiến và Đường Tam Bàn thu dọn xong mớ đồ đạc lộn xộn ở trong nhà, Tống Kim vẫn còn chưa xách nước về.

Hà Đại Tiến chạy đến giếng nước nhìn thử, thấy Tống Kim đang cúi người bên thành giếng, tay cầm sợi dây buộc gàu nước kéo lên léo xuống. Hà Đại Tiến bực mình, mắng:

- Tôi với Tam béo ở trong nhà bận tối mày tối mặt, thế mà ông dám ở đây nghịch nước hả?

Tống Kim quay đầu nhìn ông ta, phân bua:

- Cái gì mà nghịch nước? Cái gàu này nổi trên mặt nước, làm đủ mọi cách cũng không thể chìm xuống được.

Hà Đại Tiến cười khẩy, bước tới cầm sợi dây thừng, kéo cái gàu lên, rồi ông lại thả gàu xuống giếng. Chiếc gàu rơi nghiêng, nước tràn vào trong, chìm dần xuống.

Tống Kim líu lưỡi:

- Nó bắt nạt người khác.

- Rõ là ông kém thì có. - Hà Đại Tiến hỏi: - Rốt cuộc là ông làm nghề gì, sao đến múc nước cũng không biết?

Tống Kim vuốt áo sơ mi, chỉnh chỉnh cổ áo, nói:

- Ông chủ lớn. Cho nên tôi chưa bao giờ phải làm những chuyện thế này.

- Ông chủ lớn cơ à? Vậy chắc nhiều tiền lắm nhỉ? Chắc cũng nhiều con cháu chứ? Vậy sao không thấy người nhà ông báo cảnh sát tìm ông nhỉ?

Tống Kim sửng sốt. Hà Đại Tiến không nói thì thôi, ông ta nhắc tới lại khiến lòng ông chẳng dễ chịu chút nào.

Đúng vậy, sao ba người con trai của ông không một ai tới tìm ông? Họ không hề quan tâm chuyện ông mất tích sao?

Bọn mất nết không có lương tâm. Ông không chịu thua kém, nói:

- Thế còn con trai của ông thì sao? Nó cũng không hề báo cảnh sát, lại còn có tâm trạng cho người ngoài thuê nhà nữa.

Hà Đại Tiến đắc ý nói:

- Đó là vì nó nghĩ tôi ở lại nhà cậu nó, trước đây tôi cũng từng làm thế rồi.

Tống Kim không tin. Ông cười nói:

- Để ba ngày nữa rồi xem.

Dù hai người không ưa nhau, nhưng căn nhà vẫn cần dọn dẹp.

Giếng đã không dùng trong nhiều năm, thành giếng đầy rêu xanh rì, nên nước tạm thời không thể uống được. Bao giờ cọ rửa sạch thành giếng rồi mới dùng làm nước uống được. Nhưng bây giờ dùng nước này để cọ rửa vật dụng, lau dọn nhà cửa vẫn tốt.

Hà Đại Tiến hiểu rất rõ bố cục căn nhà này và vị trí đặt vật dụng trong nhà. Trước tiên ông lôi một chiếc bàn còn dùng được ra, sau đó lại tìm một chiếc giường lớn bằng gỗ ở trong một gian phòng khác.

Chiếc giường lớn được làm bằng gỗ sa mu, nên dù trông cồng kềnh nhưng rất nhẹ. Hà Đại Tiến vỗ vỗ xung quanh nó, rất rắn chắc. Đường Tam Bàn thấy rất lạ lẫm:

- Cái giường này được bao nhiêu năm rồi?

- Mười năm rồi.

- Mười năm rồi mà vẫn còn chắc chắn nhỉ. Đồ ngày xưa tốt thật.

- Cũng nhờ tôi bịt kín cửa nẻo căn phòng này, nếu không chuột nó đã khiêng đi ròi.

Đường Tam Bàn không để ý bụi bặm, ngồi lên giường, đung đưa chân. Sau khi kiểm tra bằng sức nặng của mình, ông khen nức nở:

- Rất tốt. Ba người chúng ta ngủ cũng vẫn chắc chắn.

- ...

Tống Kim nói:

- Tôi muốn ngủ một mình một giường, tôi quen thế rồi.

- Thế ông nằm ngoài đi. Lắm chuyện. Quen cái gì mà quen. Ông không có vợ chắc.

- Vợ tôi mất lâu rồi. - Tống Kim bực mình: - Có mỗi cái giường thôi mà, muốn bao nhiêu mà chẳng được. Không thì tự tôi làm một cái, cũng chỉ là mấy tấm gỗ chứ gì.

- Thế ông làm đi.

Hà Đại Tiến chẳng muốn phục vụ ông chủ lớn này chút nào, ông tiếp tục sửa sang lại cái giường với Đường Tam Bàn.

Mặc dù giường được làm từ gỗ nguyên khối, nhưng cũng dùng hơn mười cái đinh. Hà Đại Tiến xem xét rồi nói:

- Mấy cái đinh này e là không thể tháo ra được, sợ nó bị gãy ở trong. Nhưng mà cửa nhỏ quá, không thể khiêng qua được.

Đường Tam Bàn cười:

- Vậy chúng ta thu dọn phòng này đi, sau này sẽ ngủ ở đây.

- Thế không dùng tới cái phòng vừa dọn kia à?

- Có chứ. Không phải vừa để cái bàn ở đó sao? Sau này chúng ta ngồi đó uống nước trà, nói chuyện phiếm.

- Sau này… - Hà Đại Tiến hỏi: - Ông tính ở lâu dài à?

- Có sao đâu… Cho dù sau này tôi có trở lại là một lão già thì tôi cũng vẫn ở đây. Tới lúc đó ông đừng tăng giá thuê là được rồi, tôi nghèo lắm.

Hà Đại Tiến nghe Đường Tam Bàn kể chuyện, cũng đoán được đại khái ông ta là một người già neo đơn, cho nên mới có thể buông bỏ tất cả, nhảy sông tự vẫn. Ông vỗ vỗ bả vai dày rộng của Đường Tam Bàn:

- Dù thế nào cũng vẫn tốt hơn là đi tìm cái chết.

Đường Tam Bàn còn chưa kể chuyện lúc đó ông bị bệnh nan y. Ông mỉm cười:

- Được, ông Đại Tiến.

Ba người dọn dẹp cả buổi, quét ra hàng đống bụi bặm lớn. Sau khi nhặt được một thùng ngói vỡ, Tống Kim nhìn ra sân và cửa ra vào bị cỏ mọc kín, thở dài thườn thượt, còn phải dọn dẹp bao lâu nữa mới sạch sẽ tươm tất đây?

Cỏ trong cái sân này đã cao gần bằng người rồi.

Ông quay đầu nói với Hà Đại Tiến đang ở trong phòng:

- Hà Đại Tiến, ông có thể đi mượn vài con dê hoặc trâu đến để ăn hết chỗ cỏ này không?

Hà Đại Tiến đi ra ngoài, đập đập cái chổi lông gà, bụi bay mù mịt. Ông nói:

- Ông có bị ngốc không hả? Trâu với dê gặm sạch rồi cỏ lại mọc dài ra thôi. Phải nhổ cả rễ lên mới được.

Đường Tam Bàn nói:

- Có thể dùng thuốc diệt cỏ không?

- Ông có tiền à?

Đường Tam Bàn lắc đầu, cảm thấy mình thật nghèo túng. Ông bỗng nhớ tới một việc:

- Vậy bữa trưa của chúng ta thì sao đây?

Tống Kim không trả lời. Ông nghĩ trong tay chỉ có ba mươi đồng, làm sao để lấp đầy dạ dày chủa ba chàng thanh niên đây?

Khó quá.

Theo thói quen, Hà Đại Tiến muốn hút thuốc. Ông sờ sờ vào thắt lưng, nhưng không thấy tẩu thuốc đâu cả. Ông lau lau tay vào vạt áo, lúng ta lúng túng, cuối cùng nói:

- Chúng ta vào thôn mua chút ít gạo của người trong thôn, rồi lên núi hái rau dại.

Tống Kim trợn tròn mắt:

- Ăn rau dại á? Túng quẫn đến thế sao?

- Cũng không hẳn là túng quẫn.

Hà Đại Tiến lần lần trong túi, cũng may là ông hút thuốc, giờ không còn tẩu thuốc nhưng bật lửa vẫn còn đây. Nếu không còn phải ăn sống rau dại như trâu bò.

Tống Kim ngẩng đầu nhìn về ngọn núi phía sau nhà, thấy một rừng trúc xanh tươi, bạt ngàn khắp núi. Ông hỏi:

- Không thể đào măng trúc à?

- Bây giờ mùa xuân đã qua, mùa thu chưa tới, măng cũng già hết rồi, không thể ăn nữa. - Hà Đại Tiến nói thêm: - Để tôi đi tìm mấy sợi dây, xem xem có thể bắt được con gà rừng nhỏ nào không.

Đường Tam Bàn kinh ngạc:

- Ở đây còn có gà rừng à? Cũng không tệ nha.

Hà Đại Tiến có chút tự hào nói:

- Tất nhiên rồi. Gà rừng, thỏ rừng đã là gì, còn có người từng thấy cả lợn rừng đấy. Nhưng mà chúng ta không có súng, nếu gặp lợn rừng chỉ còn nước bỏ dép lại chạy.

Tống Kim cau mày:

- Tại sao? Răng nanh của lợn rừng thì có gì đáng sợ đâu?

- Nhưng nó rất khỏe, húc ông như bò rừng ấy, ông có sợ không? - Hà Đại Tiến không muốn giải thích nhiều nữa: - Ông chẳng biết chút gì về kiến thức thông thường cả!

- ...Nhưng tôi là tiến sĩ đấy!

- Thế lúc nào cấy mạ? Lúc nào gặt lúa? Lúc nào mận nở hoa? Lúc nào cần tỉa đào?

Tống Kim bị hỏi khó.

Hà Đại Tiến xì mũi coi thường:

- Đồ mọt sách.

Nói xong, ông phủi phủi cái chổi lông gà rồi đi vào trong nhà. Tống Kim tỉnh táo lại, hét to với bóng lưng của ông ta:

- Tôi cũng không phải tiến sĩ nông nghiệp!

Ông dứt lời, Hà Đại Tiến không thèm đáp, nhưng bỗng sau lưng có tiếng người xa lạ trả lời:

- Ồ, không ngờ anh bạn mới tới là một tiến sĩ đấy.

Đường Tam Bàn nhìn ra ngoài cổng, thấy mấy người thanh niên, gồm ba nam hai nữ. Mỗi người họ đều đang ôm đồ gì đó trước ngực, có vẻ đến tìm các ông.

Một người đàn ông chừng ba lăm, ba sáu tuổi bước nhanh tới, đưa tay ra, khẽ mỉm cười:

- Tôi tên là Đới Trường Thanh. Chúng tôi đều là người từ thành phố tới thôn Hà ở một thời gian, tục xưng là tu tiên. Nghe nói có vài đạo hữu(*) mới tới thôn nên tới chào hỏi theo lẽ thường, mong rằng sau này sẽ giúp đỡ lẫn nhau.

(*) đạo hữu: bạn bè - ngôn ngữ trong giới tu tiên.

Tống Kim nhìn bốn người đi sau anh ta, thấy đều là mấy người yếu ớt thư sinh, đúng thật giống người từ thành phố tới. Đường Tam Bàn nói:

- Chào mọi người. Nhà chúng tôi còn chưa dọn dẹp xong, đang còn bừa bộn lắm, cũng không tiện mời mọi người vào uống trà, thật ngại quá.

Đới Trường Thanh nói:

- Không sao, không sao, chúng tôi tới đây chũng chẳng phải vì chuyện ăn ăn uống uống. Các anh vừa mới tới, chắc là bề bộn nhiều việc, chúng tôi tới chào hỏi rồi đi luôn đây, hôm khác lại tới làm khách.

Đường Tam Bàn vui vẻ hồ hởi:

- Hoan nghênh, hoan nghênh.

Một người khác hỏi:

- Những đồ này chúng tôi đặt đâu được nhỉ?

- Đồ gì? - Mắt Tống Kim sáng lên.

- À, là một chút đồ ăn thôi, chúng tôi tới làm quen mà.

- Đồ ăn à? - Mắt Đường Tam Bàn cũng sáng lên.

Đới Trường Thanh chọn một khoảng sân cỏ mọc xanh tốt, mấy người họ đặt đồ ăn xuống đó, rồi nói:

- Chúng tôi cũng không ở lại lâu nữa. Chờ các anh dọn dẹp xong lại tụ tập uống rượu một phen.

Đường Tam Bàn nhiệt tình nói:

- Được, được. Thật cám ơn các cậu.

- Cám ơn cái gì, sau này đều là người một nhà cả.

Lúc sắp đi, Đới Trường Thanh lại nhớ tới chuyện gì đó, nói thêm:

- Nhóm chúng tôi, tính cả tôi, tổng cộng có sáu người ở trong thôn này. Còn có một người không tới, tên là Nhan Cửu, tuổi tác còn nhỏ nên rất sợ người lạ, cũng không biết cách đối nhân xử thế. Các anh đừng thấy lạ nhé.

Tống Kim thấy anh ta nhắc riêng như thế, cảm thấy Đới Trường Thanh là người quá rành đối nhân xử thế. Có vẻ anh ta lo lắng chu đáo mọi mặt, thế nhưng lại khiến người khác không thoải mái cho lắm.

Đới Trường Thanh nói xong thì dẫn cả nhóm rời đi, trước khi đi còn dặn dò, nếu có chuyện gì thì tới chỗ nọ chỗ kia để tìm bọn họ.

Tống Kim và Đường Tam Bàn khách sáo lịch sự tiễn họ đi xa. Chờ tới khi không thấy bóng lưng nữa, hai người vội vàng trở về xem đồ ăn mà các "đạo hữu" mang tới.

Tất cả có năm món ăn, Đường Tam Bàn mở một hộp ra, ngay lập tức ngửi thấy mùi rượu thơm ngọt, hóa ra là cơm rượu. Ông mở tiếp một hộp khác, là cá tươi.

Còn có lá trà, mận, bánh hành lá.

Bánh còn đang nóng, chắc là vừa mới làm xong. Đường Tam Bàn chia làm ba phần, cho mình một phần, còn một phần mang vào nhà cho Hà Đại Tiến.

Tống Kim xem xét chỗ đồ ăn, không thấy có cơm. Từ trước tới giờ, dù là ăn ở nhà hàng, ông đều phải ăn cơm mới được, nếu không có thì chỉ coi là ăn tạm thôi. Ông suy nghĩ rồi ăn bánh hành lá.

Ồ, không ngờ thơm ngon đến thế.

Hà Đại Tiến đang dọn dẹp các ngóc ngách trong phòng, cũng sắp xong tới nơi, thì nghe thấy có người tới chào hỏi. Ông vừa nghe là mấy người thanh niên ở thành phố kia, bèn nói:

- Ở trong thôn, họ chẳng ra cửa bao giờ, cũng không làm gì để sống, không biết lấy tiền đâu ra,

- Bây giờ là thời đại Internet, có rất nhiều cách kiếm tiền mà không cần bước chân ra khỏi nhà. - Đường Tam Bàn nói: - Vừa rồi họ cho chúng ta một con cá. Ông Đại Tiến, ở đây có chỗ câu cá à? Tôi có thể câu cá làm thức ăn.

- Có, ông đi men theo chân núi về phía bên phải, có một cái hồ. - Hà Đại Tiến không yên tâm, nói: - Ông đừng có dại dột nhảy hồ nữa đấy.

- Không đâu, ông yên tâm đi. - Đường Tam Bàn nói: - Tôi sẽ đi mượn mấy vị "đạo hữu" cần câu. Nếu câu được nhiều cá, tôi sẽ ra chợ bán lấy tiền. He he.

Hà Đại Tiến cười đáp:

- Trong chợ thành phố có đầy cá, ai thèm mua.

- Không đúng, không đúng. Bây giờ người ta rất thích thực phẩm từ thiên nhiên. Nếu nghe nói là cá tươi câu ở hồ tự nhiên, không ô nhiễm ở nông thôn, sẽ bán được giá cao ngay.

Hà Đại Tiến giật mình:

- Thật à?

- Đúng vậy.

- Vậy tối nay chúng ta đi bắt cá, ngày mai đi bán.

Đúng lúc này Tống Kim bước vào, nghe họ nói phải đi bán cá, ông nói:

- Tôi nói trước, tôi không đi đâu đấy.

Hà Đại Tiến hỏi:

- Thế ông có ăn cơm không?

- Ăn chứ.

- Vậy tối nay ông nghiêm chỉnh đi bắt cá với chúng tôi, ngày mai thì cùng đi bán cá. Nếu không đừng có mơ mà ăn cơm.

Tống Kim ngơ ngác, nghĩ mình đường đường là một ông chủ tập đoàn lớn mà sắp sửa rơi vào thảm cảnh tay đầy mùi cá, ông run rẩy cả người.

Không sống nổi nữa rồi!