“Cốc cốc cốc cốc…”
“…”
Tương truyền rằng chỉ có hồn ma mới gõ cửa bốn tiếng, người bình thường đều gõ ba tiếng.
---
Hôm nay trong làng tôi có người chết. Bố mẹ tôi cùng với mấy người trong làng đã ra ngoài phụ giúp gia đình đó làm tang lễ. Nghe nói còn mời cả sư thầy về để gọi hồn.
Gia đình đó mấy năm nay liên tục có người chết, người ta gọi đó là trùng tang, đã liên tục ba năm rồi.
Mấy đứa trẻ chúng tôi không được phép đi theo là bởi vì sợ gọi nhầm hồn. Vả lại chúng tôi lại yếu bóng vía, lỡ nhìn thấy gì không nên thấy thì lại rắc rối.
Chúng tôi tụ tập lại ở nhà chú Phương cô Liễu để ăn tối và ngủ lại đó.
Anh Nghi là người lớn nhất trong đám con nít chúng tôi, năm nay anh ấy lớp tám rồi. Hiển nhiên chúng tôi đang vây quanh anh ấy và hóng chuyện.
“Bốp bốp…”
“Mấy đứa tập trung vào, bây giờ anh sẽ kể cho mấy đứa về một chuyện xưa ở làng chúng ta. Đứa nào yếu tim trùm chăn ngủ trước đi nhé.”
Nghe tới đó đám chúng tôi nhao nhao cả lên.
“Thôi em hơi sợ…”
“Chưa kể mà em thấy lạnh rồi đó nha.”
“Mấy đứa con gái sợ thì vô ngủ đi…”
…
Cả đám ngồi lại nghe anh Nghi kể chuyện, chỉ có con Phương và Linh sợ quá nên quyết định vào ngủ sớm.
[Hồi còn nhỏ, anh có nghe bà kể lại.
Trước kia, cái thời mà anh còn chưa đẻ, làng mình là một làng nghèo khó. Thời tiết không thuận lợi kèm theo mưa lũ hàng năm làm ảnh hưởng đến các vụ mùa, lương thực và hoa màu cứ theo mưa gió bị cuốn trôi hết.
Bỗng nhiên năm đó lũ dâng lên rất cao, đấy là trận lũ lịch sử nhất. Ông Tư, tức là bố của chú Thắng, trong khi đánh cá mùa lũ đã kéo được một cái hộp gỗ bị khoá rất kỹ. Mặc dù bị ngâm trong nước nhưng chiếc hộp vẫn còn mới tinh. Thậm chí cái ổ khoá còn được làm bằng vàng.
“Gì đây? Một cái hộp ư?”
Lúc đầu ông Tư cứ nghĩ nó là một chiếc hộp bình thường nên đem về cho vợ ông ấy xem.
Bà Tư phát hiện cái ổ khoá bằng vàng thì nổi lòng tham muốn đập nó ra và bán đi lấy tiền.
Ông Tư không có chính kiến, hết mực nghe lời vợ.
Để tránh tai mắt của hàng xóm, bà Tư quyết định không bổ nó ra ngay mà để tới đêm khuya mọi người ngủ hết.
Đêm tới, ông Tư lúi húi trong bếp tìm cái rìu bổ củi đã lâu không sử dụng. Bà Tư đặt chiếc hộp lên bệ gỗ, ngồi cạnh đó thúc giục ông Tư.
“Chừng này đủ tiền cho thằng Thắng vào thành phố học rồi. Mua cho con Xinh áo quần mới nữa. Gạo mùa đông này cũng sắp hết…”
Bà đang nhẩm tính xem nếu bán số vàng này đi thì sẽ đổi được bao nhiêu bao gạo, bao nhiêu mét vải,…
Trăng hôm nay bỗng nhiên sáng đến lạ. Đêm nay nghe nói có nguyệt thực một phần. Tuy nhiên bầu trời có chút mây, không thể nhìn tỏ ánh trăng.
“Đây rồi. Tìm mãi không thấy, hoá ra hôm trước tôi bổ củi sau nhà quên đem cất.”
Nói rồi ông Tư giơ cao cây rìu, nhắm chuẩn xác, bổ xuống. Va chạm giữa rìu và cái hộp vang một tiếng ‘cong’ giòn tan.
Cả hai ông bà đều không ngờ được rằng chiếc hộp thế mà không hề hấn gì, chỉ có một nhát chém khá nông trên hộp.
“Gỗ khỉ gì mà cứng thế.”
Bà Tư nhìn vết chém rồi lại nhìn ông Tư:
“Lão già này, mỗi miếng gỗ mục cũng không chặt được.”
“Bà xem nó cứng như đá.”
“Phế vật. Đưa tôi.”
Bà Tư hộc hằn giành lấy chiếc rìu, bổ liên tục vào hộp gỗ.
Chục nhát đầu không đâu vào đâu. Hộp gỗ vẫn cứ trơ ra như chọc tức bà.
Bà nóng rồi.
Bà dùng hết sức bình sinh để bổ.
Hây, hây, hây,…
Khoảng chừng mấy chục nhát nữa thì hộp gỗ đã có chuyển biến.
Rắc.
Hộp gỗ đã bị nứt một đường.
Bà Tư dừng lại, thở hổn hển nói với ông Tư:
“Thấy chưa ông già, ông chỉ được ăn nhiều thôi. Tới bổ tiếp đi. Tôi nghĩ một lúc đã.”
Bà Tư chuyển cây rìu cho ông Tư.
Cả hai người đều không nhận ra rằng đang có chất dịch màu đỏ rỉ ra từ chiếc hộp.
Ông Tư nghe lời vợ bổ lấy bổ để vào chiếc hộp kia như thể kẻ thù.
Bộp bộp…
Tách.
Ông Tư sờ lên gò má mình.
Không quá để ý, ông Tư cứ nghĩ đó là mồ hôi của mình. Đã lâu rồi ông không làm việc quá sức như vậy, đổ mồ hôi cũng là điều bình thường.
Ông Tư tiếp tục vung búa lên.
Vụt.
Đèn dầu bên bệ gỗ bỗng nhiên tắt.
Ông Tư vẫn theo quán tính bổ xuống.
Răng rắc..
Chiếc hộp đã bị vỡ ra. Máu bên trong ào ào chảy ra như bể không đáy, bắn tung toé khắp nơi.
Ông Tư phát điên như bị chọc tiết, liên tục vung rìu.
Được một lúc thì ông Tư dừng lại.
“…Hừ. Bà Tư đâu ra xem, bổ xong rồi này.”
Bà Tư cầm đèn dầu chạy lại.
“Ông già cũng được việc lắm. Để tôi xem nào.”
Ánh trăng ngay sân phụ nhà đột nhiên sáng tỏ, mây vần xung quanh đã tan đi. Nhưng màu nó chiếu xuống không phải là màu trắng ngả vàng mà màu vàng pha đỏ.
Cả bầu trời pha màu đỏ.
Bà Tư không hề chú ý đến bóng lưng người chồng đang đứng không vững ở giữa sân mà chỉ chăm chăm di chuyển tới phía trước để nhìn xem cái hộp.
Bà nhìn thấy hộp gỗ ló ra sau thân hình ông già.
Chiếc hộp gỗ đàn tối màu ban đầu bây giờ đã không còn nhìn rõ được hình dạng, chỉ còn lại một vũng bầy hầy đen thùi lùi.
“Cái gì đây?”
Bà đưa tay sờ lên vũng đen. Cảm giác nhầy nhụa trong tay làm bà cảm thấy hơi nổi da gà.
“Cái hộp đâu? Ông bằm cái gì ở chỗ này đây?”
Bà quay đầu lại.
Ông Tư không trả lời.
Bà dí ngọn đèn dầu về phía ông Tư.
Mặt ông Tư đầy giọt bắn của máu.
“Aaaaaaa…”
Bà Tư giật mình đến nỗi ngã xuống, đèn dầu đổ ra đất, mồm bà la toáng lên:
“Mặt… mặt ông…”
Miệng bà vừa nói, tay vừa chỉ vào mặt ông Tư.
Hai con ngươi của ông Tư không biết từ lúc nào đã đổi thành màu trắng dã, khuôn mặt đầy máu.
“Áaaa… có ai không? Cứu người…. Cứu tôi… Ông Tư phát điên rồi.”
Tiếng la thất thanh của bà Tư vang vọng khắp làng nhưng không hiểu tại sao lại không cứ bất cứ âm thanh nào đáp lại bà.
Cả làng hôm nay im lặng đến lạ, ngay cả âm thanh ếch nhái hay tiếng gà gáy từng canh cũng không có.
Chỉ có tiếng la của bà Tư vang cả làng.
Bà vừa chạy ra đường vừa la lớn.
Trong mắt bà bây giờ cứ hiện lên vẻ mặt của ông Tư ban nãy.
Ông Tư đi không vững nhưng đang từng bước từng buớc kéo lê cây rìu đầy máu tiến về hướng bà Tư chạy.
Không nhanh không chậm.
“Mùi…trên…cơ thể…ngươi. Thật… thơm.”