Bình thường Phùng Dịch cũng sống luôn ở lò gạch, nghe nói cô làm không hết việc ngoài đồng mới trở về ngay trong đêm, lúc người trong thôn đều đã ngủ hết cả rồi thì anh lại đang giúp cô gặt lúa, gặt xong mới về ngủ.
Kiếp trước, sau khi cô và Tạ Tổ Căn kết hôn, Phùng Dịch cũng xin nghỉ việc ở lò gạch để ra ngoài làm công, thẳng cho đến khi cô và Tạ Tổ Căn ly hôn thì mới về.
Thời điểm ấy, Phùng Dịch đã thay đổi rất nhiều rồi.
Ngày trước Khương Lệ Vân vẫn luôn coi Phùng Dịch như em trai nhà hàng xóm, mấy năm không gặp lại phát hiện ra anh đã lớn thành một người đàn ông trưởng thành, cảm quan đối với anh mới dần xuất hiện sự thay đổi.
Cộng thêm Phùng Dịch luôn tới chăm sóc cô, dường như có ý với cô… sau khi cô năm lần bảy lượt bị Tạ Tổ Căn tìm tới gây rối mới quyết định kết hôn với Phùng Dịch.
Thời gian đã trôi qua rất lâu rồi, Khương Lệ Vân có hơi không nhớ nổi bộ dáng của anh bây giờ.
Nhưng suy cho cùng cũng không tệ đâu… Phùng Dịch đẹp trai lắm.
Lò gạch của công xã nằm ở bên cạnh kênh đào, chiếm diện tích không tính là lớn.
Công nhân trong lò gạch sẽ nung gạch ở đây rồi bán cho những người quanh đó, hoặc là vận chuyển bằng tàu thuyền đến những thành phố lớn gần đây.
Tàu mà lò gạch dùng để vận chuyển là “tàu kéo.”
Trước đây nó chỉ là một tàu kéo thôi, sau này kéo thêm mấy thậm chí là mười mấy sà lan, nên trông thành một chuỗi rất dài.
Trên đầu kéo phải có mấy người trông chừng, còn trên một sà lan cuối cùng cũng phải phối thêm ba người nữa, một đoàn tàu này ước chừng cần đến ba, bốn mươi người nên nhân số của đội vận chuyển thuộc lò gạch cũng không ít.
Mà thu nhập của bọn họ cũng thuộc hàng rất cao trong công xa, hiện giờ mỗi tháng tính thêm cả trợ cấp vào là có thể cầm được hơn hai trăm đồng, một vài người thông minh còn có thể kiếm thêm khoản đi lại nữa.
Nhưng đây cũng là một công việc vất vả thậm chí là vô cùng nguy hiểm.
Khi xếp gạch, người của đội vận chuyển phải ra ngoài giúp bê gạch, còn phải luân phiên canh đêm, càng khỏi cần nói thời buổi này trị an không tốt, lái tàu ra ngoài rất dễ gặp cướp, ra đến trường giang sóng to gió lớn, rớt khỏi tàu là cái mạng cũng chẳng còn luôn.
Đương nhiên, cho dù rất vất vả nhưng người ở thời đại này vẫn đổ xô thi nhau xin vào đội vận chuyển.
Dù sao thì làm công nhân bình thường nhất trong lò gạch thật ra cũng vẫn rất nguy hiểm.
Công nhân bình thường không chỉ cần bốc gạch, nung gạch, mà có đôi khi còn phải đi làm công trình, ví dụ như sửa đập nước.
Trước đây công xã bọn họ đã có người ngã xuống dưới tử vong trong lúc đang sửa đập nước.
Nói đến chuyện này… cha mẹ cô chỉ có mỗi một đứa con trai là Khương Lợi Hải mà lò gạch lại có quy tắc là không cho con trai độc nhất đi làm công việc nguy hiểm, cho nên bình thường Khương Hải Lợi chỉ bốc gạch ở lò chứ không cần phải làm công việc nguy hiểm.
Nhưng Phùng Dịch thì lại khác, nhà họ Phùng không thiếu con, mà anh còn không phải con đẻ nữa…
Từ lúc còn rất nhỏ anh đã không thể không lao lên giàn giáo rất cao để sửa đập nước.
Thời buổi này vẫn chưa có biện pháp phòng hộ an toàn gì đó… làm công việc này thật sự rất nguy hiểm.
Khương Lệ Vân nghĩ ngợi, phải kêu Phùng Dịch nghỉ việc sớm một chút thôi.
Ra ngoài làm công còn tốt hơn là ở lò gạch bốc gạch nhiều.
Thời điểm này, công xưởng đã không còn quản lý nghiêm ngặt như ngày xưa nữa, Khương Lệ Vân đi thẳng vào lò gạch cũng hoàn toàn không có người nào cản lại.
Nhưng cô không đi gặp Phùng Dịch ngay lập tức mà ngược lại, đi thăm Khương Lợi Hải trước.