Bọn họ hoặc là lo sẽ bị cậu ta trào phúng (hoặc đã bị cậu ta trào phúng trước đó rồi), hoặc là lo sợ sẽ bị cậu ta liên lụy.
Đây là loại hành vi ngông cuồng mà tổ phụ Quách gia không thể lý giải nổi.
Hiển nhiên Hạ Tri Chương cũng không hy vọng một buổi yến tiệc tết Trùng Cửu đang yên đang lành lại bị người náo loạn đến mức khó coi, vì vậy sớm đã sai người mời Công Tôn Đại Nương ra biểu diễn.
Còn chưa kịp đợi bài thơ "Ngô nhi tận thị Hán nhi gia" của Cố Huống được mọi người truyền tay nhau đọc hết thì các nhạc công đã bắt đầu tấu vũ khúc.
Tất cả khách nhân đều hướng mắt theo tiếng nhạc, nhìn về phía nữ tử phục trang oai hùng đang sải bước nhanh chóng tiến vào sân.
Tam Nương cũng ưỡn thẳng sống lưng nhỏ bé của mình, mở to hai mắt nhìn về phía người đang bước tới.
Nói là “Kiếm khí” nhưng kỳ thực hoàn toàn không có kiếm, hai tay nàng ấy trống không tiến vào bên trong.
Tam Nương nhìn một vòng từ trên xuống dưới mà vẫn không tìm thấy kiếm, nàng thực sự rất muốn quay đầu hỏi Chung Thiệu Kinh rằng chuyện gì đang xảy ra đây, nhưng lại sợ làm phiền đến Chung Thiệu Kinh xem múa nên chỉ đành kiềm chế lại một bụng ngờ vực mà tiếp tục xem màn biểu diễn cực kỳ hiếm có này.
Ty giáo phường* chia ca múa ra làm hai loại lớn, một loại là “kiện vũ” với những động tác khỏe khoắn cứng cáp, loại còn lại là “nhuyễn vũ” mềm mại yêu kiều, ý nghĩa cũng như tên gọi, đa phần loại thứ nhất sẽ oai phong mạnh mẽ như rồng lượn, còn loại thứ hai phần lớn sẽ nhẹ nhàng uyển chuyển tựa như loài chim hồng nhạn bị kinh động, mỗi loại đều có vẻ đẹp riêng.
(*:Ty giáo phường là cơ quan chuyên nắm giữ tục nhạc (âm nhạc dân gian), là nơi thu thập, chỉnh lý và truyền bá nhạc vũ dân gian. Có Ty giáo phường cấp phủ (tỉnh, thành hiện nay) và Ty giáo phường cấp huyện bao gồm giáo phường các xã, các giáp, các họ mà thành.)
Sau khi thừa kế ngôi vị, đương kim hoàng thượng Lý Long Cơ đã có một thời hết mực chăm lo việc nước, ngay đến rượu cũng rất ít động vào, duy chỉ có mỹ sắc và ca múa là không cai được.
Năm Khai Nguyên* thứ nhất, ông ta bèn chọn ra ba trăm con em hậu duệ của các nhạc công đến vườn lê trong cung để đích thân chỉ dạy, thế nhân gọi đây là "Đồ đệ của hoàng đế" hoặc là "Đồ đệ vườn lê". Nhờ sự thúc đẩy hết sức mạnh mẽ của chính bản thân hoàng đế mà nhân dân trong dân gian cũng vô cùng yêu thích thưởng thức các tiết mục trình diễn ca múa.
(*: Khai Nguyên - niên hiệu của vua Đường Huyền Tông tức vua là Lý Long Cơ công nguyên (713-741).)
Công Tôn Đại Nương vào những Khai Nguyên đầu tiên đã rất nổi danh, đến nay đã qua hơn mười năm, dung mạo nàng ấy từ sớm đã không còn trẻ trung như lúc đó nữa. Thế nhưng cho dù đã hơn ba mươi tuổi thì khi hành lễ với mọi người, nàng ấy vẫn thu hút ánh mắt của tất cả mọi người như cũ.
Ít nhất là Tam Nương vẫn cảm thấy vị đại tỷ hơn nàng rất nhiều tuổi này nhìn rất xinh đẹp, hơn nữa còn là kiểu xinh đẹp tỏa sáng lấp lánh sau khi đã được năm tháng mài giũa thành.
Dù cho phải đối mặt với khung cảnh yến tiệc tràn ngập quan khách thì Công Tôn Đại Nương vẫn không nhanh không chậm hành lễ xong, sau đó đứng thẳng người dậy nghiêng tai lắng nghe tiếng nhạc trong sảnh. Trên người nàng ấy không có vũ y rực rỡ, trong tay cũng không có trường kiếm lóe lên sắc hàn quang sắc bén, tựa như cô độc lẻ loi một mình đứng giữa trời đất.